Bệnh dịch hạch là gì, nguy hiểm như thế nào?

Sức khỏe gia đình

Từ lâu, người ta xếp bệnh dịch hạch vào loại “tối nguy hiểm” không chỉ vì bệnh gây tử vong rất cao mà còn do bệnh lây lan nhanh và mạnh theo đường máu, đường tiêu hoá, đường hô hấp, đường da – niêm mạc. Cùng với sự tiến bộ của y học, đặc biệt là y tế dự phòng, bệnh dịch hạch đã được khống chế rất nhiều, những nguy cơ chưa phải đã hết.

Bệnh dịch hạch do trực khuẩn Yersinia pestỉs có sẵn trong thiên nhiên gây ra, biểu hiện bởi tình trạng nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân nặng nề, tổn thương hạch đặc hiệu, tổn thương phổi và một số cơ quan khác. Người đang mắc bệnh dịch hạch và cả những người đã khỏi bệnh có thể là nguồn lây, đặc biệt với bệnh dịch hạch thể phổi. Vật trung gian truyền bệnh dịch hạch là bọ chét ký sinh trên các loài gặm nhấm hoang dã (có tới 7200 loài) truyền sang người thông qua các vết đốt trên da. Vật chủ nguy hiểm hàng đầu là loài chuột: Chuột nhắt, chuột công, chuột đồng… Tính nguy hiểm của bệnh dịch hạch được tăng thêm do trực khuẩn gây bệnh có thể tiết ra cả ngoại độc tố và nội độc tố. Độc tố của vi khuẩn làm tan hồng cầu, tan sợi huyết, làm đông huyết tương… khiến bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân rất nặng nề và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Bệnh dịch hạch
Bệnh dịch hạch

Những năm qua, do công tác dự phòng của ngành y tế nước ta phát triển nên bệnh dịch hạch không gây thành dịch lớn, tuy nhiên bệnh vẫn tản phát tại nhiều địa phương trong cả nước. Theo một thống kê năm 1998 cho thấy, tỉ lệ mắc bệnh chung là 0,11/10 vạn người dân; tỉ lệ tử vong là 0,01/10 vạn người dân. Như vậy có nghĩa là cứ 11 người mắc bệnh dịch hạch thì có 1 người tử vong.

Việc nhận biết và điều trị bệnh dịch hạch không khó khăn lắm đối với thể thông thường điển hình. Với thể bệnh này, thời gian ủ bệnh không dài (khoảng từ 2 – 5 ngày) rồi khởi phát rất đột ngột: người đang khoẻ mạnh đột nhiên mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt đau khắp mình mẩy, sốt cao có gai rét hoặc rét run; thấy đau nhiều ở vùng hạch bị tổn thương. Chỉ sau đó vài ngày dấu hiệu viêm hạch rõ dần, nhất là với các hạch ở gần chỗ bọ chét đốt, nhưng hay gặp hơn là viêm hạch vùng đùi – bẹn, vùng cổ hoặc dưới hàm. Điều đặc biệt là các hạch viêm lúc đầu chắc, sờ thấy nóng, đau và lớn rất nhanh, có thể các hạch viêm kết thành cụm kích thước lớn bằng lòng bàn tay. Phần da tương ứng với hạch viêm phù nề có màu đỏ hoặc tím, sau 7 đến 10 ngày có thể hạch tự vỡ mủ, lỗ rò lâu liền và để lại sẹo rúm ró. Đôi khi hạch viêm trở nên xơ hoá thành một cục rắn chắc, nếu được chữa trị sớm và tích cực thì hạch sẽ thu nhỏ lại. Kèm theo dấu hiệu viêm hạch, người bệnh có các triệu chứng nhiễm trùng – nhiễm độc như môi khô, lưỡi bấn, sốt cao giao động hoặc liên tục nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, li bì, mê sảng; da – niêm mạc phù nề sung huyết…

Ngoài thể thông thường điển hình còn xuất hiện các thể lâm sàng khác như: Thể nhiễm khuẩn huyết (còn gọi là dịch hạch đen chiếm tỷ lệ 1 – 2%); thể phổi; các thể hiếm gặp khác như thể viêm màng não, thể tiểu hoá, thể niêm mạc.

Đối với bệnh nhân dịch hạch dù ở thể nào cũng cần phải cách ly tuyệt đối để theo dõi và điều trị kịp thời. Các loại thuốc kháng sinh như cloroxit, tetracyclin, streptomycin… cùng với truyền dịch, trợ tim mạch, giảm đau hạ sốt, an thần, phối hợp với một chế độ dinh dưỡng hợp lý tỏ ra có hiệu quả trong điều trị bệnh dịch hạch.

Vì ổ bệnh dịch hạch có sẵn trong thiên nhiên, tốc độ lây lan rất nhanh, bệnh dễ bùng phát thành dịch lớn vì vậy công tác dự phòng là vô cùng quan trọng. Lý tưởng nhất vẫn là diệt nguồn bệnh bằng cách tăng cường diệt bọ chét, diệt chuột, phòng bọ chét đốt. Có thể tiêm chủng vaccin EV(vaccin sống) cho người ở trong ổ dịch mà chưa có miễn dịch hoặc người đến vùng dịch công tác, mặc dù hiệu lực bảo vệ của vaccin không cao. cần lưu ý, nếu có bệnh nhân tử vong do dịch hạch nhất thiết phải liệm bằng vải tẩm cloramin 5%, rắc vôi bột trong quan tài và chôn sâu tối thiểu là 2m, hoặc hoả táng để tiêu diệt mầm bệnh.

Sức khỏe gia đình
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận