Y huấn cách ngôn được coi như lời thề Hippocrates của ngành Đông Y. Trong đó là những lời răn dạy của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác dành cho chính mình và các thế hệ sau. Tại đây, có câu “Đạo làm thuốc là một nhân thuật, chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người”.
Tôi thấy khó hiểu hai chữ NHÂN THUẬT. Trong các bản dịch và các bài giảng không thấy giải thích cụ thể về hai chữ này. Chữ Hán – Việt có nhiều từ đồng âm khác nghĩa nên không biết được chữ Hán viết sao. Nhưng tôi cho rằng có hai từ có thể liên quan là chữ nhân 仁(lòng nhân ái) hoặc 人(con người). Nhưng để nói về đạo làm thuốc thì ắt hẳn phải là chữ Nhân (仁) là lòng nhân ái, tính yêu thương con người.
Nguồn gốc của hai chữ Nhân thuật (仁術) được dùng đầu tiên trong “Lương Huệ Vương Thượng” của Mạnh Tử: ” vô thương dã, thị nãi nhân thuật dã”.「無傷也,是乃仁術也。」được hiểu là thi hành biện pháp Nhân Chính (chính sách nhân đạo). Sau này được dùng chủ yếu cho ngành Y vì là ngành nhân đạo. Nho gia có từ “Y nãi nhân thuật” (醫乃仁術).
Bàn về triết tự của chữ Hán thì chữ Nhân 仁 này được tạo thành bởi bộ nhân đứng 亻và chữ nhị 二. Bộ nhân đứng 亻là người đứng thẳng tay vắt ra sau, tóc bay theo gió, thể hiện hình tượng người đã hình tượng người đứng thẳng 2 tay tóc bay theo gió, tay vắt ra sau thể hiện hình người đã có nhận thức, tri thức. Khác với bộ nhân thường 人 là hình tượng người đứng dạng 2 chân, hiểu là con người thuở sơ khai. Bên cạnh bộ nhân đứng là Chữ nhị 二 gồm 1 gạch trên biểu tượng cho trời, 1 gạch dưới biểu tượng cho đất. Ý nói con người có lòng yêu thương dựa trên nhận thức về tự nhiên hơn mọi loài vật. Chữ Nhân 仁 này đứng đầu trong ngũ thường là những đức tính thường phải có của người quân tử (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Bởi khi có lòng yêu thương, hiểu được nỗi đau của người khác thì sẽ không làm điều ác hoặc điều có hại cho người khác và tạo điều tốt cho mọi người.
Bác sĩ nội trú Nguyễn Trung Xin.