Trang chủChâm cứuCơ chế của châm cứu theo học thuyết thần kinh - nội...

Cơ chế của châm cứu theo học thuyết thần kinh – nội tiết – thể dịch

Một số vấn đề của hoạt động thần kinh có liên quan tới vấn đề giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu

Châm cứu là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới

Châm là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới.

Châm là kích thích cơ giới, cứu là một kích thích nhiệt gây nên kích thích tại da, cơ.

Tại nơi châm có những biến đổi : tổ chức tại nơi châm bị tổn thương sẽ tiết ra histamin, acetylcholin, catecholamin, nhiệt độ ở da thay đổi, bạch cầu tập trung gây phù nề tại chỗ, các phản xạ đột trục làm co giãn mạch máu. Tất cả những kích thích trên tạo thành một kích thích được truyền vào tuỷ lên não, từ não xung động được đến các cơ quan đáp ứng hình thành một cung phản xạ mới.

Hiện tượng chiếm ưu thế của Utomski

Theo nguyên lý của hiện tượng chiếm ưu thế của utomski thì trong cùng một thời gian ở một nơi nào đó của hệ thần kinh trung ương (sọ não), nếu có luồng xung động của 2 kích thích khác nhau đưa tới, kích thích nào có cường độ mạnh hơn và liên tục hơn, có tác dụng kéo các xung động của kích thích kia tới nó và kìm hãm, tiến tới dập tắt kích thích kia.

Như trên đã trình bày, châm hay cứu là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới, nơi đường đi kích thích được đầy đủ sự ức chế và hưng phấn do tổn thương bệnh lý gây ra, tiến tới làm mất hoặc phá vỡ cung phản xạ bệnh lý.

Trên thực tế lâm sàng, người ta thấy hiệu quả nhanh chóng của châm cứu (đặc biệt là dùng điện châm trong việc làm giảm cơn đau của một số bệnh cấp tính như cơn đau dạ dày, giun chui ống mật, đau các dây thần kinh ngoại biên, gẫy xương, viêm khớp cấp, đau răng..) và tác dụng làm hết cảm giác lạnh, sợ lạnh của phương pháp cứu trong điều trị cấp cứu các trường hợp trụy mạch, huyết áp. Tác dụng của châm cứu có thể làm thay đổi hoặc đi tới làm mất phản xạ đau ở người bệnh. Khi châm cứu, để đảm bảo kết quả điều trị thì kích thích tác động lên huyệt phải đạt đến ngưỡng (seuil d’excitation) mà y học cổ truyền gọi là đắc khí và phải tăng hoặc giảm cường độ kích thích khi cần thiết để nâng cao thêm hiệu quả chữa bệnh mà y học cổ truyền gọi là thủ thuật bổ tả.

Sự phân chia tiết đoạn thần kinh và sự liên quan giữa các tạng phủ đối với các vùng cơ thể do tiết đoạn chi phối.

Thần kinh tuỷ sống có 31 đôi dây, mỗi đôi dây chia ra làm 2 ngành trước và sau, chi phối vận động, cảm giác một vùng cơ thể gọi là một tiết đoạn. Sự cấu tạo thần kinh này gọi là sự cấu tạo tiết đoạn.

Ví dụ : Vùng da ở các tiết đoạn ngực D5, D6, D9 và tiết đoạn cổ C2, C3, C4 tương ứng với dạ dày.

Khi nội tạng có bệnh người ta thấy có hiện tượng tăng cường cảm giác vùng da cùng tiết đoạn với nó như cảm giác đau, thay đổi điện sinh vật… hiện tượng này xảy ra do những sợi thần kinh giao cảm bị kích thích xung động dẫn truyền vào tuỷ lan toả vào các tế bào cảm giác sừng sau tuỷ sống gây ra những thay đổi về cảm giác ở vùng da. Mặt khác những kích thích giao cảm làm co mạch, sự cung cấp máu ở vùng da ít đi làm làm điện trở da giảm xuống gây ra những thay đổi về điện sinh vật.

Trên cơ sở này Zakharin (Liên Xô) và Head (Anh) đã thiết lập được một giản đồ về sự liên quan giữa vùng da và nội tạng và đây cũng là nguyên lý chế tạo các máy đo điện trở vùng da và máy dò kinh lạc.

Bảng đối chiếu sự liên quan giữa các nội tạng và tiết đoạn thần kinh

Nội tạng Tiết đoạn
Tim D1-D3 (D4-D6)
Phổi D2-D3 (D4-D6)
Thực quản D7-D8
Dạ dày D5-D9 (C2-C5)
Ruột D9-D12
Trực tràng S2-S4
Gan mật D7-D9
Thận D10-D12; L1-L2.
Bàng quang D11-D12; Ll; S1-S4
Tiền liệt tuyến D10-D11; L5-S1-S2-S3
Tử cung D10-L1-L2; S1-S4
Tuyến vú D4-D5.

Vậy nội tạng có tổn thương dùng châm cứu hay các phương pháp vật lý trị liệu khác tác động vào các vùng da trên cùng một tiết đoạn với nội tạng sẽ chữa được các bệnh ở nội tạng.

Nguyên lý về cơ năng sinh lý linh hoạt của hệ thần kinh Widekski

Trong nguyên lý này, trong trường hợp thần kinh ở trạng thái yên tĩnh một kích thích nhẹ thường hay gây ra một phản ứng hưng phấn nhẹ, nhưng nếu thần kinh ở trạng thái bị kích thích hưng phấn do bệnh thì một kích thích mạnh chẳng những không gây ra phản ứng hưng phấn mạnh mà trái lại nó làm cho hoạt động thần kinh chuyển sang quá trình ức chế nên bớt đau.

Lý thuyết về đau của Melzak và Wall (cửa kiểm soát 1995)

Cơ sở của thuyết này là dựa trên tương quan tốc độ lan truyền xung động xuất hiện khi châm kim vào các điểm có hoạt tính cao và gây hoạt hoá các cơ quan thụ cảm của da và tổ chức trên đường kim châm. Xung động lan truyền theo các sợi thần kinh lớn có myelin (sợi A) có tốc độ lan truyền lớn, gây hoạt hoá các tổ chức gelatin ở tủy sống, làm cho xung đau truyền theo dây C (mảnh không có myelin) bị ức chế. Kết quả của ức chế này là làm mất cảm giác đau.

Trên cơ sở lý thuyết cửa kiểm soát của R. Melzak và p. Wall năm 1971, Shealy chế tạo được một máy luôn kích thích cột sau tuỷ sống để làm giảm đau trong các bệnh ung thư.

Vai trò thể dịch, nội tiết và các chất trung gian thần kinh

Từ năm 1973, nhiều thực nghiệm đã chứng minh được trong châm cứu và đỉnh cao của nó là châm tê, ngoài vai trò của thần kinh ra còn có vai trò của thể dịch tham gia trong quá trình làm giảm đau (trong châm cứu chữa bệnh) và nâng cao ngưỡng chịu đau (trong châm tê, phẫu thuật). Có nhiều thảo luận về các chất acetylcholin, các chất monocid, morphinelin (quan trọng là endomorphin), chất gây đau P (subtance P) morphinelin. Những năm 1976, Guilemin (người gốc Pháp quốc tịch Hoa Kỳ), Chorhaoli (người Hoa quốc tịch Hoa Kỳ) đã phân tích được ở tuyến yên lạc đà, lợn, cừu chất morphinelin (gồm endorphin) trong đó chất endorphin có tác dụng tương đương 200 lần morphin (trên ống nghiệm).

Cùng năm 1976, Mayer và cộng sự đã chứng minh tác dụng của châm tê bị huỷ do tiêm vào động vật thực nghiệm chất naloxon (chất đối lập với morphin).

Bruce Pomeranz (Trường Đại học Toronto Canada) năm 1987 đã thành công trong một số thực nghiệm châm tê.

Tiêm naloxon vào não mèo được châm tê thấy sự phóng điện của các tê bào ờ sừng sau tuỷ sống mèo không bị ức chế nữa.

Cắt bỏ tuyến yên mèo rồi châm tê, không thu được kết quả gây tê.

Người ta xác định được endorphin không chỉ do tuyến yên chế tiết mà các tế bào ả ruột và nhiều cơ quan khác cũng có vai trò chế tiết chất này.

Endorphin là một polypeptid được chia làm 3 đoạn: α, β, γ endorphin; trong đó đoạn β có các acid amin từ 63-93 có tác dụng giảm đau nhiều nhất, mạnh gấp nhiều lần morphin.

Cơ chế tác dụng của châm cứu

Như đã trình bày, châm cứu là một kích thích tạo ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý, có thể xuất hiện ngay tức thì sau khi châm và tác động vào huyệt, nhưng nhiều khi phải lưu kim lâu và điều trị nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhiều liệu trình mới thu được kết quả (vì ngoài vai trò của thần kinh ra còn có vai trò của nội tiết, thể dịch tham gia trong việc chống đau).

Vogralic, Kassin (Liên Xô), Chu Liễu và nhiều tác giả Trung Quốc; Vũ Xuân Cang, Mai Văn Nghệ (Việt Nam); Jean Bossy (Pháp) đã căn cứ vào vị trí tác dụng của nơi châm cứu mà đề ra ba loại phản ứng của cơ thể; trên cơ sở này để giải thích cơ chế tác dụng, hướng dẫn phương pháp học tập, sử dụng châm cứu cho dễ dàng và có kết quả tốt.

Phản ứng tại chỗ

Châm hay cứu vào huyệt là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý, làm giảm cơn đau, giải phóng sự co cơ.

Những phản xạ đột trục của hệ thần kinh thực vật làm ảnh hưởng đến sự vận mạch, nhiệt, sự tập trung bạch cầu… làm thay đổi tính chất của tổn thương, giảm sung huyết, bớt nóng, giảm đau.

Phản ứng tại chỗ có ý nghĩa thực tiễn lâm sàng khá lớn, là cơ sở của phương pháp điều trị tại chỗ hay xung quanh nơi có tổn thương mà châm cứu dùng các huyệt gọi là á thị huyệt (thống điểm, thiên ứng huyệt).

Phản ứng tiết đoạn :

Khi nội tạng có tổn thương bệnh lý thì có những thay đổi cảm giác vùng da ở cũng một tiết đoạn với nó, ngược lại những kích thích từ vùng da của một tiết đoạn nào đó sẽ có ảnh hưởng đến nội tạng cùng trên tiết đoạn đó (xem sơ đồ Zakharin; H. Head).

Việc sử dụng các huyệt ở một vùng da để chữa bệnh của các nội tạng cùng tiết đoạn với vùng này sẽ gây ra một phản ứng tiết đoạn, gây ra các luồng xung động thần kinh hướng tâm. Những luồng này sẽ truyền xung động vào sừng sau tuỷ sống rồi chuyển qua sừng trước, từ đó bắt đầu phản xạ ly tâm, một là theo các cơ quan, nội tạng tương ứng, làm điều hoà mọi cơ năng sinh ]ý như bài tiết, dinh dưỡng… Việc sử dụng phản ứng tiết đoạn có nhiều ý nghĩa thực tiễn lớn vì nó có thể giúp cho người thầy thuốc châm cứu chọn những vùng da và huyệt ở một tiết đoạn thần kinh tương ứng với cơ quan nội tạng bị bệnh. Việc thành lập công thức châm cứu điều trị một số bệnh thuộc từng vùng được tiện lợi và dễ ứng dụng hơn. Mặt khác, theo quan điểm của phản ứng tiết đoạn giúp người học và ứng dụng châm cứu hiểu và giải thích được phương pháp dùng các du huyệt (ở lưng), mộ huyệt (ở ngực, bụng) và các huyệt ở xa (tay, chân) để châm cứu làm giảm đau một số bệnh thuộc nội tạng có cùng tiết đoạn thần kinh chi phối, đặc biệt là dùng các huyệt sát cột sống (hoa đà giáp tích) và các bối du huyệt trong châm tê để phẫu thuật.

Phản ứng toàn thân

Qua thực tế lâm sàng chữa bệnh bằng châm cứu người xưa đúc kết được rất nhiều cách dùng huyệt. Một huyệt có thể chữa nhiều bệnh, một bệnh cũng có thể dùng nhiều công thức khác nhau và cùng là một loại bệnh trên cùng một bệnh nhân, nhưng tuỳ theo thời gian bị bệnh (xuân, hạ, thu, đồng) và thời gian điều trị (sáng, trưa, chiều, tối) mà thầy thuốc châm cứu dùng các huyệt khác nhau (xem thêm Tý ngọ lưu chú – thời châm cứu học). Việc sử dụng các huyệt theo các cách dùng huyệt kể trên nhiều khi không nằm tại chỗ cơ quan bị bệnh và cũng có khi không nằm trên các tiết đoạn có liên quan với bệnh. Các nhà nghiên cứu châm cứu trong các trường hợp kể trên là thông qua tác dụng gây phản ứng toàn thân.

Thực chất, bất kỳ một kích thích nào đối với cơ thể cũng đều có liên quan tới hoạt động của vỏ não, nghĩa là có tính chất toàn thân. Vậy sự phân chia ra phản ứng cục bộ tại chỗ, phản ứng tiết đoạn về sự liên quan cục bộ từng phần cơ thể thông qua hoạt động của tuỷ.

Khi nói tới phản ứng toàn thân, chúng ta cần nhắc tới nguyên lý về hiện tượng chiếm ưu thế vỏ não của Utomski, về cơ năng linh hoạt của hệ thần kinh của Wedansky, về các kích tố (hormon) và các chất trung gian hoá học thần kinh (acetylcholin,morphin).

Điểm quan trọng của phản ứng toàn thân là tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương và thông qua hệ này là hệ thần kinh thực; vật mà ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và mọi tổ chức của cơ thể.

Sau khi châm, từng luồng xung động thần kinh không ngừng được dẫn truyền vào tuỷ sống (dẩn truyền xung động thần kinh là đo các chất acetylcholin…) từ đó dẫn truyền qua bó tuỷ lên hành não vỏ não.

Vơgralic, Kassin và nhiều tác giả nghiên cứu được não đồ trong khi châm thì thấy điện thế có những biến đổi lan toả toàn diện và đối xứng toàn thân, thường thấy sóng delta chậm hơn, có nhiều sóng không đều nhịp.

Tình trạng tinh thần luôn luôn căng thẳng gây ra các rối loạn tinh thần làm cho quá trình hưng phấn và ức chế của hoạt động thần kinh cao cấp bị rối loạn. Châm cứu có tác dụng điều chỉnh các trạng thái rối loạn đó, vì sau một đợt điều trị triệu chứng lâm sàng tốt hơn và điện não đồ biến đổi.

Một điểm quan trọng nữa của phản ứng toàn thân là các biến đổi về thể dịch và nội tiết. Thường thường trong khi châm và sau một đợt điều trị bằng châm cứu các thể dịch như adrenalin, histamin, acetylcholin, morphinelin (đặc biệt là p endorphin) cũng có những biến đổi ảnh hưởng đến các hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá, bài tiết, sự chuyển hoá các chất.

Nhiều tác giả nghiên cứu hoạt động của hệ tuyến yên, thượng thận sau châm thấy rõ tuyến tạo ra một kích tố (hormon otrope làm tăng hoạt động của một số tuyến nội tiết như tuyến thượng thận, giáp trạng, tuyến sinh dục…).

Người ta đã chứng minh được rằng châm cứu làm tăng bạch cầu ái toan (70-80%), các trường hợp châm làm lớp vỏ thượng thận bài tiết ra kích tố corticosterol cũng tương tự như tiêm vào cơ thể 20 đơn vị ACTH để kích thích thượng thận bài tiết chất này, Châm các huyệt đại chuỳ (XIII-14) và thuỷ đột (V-10) và cứu giữa các đốt sống lưng có thể làm cho tuyến giáp trạng tạm thời ngừng tiết iod.

Những ưu điểm và nhược điểm khi vận dụng học thuyết thần kinh, thể dịch để giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu

Cơ chế tác dụng của châm cứu giải thích theo học thuyết thần kinh thể dịch giúp cho quá trình học tập, sử dụng châm cứu dễ dàng có thể vận dụng để giải thích hầu hết các trường hợp bệnh lý cơ nâng được chỉ định điều trị bằng phương pháp châm cứu.

Về mặt học tập chia các huyệt theo từng vùng tiết đoạn cơ thể, số lượng sử dụng trong điều trị khoảng 80-100 huyệt thông thường mà không cần thiết phải nhớ tất cả (365 huyệt) để điều trị các chứng bệnh thường gặp, giúp các thầy thuốc đa khoa cơ sở cơ bản để kết hợp tốt hai nền y học YHDT-YHHĐ trong điều trị bệnh.

Về tác dụng và vận dụng các huyệt: trước hết cần nắm được vị trí tương ứng của các huyệt trên vùng cơ thể để biết tác dụng tại chỗ của nó. Sau đó mỗi vùng của mỗi cơ thể cần nắm một số công thức để chữa bệnh nội tạng và các cơ quan từng vùng cơ thể. Huyệt ở vùng ngực, lưng : chữa các bệnh về tuần hoàn, hô hấp, viêm tuyến vú, tắc tia sữa, đau dây thần kinh liên sườn…; huyệt vùng thượng vị, thắt lưng : chữa bệnh về bộ máy tiêu hoá, viêm loét dạ dày, bệnh gan mật; huyệt vùng hạ vị, thắt lưng cùng : chữa bệnh tiết niệu, đường sinh dục.

Về toàn thân cần nắm một số huyệt có tác dụng điều trị đặc hiệu, có tác dụng toàn thân để phối hợp với các huyệt điều trị từng vùng.

Cơ chế châm cứu theo học thuyết thần kinh – thể dịch chưa giải thích được những điều đã nêu trong các sách châm cứu cổ điển như hệ kinh lạc, phương pháp bổ tả… không giải thích được các quy luật vận dụng các huyệt toàn thân và nhất là bệnh lý của các tạng phủ, các quy luật lấy huyệt theo thời gian (châm cứu theo giờ, theo mùa…).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây