Trang chủBệnh tim mạchBị cao huyết áp nên ăn gì tốt nhất?

Bị cao huyết áp nên ăn gì tốt nhất?

Vấn đề quan trọng hàng đầu trong thực phẩm nên ăn của người bệnh cao huyết áp là phải ăn giảm muối, thực chất là giảm natri vì muối ăn là natri chloride..

Năm 1904, 2 thầy thuốc Pháp Ambard và Beaujard lần đầu tiên công bố hiệu lực của việc giảm muối ăn để làm hạ huyết áp và từ nhiều thập kỷ nay thuốc lợi tiểu với mục đích làm tăng đào thải nước và natri lại được coi là loại thuốc hàng đầu để chữa bệnh cao huyết áp.

Ăn giảm muối là một yêu cầu bắt buộc đối với người bệnh, người ta đã tính nhu cầu hàng ngày của cơ thể chỉ vào khoảng 4g nhưng thông thường ta vẫn dùng tới 10g hoặc hơn nữa, dùng nhiều muối như thế là do thói quen, thức ăn tương đối mặn vẫn ngon hơn là ăn nhạt. Người bệnh không được ăn thịt hộp, cá hộp, cá kho, tôm, lạp xường, thậm chí cả bánh mì… Trong bữa ăn hàng ngày, không dùng thêm nước mắm hoặc các loại nước chấm khác có muối. Riêng trong cơn cao huyết áp kịch phát thì phải ăn nhạt hoàn toàn.

Ngoài muối ăn cũng phải hạn chế những thức ăn khác có nhiều natri như mì chính là natri glutamat, nước khoáng có chứa nhiều natri bicarbonat…

Chế độ ăn của người bị tăng huyết áp
Thức ăn nên ăn của người bị cao huyết áp

– Bệnh cao huyết áp hay đi cùng với bệnh vữa xơ động mạch, cả hai bệnh này đều thúc đẩy sự phát triển của nhau làm nặng thêm bệnh, nên trong chế độ ăn cũng cần phải lưu ý đến các chất lipid, cần điều chỉnh như thế nào để không có chứng tăng cholesterol trong máu vì cholesterol tạo điều kiện cho sự hình thành và sự phát triển bệnh vữa xơ động mạch. Kinh nghiệm chung trên thế giới cho thấy cần phải giảm mỡ động vật và thay bằng dầu thực vật. Mỡ động vật chứa nhiều acid béo bão hoà làm tăng cholesterol máu, dầu thực vật chứa nhiều acid béo không bão hoà như acid arachidonic, acid linoleic và acid linolenic, những acid này rất cần thiết cho nhu cầu của cơ thể mà cơ thể không tổng hợp được, lại có vai trò rất quan trọng trong việc điều hoà làm giảm cholesterol máu. Các acid béo không bão hoà cũng làm giảm đáng kể triglycerid và lipoprotein LDL (lipoprotein có tỷ trọng thấp) là hai thành phần lipid khác cũng gây vữa xơ động mạch. Các acid béo không bão hoà có trong các loại dầu như dầu hướng dương , dầu đậu tương… Cũng phải làm giảm các thức ăn có chứa nhiều cholesterol và mỡ động vật, chế độ ăn của chúng ta nhìn chung không có nhiều mỡ động vật nhưng lại thiếu hẳn dầu thực vật, sự mất cân bằng này đã có ảnh hưởng không tốt đến việc điều hoà cholesterol trong máu. Kiêng triệt để thức ăn có cholesterol là không đúng và không khoa học vì cholesterol là một thành phần không thể thiếu được trong một cơ thể bình thường, tham gia cấu trúc màng tế bào, là tiền chất của các hormon sinh dục và thượng thận , là thành phần của mật… Người cao huyết áp nên ăn dầu thực vật để chế biến thức ăn, ăn đậu, lạc, vừng… Sữa đậu nành (đậu tương) nên được dùng cho các người lớn tuổi kể cả có bệnh cao huyết áp.

Cao huyết áp nên ăn gì tốt nhất?

Người bị cao huyết áp nên dùng các thức ăn có vitamin C và vitamin P, 2 loại vitamin này tham gia vào các quá trình oxy-hoá khử, đảm bảo tính thấm của các mao mạch và độ bền của các mạch máu, hạn chế quá trình vữa xơ động mạch. Vitamin C có trong các quả chín, rau ngót, rau đay, rau dền… Vitamin P có trong hoa hoè, chè tươi, cam, quýt, bưởi…

Quả bưởi rất tốt với người tăng huyết áp
Quả bưởi rất tốt với người cao huyết áp

Vitamin E gần đây cũng được chú ý vì là chất chống oxy-hoá mạnh có vai trò trong việc bảo vệ sức khoẻ người có tuổi và phòng vữa xơ động mạch, vitamin E có trong giá đỗ, cà chua chín, dầu lạc, dầu đậu tương…

– Vì điều trị bệnh cao huyết áp nhất thiết phải dùng thuốc lợi tiểu như hypothiazid, đôi khi furosemid (Lasilix), những thuốc này lại hay làm mất kali qua nước tiểu nên cần phải bổ xung kali, kali là chất điện giải quan trọng cho hoạt động của cơ tim và các cơ khác trong cơ thể. Ngoài các thuốc có kali, cần tìm những thức ăn có nhiều kali như đậu, rau cải, cà chua, chuôi, cam…

Bảng thực phẩm nên ăn của người cao huyết áp để bổ sung Natri, Kali

100 g thực phẩm Natri (mg) Kali (mg)
Chuối 1 420
Bưởi 2 198
Dưa hấu 12 230
Cam 0,3 170
Đậu tương khô 4 1900
Đậu trắng 2 1310
Cải bắp 13 227
Súp lơ 16 400
Cà rốt 50 311
Ngô tươi 0,4 300
Khoai tây (tươi) 3 410
Bí ngô 1 457
Cà chua 3 268
Bánh mì 385 132
Thịt bò 51 340
Thịt gà 83 359
Thịt lợn 62 326
Cá chép 51 285
Cá thu 144 358
Tôm 140 250

– Không uống rượu và bia, cũng không nên uống cà phê, cafein có trong cà phê vừa làm tim đập nhanh, vừa làm tăng thêm sức co bóp của cơ tim.

Cà phê làm tăng nguy cơ biến chứng của tăng huyết áp
Cà phê làm tăng nguy cơ biến chứng của cao huyết áp

Nhất thiết không được hút thuốc lá. Cũng không ngồi gần, thậm chí không ngồi cùng buồng với những người hút thuốc lá để tránh hít thở không khí có khói thuốc lá. Xu hướng hiện nay ở nhiều nước là không hút thuốc lá nơi công cộng, người nghiện chỉ được hút ở những nơi đã quy định để không ảnh hưởng đến những người xung quanh.

– Với những người béo, thừa cân, phải giảm calo trong chế độ ăn. Người ta thấy ở những người đó nếu giảm trọng lượng thì huyết áp giảm: Howell thấy nếu giảm 3 kg trọng lượng thì huyết áp tâm thu giảm được 7 mmHg, huyết áp tâm trương giảm được 4 mmHg, nếu giảm được 12 kg thì huyết áp tâm thu giảm 21 mmHg, huyết áp tâm trương giảm 13 mmHg, Mac Mahon thấy nếu giảm được 7 kg trọng lượng thì huyết áp tâm thu và tâm trương lần lượt giảm được 13 và 10 mmHg. Nếu giảm cả lượng muối ăn thì thể trọng càng giảm rõ. Cơ chế làm giảm huyết áp chưa được rõ, Mac Mahon và cộng sự (1985) nhận xét thấy ở những người đó, từ tháng thứ 3 có giảm tiết insulin (insulin làm ống thận tăng tái hấp thu natri), giảm hoạt tính renin trong huyết tương và aldosteron, nên có lẽ vì vậy mà huyết áp giảm.

Dự phòng bệnh tăng huyết áp

  1. Khi chưa bị bệnh tăng huyết áp
  • Luôn luôn giữ các chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập được cân bằng, tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, uống rượu, trạng thái căng thẳng thần kinh, không vận động, béo bệu…
  • Nếu trong gia đình có bố, mẹ, anh chị em ruột bị bệnh tăng huyết áp thì phải tuân thủ các chế độ chặt chẽ hơn, đặc biệt là chế độ ăn giảm natri, giải quyết các yếu tố nguy cơ nếu xảy ra.
  1. Khi đã bị bệnh tăng huyết áp, cần làm mọi cách để bệnh không tiến triển sang các giai đoạn cao hơn, tránh xuất hiện các biến chứng rất nguy hiểm và kéo dài tuổi thọ:
  • Có một cơ sở y tế quản lý, theo dõi lâu dài vì phải xác định cần điều trị liên tục, suốt đời. Thầy thuốc phải giải thích bệnh đầy đủ, hướng dẫn chu đáo những điều cần làm và cần tránh, người bệnh cần hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc để chữa cho bản thân mình. Việc khám xét định kỳ là cần thiết để biết được các tổn thương do bệnh gây nên trong từng thời kỳ, đánh giá chính xác tiến triển của bệnh, hiệu lực của phương pháp điều trị và quyết định các phương hướng tiếp tục.
  • Bệnh nhân tuân theo các chế độ ăn uống, luyện tập, sinh hoạt, thuốc men… hết sức chặt chẽ để giữ được tốt mức huyết áp tránh những dao động lớn.
  • Giải quyết các yếu tố nguy cơ nếu có, đặc biệt không chế các điều kiện dễ làm cho huyết áp tăng cao kịch phát.

Điều trị liên tục có hiệu lực, giải quyết các yếu tố nguy cơ là những biện pháp dự phòng tích cực nhất đối với các biến chứng của bệnh tăng huyết áp.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây