Tên khác: bệnh Hashimoto, viêm tuyến giáp tự miễn, viêm bướu cổ u lympho, viêm tuyến giáp lympho bào mạn tính.
Định nghĩa
Bệnh viêm mạn tính tuyến giáp do nguyên nhân tự miễn, với đặc điểm xuất hiện dần dần bướu cổ lan toả, không đau và khá chắc (rắn) và những dấu hiệu muộn của nhược năng tuyến giáp.
Căn nguyên
Là bệnh tự miễn với những kháng thể kháng giáp chống lại thyreoglobulin và microsom của những tế bào biểu mô ở các nang tuyến. Nhiều bệnh nhân có kháng nguyên HLA-DR3 và HLA-DR5.
Bệnh có thể kết hợp với những bệnh tự miễn khác, nhất là hội chứng Sjögren, bệnh thiếu máu ác tính, bệnh tạo keo, bệnh đái tháo đường, và bệnh viêm đa khớp dạng thấp.
Giải phẫu bệnh: thâm nhiễm tê bào lympho ít nhiều lan toả trong tuyến giáp, hình thành những nang lympho, nhu mô tuyến bị phá huỷ và xơ hoá khi bệnh tới giai đoạn muộn.
Triệu chứng
Bệnh hay xảy ra nhất là ở phụ nữ từ 30-40 tuổi, biểu hiện bởi hiện tượng vùng đáy cổ to rộng dần dần. Khi sờ nắn, thấy bướu cổ lan toả cả hai bên, đôi khi không đối xứng, không đau, mật độ bướu từ đàn hồi tới rắn. Những dấu hiệu nhược năng tuyến giáp thường xuất hiện muộn. Trong một số trường hợp nhược năng tuyến giáp là biểu hiện đầu tiên của bệnh Hashimoto, mà hãn hữu cũng có biểu hiện ưu năng tuyến giáp. Bệnh diễn biến chậm chạp trong vòng nhiều năm. Có thể bệnh sẽ ổn định, nhưng cũng có thể dẫn tới phá huỷ dần dần nhu mô tuyến (xem: nhược năng tuyến giáp ở người lớn). Bệnh không thể khỏi tự phát. Trường hợp hiếm xảy ra là một clôn (dòng ) tế bào lympho B sinh sản đơn clôn tiến tối hình thành u lympho tuyến giáp, mà về lâm sàng biểu hiện bởi tăng thể tích bướu cổ một cách ghê gốm.
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Hàm lượng thyroxin tự do (Free T4 – FT4) trong huyết tương mới đầu bình thường, sau đó giảm thấp.
- Hàm lượng thyreostimulin (TSH) trong huyết tương: cao (nhược năng tuyến giáp nguyên phát).
- Tốc độ máu lắng: tăng ít.
- Gammaglobulin huyết tương: cao.
- Kháng thể kháng giáp lưu hành trong máu: hàm lượng cao (là những kháng thể kháng thyreoglobulin, kháng microsom, hoặc kháng thyroperoxydase).
Xét nghiệm bổ sung
- Siêu âm: cấu trúc của tuyến thuần nhất (đồng đều), sóng phản hồi giảm mạnh với bờ trên và dưổi hình tròn và mặt sau nham nhở.
- Chụp nhấp nháy: mức gắn iod phóng xạ thường cao và đồng đều.
Chẩn đoán phân biệt với những trường hợp dưới đây
- Ung thư tuyến giáp: khối u thường nhiều nhân, mật độ rắn hơn. Chẩn đoán dựa vào kết quả sinh thiết.
- Viêm tuyến giáp bán cấp tính: diễn biến nhanh hơn, tuyến giáp sưng to, đau, có những nhân nhỏ rắn, kháng thể kháng giáp không tăng hoặc tăng ít.
- Trong hội chứng Schmidt(xem hội chứng này): thì viêm tuyến giáp kết hợp với suy tuyến vỏ thượng thận và thường với cả suy những tuyến nội tiết khác.
Điều trị
- Nếu bướu cổ không quá to, hormon tuyến giáp bình thường: không cần điều trị.
- Nếu bướu cổ to: cho dùng levothyroxin nhằm kìm hãm bài tiết thyreostimulin (TSH), hormon này có thể đóng vai trò trong sự phát triển sau bướu cổ. Corticoid cũng có thể làm giảm thể tích bướu cổ.
- Nhược năng tuyến giáp có hoặc không kèm theo bướu cổ: điều trị thay thế bằng hormon tuyến giáp như trong trường hợp nhược năng tuyến giáp ở người lớn.
- Điều trị bằng những thuốc ức chế miễn dịch là công việc của những chuyên gia sâu.
- Trong trường hợp có nhân nhỏ nghi ngờ ung thư phải phẫu thuật cắt bỏ hoặc phải làm sinh thiết.
Tôi được chẩn đoán là bị viêm tuyến giáp mạn tính sau khi đã làm các xét nghiệm miễn dịch, sinh hóa máu và siêu âm tuyến giáp. Bác sĩ dặn tôi nên theo dõi sức khỏe và khám định kì 2 tháng 1 lần. Tôi được bac sĩ kê đơn thuốc bổ sung calci và panagin. Tôi muốn biết bệnh viêm tuyến giáp có nguy hiểm đến tính mạng không?
Tôi muốn biết thêm về việc dùng thuốc gì để điều trị khỏi hẳn bệnh viêm tuyến giáp mạn tính? Rất mong được bác sĩ giúp đỡ tư vấn ạ. Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Bác sĩ tư vấn giúp tôi về chế độ ăn uống hàng ngày khi bị mắc bệnh viêm tuyến giáp với ạ.