Tại sao các sản phẩm từ Xuyên Tâm Liên hiện nay không có tác dụng với COVID – 19

Đông y chữa bệnh

Gần đây tôi tìm  được 1 bài luận của PGS. TS. Nguyễn Thị Bay với tiêu đề “XUYÊN TÂM LIÊN ĐƯỢC PHỐI HỢP TRONG PHÒNG & TRỊ COVID 19”. Bài luận này với các thời gian trong tài liệu tham khảo tôi cho rằng được viết vào khoảng tháng 2,3 / 2020. Có lẽ bắt nguồn từ đề xuất này khiến Xuyên tâm liên được chú ý và dần được các chuyên gia Y học cổ truyền tìm hiểu, để rồi tạo thành cơn sốt Xuyên Tâm Liên như hiện nay, nó đã gây ra hệ lụy rất lớn cho xã hội. Trên quan điểm khoa học và lý luận tôi cho rằng tác dụng phòng và trị COVID – 19 của Xuyên Tâm Liên là không có cơ sở. (Bài viết tôi viết vào 8/8/2021). Sau đây là lập luận của tôi:

Về phòng COVID – 19 của Xuyên Tâm Liên:

Theo Đông y:

Để phòng ngoại tà xâm nhập thì cơ thể cần phải có chính khí tốt dựa trên sự cân bằng âm dương của cơ thể. Vị thuốc có tính hàn, lại có vị đắng theo nguyên tắc dùng thuốc là không được dùng lâu, khi lui bệnh là dừng lại. Tại sao thuốc tính hàn vị đắng lại không được dùng lâu ?

Vì khi dùng với thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến Dương khí, Tỳ Vị khí. Nếu dùng lâu dài với cơ thể đang không có bệnh thì không những không nâng cao chính khí ngược lại gây ra mất cân bằng âm dương. Ngoại tà vì vậy sẽ dễ xâm nhập hơn. Vậy mục đích phòng bệnh ngoại tà của Xuyên Tâm Liên là điều hết sức vô lý.

Vậy có thể dùng Xuyên tâm liên kết hợp với bài thuốc bổ để nâng cao chính khí hay không?

Trong Đông y, nếu cơ thể không có nhiệt thì không có lý do gì để thầy thuốc dùng vị thuốc thanh nhiệt. Hơn nữa trong chứng nhiệt còn phân ra thực nhiệt và hư nhiệt. Vị thuốc thanh nhiệt giải độc chỉ dùng trong trường hợp cơ thể có thực nhiệt. Vậy phòng bệnh là khi cơ thể chưa có bệnh nên không có lý do gì để dùng đến nó.

Theo Y học hiện đại:

Nguyên tắc cơ bản của phòng bệnh do Virus là tiêm Vacxin. Vacxin là phát minh vĩ đại của Y học. Tất cả các biện pháp nâng cao sức đề kháng của cơ thể đều là phụ trợ. Y học hiện đại sẽ nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng các nhóm Vitamin, khoáng chất… Hơn nữa hoạt chất này lại rất đắng gây nôn mửa, có thể gây khó chịu dạ dày, chán ăn khi dùng đường uống với liều lượng lớn. Ngoài ra còn nguy cơ gây xảy thai khi dùng hoạt chất này. Do vậy Y học hiện đại cũng không có lý do gì để dùng nó phòng bệnh

Vì vậy, việc dùng nó để phòng bệnh theo lý luận Đông Y hay Tây Y đều là bất hợp lý.

Trong điều trị COVID – 19 của Xuyên Tâm Liên:

Sự khác nhau quá lớn giữa hoạt chất chiết xuất và dùng dạng toàn cây:

Nội dung của bài luận phần được tô đậm: “Các nghiên cứu tập trung vào Andrographolid, hoạt chất chính của Xuyên Tâm Liên đã được tiến hành trên việc ức chế virus SARS-CoV-2 cả trên việc mô phỏng hóa học và sinh học bằng các công cụ hóa và sinh tin học (Bio and Chem-Informatics)”

Chỉ riêng trong bài luận đề cập là hoạt chất Andrographolid (穿心莲内酯) chứ không phải dùng toàn cây Xuyên Tâm Liên. Ở đây sự khác nhau là quá lớn. Dùng Andrographolid ở dạng viên nang là có hàm lượng rất cao mà khả năng hấp thụ của cơ thể với dạng toàn cây không thể là 100%. Vậy chúng ta phải uống bao nhiêu kg cây thuốc Xuyên Tâm Liên để cơ thể mới đạt đủ hàm lượng. Trong khi đó, các chế phẩm dược liệu đưa ra trên thị Việt Nam đều là dùng dạng cây Xuyên Tâm Liên kết hợp với một thuốc nào đó, có sản phẩm nào sử dụng hoạt chất chiết xuất Andrographolid này không. Như vậy tôi khẳng định không cần phải xem xét tới các chế phẩm từ Xuyên Tâm Liên đang có trên thị trường hiện nay.

Từ thực nghiệm đến lâm sàng là khoảng cách còn xa.

Đã có rất nhiều hoạt chất thực nghiệm chứng minh được nó có tác dụng với một loại vi sinh vật nào đó nhưng khi áp dụng trên lâm sàng thì sử dụng kiểu gì nó vẫn không có hiệu quả. Và hơn nữa trong nghiên cứu thuốc chiết xuất thuốc Đông Y thì tôi khẳng định Trung Quốc là ông lớn nhất trong khu vực chứ không phải Thái Lan, vì hoạt chất này đã được Trung Quốc đưa vào dược điển của họ từ năm 2010. Và là một trong các thuốc thiết yếu dùng trong cấp cứu của họ. Họ đã dùng trên người thì có cần làm thực nghiệm nữa không. Sao không làm trên lâm sàng luôn dạng viên và dạng tiêm đã có để đánh giá nó, như vậy có khách quan và đỡ tốn kém hơn không. Một thuốc được khẳng định có hiệu quả điều trị với một bệnh nào đó là phải thông qua lâm sàng dùng trên người với cỡ mẫu đủ lớn.

Mục đích thực sự dùng Andrographolid trong Phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh COVID – 19 Trung Quốc.

Đây là lý do đặc biệt quan trọng tôi muốn nhấn mạnh. Trong bài luận có lẽ hiểu chưa đúng về mục đích dùng thuốc của phác đồ này. Do đó tôi đã dịch toàn bộ phần Đông Y trong phác đồ này. Trong Phác đồ này đưa ra thời kỳ trị liệu lâm sàng (chẩn đoán chính xác ca bệnh) họ nêu rất rõ bài thuốc họ dùng cho mọi thể là: “Thanh phế bài độc thang”.  Nó được đề cao hàng đầu, chứ đâu phải thuốc chiết xuất từ Xuyên Tâm Liên.

Hoạt chất Andrographolid với biệt dược là Hỷ Viêm Bình (喜炎平 tiếng anh là Xiyanping) chỉ được dùng dạng tiêm ở thể Nguy kịch và chứng Khí doanh lưỡng phần thuộc thể Nặng. Vậy tôi cho rằng mục đích của họ là chống viêm để cấp cứu, bằng chứng là họ kết hợp với các thuốc tiêm như Huyết Tất Tịnh dạng tiêm, Nhiệt Độc Ninh dạng tiêm, Đàm Nhiệt Thanh dạng tiêm, Tỉnh Não Tịnh dạng tiêm. Bởi nếu họ dùng với mục đích kháng Virus thì họ đã dùng viên nang hoặc dạng tiêm ở tất cả các thể: thể nhẹ, thể phổ biến, thể nặng, thể nguy kịch.

Như vậy trên lâm sàng, phác đồ điều trị là văn bản cao nhất trong hành chính để đưa ra sử dụng ở các bệnh viện toàn quốc của Trung Quốc, nó đã phải được nghiên cứu bởi các chuyên gia hàng đầu của họ. Nên dù được công ty dược Tasly và bệnh viện Sơn Đông đề xuất dùng nó, vì theo họ: Tác dụng dược lý Andrographolid phù hợp với đặc điểm của bệnh COVID – 19. (Đây cũng là bài luận chứ họ chưa thử nghiệm lâm sàng). Nhưng trong phác đồ ban bố cho cả nước nhưng họ không dùng nó với mục đích kháng Virus mà dùng nó dưới dạng tiêm để cấp cứu bệnh nhân nặng, như với các trường hợp cần cấp cứu ở  bệnh khác.

Vậy tôi nên kết luận như thế nào?

Với tôi Xuyên Tâm Liên vẫn là vị thuốc thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, kháng vi sinh vật nhẹ. Hoàn toàn có thể lựa chọn nó để dùng trong điều trị các bệnh viêm đường hô hấp thông thường, nhưng với một bệnh đặc biệt nghiêm trọng như COVID – 19 thì nó không phải là phát kiến mới, và đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ điều gì chứng minh nó có tác dụng phòng và điều trị bệnh COVID – 19.

Bác sĩ nội trú Nguyễn Trung Xin

Thông tin ngoài lề:

Tôi biết PGS. TS. Nguyễn Thị Bay trước đây khi đọc cuốn “bệnh học và điều trị nội khoa (kết hợp đông – tây y)” do cô làm chủ biên. Tài liệu mà hồi còn y muỗi chúng tôi hay chia sẻ nhau đọc và tham khảo trong quá trình học. Cô cũng là người đóng góp rất nhiều cho ngành Đông y. Bài luận của cô không mang tính khẳng định mà chỉ là đề xuất nhưng có lẽ người có dụng ý không tốt thổi phồng nó lên theo chiều hướng khác. Và chính cô trong phát biểu gần đây trên báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG đã kết luận: “PGS.TS Nguyễn Thị Bay, chuyên gia y học cổ truyền cho biết, hiệu quả của xuyên tâm liên cũng chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Hiện nay sử dụng xuyên tâm liên nên dùng chung với một bài thuốc, nếu sử dụng mỗi xuyên tâm liên thì hiệu quả điều trị Covid-19 không nhiều”.

Tham khảo:

Kết luận mới nhất của PGS. TS. Nguyễn Thị Bay

https://www.sggp.org.vn/su-that-ve-xuyen-tam-lien-trong-phong-va-dieu-tri-covid19-750081.html

Bài luận “XUYÊN TÂM LIÊN ĐƯỢC PHỐI HỢP TRONG PHÒNG & TRỊ COVID 19” xem tại:

https://drive.google.com/file/d/109zfb2gEJSvk2WM7YxmBn3dYEYLSDJHj/view?fbclid=IwAR3fdEs9oxT6AHgP_sHZrhK7Ea22hQg5j03KoDXFvBiYaWH6kyMONza3zNk&fbclid=IwAR1L_ObV_CeCtoCtPCmIfLF_ptVivZZdA7GBT0akPYfF8w5lf3DjT758OgU

(Tài liệu không đăng trên trang .gov.vn nào nên cần kiểm chứng, nhưng đọc nội dung và tài liệu tham khảo trong bài luận thì tôi tin nó là xác thực)

 

Đông y chữa bệnh
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận