Trang chủBệnh Chuyển hóaBệnh thiếu vitamin C (bệnh Scorbut), thiếu acid ascorbic và điều trị

Bệnh thiếu vitamin C (bệnh Scorbut), thiếu acid ascorbic và điều trị

Tên khác: thiếu vitamin C, thiếu acid ascorbic. Scorbut ở trẻ em: bệnh Barlow.

Định nghĩa

Bệnh do thiếu vitamin C dẫn đến giảm tổng hợp chất keo, biểu hiện bằng viêm lợi nặng, chảy máu, đau khớp, thiếu máu và ở trẻ nhỏ có các rối loạn về tạo răng và xương.

Căn nguyên

vitamin C hay acid ascorbic là chất tan trong nước và bị nhiệt phá huỷ. Trong tự nhiên, vitamin C có trong rau lá xanh, các loại quả chua (cam, chanh, bưởi), cà chua, khoai tây và ốt ngọt. Trong sữa cũng có một lượng vitamin C, lượng này giảm đi khi khử trùng sữa bằng phương pháp Pasteur. Đun nấu làm lượng vitamin C trong thức ăn giảm nhiều. Acid ascorbic được dự trữ trong các tuyến nội tiết, gan, lách và não. vitamin C thừa được đào thải qua nước tiểu. Nhu cầu hàng ngày là 50 mg (ở nam) và 60 mg (ở nữ).

vitamin C cần thiết cho chuyển hoá tế bào và có vai trò vận chuyển hydro ở tất cả các mô. Vai trò này đặc biệt quan trọng trong việc tạo thành chất Collagen, xương, răng và mạch máu cũng như để làm liền vết thương và vết bỏng.

Thiếu vitamin C gặp khi hoàn toàn không có thức ăn tươi ở các hoàn cảnh sau:

  • Trẻ còn bú: trẻ được nuôi nhân tạo bằng sữa được khử trùng bằng phương pháp Pasteur, sữa đặc, sữa khô hoặc bột mà không được bổ sung các vitamin.
  • Người lớn: bệnh xuất hiện sau vài tháng chỉ ăn đồ hộp, đồ được bảo quản, nhất là trong các trại tỵ nạn, người sống đơn độc (scorbut ở người độc thân). Tiêu chảy mạn tính và sprue làm giảm hấp thu vitamin C và làm tình trạng thiếu dinh dưỡng nặng thêm.
  • Nhu cầu của cơ thể tăng khi có thai, khi nuôi con bú, trong bệnh Basedow, các bệnh lý có viêm, bỏng và bị phẫu thuật.

Giải phẫu bệnh

Đặc điểm của các tổn thương là không có chất collagen (do các nguyên bào sợi sinh ra), không có ostein (do tạo cốt bào) và dentin (do các tế bào tạo răng).

Triệu chứng ở người lớn

VIÊM LỢI: lợi sưng, màu đỏ tím. Chảy máu lợi ngay cả khi bị đụng chạm nhẹ (viêm miệng chảy máu) và rất đau. Nhú lợi giữa các răng phồng lên và trong trường hợp nặng thì răng bị rụng, lợi bị nhiễm khuẩn. Cần chú ý là lợi không bao giờ bị tổn thương ở người đã bị mất hết răng.

CHẢY MÁU

  • Da:do sức bền mao mạch giảm (dấu hiệu dây thắt dương tính). Có các chấm xuất huyết khu trú ở các vùng dễ bị chấn thương, ban mạch máu (phân biệt với ban ở người già), đám xuất huyết và khối máu tụ. Tăng sừng hoá nang lông, xung quanh có sung huyết rồi chảy máu là triệu chứng rất điển hình.
  • Cơ:rất đau, khu trú chủ yếu ở bắp cẳng chân và ở đùi (có thể bị mắc bệnh thần kinh đùi).
  • Dưới màng xương:chảy máu dưới màng xương hay gặp ở trẻ em hơn là ở người lớn. Chụp X quang có thể thấy màng xương bị bong ở phía trong đầu dưới xương đùi hoặc xương quay. Không có tổn thương ở xương.
  • Khớp:chảy máu trong khớp gây đau, nhất là ở các chi dưới; đôi khi khớp bị sưng và không cử động được.

CÁC TRIỆU CHỨNG KHÁC: hay gặp thiếu máu (loại hồng cầu nhỏ), nhược cơ, chán ăn, phù chi dưới.

BIẾN CHỨNG: các thể nặng không được điều trị có vàng da, phù, sốt, co giật.

Triệu chứng ở trẻ em

Bệnh Barlow hay bệnh Moller- Barlow, gặp ở trẻ được nuôi dưỡng nhân tạo có các triệu chứng sau:

TRIỆU CHÚNG TOÀN THÂN: chán ăn, ngừng lớn, dễ bị kích thích, sốt.

CHẢY MÁU DƯỚI MÀNG XƯƠNG: trẻ bất động, nằm ngửa, đùi nửa co và khép lại (liệt giả). Khóc và hễ chạm vào người là la hét. Phần dưới xương đùi sưng và rất đau do chảy máu dưới màng xương. Chụp X quang thấy phần giữa xương có đường mờ bao quanh, tách khỏi phần còn lại của xương bởi một đường sáng (đường trắng do scorbut). Xương bị xốp và có dải Fraenkel ở chỗ tiếp giáp giữa thân xương với sụn.

CHẢY MÁU: ngoài chảy máu dưới màng xương còn có chấm xuất huyết, chảy máu ổ khớp (khớp sưng), đôi khi đái ra máu.

VIÊM LỘI: xuất hiện khi mọc răng, chảy máu quanh chỗ răng đang mọc.

THIẾU MÁU: thường là thiếu máu hồng cầu nhỏ (thiếu sắt), đôi khi hồng cầu khổng lồ (có thiếu thêm cả acid folic).

Xét nghiệm cận lâm sàng

– Nồng độ acid ascorbic trong huyết tương (bình thường 20 – 100 μmol/l); hầu như không có trong scorbut. Xét nghiệm này không đặc hiệu.

  • Định lượng acid ascorbic trong bạch cầu: đáng tin hơn là trong huyết tương. Thường thấp < lmg/1.
  • Nghiệm pháp bão hoà (nghiệm pháp Harris và Ray): khi dự trữ vitamin C của cơ thể bị cạn kiệt thì trong nước tiểu không có acid ascorbic; tuy nhiên sẽ có trở lại nếu cho dùng vitamin C liều 300mg/ngày trong 3 – 4 ngày

Chẩn đoán phân biệt

  • Người lớn: viêm khớp, bệnh gây chảy máu, viêm lợi do nguyên nhân khác (nếu do thiếu vitamin C thì dùng acid ascorbic sẽ khỏi sau 2-3 ngày).
  • Trẻ em: còi xương, bại liệt, viêm tuỷ xương, thấp khớp cấp, thiếu máu ở trẻ và các bệnh gây xuất huyết.

Điều trị

  • Người lớn : uống acid ascorbic (100 mg, ngày 3 -5 lần), liều tối đa là 4g. Sau đó 100 mg/ngày. Có thể cho uống nước chanh hoặc nước cam, rau xanh hoặc cà chua.
  • Trẻ còn bú: uống acid ascorbic (50 mg, 3-5 lần ngày) trong một tháng. Nếu có nôn hoặc tiêu chảy: tiêm tĩnh mạch ascorbat natri (50 – 100 mg/ngày).

Phòng bệnh

Từ tuần thứ hai – tuần thứ tư đến khi được 3 tháng nên cho uống mỗi ngày 1 thìa súp nước cam (không đun sôi) hoặc nước cà chua hoặc 25 – 30 mg acid ascorbic. Người lớn: uống 100 mg/ngày.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây