Hormon tăng trưởng (Growth Hormone – GH)
Hormon có bản chất protein chứa 191 acid amin trong một chuỗi đơn, có trọng lượng phân tử là 22.005.
GH vừa làm tăng kích thước tế bào vừa làm tăng quá trình phân bào do đó làm tăng trọng lượng cơ thể, tăng kích thước các phủ tạng. Có thể tóm tắt một số tác dụng của GH như sau:
- Kích thích mô sụn và xương phát triển, qua 2 cơ chế làm dài xương và làm dày xương.
- Kích thích sinh tổng hợp protein, bằng cách:
- Tăng vận chuyển acid amin qua màng tê bào.
- Tăng quá trình dịch mã ARN làm tăng tổng hợp protein từ ribosome.
- Tăng sao chép ADN của nhân tế bào để tạo ra ARN, có lẽ đây là tác dụng quan trọng nhất của GH.
- Giảm thoái hoá protein và acid amin.
- Tăng tạo năng lượng từ nguồn lipid, làm tăng nồng độ acid béo trong máu.
- Tác dụng lên chuyển hoá glucid. Có 4 tác dụng quan trọng đối với chuyển hóa glucid là:
- Giảm sử dụng glucose cho mục đích tăng sinh năng lượng. Do GH tăng huy động và sử dụng acid béo để tạo năng lượng, vì thế đã làm tăng nồng độ acetyl-CoA, acetyl-CoA lại có tác dụng điều hoà ngược ức chế quá trình thoái hoá glucose và glycogen làm tăng glucose máu.
- Tăng dự trữ glycogen ở tế bào.
- Giảm vận chuyển glucose vào tế bào do đó làm tăng nồng độ glucose máu. Do giảm vận chuyển glucose vào tế bào, ức chế giáng hoá glucose, GH vừa trực tiếp vừa gián tiếp làm tăng glucose máu. Trong trường hợp này mô ngoại vi rất ít nhạy cảm với insulin.
- Tăng bài tiết insulin thông qua hai cơ chế: thứ nhất, do GH làm tăng glucose máu, kích thích tế bào beta tăng tiết insulin và thứ hai, GH tác động trực tiếp lên tế bào beta. Chính do kéo dài tác động quá mức này đã làm tế bào beta bị hư hại suy giảm khả năng bài tiết insulin. Hậu quả là gây ra bệnh đái tháo đường.
Hormon tuyến giáp trạng
Hai hormon tuyến giáp tham gia vào sự điều hoà glucose máu là T3 (Triiodotronin) và T4 (Tetraiodotyroxin hay Thyroxin)
Các hormon này tác dụng lên sự phát triển của cơ thể thông qua hai quá trình làm tăng tốc độ phát triển và biệt hoá tổ chức.
Hormon tuyến giáp làm tăng hoạt động chuyển hoá của tế bào, tăng tốc độ các phản ứng hoá học, tăng tiêu thụ và thoái hoá thức ăn để cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống. Hormon tuyến giáp còn làm tăng số lượng và kích thước các ty lạp thể do đó làm tăng tổng hợp các ATP, tăng cung cấp năng lượng cho cơ thể; kích hoạt hệ thống enzym Na+K+– ATPase, làm tăng vận chuyển Na+ và K+ qua màng tế bào của một số mô, góp phần làm tăng chuyển hoá cơ bản của cơ thể.
Tác dụng lên chuyển hoá glucid: Làm tăng lượng glucose trong máu bằng cách:
- Tăng giáng hoá glucose ở các tế bào.
- Tăng phân giải glycogen.
- Tăng tạo glucose mới.
- Tăng hấp thu glucose ở ruột.
- Tăng bài tiết insulin.
Ngoài ra hormon của tuyến giáp còn tác động lên quá trình chuyển hoá của lipid, của protein, của các vitamin; đặc biệt nó có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hệ tim mạch, thần kinh, lên cơ quan sinh dục và các tuyến nội tiết khác.
Hormon làm tăng glucose máu của tuyến tụy
Glucagon do tế bào A (tế bào alpha) của đảo tuỵ Langerhans tiết ra. Tế bào này nằm ở rìa các đảo tuỵ (chiếm 10%), phần sau đầu tuỵ chỉ chiếm 0,5%. Tế bào A tiết ra glucagon, proglucagon và các peptid giống glucogon như GLP-1.
Các corticoid vỏ thượng thận
Tuyến vỏ thượng thận được cấu tạo bởi 3 lớp riêng biệt đó là:
- Lớp cầu: Lớp ngoài cùng tiết các hormon chuyển hoá muối, điển hình là aldosteron.
- Lớp bó: Lớp giữa chủ yếu tiết các hormon chuyển hoá đường
- Lớp lưới: Lớp trong cùng sát với tuỷ thượng thận chủ yếu tiết hormon chuyến hoá androgen.
Trong phần này chúng tôi chỉ đi sâu vào nhóm hormon chuyển hoá đường, gồm có:
- Cortisol: tác dụng rất mạnh chiếm 95% tổng hoạt tính của nhóm chuyển hoá đường.
- Corticosteron: tác dụng yếu hớn cortisol, chiếm 4% tổng hoạt tính.
- Cortison: là hormon tổng hợp, tác dụng mạnh gần như cortisol.
- Prednison: là hormon tổng hợp, tác dụng mạnh gấp 30 lần cortisol. Prednison tác dụng lên chuyển hoá glucid nhờ tăng tạo đường ở gan, mức tăng có thể từ 6 đến 10 lần do cortisol làm tăng tất cả các enzym tham gia trong quá trình chuyển acid amin thành glucose; cortisol cũng tăng huy động acid amin từ mô ngoài gan, chủ yếu là từ cơ vào huyết tương rồi từ huyết tương vào gan, do vậy đã thúc đẩy quá trình tạo glucose tại gan.
Ngoài ra tác dụng tăng glucose máu của cortisol còn thông qua một con đường khác, đó là, làm giảm mức tiêu thụ glucose của tế bào ở khắp nơi trong cơ thể.
Như vậy cortisol làm tăng glucose máu bằng cả hai cách làm tăng tạo đường mới và làm giảm tiêu thụ đường ở mức tế bào ngoại vi. Đây cũng chính là cơ chế bệnh sinh của đái tháo đường do cường năng tuyến vỏ thượng thận. Nhưng so về độ nhạy cảm với insulin thì đái tháo đường do thượng thận nhạy cảm với insulin hơn là đái tháo đường do tuyến yên.
Hormon tuyến vỏ thượng thận còn tác dụng lên chuyển hoá protein, lên chuyển hoá lipid, tác dụng chống stress, chống viêm, chống dị ứng, tác dụng lên hệ thống tạo máu, lên các tuyến nội tiết khác v.v.
Đây là một hormon rất quan trọng của cơ thể.
Catecholamin tuỷ thượng thận
Tuỷ thượng thận tiết ra adrenalin và noradrenalin, các hormon này tác dụng chủ yếu lên hệ tim mạch thông qua vai trò của các cơ trơn là chính. Với chuyển hoá glucid chúng làm tăng phân giải glycogen thành glucose ở cơ và gan do đó tăng giải phóng glucose vào máu.