Trang chủBệnh Nội tiếtCác chỉ số đường huyết trong xét nghiệm đái tháo đường

Các chỉ số đường huyết trong xét nghiệm đái tháo đường

Glucose huyết: có thể xét nghiệm đường huyết lúc đói hoặc dùng nghiệm pháp gây tăng đường huyết bằng đường uống (NPTĐH).

1. Nghiệm pháp tăng đường huyết:

Cho bệnh nhân uống 75g glucose pha trong 250ml nước sôi để nguội, uống trong thời gian 5 phút. Sau khi uống 2 giờ, lấy máu định lượng glucose.

Chẩn đoán xác định đái tháo đường khi có một trong hai tiêu chuẩn sau:

  • Lúc đói, làm ít nhất 2 lần; đường huyết > 7 mmol/l (126mg/dl).
  • 2 giờ sau khi uống 75g glucose; đường huyết > 11 mmol/l (200mg/dl).

Nếu glucose huyết cao hơn bình thường nhưng thấp hơn mức trên thì được coi là rối loạn dung nạp glucose. Ở người bình thường, glucose huyết lúc đói và 2 giờ sau khi uống 75g đường tương ứng là: < 5,5mmol/l (< 100mg/dl), và < 7,8mmol/l (< 140mg/dl).

2. Glucose niệu:

Ở người bình thường, trong nước tiểu không có đường. Ngưỡng đường thận trung bình là 160-180mg/ml (8,9-10mmol/l). Khi đường huyết tăng cao vượt quá ngưỡng đường thận tức là vượt quá khả năng tái hấp thu glucose của thận, glucose sẽ có trong nước tiểu. Ngưỡng đường thận thay đổi khác nhau đối với từng cá thể. Trong một số trường hợp bệnh lý của thận mặc dù đường huyết bình thường nhưng vẫn có đường trong nước tiểu. Ngược lại, ở người cao tuổi thường có ngưỡng đường thận cao nên ít thấy đường niệu trong khi đường huyết khá cao. Do đó xét nghiệm glucose niệu chỉ có giá trị khi tiến hành đồng thời với xét nghiệm glucose huyết.

3. Ceton niệu:

Thể ceton được hình thành trong cơ thể là do tăng phân hủy lipid tạo ra. Thể ceton gồm 3 thành phần: Acetoacetat, Aceton, β-Hydroxybutyrat; các thành phần này được đào thải qua nước tiểu. Ở người bình thường không có ceton trong nước tiểu. Trong trương hợp nhiễm toan chuyển hóa do đái tháo đường, cơ thể đào thải nhiều ceton ra nước tiểu. Đây là dấu hiệu rất có giá trị báo trước cho tình trạng hôn mê nhiễm toan.

*Hiện nay, có thể xác định glucose huyết, glucose niệu hay ceton niệu một cách nhanh chóng, chính xác bằng các dụng cụ như que thử glucose niệu, ceton niệu, máy và kit đo glucose huyết.

4. Định lượng Insulin và C-peptit trong máu:

Insulin và C-peptit huyết được định lượng bằng phương pháp RIA (Radioimmuno Assay-Định lượng miễn dịch phóng xạ) hoặc ELISA. C-peptit được bài tiết cùng tiền Insulin (Proinsulin) từ tế bào β tiểu đảo tụy, đây là yếu tố liên kết giữa nhánh A và B của Proinsulin. C-peptit được bài tiết qua thận ở trạng thái nguyên vẹn, không bị biến đổi. Định lượng C-peptit sẽ đánh giá chính xác khả năng bài tiết Insulin của tụy.

5. Các xét nghiệm khác:

Ngoài các xét nghiệm trên còn có các xét nghiệm khác để chẩn đoán xác định và theo dõi tiến triển bệnh trong điều trị như: HbA1c (Glycosylated hemoglobin), Albumin glycosylated và protein huyết thanh, protein niệu, β2-Microglobulin

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây