Trang chủBệnh tim mạchChế độ sinh hoạt, làm việc và rèn luyện của người tăng...

Chế độ sinh hoạt, làm việc và rèn luyện của người tăng huyết áp

Người bệnh tăng huyết áp rèn luyện thể lực như thế nào ?

Rèn luyện thể lực là một yêu cầu hết sức quan trọng đối với tất cả mọi người bình thường để giữ vững và nâng cao sức khoẻ. Cơ thể có khoẻ mạnh thì giúp cho việc chống đỡ với bệnh tật tốt hơn, hoạt động thể lực và trí lực tốt hơn, có hiệu quả hơn, ăn khoẻ, ngủ ngon, tinh thần sảng khoái. Luyện tập đều đặn còn làm cho tim thích ứng được với những yêu cầu cao về cung cấp máu khi gắng sức bất thường và làm tăng lipoprotein HDL là loại lipoprotein tốt phòng chống bệnh vữa xơ động mạch. Bình thường khi vận động thể lực nặng thì mạch nhanh và huyết áp tăng (huyết áp tâm thu tăng nhiều hơn huyết áp tâm trương) để đảm bảo cho nhu cầu tăng thêm về máu, mang thêm oxy và các chất dinh dưỡng đến các cơ. Mức tăng cao của mạch và huyết áp nhiều hay ít phụ thuộc vào cường độ vận động và tình hình có được luyện tập đều hay không, những thay đổi này sẽ nhanh chóng được hồi phục trở lại sau khi ngừng vận động.

Tập luyện đúng cách rất cần thiết với người tăng huyết áp
Tập luyện đúng cách rất cần thiết với người tăng huyết áp

Ở người bệnh tăng huyết áp, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc rèn luyện thể lực thường xuyên ngoài việc làm tăng lipoprotein HDL còn tham gia vào việc làm cho huyết áp giảm do làm giảm hoạt tính renin huyết tương, giảm tiết adrenalin và nor- adrenalin là các chất hormon làm co mạch gây tăng huyết áp, làm tăng nồng độ prostaglandin PGE2 và taurin, prostaglandin PGE2 là một chất giãn mạch, taurin là một acid amin có tác dụng ức chế adrenalin và noradrenalin. Kiểm tra các cơ ở những người này, người ta cũng thấy các mao mạch phát triển nhiều hơn, máu được giữ nhiều ở các cơ và các phủ tạng nên làm giảm sức cản ngoại vi và làm giảm huyết áp. Tuy nhiên, những tác dụng này chỉ có được với 3 điều kiện:

  • Tập thể dục phải kéo dài ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Phải tập tương đối thường xuyên, ít nhất 3 lần mỗi tuần và phải tập mãi mãi vì nếu ngừng tập thì những kết quả tốt đó sẽ mất đi ngay.
  • Cường độ tập vừa phải, vì tim đã chịu gánh nặng thường xuyên do áp lực máu tăng cao, nay lại phải chịu thêm gánh quá nặng mới do tập với cường độ cao hoặc quá cao thì mạch sẽ càng nhanh hơn, huyết áp càng tăng cao hơn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh vì tai biến vỡ mạch nhất là với mạch não (chảy máu não) hoặc làm cho cơ tim phải làm việc nhiều hơn, tim sẽ càng to ra nhanh hơn với những hậu quả càng phức tạp.

Vì vậy chỉ nên tập nhẹ nhàng, lấy dai sức làm chính, tập như thế nào để khi tập xong không phải thở gấp, hổn hển, vẫn thở bằng mũi và kín miệng được, vẫn nói chuyện được thoải mái, mạch và huyết áp phải trở lại mức trước khi tập sau 5-10 phút là cùng. Tập thể dục tại chỗ kết hợp với đi bộ, cường độ tăng dần hàng tuần để có sự thích nghi của cơ thể nhất là với người có tuổi ; nếu huyết áp đã ổn dịnh và xuống dưới 140/90 mmHg thì có thể chạy bước nhỏ, chạy chậm nhẹ nhàng từng đoạn ngắn 50-100m, từng thời gian ngắn một vài phút, xen kẽ với đi bộ, mức này có thể tăng dần dần hàng tuần. Người bệnh có thể bơi lội dược nhưng chỉ bơi nhẹ nhàng, nước hồ bơi mắt, không lạnh để tránh co mạch ngoại vi đột ngột làm tăng huyết áp. Không tắm nắng kéo dài.

Tránh những gắng sức thể lực lớn trong luyện tập cũng như trong sinh hoạt, tránh những động tác nặng đòi hỏi phải gắng sức nhiều, nhất là những gắng sức đột ngột, không chơi thể thao, nhất là phải thi đấu, dù chỉ là chơi bóng bàn vì khó có thể xác định được cường độ gắng sức khi vào cuộc.

Tập thở tương đối sâu để đưa thêm oxy vào 2 phổi, không nên cố thở rất sâu, dễ bị choáng váng; thì hít vào, phải hít từ từ và phình bụng dần, khi đó 2 lá phổi nở được nhiều đồng thời lại vận động được các phủ tạng trong bụng; thở vào đủ thì ngừng một chút rồi bắt dầu thì thở ra. Thở ra cũng nhẹ nhàng và phải thót bụng lại để tống hết khí ra ngoài.

 Xoa bóp giúp cải thiện Tăng huyết áp

Xoa bóp giúp cải thiện Tăng huyết áp

Xoa bóp cũng có tác dụng tốt với người bệnh tăng huyết áp; xoa bóp toàn thân làm cho các mạch máu có ở dưới da và trong các cơ phát triển, máu được dồn tới các vùng đó nhiều hơn làm cho quá trình trao đổi oxy và các chất dinh dưỡng ở các tế bào tốt hơn, mặt khác giúp cho việc phân bố lại máu ra ngoại vi nhiều hơn, hậu quả là làm giảm huyết áp ở các mạch máu lớn khi ta đo huyết áp. Người bệnh nên tự học những bài tập xoa bóp để tự mình làm hàng ngày. Đối với những cơn tăng huyết áp kịch phát mà huyết áp dột nhiên tăng rất cao, nhiều bệnh viện chỉ dùng xoa bóp toàn thân để làm giảm huyết áp và đã thấy có kết quả, 20 đến 30 phút sau thì huyết áp tâm thu có thể giảm xuống 30-50 mmHg, huyết áp tâm trương có thể giảm xuống 15-30 mmHg.

Chế độ sinh hoạt và làm việc

Với người bệnh tăng huyết áp, chế độ sinh hoạt và làm việc lại càng phải khoa học, điều độ, làm sao cho trí não luôn được thoải mái, giải quyết công việc có hiệu quả mà không gây mệt mỏi thần kinh, tránh phải suy nghĩ công việc triền miên liên tục suốt ngày. Trong ngày nên thu xếp có thời gian nghỉ ngơi kể cả nghỉ ngơi tích cực, nghe âm nhạc, xem báo chí, có lúc tham gia lao động chân tay như các công việc gia đình, chăm sóc cây cối, bảo đảm ngủ đủ, giữ được tâm hồn thanh thản, tránh stress, căng thẳng thần kinh ; stress làm cho hệ thần kinh giao cảm bị kích thích tiết ra adrenalin và noradrenalin có tác dụng co mạch ngoại vi và làm tăng huyết áp. Ngày chủ nhật, nên thu xếp nghỉ hoàn toàn để trí não cũng được nghỉ ngơi, hàng năm coi trọng những ngày nghỉ phép, sử dụng sao cho việc hồi phục sức khoẻ cả về thể lực lẫn trí lực được tốt góp phần làm huyết áp giữ được ổn định.

Bệnh nhân có thể đi máy bay được nhưng buồng hành khách phải được đảm bảo có điều hoà áp lực. Cũng chỉ nên đi khi huyết áp đã tương đối ổn định với điều trị.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây