Polyp đại – trực tràng

Bệnh tiêu hóa

Định nghĩa

Các u lành tính, đơn độc hoặc nhiều u, thường hay mọc ở đoạn cuối của đại tràng, có khả năng biến chuyển thành ác tính.

Căn nguyên: chưa biết.

Tỷ lệ mắc bệnh: tăng theo tuổi. Cứ trong 4 người từ 60 tuổi trở lên thì có 1 người bị polyp đại-trực tràng.

Giải phẫu bệnh

POLYP TĂNG SẢN: hay mọc ở đoạn đại tràng sigma và trực tràng, polyp được phủ bởi một lớp biểu mô biệt hoá. Không bị thoái hoá thành ác tính. Kích thước hiếm khi vượt quá 5 mm và không cần điều trị.

POLYP U TUYẾN

  • U tuyến hình ống (80% số trường hợp): phủ bởi một lớp niêm mạc có biểu mô hình trụ không biệt hoá, thường có cuông, có thể thoái hoá.
  • U tuyến có nhung mao (20% sc trường hợp): hình thành bởi các trục mô liên kết-mạch máu nằm cạnh nhau, được phủ ở bề mặt bởi một lớp biểu mô tế bào trụ ưa sắc. Các polyp này thường mọc ở đại tràng trái. Với kích thước gần như nhau, các polyp hình lông có nguy cơ thoái hoá cao hơn so với polyp u tuyến hình ống.

POLYP U TUYẾN VÀ UNG THƯ ĐẠI TRÀNG: người ta còn chưa rõ liệu bất kỳ polyp u tuyến nào cũng có khả năng thoái hoá ác tính hoặc tất cả ung thư đại tràng đều phát triển từ một loại polyp. Người ta biết rằng nguy cơ ung thư tăng lên theo kích thước của polyp. Đối với u tuyến hình ống có đường kính dưới 5 mm thì nguy cơ ung thư hoá thấp hơn 0,5%. Nếu đường kính giữa 5 mm và 1 cm thì nguy cơ sẽ là 1%, và nếu đường kính trên 2 cm thì nguy cơ này đạt tới 30%. Một phần ba số polyp hình lông sẽ thoái hoá ác tính. Những polyp có cuống dài với phần chỏm có đường kính dưới 1,5 cm thì hiếm khi trở thành ác tính. Polyp u tuyến thấy có ở khoảng 20% số đối tượng bị ung thư đại tràng.

Triệu chứng

Đa số trường hợp polyp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, các polyp chỉ được phát hiện ngẫu nhiên nhân thụt baryt và chụp X quang hoặc nhân nội soi đại tràng.

Một số polyp, nhất là polyp hình lông có thể gây ra máu ẩn trong phân (5% số trường hợp), đôi khi gây ra chảy máu trực tràng, cũng có thể gặp bệnh ruột xuất tiết với giảm albumin huyết và giảm kali huyết tuy rất hiếm xảy ra. Polyp trực tràng có thể sờ thấy khi thăm trực tràng bằng ngón tay.

X quang: thụt baryt có thể thấy những hình ảnh khuyết hình tròn.

Nội soi: soi đại tràng đồng thời làm sinh thiết là xét nghiệm hàng đầu để xác định chẩn đoán.

Phát hiện: theo dõi sát sao những đôi tượng có nguy cơ cao (tiền sử gia đình có người bị ung thư đại tràng hoặc u tuyến đại-trực tràng, bệnh polyp gia đình, đã được cắt polyp u tuyến, viêm đại-trực tràng loét chảy máu, tiền sử cá nhân bị ung thư vú, ung thư sinh dục hoặc ung thư tuyến tiền liệt). Đối với những người này, thì phải yêu cầu soi đại tràng cứ 5 năm một lần kể từ lúc 45 tuổi trở lên. Đôi với những người khác, người ta cũng khuyên nên điều tra sàng lọc bằng cách tìm máu ẩn trong phân hàng năm.

Điều trị

Đối với mọi trường hợp polyp, người ta đều cổ vũ biện pháp sinh thiết-cắt bỏ. cắt bỏ polyp có thể bằng đường nội soi nếu polyp có cuống và không lớn lắm.

Xét nghiệm mô học các lát cắt vi thể liên tiếp là cần thiết: nếu thấy dấu hiệu thoái hoá ác tính ở phần cuống hoặc ở đáy nơi polyp dính với thành ruột, thì phải chỉ định cắt đoạn đại tràng. Nếu không có dấu hiệu thoái hoá ác tính hoặc nếu dấu hiệu này ở gần với chỏm của polyp thì có thể đốt điện (đông điện) rồi theo dõi tiếp bằng X quang hoặc nội soi định kỳ (kiểm tra sau 1 năm, rồi cứ 2 hoặc 3 năm một lần). Trong trường hợp nhiều polyp thì phải theo dõi hàng năm trong nhiều năm liên tiếp.

Bệnh tiêu hóa
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận