Ong mật – Tác dụng chữa bệnh của mật ong, sữa ong chúa

Vị thuốc Đông y

ONG MẬT

Tên khác: Ong muỗi, ong khoái (tên gọi ở miền Bắc), ong ruồi (miền Nam) Tên khoa học: Apis cerana Fabricius (ong mật, ong châu Á), Apis dorsata (ong khoái), Apis florea (ong ruồi). Apis mellifera (ong châu Âu, loài nhập nội).

Họ Ong mật (Apidae)

MÔ TẢ

Côn trùng cánh màng, đít có nọc, có chiều dài toàn thân 1-1,5 cm, hút mật hoa để chế biến thành mật ong.

Ong muỗi có cơ thể nhỏ làm mật có màu trắng, ong khoái to hơn cho mật màu vàng. Ong ruồi có thân mình nhỏ dẹt cho mật màu vàng nâu. Ong châu Âu có kích thước lớn hơn các loài nêu trên.

Trong đàn ong, có ong chúa dài 2 – 2,5cm, to hơn các con ong khác, chuyên làm nhiệm vụ sinh sản. Ong đực dài 1,5 – l,7cm, chỉ giao phối với ong chúa rồi chết. Ong thợ có bộ phận sinh dục bị thoái hóa, không còn khả năng thụ tinh, chỉ làm nhiệm vụ hút mật hoa rồi luyện với nước bọt có chứa enzym để thành mật ong, sản sinh sữa đặc biệt từ những hạch ở đầu để nuôi ong chúa, tiết chất sáp từ hạch bụng để xây tổ và nhiều công việc khác trong tổ như gắn các tầng sáp, hàn kín các khe hở, chống đỡ kẻ thù xâm nhập.

PHÂN BỐ, NƠI SỐNG

Ong mật sống thành đàn có tổ chức với số lượng đông hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn con. Tình trạng ong mật sống hoang còn rất ít mà chủ yếu được nuôi từ lâu trong cả nước. Những tỉnh nuôi nhiều ong là Hưng Yên, Hải Dương, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lâm Đồng, trong đó đặc biệt thành nghề truyền thống có Hưng Yên, Hải Dương. Người ta cho rằng muốn thành công trong việc nuôi ong, cần phải có 4 điều tốt như nguồn mật tốt, giống tốt, chăm sóc tốt, khai thác tốt.

Nếu có điều kiện, có thế di chuyển đàn ong đến những vùng có nhiều hoa theo từng mùa, từng vụ.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HOẠCH, CHẾ BIẾN

Mật ong: là mật hoa được ong nhào quện và cô đặc lại, với tỷ lệ nước khoảng 15 – 20%. Đó là một chất lỏng sền sệt, màu vàng, thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, để lâu có đường kết tinh gọi là châu.

Mùa thu hoạch mật ong tốt nhất vào xuân – hạ (miền Bắc), mùa khô (miền Nam). Người ta thường đốt rễ cây khô lấy khói lùa vào tổ ong. Khói sẽ làm ong cay khó chịu mà bay ra khỏi tổ. cắt lấy tầng sáp chứa đầy mật rồi bóp, vắt hoặc ép lấy mật. Lọc kỹ. Mật thu được bằng cách này thường có chất lượng kém vì lẫn sáp, các tạp chất khác, đôi khi cả ấu trùng.

Muốn có mật tốt, cần cắt tầng sáp thành những miếng nhỏ, đem phơi nắng. Sáp sẽ mềm và mật sẽ chảy xuống đồ đựng, ở các cơ sở nuôi ong có tính công nghiệp, người ta lấy mật ong bằng cách cho tầng sáp vào máy ly tâm rồi vận hành. Cách này có ưu điểm là giữ nguyên được tầng sáp (ong không phải xây lại tổ) và mật thu được có chất lượng tốt.

Sữa ong chúa là mật và phấn hoa được ong bào chế làm chất dự trữ và thức ăn chủ yếu cho ong chúa, ấu chúa. Đó là một chất lỏng sánh, màu trắng đục đến vàng ngà, có giá trị cao nhất trong tổ ong.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác của ong cũng được sử dụng như sáp ong, keo ong, nọc ong, phấn hoa do ong mang về.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Mật ong chứa đường với tỷ lệ cao (glucose, levulose, một ít saccharose), protid, các muối Ca, Fe, p, Mg, các vitamin Bl, B2, B6, pp, acid panthotenic, các men. 100g mật ong cung cấp cho cơ thể 335 calo.

Sữa ong chúa chứa nhiều acid amin, có nhiều loại cơ thể không tổng hợp được như cystein, threonin, phenylalanin, valin…, acid hữu cơ, vitamin B2, chất béo, enzym, các kích thích tố, muối khoáng.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Mật ong, tên thuốc trong y học cổ truyền là bách hoa tinh, bách hoa cao hay phong mật, là một vị thuốc có giá trị bồi dưỡng cao. Trẻ em uống đều đặn hàng ngày, mỗi ngày 1 – 2 thìa cà phê mật ong sẽ chóng lớn, trừ được nhiều bệnh thông thường. Người mới ốm khỏi muốn bồi bổ cơ thể thường dùng mật ong đánh với trứng gà hoặc ngâm rau thai với mật ong. Đối với người bệnh lao, kết hợp với dùng thuốc, người ta thường cho uống mật ong mỗi ngày 100 – 150g để mau chóng hồi phục sức khỏe, làm tăng lượng hồng cầu. Những người cao tuổi thường xuyên uống mật ong có thể kéo dài được tuổi thọ.

Mật ong
Mật ong

Mật ong nguyên chất để càng lâu càng đặc quánh là môi trường mà nhiều vi khuẩn và nấm mốc không thể phát triển được. Đó là loại thuốc có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm đã được công nhận từ lâu. Trẻ em đang bú sữa mà bị nấm làm tưa lưỡi, dùng mật ong bôi hàng ngày sẽ mau khỏi. Mật ong trộn với bột của hoa hồng đỏ bôi chữa những vết lở loét ở miệng, lợi, lưỡi. Những vết thương, vết mổ được đắp bằng mật ong sẽ chóng khô, sạch, không mùi hôi vì mật ong hút nước và diệt vi khuẩn.

Mật ong được dùng chữa viêm loét dạ dày, tá tràng rất tốt với tác dụng làm se nhanh chóng, vì nó làm giảm và đưa độ acid của dịch vị trở lại bình thường, nên làm dịu các cơn đau và với độ sánh đặc cao đã bao che vết loét làm mau lành. Một số dạng thuốc chữa viêm loét dạ dày khá tốt như cao dạ cẩm hoặc mật ong – nghệ vàng – trứng gà.

Mật ong còn được dùng làm tá dược trong nhiều loại thuốc tễ, rượu bổ để cho ngọt, dễ uống. Mật ong cũng được bào chế thành dạng tiêm chống histamin.

Chú ý: Những người bị bệnh đái đường, phát ban không được dùng mật ong.

Sữa Ong Chúa Tươi làm đẹp da mặt
Sữa Ong Chúa Tươi

Sữa ong chúa (sữa chúa, phong nhũ tinh) là loại thuốc bổ cao cấp, có vị ngọt, hơi khé cổ, có tác dụng tăng trọng, kích thích và điều hòa, được dùng cho người già yếu, người mới ốm khỏi, phụ nữ yếu mệt sau khi đẻ, trẻ em suy dinh dưỡng; ngoài ra, thuốc còn cải thiện hệ thống miễn dịch, giảm hiện tượng “stress” và kìm hãm một số vi khuẩn gây bệnh.

Liều dùng hàng ngày: 2 – 3ml, dưới dạng thuốc viên.

Dùng ngoài, dạng kem sữa ong chúa 3% bôi hàng ngày làm da dẻ mịn màng, chữa tàn nhang, trứng cá ở phụ nữ, viêm da có mủ và chàm nhẹ ở trẻ sơ sinh.

Theo tài liệu nước ngoài, sữa ong chúa còn có khả năng điều hòa kinh nguyệt và kích thích sinh dục trong một số trường hợp.

Chú ý: Những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh về huyết quản, dị ứng với thuốc, bệnh hen, bệnh Addison, phụ nữ đang hành kinh không được dùng sữa ong chúa.

Ngoài ra, các sản phẩm khác của ong mật như sáp (phong lạp) cũng được dùng chữa băng huyết (20g sáp tán nhỏ, uống với rượu hâm nóng), phối hợp với nhựa thông (lượng bằng nhau) nấu cho tan, bôi chữa nứt nẻ đầu ngón tay, ngón chân; dùng để bao các loại thuốc tễ, thuốc hoàn to bảo quản lâu dài.

Keo ong được dùng dưới dạng xông hơi, viên ngậm để điều trị cúm, viêm họng, viêm phế quản, chứng hôi hơi thở. Dầu keo ong gồm keo ong 40% trộn với dầu thực vật 60%, bôi chữa các thể chàm, mụn nhọt, eczema…

Nọc ong chữa được nhiều bệnh như cao huyết áp, đau cột sống, viêm dây thần kinh, viêm đa khớp bằng cách cho ong đốt trực tiếp tại chỗ giống như hình thức châm cứu. Nọc ong được chê thành thuốc tiêm, nhũ dịch, dầu bôi.

Nọc ong có tính độc, không được tự ý sử dụng mà phải theo sự hướng dẫn và theo dõi của thày thuốc. Phụ nữ có thai, người bị bệnh lao, bệnh gan không được dùng nọc ong.

Phấn hoa do ong mang về có vị nhạt, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sức chống đỡ với bệnh tật, chữa suy dinh dưỡng dưới dạng thỏi phấn gọi là “viên phấn hoa”. Hoặc trộn phấn hoa (25g) với mật ong (50g) mà dùng.

BÀI THUỐC

  • Chữa suy nhược thần kinh, thận yếu, di mộng tinh: Mật ong (90%) trộn với cao kim anh (10%). Ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 30ml vào trước mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.
  • Chữa sỏi thận: Mật ong (10g), dịch ép của chanh (1 quả). Trộn đều với ít nước sôi. Ngày uống hai lần. (Kinh nghiệm của ông Tôn Thất Đảng, Hội nuôi ong Đà Nẵng).
  • Chữa cảm, cúm, ho có đờm, viêm phổi: Mật ong (250g), tép bưởi (500g). Cho tép bưởi vào một ít rượu, ngâm một đêm. Đun nhỏ lửa cho bay hết rượu, rồi trộn với mật ong. Ngày uống hai lần, mỗi lần 10 – 20g.
  • Thuốc bổ, làm ăn ngon, dễ ngủ, tăng cân, tăng lực, giảm cholesterol: Sữa ong chúa (2,5%), dịch chiết rễ đinh lăng (5%), mật ong (15%), cồn (10%) và tá dược vừa đủ 100%. (Sữa ong chúa – đinh lăng).

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận