Nguyên nhân Trào ngược dạ dày – thực quản và điều trị bệnh

Bệnh tiêu hóa

Tên khác: viêm thực quản do trào ngược, viêm loét thực quản, hồi lưu dạ dày-thực quản, hồi lưu acid.

Định nghĩa

Rối loạn hoạt động (rối loạn chức năng) của cơ thắt dưới thực quản làm cho các chất ở trong dạ dày và tá tràng trào ngược lên phần dưới thực quản, từ đó dẫn tới niêm mạc ở phần này của thực quản có thể bị những tổn thương viêm (gọi là viêm thực quản do trào ngược hoặc viêm loét thực quản).

Căn nguyên

Mọi người bình thường đều có những lần bị trào ngược dạ dày-thực quản (hồi lưu dạ dày-thực quản). Tuy nhiên, trào ngược dạ dày-thực quản nhiều lần và kéo dài, thường đưa tới biến chứng viêm thực quản chỉ xảy ra khi cơ thắt dưới của thực quản bị giãn lỏng một cách không thích hợp, không đồng bộ với động tác nuốt và dưới ảnh hưởng của những yếu tố dưới đây:

  • Rối loạn động học thực quản, đôi khi thứ phát sau khi ăn uống một số thực phẩm và đồ uống (rượu, cà phê, gia vị), hoặc uống một số thuốc (theophyllin, thuốc kháng tiết cholin, thuốc chẹn bêta, các dẫn xuất nitrit, thuốc ức chế kênh calci).
  • Chất chứa trong dạ dày-tá tràng quá acid, giàu pepsin và đôi khi nhiều acid mật.
  • Tăng áp lực trong dạ dày và trong ổ bụng: có thai, béo phì, mặc quần áo quá chật, cổ chướng (báng nước), bữa ăn quá thịnh soạn.
  • Thoát vị khe hoành: là yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên nhiều trường hợp viêm thực quản nặng không có thoát vị khe hoành.
  • Bệnh xơ cứng bì.

Triệu chứng

  • Chứng Ợ nóng hoặc rát bỏng ở sau xương ức xuất hiện sau bữa ăn hoặc thường xuyên, thường nặng thêm khi bệnh nhân nằm hoặc cúi người ra phía trước.
  • Chứng nuốt đau: đau khi uống đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh, đồ uống chua hoặc uống rượu.
  • Đau rát bỏng ở vùng thường vị là triệu chứng khá hay gặp.
  • Chứng Ợ: thường xảy ra sau bữa ăn, kèm theo tiếng nói khàn. Có thể gây ra cơn hen vào ban đêm.
  • Chứng nuốt khó khi nuốt những thức ăn đặc, đỡ hơn khi nuốt đồ ăn lỏng, và thường là dấu hiệu của viêm loét thực quản.
  • Đôi khi bệnh nhân bị đau kiểu cơn đau thắt ngực do tim.
  • Viêm loét thực quản: xảy ra khi chất chứa trong dạ dày có độ toan (tính acid) tiếp xúc với niêm mạc phần dưới thực quản.

Xét nghiệm bổ sung

Đo pH thực quản trong 24 giờ: là xét nghiệm hàng đầu. Xét nghiệm này cho phép tính khoảng thời gian trong đó pH cao hơn 4.

Nội soi ống mềm: cho phép phát hiện những giai đoạn viêm loét thực quản và làm sinh thiết để tìm dị sản tế bào hình trụ ở niêm mạc thực quản (xem: hội chứng Barrett) hoặc ung thư hoá.

X quang: khảo sát chuyển vận baryt cho phép phát hiện những vết loét và chỗ hẹp thực quản, nhưng để chẩn đoán viêm thực quản thì kém hữu hiệu.

Test Bemstein: qua một ống thông theo đường mũi, cho vào trong thực quản lần lượt một dung dịch nước muối đẳng trương và một dung dịch acid chlorhydric 0,1N. Khi nào là dung dịch acid thì xuất hiện lại các triệu chứng viêm thực quản.

Chụp nhấp nháy với chất đồng vị phóng xạ:hiếm khi cần thiết phải làm xét nghiệm này.

Biến chứng

  • Biến chứng hô hấp: ợ rồi hít phải dịch có thể gây ho hoặc cơn hen vào ban đêm, gây viêm họng hoặc viêm thanh quản tái phát nhiều lần, viêm phế quản mạn, viêm đáy phổi bị đi bị lại, và hãn hữu gây ra bệnh xơ phổi. Trào ngược thực quản-dạ dày có thể có biến chứng là các triệu chứng thanh quản hoặc triệu chứng phổi, ngay cả khi không có các triệu chứng tiêu hoá.
  • Hội chứng Barrett: xem hội chứng này.
  • Loét thực quản: biểu hiện bởi đau khu trú ở vùng mũi ức và vùng sau xương ức ở trên cao. Khi vết loét thành sẹo có thể gây hẹp thực quản.
  • Chảy máu đường tiêu hoá:có thể chảy máu vi thể hoặc đại thể và gây ra thiếu máu thiếu sắt.
  • Viêm thực quản gây hẹp do trào ngược (hẹp thực quản do loét): lòng của thực quản bị hẹp lành tính do những tổn thương gây ra bởi trào ngược dịch vị, dịch mật hoặc dịch tuỵ; hẹp thực quản sẽ dẫn tới chứng nuốt khó tiến triển dần đối với đồ ăn đặc. Soi thực quản cho phép loại trừ ung thư.
  • Dị sản biểu mô tế bào trụ:liên kết với hẹp thực quản, là một tổn thương tiền ung thư cần phải theo dõi bằng nội soi thực quản và sinh thiết hàng năm.

Điều trị

  • Ngừng hút thuốc lá, ngừng uống rượu, cà phê.
  • Chế độ ăn:tránh gia vị, những món ăn quá nóng hoặc quá lạnh, tránh bữa ăn nhiều mỡ hoặc quá thịnh soạn, nhất là bữa tối. Điều trị chứng béo phì.
  • Tránh uống aspirin và những thuốc chống viêm không steroid.
  • Nằm ngủ đầu giường kê hơi cao. Tránh cúi người ra phía trước (tư thế này làm cho các chất chứa trong dạ dày dễ tiếp xúc với phần dưới thực quản), tránh mặc quần áo quá chật.
  • Thuốc:

+ Thuốc chống tiết dịch vị: những thuốc ức chế bơm proton (ví dụ: Omeprazol 20- 40 mg/ ngày) trong 4-6 tuần có hiệu quả hơn so với thuốc kháng histamin H2 (ví dụ ranitidin 450 mg/ ngày). Những thuốc này làm giảm nhanh chóng các triệu chứng trong đa số trường hợp, nhưng cũng thường bị tái phát sau khi ngừng thuốc.

+ Những thuốc kích thích nhu động của ống tiêu hoá (ví dụ cisaprid 30 mg/ngày) phối hợp với thuốc chống tiết dịch vị có thể làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn, nhưng không đạt được tỷ lệ khỏi bệnh cao.

+ Thuốc kháng acid, sulcrafat: đã bỏ không dùng.

  • Nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật ngoại khoa:làm thủ thuật chống trào ngược (khâu gấp đáy dạ dày hoàn toàn hoặc một phần) trong trường hợp điều trị nội khoa đúng cách nhưng thất bại, trong trường hợp hẹp loét thực quản tái phát sau khi nong, hoặc có biến chứng hô hấp. Biện pháp nội soi ổ bụng ngày nay ngày càng phổ biến.
  • Trong trường hợp hẹp loét thực quản: nong bằng cây nong Savary hoặc bằng bóng gắn ở đầu của Ống nội soi. Sau khi nong, cho Omeprazol 20 mg/ngày. Chỉ cắt đoạn thực quản khi nào hẹp không còn có thể nong được.

Bệnh tiêu hóa
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận