Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã khuyến cáo ảnh hưởng của một số các nguyên nhân có nguy cơ gây tăng huyết áp: Tuổi tác, bệnh tim mạch đã mắc, bệnh thận, đái tháo đường và tăng đường huyết, rối loạn lipid máu, tăng acid uric máu, béo phì, nghiện rượu, ít hoạt động thể lực, ăn mặn, điều trị hormon thay thế, tình trạng kinh tế xã hội, tính dân tộc, vùng địa lý… được coi là những yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp.
Các nguyên nhân gây tăng huyết áp:
Ăn mặn
Trên thế giới người ta thấy những vùng dân ăn mặn có tỷ lệ mắc bệnh Tăng huyết áp cao hơn. Công nghệ điện lạnh thay thế việc bảo quản thực phẩm bằng muối ăn cũng đã làm giảm tỷ lệ mắc bệnh Tăng huyết áp và tai biến mạch máu não. Theo tính toán của các nhà khoa học: Nhu cầu muối ăn của con người chỉ 3 – 5g muối mỗi ngày, tuy nhiên, người ta thường ăn mặn hơn nhu cầu bình thường là do thói quen.
Hút thuốc lá
Hút một điếu thuốc lá có thể làm tăng huyết áp kéo dài 20 – 30 phút. Nếu hút càng nhiều, ảnh hưởng của thuốc lá càng lớn đối với cơ thể.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho phép kết luận hút thuốc lá gây các hậu quả sau:
- Làm tăng nồng độ oxid carbon máu, do vậy giảm khả năng cung cấp oxy cho tế bào và gây hư tổn tế bào nội mạc động mạch, tạo điều kiện cho bệnh vữa xơ động mạch hình thành và phát triển.
- Nicotin có trong thuốc lá có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh giao cảm, gây co mạch ngoại vi dẫn đến tăng huyết áp.
Nghiện rượu
Nghiện rượu là một thói quen xấu. Nếu uống nhiều rượu cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng Tăng huyết áp.
Di truyền
Nhiều nghiên cứu cho phép kết luận Tăng huyết áp có tính chất di truyền. Trong các gia đình có người bị tai biến của Tăng huyết áp như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não thì con cái họ cũng thường hay bị Tăng huyết áp.
Rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh vữa xơ động mạch và Tăng huyết áp. Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy cholesterol là thành phần chính trong các mảng vữa xơ, đặc biệt là cholesterol este hoá. Vữa xơ động mạch gây hẹp lòng động mạch, giảm độ co giãn của thành động mạch, giảm sức bền thành mạch do vậy làm Tăng huyết áp.
Vữa xơ động mạch thận cũng là một nguyên nhân gây thiếu máu nuôi dưỡng thận dẫn đến Tăng huyết áp.
Bệnh đái tháo đường
Tăng huyết áp là một bệnh thường gặp đi đôi với bệnh đái tháo đường. Người ta thấy 30 – 50% bệnh nhân đái tháo đường mắc bệnh Tăng huyết áp. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong vài ba thập niên tới, có thể sẽ có 35% dân số mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Tăng glucose máu là một yếu tố làm vữa xơ động mạch phát triển, gây rối loạn chuyển hoá lipid máu. Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy ở người đái tháo đường, tình trạng vữa xơ động mạch xuất hiện sớm, lan rộng và nặng hơn. Tình trạng suy vành, tăng huyết áp… cũng thường gặp ở người đái tháo đường. Cứ 4 người đái tháo đường tử vong thì 3 trong số đó tử vong do bệnh tim mạch. Ở nam giới, người bị đái tháo đường có nguy cơ bị bệnh tim mạch gấp 2 lần người không bị đái tháo đường. Cứ 10 người bị đái tháo đường thì có 4 người bị tăng huyết áp.
Ít vận động thể lực
Các nghiên cứu cho phép kết luận: ít vận động thể lực hay kèm theo tăng trọng và tăng cholesterol máu. Nghiên cứu của Morris (1982) và Píenbarger (1992) cho thấy rằng ở người lao động chân tay hoặc thường xuyên rèn luyện thể lực, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ít hơn người ít hoạt động hay ngồi một chỗ. Không hoạt động thể lực là yếu tố liên quan với nguy cơ tăng lên của bệnh mạch vành, độc lập với các yếu tố nguy cơ khác (Paíenbarger – 1986 và Caspercen – 1989).
Béo phì
Béo phì thường liên quan đến chế độ ăn và rèn luyện thể lực, một số ít do di truyền. Tình trạng béo phì gây ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể: Hệ nội tiết, cơ khớp, chuyển hoá và đặc biệt là hệ tim mạch. Người béo phì cũng thường có bệnh Tăng huyết áp đi kèm.
Stress
Theo Mattila (1993) stress tâm lý, căng thẳng thần kinh đã được coi là nguyên nhân quan trọng trong bệnh vữa xơ động mạch, nhất là trong sự hình thành các tai biến. Sự căng thẳng về tâm lý gây tăng thường xuyên hàm lượng Adrenalin và No – adrenalin trong mạch máu. Đây là những chất nội sinh làm tim đập nhanh lên và gây co thắt động mạch, do vậy làm tăng huyết áp. Do vậy Stress là một trong các nguyên nhân gây tăng huyết áp cần lưu ý.
Những người làm công tác quản lý, doanh nhân… là những người được coi là chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của gánh nặng công việc có tỷ lệ Tăng huyết áp cao gấp nhiều lần các nhóm khác.
Lứa tuổi nào hay mắc bệnh Tăng huyết áp?
Bệnh Tăng huyết áp ít gặp ở người dưới 25 tuổi. Là bệnh thường xuất hiện ở tuổi trung niên. Tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh Tăng huyết áp càng nhiều.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Phạm Tử Dương – BV Trung ương Quân đội 108, điều tra trên 2000 quân nhân mắc bệnh Tăng huyết áp; tuổi bắt đầu mắc bệnh Tăng huyết áp hay gặp là 43 – 55, thấp nhất là 29 tuổi, cao nhất là 68 tuổi.
Giới
Nam giới thường mắc bệnh Tăng huyết áp nhiều hơn nữ giới. Đến tuổi mãn kinh ở phụ nữ thì tỷ lệ không khác biệt.