Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thay đổi cả về thời lượng và chất lượng giấc ngủ. Người bệnh có thể ngủ ít, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
Tuy nhiên, đa số rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là ngủ ít, mất ngủ. Người bệnh có thể lâm vào tình trạng khó vào giấc, hay tỉnh giấc, ngủ không sâu, hay mê… và do đó thường có cảm giác mệt mỏi, uể oải, ngủ gà vào ban ngày. Rối loạn giấc ngủ làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Giấc ngủ bình thường có ba phần chính:
- Giấc ngủ yên tĩnh: được chia thành bốn giai đoạn, càng về những giai đoạn sau, giấc ngủ càng sâu. Giấc ngủ yên tĩnh còn được gọi là giấc ngủ sâu.
- Giấc ngủ nhanh hay còn gọi là giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement). Giấc ngủ này xảy ra khi mắt đã nhắm, có cảm giác chìm vào giấc ngủ nhưng não còn tỉnh táo, đồng tử hoạt động nhanh. Hầu hết các giấc mơ xảy ra ở giấc ngủ REM.
- Thời kỳ hoạt động ngắn trong khoảng từ 1 – 2 phút.
Trong thời gian ngủ mỗi đêm có khoảng 4-5 giấc ngủ yên tĩnh xen kẽ với 4-5 giấc ngủ REM, cứ khoảng 2 giờ thì có 1 – 2 phút xảy ra hiện tượng hoạt động ngắn, hiện tượng này thường xảy ra nhiều hơn vào cuối giấc ngủ.
Mỗi cơ thể khác nhau có nhu cầu về thời gian ngủ khác nhau. Một số người khỏe mạnh, không có cảm giác mệt mỏi vì nhiều nguyên nhân khác nhau trong ngày cần ngủ từ 3 – 4 giờ/đêm; tuy nhiên, đa số cần ngủ nhiều hơn, trung bình từ 6 đến 8 giờ/đêm. Thời gian ngủ bình thường được xác lập vào những năm đầu của tuổi trưởng thành; khi con người ở giai đoạn lão hoá, thời gian ngủ được rút ngắn hơn, dưới 6 giờ/đêm.
Do những ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống mà tình trạng mất ngủ gây ra, năm 2001, Tổ chức Y tế Thế giới đã quy định lấy ngày 21 tháng 3 hàng năm là “ngày thế giới ngủ”.
Tình trạng mất ngủ tăng dần theo tuổi. Thông thường, có khoảng 10 – 20% người trưởng thành bị mất ngủ vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tỷ lệ này tăng đến 50% đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, tình trạng mất ngủ chỉ xảy ra với những người già mắc một bệnh nào đó hoặc có những vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Theo “Quỹ tài trợ về bệnh mất ngủ quốc gia Mỹ”, chỉ có khoảng 5% bệnh nhân đi khám bệnh do bị mất ngủ, 26% bệnh nhân tình cờ đề cập đến bệnh mất ngủ khi đi khám những bệnh khác và có tới 69% không hề kể với bác sỹ về tình trạng mất ngủ của mình. Vì vậy, người thầy thuốc cần phải hỏi thêm về tình trạng ngủ của người bệnh để chẩn đoán được những trường hợp mất ngủ kéo dài.
Để đạt được kết quả điều trị tốt, cần xác định được nguyên nhân gây mất ngủ. Vì vậy, trong quá trình hỏi bệnh, thầy thuốc phải nắm được các thông tin về tình trạng giấc ngủ của người bệnh (tốt nhất là những thông tin được cung cấp từ những người ngủ cùng người bệnh), giờ đi ngủ, thói quen trước khi ngủ, tiền sử bệnh tật, những thuốc đang sử dụng, tình trạng sử dụng rượu, bia, thuốc lá… của người bệnh. Với những bệnh nhân bị mất ngủ từ 6 tháng trở lên không đáp ứng với điều trị, cần có những xét nghiệm hỗ trợ cho chẩn đoán như: điện não đồ, điện tim, đo nhịp thở bằng máy monitor trong khi người bệnh đang ngủ để có thể phát hiện ra những dấu hiệu bất thường.
ĐỊNH NGHĨA
Khái niệm về mất ngủ hiện nay vẫn chưa thống nhất. Hiện tại, dựa trên những quan điểm khác nhau về mất ngủ mà các nhà nghiên cứu đã đưa ra bốn loại định nghĩa về mất ngủ như sau:
- Định nghĩa 1: mất ngủ là triệu chứng với bốn biểu hiện chủ yếu:
+ Khó vào giấc.
+ Khó duy trì giấc ngủ.
+ Dậy sớm (bị mất ít nhất 1/3 thời gian ngủ so với bình thường).
+ Không tỉnh táo sau khi thức giấc.
- Định nghĩa 2: mất ngủ là một triệu chứng có một trong bốn biểu hiện như của định nghĩa 1, là hậu quả của các hoạt động ban ngày.
- Định nghĩa 3 (theo “Toàn cầu không hài lòng về giấc ngủ” – Maurice M. Ohayon, 1994): mất ngủ là một biểu hiện rối loạn về thời lượng và chất lượng giấc ngủ kéo dài ít nhất từ 6 tháng trở lên.
- Định nghĩa 4 (dựa vào tình trạng mất ngủ): mất ngủ phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng và những điều kiện khác nhau của mỗi cá thể. Có hai loại: mất ngủ tiên phát và mất ngủ thứ phát.
NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH
Có nhiều yếu tố gây mất ngủ ở người cao tuổi bao gồm: giảm hoạt động thể lực, ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, giảm ngưỡng bị đánh thức (dễ bị thức giấc hơn), thay đổi nhịp sinh học, giảm khả năng phục hồi các chức năng của cơ thể khi cơ thể bị lão hoá… Ngoài ra, các bệnh lý toàn thân như: sa sút trí tuệ, bệnh lý mạch máu não, viêm đường hô hấp, đau xương khớp, bệnh lý tim mạch… đều làm giảm chất lượng giấc ngủ. Những người nhàn rỗi, ít luyện tập thể dục thể thao hay phàn nàn rang họ bị mất ngủ ban đêm nhưng trên thực tế, họ thường xuyên ngủ gà vào ban ngày và tổng số giờ ngủ trong ngày của họ đã đủ 8 giờ.
Có bốn nhóm nguyên nhân chính gây mất ngủ ở người cao tuổi:
- Các bệnh gây rối loạn giấc ngủ tiên phát: phổ biến nhất là hiện tượng ngừng thở khi ngủ; tình trạng này thường xảy ra ở nam giới béo có hiện tượng ngủ ngáy, ở những người này, đường thở bị hẹp hoặc tắc nghẽn trong khi đang ngủ. Do giảm tổng lượng oxy tới phổi, gây cảm giác thiếu không khí nén người bệnh thường tỉnh giấc giữa chừng. Tuy nhiên, đối với những người ngủ ngáy nhưng không có hiện tượng ngừng thở khi ngủ vẫn có giấc ngủ bình thường. Ngoài ra, các hiện tượng chân tay cử động tự phát khi ngủ cũng gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.
- Các bệnh gây rối loạn giấc ngủ thứ phát: các bệnh gây đau (thoái hoá khớp, viêm khớp, loãng xương, đau do thiểu năng động mạch vành…), các bệnh gây tiểu đêm (do u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường…) hoặc gây khó thở (suy tim, viêm phế quản, hen phế quản…) thường xảy ra vào lúc nửa đêm về sáng, làm cho người bệnh bị tỉnh giấc giữa chừng và sau đó rất khó ngủ tiếp.
- Các bệnh lý tâm thần kinh: trầm cảm, hay lo âu (về uy tín, công việc xã hội, công việc gia đình, tình hình tài chính của bản thân và gia đình…), sa sút trí tuệ là những bệnh thường hay gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.
- Do thuốc: một số loại thuốc khi sử dụng có ảnh hưởng tới giấc ngủ. Ví dụ:
+ Thuốc mê, cocaine, ma tuý.
+ Các thuốc có tác dụng kích thích.
+ Các thuốc lợi tiểu.
+ Một số thuốc chống suy nhược.
+ Các loại thuốc steroid.
+ Các thuốc chẹn beta giao cảm.
+ Thuốc giảm đau có chứa caffeine.
+ Một số loại thuốc ho.
Đồng thời, nếu một người đang sử dụng các thuốc gây ngủ hoặc thuốc an thần mà dừng lại đột ngột thì có thể là nguyên nhân gây mất ngủ trở lại. Ngoài ra, một số chất kích thích như: rượu, caffeine, nicotine cũng là yếu tố gây mất ngủ.