Trang chủBệnh tâm lýBệnh loạn thần kinh - Chẩn đoán và điều trị

Bệnh loạn thần kinh – Chẩn đoán và điều trị

Định nghĩa

Những rối loạn tâm thần có đặc điểm sau đây: bệnh nhân có những hành vi bất thường mà tuy bản thân ý thức được nhưng lại không có khả năng kiềm chế nổi, biểu hiện bởi những biến đổi về tính dễ xúc cảm và khả năng tình cảm, nhưng những chức năng tâm thần thì vẫn toàn vẹn.

Giải phẫu bệnh

Những trường hợp bệnh loạn thần kinh đều không có cơ sở giải phẫu bệnh rõ rệt.

Các thể lâm sàng

LOẠN THẦN KINH SUY NHƯỢC: tình trạng mệt nặng nề, đặc biệt là không có sự tương xứng giữa cường độ bị mệt và những nguyên nhân do bệnh nhân nêu ra. Bệnh nhân bị mệt dữ dội hơn vào buổi sáng, so với buổi chiều, không bớt mệt khi nghỉ ngơi và mệt nặng thêm khi không hoạt động. Đây là thể hay gặp nhất trong khám chữa bệnh đa khoa. Thể này là lý do quan trọng nhất khiến người lao động có bảo hiểm y tế nghỉ làm việc.

LOẠN THẦN KINH HOẢNG SỢ

– Trạng thái lo âu mạn tính: bệnh nhân cảm thấy có sự căng thẳng chung, lo lắng, bồn chồn, dễ bị giật mình sửng sốt, tăng động, dễ bị kích động, dễ cáu giận, không cảm thấy thoải mái. Loạn thần kinh hoảng sợ có thể kèm theo những hiện tượng thần kinh thực vật khách quan: đỏ mặt hoặc tái mặt, ra nhiều mồ hôi, nhịp tim nhanh, hồi hộp, thở nhanh, giãn đồng tử, đôi khi đau giống như cơn đau thắt ngực, co thắt ống tiêu hoá, run. Chẩn đoán phân biệt với:  những trường hợp có nguyên nhân thực thể, nhất là cơn đau thắt ngực, hoặc nhồi máu cơ tim, hạ đường huyết, rối loạn tiêu hoá. Điều trị: tâm lý liệu pháp, kỹ thuật thư giãn, các loại benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm.

– Cơn hoảng sợ: lo âu mạn tính thường nặng thêm bởi những đợt cấp tính (xem: cơn kinh hoàng ở phần dưới). Đôi khi để thoát khỏi nỗi hoảng sợ, bệnh nhân có thể tự sát (“xung động lo âu mãnh liệt”).

LOẠN THẦN KINH BỆNH TƯỞNG: lo âu cố hữu về mặt cơ thể. Thể loạn thần kinh này biểu hiện bằng những nỗi lo lắng hoảng sợ và đôi khi ám ảnh về vấn đề tình trạng sức khoẻ của bản thân, và bởi nỗi sợ hãi bệnh lý cho rằng mình mắc một bệnh nặng. Bệnh nhân luôn chú ý tới những chức năng trong cơ thể của mình (nhịp đập của tim, nhu động của ruột, tiểu tiện, V…V..). Đôi khi bệnh nhân chỉ còn giới hạn hoạt động của mình trong việc không ngừng đi khám bệnh. Những than phiền về thực thể rất chi tiết, nhưng không tương xứng với bất cứ một bệnh nào có thể xác định được, và những xét nghiệm cận lâm sàng đều âm tính. Trong những trường hợp như thế, thì điều quan trọng là không nên tăng thêm những xét nghiệm cận lâm sàng và những xét nghiệm bổ sung không có lý do, để khỏi làm cho bệnh nhân chú ý thêm tới một bệnh thực thể nào đó vốn không hề có.

Hội chứng Munchausen là một thể loạn thần kinh bệnh tưởng, đặc hiệu bởi xu hướng dai dẳng làm như bị mắc các bệnh khác nhau với những triệu chứng dữ dội và nguy hiểm, dẫn bệnh nhân tới hoàn cảnh hay phải nhập viện hoặc có khi phải phẫu thuật. ĐỐI tượng có thể cho là mình bị chảy máu nặng và yêu cầu được truyền máu. Những triệu chứng thường được giả vờ một cách khéo léo tới mức làm cho thày thuốc phải bối rối.

Hội chứng được mang tên Bá tước Munchausen, là người đã kể lại những trường hợp không thể tin được xảy ra vào thế kỷ thứ XVIII.

HỘI CHỨNG STRESS SAU CHẤN THƯƠNG: là rối loạn thần kinh do chịu tác động của một stress rất nặng nề của môi trường, và có đặc tính là bệnh nhân bị chứng lo âu mạn tính; có những cơn hồi tưởng lại chấn thương, những cơn ác mộng, cảnh giác quá đáng và mất ngủ. Đôi khi bệnh nhân có những phản ứng ám sợ khi phải đổì mặt với một hoàn cảnh gợi lại chấn thương cũ, hoặc gợi lại tình cảm tội lỗi cho rằng mình đã sống sót được qua một hoàn cảnh mà nếu là người khác thì đã bị chết. Nguyên nhân hay gặp nhất là những tai hoạ (cháy lớn, lụt lội, động đất, vụ nổ), những cảnh tàn khốc đẫm máu, những hành động khủng bố, những hoàn cảnh bị tra tấn và những chấn thương sọ (xem từ này).

LOẠN THẦN KINH ÁM SỢ: là sự hệ thống hoá và cố định nỗi hoảng sợ đối với những vật thể, những hoàn cảnh, những hành động hoặc những người nào đó đã trở thành đối tượng của trạng thái ám sợ. Chỉ cần đơn giản gợi nhớ tới đối tượng của ám sợ là cũng có thể làm khởi động sự hoảng sợ của bệnh nhân. Có những bệnh nhân sợ khoảng rộng, sợ đám đông, sợ những nơi công cộng (chứng ám sợ khoảng rộng), có người sợ nơi bị đóng kín (ám sợ nhốt kín), sợ khi lên cao (ám sợ độ cao). Những rối loạn này thường có những cơn kinh hoàng xảy ra trước. Có một số tác giả không công nhận sự phân biệt loạn thần kinh hoảng sợ với loạn thần kinh ám sợ.

LOẠN THẦN KINH ÁM ẢNH: nét điển hình của thể loạn thần kinh này là tính chất cưỡng bức của một số ý tưởng (ý nghĩ), nỗi sợ, hoặc những hành vi áp đặt trên bệnh nhân và đẩy người này vào trong một cuộc đấu tranh kiệt lực chống lại hiện tượng có tính cưỡng bức nói trên, mà chính mình thì lại không ngừng băn khoăn về sự khó hiểu của hoàn cảnh mà mình bị đẩy vào. Người ta phân biệt những ý nghĩ có tính chất cưỡng bức (các ám ảnh) và những hành vi diễn đi diễn lại (những cưỡng bức) đã thúc đẩy bệnh nhân tối việc thực hiện một hành động nào đó. Hành động này có khi được thực hiện, ví dụ trong chứng hưng cảm trộm cắp, hoặc không bao giờ được bệnh nhân thực hiện, vì nỗi sợ hãi gây tê liệt đã nhốt kín bệnh nhân bị ám ảnh vào trong một nghi thức những cơ chế bảo vệ mà người này không dám vi phạm. Điều trị: thuốc chống trầm cảm tiết serotonin (clomipramin, fluvoxamin, fluoxetin, hoặc trazodon). Kết quả của các liệu pháp tâm lý và tâm thần không chắc chắn lắm.

LOẠN THẦN KINH HYSTERIA: là thể loạn thần kinh đặc hiệu bởi tăng tính biểu hiện thực thể (bệnh sân khấu), thể hiện bởi những cơn giả co giật (cơn hysteria lớn), bởi chứng mất đứng-mất đi (xem từ này), những cơn liệt, mất cảm giác hoặc giảm cảm giác, những rối loạn thị giác (chứng mù hysteria), V..V… Người ta cũng thấy bệnh nhân có những rối loạn tâm thần, có liên quan tới tính dễ bị ám thị (ảo giác thị giác, mộng thức, bịa chuyện tưởng tượng). Có thể xuất hiện chứng quên về sau.

LOẠN THẦN KINH CHUYÊN ĐỔI (THỰC THỂ HOÁ: thuật ngữ này dựa trên lý thuyết phân tâm học, đôi khi được dùng để chỉ ra rằng đối tượng chuyển nỗi hoảng sợ của mình thành những lời than phiền và nhiều biểu hiện thực thể khác nhau (buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, nhức đầu, đau bụng kinh, v.v…).

HỘI CHÚNG BRIQUET: liệt cơ hoành nguồn gốc hysteria, với biểu hiện mất phát âm (mất tiếng) và ngừng thở.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây