Tên khoa học:
Radix Gentianae Quịnjiao Tiếng Trung: 秦艽 Theo sách thuốc cổ Trung quốc, Tần giao dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh, là rễ của nhiều loại cây thuộc họ Long đởm (Gentianaceae) có tên khác nhau như Gentiana macrophylla Pall; G.Straminea Maxim; G.Crassicaulis Duthie ex Burk; G.Dahurica Fisch. Theo sách Đỗ tất Lợi thì Tần cửu (Thanh tảo) là cây thuộc họ Ô rô (Acanthaceae) có tên khoa học Justicia Gendarussa L. (Gendarus savulgaris Nees).
(Có vằn như mắt là tốt, giũ bỏ đất, rửa nước dùng)
Mô tả:
Rễ tần giao Rễ hình trụ, trên to, dưới nhỏ, xoắn vặn, dài 10 – 30 cm, đường kính 1 – 3 cm. Mặt ngoài màu vàng nâu hoặc màu vàng sáng, có nếp nhăn theo chiều dọc hoặc vặn. Đầu rễ còn sót lại mẩu gốc thân. Chất cứng, giòn, dễ bị bẻ gẫy. Mặt gẫy mềm: Phần vỏ có màu vàng hoặc vàng nâu, phần gỗ màu vàng. Mùi đặc biệt, vị đắng, hơi chát. Bộ phận dùng: Rễ. Rễ sắc vàng, thơm, dẻo, dài độ 10 – 20cm là tốt, thứ mục không thơm là xấu.
Cách bào chế:
Theo Trung Y: Dùng Tần giao lấy vải chùi sạch lông vàng trắng, ngâm nước một đêm rửa sạch phơi khô dùng (Lôi Công Bào Chích Luận). Theo kinh nghiệm Việt Nam: Bỏ cuống, lần ra cho khỏi rối, nhặt bỏ tạp chất, rửa sạch cắt khúc ngắn phơi khô (thường dùng) sau đó có thể tẩm rượu dùng. Bảo quản: Để nơi khô ráo, mát, thoáng gió.
Khí vị:
Vị đắng cay, tính hơi ấm, có thể thăng mà cũng có thể giáng, là thuốc âm, trong đó có chút dương, vào kinh Dương minh chân tay, sợ sữa bò, dùng Xương bồ làm sứ.
Chủ dụng:
Khu phong, hoạt lạc, dưỡng huyết, giãn gân, chữa 5 chứng cam phong, đau các khớp xương, là thuốc tư nhuận trong phong dược, là thuốc tán trong thuốc bổ, thường dùng trong thuốc chữa phong, (với ý nghĩa “trị phong trước phải trị huyết, huyết lưu hành được thì phong tự hết), lợi tiêu tiện, chữa chứng vàng da, nóng trong xương, (vàng da, đái dắt là do thấp nhiệt, Tần giao chạy vào Vị mà trừ thấp nhiệt cho nên nói có thể chữa được), giải độc Rượu, chữa chứng Tràng phong hạ huyết, chữa đầu phong, đau răng và ghẻ chốc vùng đầu.
Kỵ dụng:
Trường hợp hạ bộ hư hàn mà đái không nhịn được thì cấm dùng.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Tố vấn bệnh cơ khí nghi bảo mệnh tập”
Bài Đại tần giao thang
Tần giao 12g, Thạch cáp, Cam thảo, Xuyên khung, Đương quy, Độc hoạt, Bạch thược đều 8g, Khương hoạt, Phòng phong, Hoàng cầm, Bạch chỉ, Bạch truật, Bạch linh, Sinh địa, Thục địa đều 4g, Tế tân 2g. Cùng tán nhỏ, mỗi lần dùng 8-16g, sắc nước, uống ấm.
Có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, điều lý khí huyết.
Trị phong tà mới trúng vào kinh lạc, tay chân không vận động được, lưỡi cứng không nói được, phong tà tản khắp không ở một kinh nào.
“Hành giản trân nhu”- Hải Thượng Lãn Ông
Bài Hoạt lạc toàn chân phương
Tần giao 7đ, Nhân sâm 5đ, Thục địa, Câu kỷ, Sơn dược, Hoàng bá, Thỏ ty tử, đều 2 lạng, Tục đoạn, Ngưu tất, Mộc qua, Mạch môn, Đương quy, Tang ký sinh, Đỗ trọng, đều 1 lạng. Các vị cùng tán nhỏ, luyện Mật hoàn bằng hạt đỗ đen, liều uống 70 viên, uống lúc đói bụng.
Trị các chứng khí huyết hư yếu, không muốn ăn uống, dương sự không cương, di tinh, bạch trọc, lưng gối yếu mềm.
Bài Hoạt lạc ký sinh phương
Tần giao, Ngưu tất, Mộc qua, Đỗ trọng, Hoàng kỳ, Thạch hộc, đều 3đ, Đương quy, Phòng phong, đều 2đ, Tang ký sinh l,5đ, Thỏ ty tử, Quế chi, Hoàng bá (Sao rượu), đều 5 phân, sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Trị Thận tạng hư hàn, hai đầu gối và ong chân tê, đau.
“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”
Bài Tần giao khương hoạt thang
Khương hoạt 15g, Tần giao 9g, Hoàng kỳ 9g, Thăng ma 5g, Phòng phong 6g, Sài hồ 5g, Ma hoàng 5g, Hồng hoa 2g, Cam thảo 4g, Cảo bản 2g, Tế tân 2g.
Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Chữa người bị chứng trĩ lậu đã lòi ra ngoài, đã thành cục lồi, rất ngứa.
“Thiên gia diệu phương”
Bài Tam tý thang
Phòng phong 9g, Khương hoạt 9g, Tần giao 9g, Dĩ mễ 30g, Cam thảo 4g, Đương quy 12g, Xuyên thảo ô (chế) 4g.
Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Có tác dụng hoạt huyết, khu phong, tán hàn, trừ thấp.
Trị thấp khớp, chân tay đau, đi lại khó khăn, rêu lưỡi trắng, bẩn, mạch nhu hoãn.