Trang chủChăm sóc bệnh nhânChăm sóc người bệnh viêm đường mật

Chăm sóc người bệnh viêm đường mật

Viêm đường mật là bệnh về gan mật hay gặp ở người Việt Nam, chủ yếu do sỏi và giun gây nên. Hậu quả của viêm đường mật là áp xe gan đường mật.

Người điều dưỡng ngoài viêc chăm sóc tốt cho người bệnh viêm đường mật còn cần tuyên truyền tốt cho cộng đồng phong, chống nguyên nhân gây nên viêm đường mật.

NGUYÊN NHÂN

  • Do sỏi đường mật: sỏi đường mật sớm muộn cũng gây tắc mật và là điều kiện thuận lợi gây nên viêm đường mật.
  • Do giun chui lên đường mật mang theo vi khuẩn đường ruột gây nhiễm khuẩn đường mật.
  • Do vi khuẩn từ đường máu.

TRIỆU CHỨNG

  • Triệu chứng cơ năng

Sốt 39- 40oC, sốt kèm theo rét run, chán ăn, cơn sốt kéo dài vài giờ sau đó vã mồ hôi.

Đau: vị trí đau ở hạ sườn phải, đau âm ỉ, nếu nguyên nhân do sỏi di chuyển, cơn đau đột ngột, đau dữ dội, đau lan ra sau lưng và lên vai (cơn đau quặn gan).

Vàng da – vàng mắt: gặp trong trường hợp viêm đường mật do sỏi.

  • Triệu chứng thực thể

Ấn đau vùng hạ sườn phải.

Gan to ứ mật, ấn đau tức vùng gan trong trường hợp áp xe gan đường mật.

  • Triệu chứng toàn thân

Người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng: môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, người mệt mỏi, chán ăn, đi tiểu ít, nước tiểu màu vàng.

  • Triệu chứng cận lâm sàng

Xét nghiệm máu: bạch cầu trong máu tăng cao, đa nhân trung tính tăng.

Siêu âm: có thể thấy gan to, có thể thấy sỏi đường mật.

HƯỚNG XỬ TRÍ

  • Điều trị nội khoa

Chống đau và co thắt.

Chống nhiễm khuẩn.

Hạ sốt.

Nâng đỡ chức năng gan.

Điều chỉnh rối loạn đông máu.

Trợ tim mạch.

  • Điều trị ngoại khoa

Nếu nguyên nhân do sỏi, áp xe gan đường mật do giun: mở ống mật chủ lấy sỏi, lấy xác giun tạo lưu thông đường mật xuống ruột và dẫn lưu, chống ứ đọng.

KẾ HOẠCH CHĂM SÓC

Nhận định tình trạng người bệnh

  • Người bệnh đau ở đâu? Tính chất cơn đau?
  • Có sốt cao kèm theo rét run không ?
  • Vàng da, vàng mắt: quan sát màu da, màu củng mạc mắt?
  • Quan sát có vết gãi trên da?
  • Nước tiểu có vàng thẫm không?
  • Toàn thân :

+ Có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc ?

+ Có dấu hiệu của sốc không?

Những vấn đề cần chăm sóc

  • Đau vùng hạ sườn phải.
  • Biến loạn dấu hiệu sinh tồn.
  • Sốt cao, rét run.
  • Nguy cơ chảy máu đường mật.

Lập và thực hiện kế hoạch chăm sóc

Trước mổ

  • Theo dõi dấu hiệu sinh tồn: đo mạch, nhiệt độ, huyết áp 1 giờ/lần đối với người bệnh có sốt cao, rét run. Theo dõi sát đề phòng truỵ mạch do sốc nhiễm khuẩn. Báo cáo kết quả cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Khó thở: khơi thông đường thở, thở oxy.
  • Giảm đau: chườm đá vùng hạ sườn phải, thuốc giảm đau.
  • Thực hiện y lệnh của thầy thuốc: truyền dịch, tiêm thuốc kháng sinh, vitamin K, C.
  • Nếu người bệnh có chỉ định mổ cấp cứu, người điều dưỡng cần phải khẩn trương chuẩn bị trước mổ:

+ Hồi sức tích cực: chống choáng, thở oxy, truyền dịch, truyền máu theo y lệnh.

+ Đặt ống hút dịch dạ dày.

+ Làm các xét nghiệm máu cơ bản: công thức máu, nhóm máu, máu chảy, máu đông, urê, tỷ lệ prothrombin…

+ Đưa người bệnh đi siêu âm.

+ Thử, tiêm kháng sinh theo y lệnh.

+ Động viên an ủi người bệnh.

+ Hướng dẫn cho thân nhân người bệnh ký giấy cam đoan mổ.

+ Vệ sinh vùng mổ.

Sau mổ

Trong trường hợp mổ viêm đường mật do áp xe gan đường mật hay do sỏi mật:

  • Đánh giá dấu hiệu sinh tồn:

+ Tri giác: xem người bệnh đã thực sự tỉnh chưa bằng cách kích thích nhẹ (cấu, véo) vào người bệnh.

+ Hô hấp: bình thường người bệnh thở tốt, nhịp thở đều, êm, không có biểu hiện tím tái, nếu thở nhanh nông, tím tái phải cấp cứu hút đờm dãi, cho thở oxy và báo bác sĩ ngay để cấp cứu suy hô hấp.

+ Tuần hoàn: đếm mạch, đo huyết áp 15 – 30 phút/lần. Nếu mạch nhanh, huyết áp tụt có thể do chảy máu sau mổ, phải báo bác sĩ ngay và chuẩn bị các phương tiện hồi sức tuần hoàn.

+ Nhiệt độ: đôi khi sau mổ người bệnh bị tụt nhiệt độ, phải ủ ấm, hoặc sưởi ấm, nếu sốt cao phải cho hạ nhiệt.

  • Nối các ống dẫn lưu vào các lọ vô trùng.
  • Tư thế nằm: khi người bệnh tỉnh cho nằm tư thế nửa nằm, nửa ngồi (fowler), nghiêng về phía có ống dẫn lưu.
  • Thực hiện thuốc theo y lệnh của bác sĩ.
  • Theo dõi và phát hiện một số biến chứng sớm:

+ Suy hô hấp: người bệnh khó thở, tím tái, khò khè, nhịp thở nhanh, nông, cánh mũi phập phồng, phải báo ngay bác sĩ. Người điều dưỡng phải xem có hiện tượng trào ngược không, có tắc đường thở do tụt lưỡi hay ứ đọng đờm dãi không. Xử lý bằng cách hút đờm dãi, thở oxy, bóp bóng…

+ Chảy máu sau mổ: Người bệnh nhợt nhạt, thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp tụt, báo bác sĩ ngay để có y lệnh xử trí kịp thời.

+ Chảy máu đường mật: Biểu hiện hội chứng mất máu, dẫn lưu Kehr chảy nước mật lẫn máu tươi, chuẩn bị các phương tiện hồi sức tuần hoàn và dụng cụ bơm thông ống dẫn lưu Kehr.

+ Xì mật vào ổ bụng: Biểu hiện hội chứng viêm phúc mạc mật, báo bác sĩ ngay.

  • Khi người bệnh ổn định cho ngồi dậy sớm, vỗ lưng, tập thở sâu, tập ho để phòng ngừa viêm phổi.
  • Vận động sớm để tránh liệt ruột.
  • Nếu người bệnh còn đặt ống hút dạ dày: phải theo dõi tình trạng ổ bụng, ghi số lượng màu sắc dịch chảy qua ống thông dạ dày. Rút ống thông dạ dày khi người bệnh có trung tiện.
  • Vệ sinh răng miệng cho người bệnh.
  • Thay đổi tư thế nằm, xoa bóp những vùng tỳ đè, nằm đệm cao su cho người bệnh già yếu hoặc nằm lâu.
  • Dinh dưỡng: Truyền dịch, đạm hoặc truyền máu theo y lệnh khi người bệnh chưa có trung tiện. Cho ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu khi đã có trung tiện. Hạn chế ăn mỡ nếu người bệnh có kèm theo cắt túi mật.
  • Chăm sóc dẫn lưu ống mật chủ (ống Kehr):

+ Ống Kehr hình chữ T được đặt vào ống mật chủ sau khi phẫu thuật viên lấy sỏi xong và kiểm tra đường mật thông.

+ Đặt ống dẫn lưu Kehr nhằm mục đích:

o Dẫn lưu tiếp dịch mật nhiễm khuẩn. o Bảo đảm vết khâu ở ống mật chủ. o Tránh biến chứng dịch mật chảy vào ổ bụng. o Chụp kiểm tra đường mật xem có còn sỏi sót hay không.

+ Cách theo dõi ống Kehr:

o Ông Kehr phải nối với một ống vô khuẩn đưa vào một chai vô khuẩn, chai này để thấp hơn vị trí ống mật.

o Theo dõi dịch mật: Thường 3 ngày đầu người bệnh chưa có nhu động ruột, lượng dịch mật chảy qua Kehr khoảng 300 – 500ml/ngày. Khi có nhu động ruột, lượng dịch mật giảm dần. Lúc đầu dịch mật còn bẩn, nhiêu bùn mật hoặc mủ; ở những ngày sau dịch mật có màu vàng trong. Đối với trường hợp có nhiêu bùn mật cần rửa Kehr thường xuyên để tránh tắc, nếu có mủ, khi rửa nên cho thêm kháng sinh, nếu có máu cần báo ngay cho bác sĩ.

+ Bơm rửa đường mật: bằng huyết thanh mặn đẳng trương ấm, bơm với áp lực nhẹ.

+ Rút ống dẫn lưu Kehr:

o Kehr để từ 12-15 ngày sau mổ. o Chỉ được rút khi có chỉ định của bác sĩ. o Đường mật phải thông.

+ Phương pháp kiểm tra đường mật thông:

o Trước khi rút cần chụp đường mật qua Kehr bằng chất cản quang xem đường mật có thông không.

o Kẹp Kehr thử 24 – 48 giờ: nếu người bệnh không đau vùng hạ sườn phải, không sốt là tốt.

  • Chăm sóc ống dẫn lưu khác

+ Ống dẫn lưu dưới gan

Để phòng ngừa mật rò vào ổ bụng qua chân dẫn lưu Kehr.

Theo dõi có chảy máu sau mổ không.

Dẫn lưu thường được rút sớm (sau 2-3 ngày) nếu ống khô. Theo dõi số lượng dịch, màu sắc, tính chất của dịch qua ống.

+ Dẫn lưu túi mật (nếu có): ống dẫn lưu bằng ống Malecot hoặc ống Pezzer. Theo dõi như ống dẫn lưu Kehr.

  • Theo dõi biến chứng sau mổ:

+ Sót sỏi.

+ Rò mật.

+ Sốc nhiễm trùng.

  • Chăm sóc vết mổ:

+ Vết mổ không nhiễm trùng, cắt chỉ sau 7 ngày.

+ Vết mổ ướt thay băng, phù nề cắt chỉ thưa.

+ Vết mổ chảy máu, băng ép cầm máu, không cầm máu được báo bác sĩ xử lý.

Giáo dục sức khoẻ

Tuyên truyền trong cộng đồng cách phòng viêm đường mật:

  • Giữ vệ sinh ăn uống.
  • Tẩy giun định kỳ.
  • Không ăn gỏi cá.
  • Hướng dẫn cho người bệnh các triệu chứng phát hiện sớm bệnh để đi khám bệnh.
Bài trước
Bài tiếp theo
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây