CHẨN ĐOÁN
Lâm sàng
- Biểu hiện nổi bật là nôn (thực chất là trớ). Nôn xuất hiện ngay sau khi sinh. Nôn dễ dàng khi ăn no hoặc khi khóc.
- Các biểu hiện khác. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện khác như chảy máu đường tiêu hoá, nuốt khó, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng đường hô hấp tái phát. Một số ít trẻ biểu hiện bằng cơn ngừng thở hoặc đột tử.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Chụp dạ dày có thuốc cản quang. Chẩn đoán được mức độ trào ngược và các bất thường giải phẫu khác như thoát vị do trượt qua khe thực quản, tình trạng góc Hiss, mức độ tháo thoát của dạ dày qua môn vị. Hạn chế của chụp dạ dày là không phát hiện được các trường hợp trào ngược ở mức độ nhẹ.
Soi thực quản. Soi thực quản kết hợp vối sinh thiết thực quản cho phép đánh giá mức độ viêm và phát hiện các trường hợp loạn sản niêm mạc thực quản.
Chụp dạ dày thực quản bằng đồng vị phóng xạ. Thực hiện khi nghi ngờ có luồng trào ngược dạ dày thực quản nhưng không phát hiện được bằng chụp dạ dày có bơm thuốc cản quang. Ưu điểm là phát hiện được cả các trường hợp trào ngược kín đáo và trào ngược vào đường hô hấp.
Đo pH thực quản. Thực hiện khi có điều kiện.
Các xét nghiệm khác cần thiết cho phẫu thuật.
ĐIỀU TRỊ
- Điều trị nội: là phương pháp điều trị đầu tiên.
- Chế độ ăn: ăn nhiều bữa, cho trẻ ăn đặc càng sớm càng tốt.
- Tư thế: luôn đặt trẻ ở tư thế đầu và ngực cao tạo với mặt gương một góc khoảng 45 độ.
- Thuốc: dùng các thuốc làm tăng trương lực cơ thắt thực quản dưới đồng thời làm giảm trương lực cơ môn vị. Các thuốc hay được dùng là:
+ Primperan.
+ Motilium. Loại hỗn dịch uống 0,1%, 0,25ml/lkg cân nặng, 3-4 lần ngày.
Không được dùng các thuốc atropin và an thần vì làm giảm trương lực cơ thắt thực quản dưới.
Điều trị ngoại
Chỉ định
- Luồng trào ngược dạ dày có kèm theo thoát vị do trượt qua khe thực quản.
- Luồng trào ngược dạ dày thực quản có các biến chứng như chảy máu tiêu hoá, hẹp thực quản.
- Luồng trào ngược dạ dày thực quản điều trị nội khoa trên 3 tháng không có kết quả. Các tiêu chuẩn được coi là thất bại bao gồm nôn vẫn tồn tại, chậm hoặc không tăng cân, viêm phổi tái diễn.
Phương pháp phẫu thuật
- Kỹ thuật Nissen quy ước
Mổ bụng đường giữa trên và rốn. cắt dây chằng tam giác trái để giải phóng thuỳ gan trái. Dùng van mềm kéo thuỳ gan trái sang phải để bộc lộ tâm vị và thực quản. Giải phóng thực quản bụng. Luồn một dây kéo thực quản ra trước, cắt các mạch máu vị – tì.
Khâu hẹp khe thực quản phía sau thực quản bằng các mũi chỉ không tiêu. Cố định thực quản bụng vào quanh khe thực quản.
Luồn panh qua phía sau thực quản kéo phình vị lớn sang bên phải thực quản. Khâu bờ của phình vị lớn đã kéo sapg bên phải với bờ trái thực quản và với phần phình vị lớn còn ở bên trái thực quản bằng các mũi rời với chỉ tiêu chậm tạo nên van chống trào ngược. Chiều dài của van dài khoảng 2cm. Khâu cố định bờ trên của van với cơ hoành.
Tạo hình môn vị nếu phim chụp dạ dày trước mổ thấy thuốc lưu thông qua môn vị khó khăn.
- Kỹ thuật Nissen bằng nội soi
Bệnh nhân nằm ngửa. Vào ổ bụng bằng 4 trocat: 1 tại rốn để cho ống soi, 1 ở bên phải, 1 ở bên trái phía trên rốn để cho dụng cụ phẫu thuật, 1 ở hạ sườn phải để kéo gan. Các thì phẫu thuật tiến hành như trong kỹ thuật quy ước.
Theo dõi và chăm sóc sau mổ
- Theo dõi và phát hiện các biến chứng sau mổ. Ngoài các biến chứng thông thường các biến chứng đặc hiệu có thể gặp là:
- Hội chứng Dumping: biểu hiện bằng chán ăn, ỉa chảy, ngất xỉu do hạ đường huyết ngay sau ăn. Điều trị bằng cho ăn nhiều lần và cho uống các loại đường hấp thụ chậm.
- Thủng hồi tràng: xuất hiện muộn. Mổ lại để dẫn lưu ruột ra ngoài hoặc khâu lại ruột nếu tình trạng ổ bụng cho phép.
Hẹn tái khám sau khi xuất viện 3 tháng.