Trang chủSức khỏe gia đìnhPhương pháp dán thuốc vào huyệt chữa tăng huyết áp

Phương pháp dán thuốc vào huyệt chữa tăng huyết áp

Hàng năm, không ít người bị các tai biến nguy hiểm của cao huyết áp dẫn đến tử vong như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã khuyến cáo rằng: Tăng huyết áp là một căn bệnh giết người hàng loạt.

Có nhiều phương pháp phòng và điều trị cao huyết áp như dùng thuốc, điều chỉnh hành vi lối sống… Trong bài viết này, xin giới thiệu với các bạn một phương pháp đơn giản điều trị cao huyết áp, đó là dán thuốc vào huyệt Dũng tuyền.

Mục lục

Dán thuốc vào huyệt, một phương pháp đơn giản

Đông y có rất nhiều cách điều trị căn bệnh cao huyết áp này. Châm cứu, bấm huyệt, dùng thuốc, khí công… là một trong nhiều phương pháp chữa bệnh cao huyết áp. Ngoài các phương pháp trên, có một phương pháp thật đơn giản mà các bạn có thể tự áp dụng được. Đó là phương pháp dán thuốc vào huyệt chữa bệnh cao huyết áp.

Phương huyệt chủ yếu: là huyệt Dũng tuyền, huyệt này còn có một số tên gọi khác như Địa xung, Quệ tâm, Địa cù… Theo y học cổ truyền phương Đông: Dũng tuyền là Tỉnh huyệt thuộc kinh túc thiếu âm Thận, ý nói là sự khởi nguồn của kinh khí. Và là một trong tam tài (Thiên – Địa – Nhân), trong đó Dũng tuyền là địa, Đản trung là nhân, Bách hội là thiên. Có vị trí nằm ở giữa lòng bàn chân. Người ta thường xác định huyệt ở vị trí 1/3 trước của đường thẳng đi dọc qua gan bàn chân, có tác dụng kích thích nâng cao chính khí của thận tạng. Thường được chỉ định chữa các bệnh như trúng phong (tai biến mạch máu não), cao huyết áp, mất ngủ, động kinh, bệnh tâm thần, nhức đỉnh đầu… Kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy có thể ôn châm hoặc cứu huyệt vị này và phối hợp với một số các huyệt khác để nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

huyệt Dũng tuyền
huyệt Dũng tuyền

Phương thuốc chủ yếu: Thường dùng quả chín hay phơi khô của cây Ngô thù du (Eyodia rutaearpa (Juss) Benth) để làm thuốc. Thù du ở nhiều nơi đều có, nhưng ở đất Ngô thì tốt hơn nên người xưa gọi Ngô thù du để phân biệt thù du ở đất Ngô với các địa phương khác. Hiện nay, vị thuốc này còn phải nhập, nhưng theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi, cây thuốc này cũng đã phát hiện thấy ở Việt Nam, tại Hà Giang, nhân dân gọi là cây xà lạp, dùng để chữa đau bụng, nóng sốt…

Theo Đông y, Ngô thù du có vị cay đắng, tính ôn, hơi có độc, vào 4 kinh: can, thận, tỳ và vị. Dân gian thường dùng để chữa ăn uống không tiêu, nôn mửa, đau bụng, cước khí, đi ỉa, đau đầu. Còn được dùng trong một số trường hợp khác như đau nhức mình mẩy, chân lưng yếu mềm, đau răng, lở ngứa…

Liều dùng 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc 1 – 3g dưới dạng thuốc bột, chia 3 -4 lần uống trong ngày. Tài liệu cổ có nêu, nếu không phải hàn thấp chớ dùng.

Theo y học hiện đại, ngô thù du có chứa các hoạt chất như tinh dầu và một số alkaloid như evodiamin, rutacaecacpin, wuchuyin… Chất rutacaecacpin khi bị phân giải sẽ cho rutamin có cấu trúc hoá học là indol etylamin (Đỗ Tất Lợi). Tác dụng sinh học trên tim mạch đã được chứng minh có tác động đến huyết áp.

Phương pháp dán thuốc

Ngô thù du đem giã nhỏ mịn, trộn với dấm thanh thành dạng hồ đặc, dùng lá tươi (lá chuối, lá bàng, lá sen…) cắt thành miếng nhỏ 7×7 cm, phết Ngô thù du thành một lớp mỏng trên mặt lá. Dán thuốc nói trên vào huyệt dũng tuyền, sau đó dùng băng vải hoặc băng dính cố định lại miếng cao thuốc. Ngày đắp 1 lần, nên đắp trước khi đi ngủ, sáng sau có thể tháo miếng thuốc để không ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm việc. Nếu có điều kiện có thể đắp được 24 giờ càng tốt.

Ngô thù du
Ngô thù du

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, sau khi đắp thuốc 12 – 24 giờ, huyết áp bắt đầu hạ xuống, các dấu hiệu trực giác của người bệnh giảm nhẹ. Bệnh nhẹ đắp một lần, bệnh nặng đắp 2 – 3 lần là có hiệu quả giảm huyết áp rõ rệt.

Trong thực tiễn lâm sàng, chúng tôi thấy dán thuốc vào huyệt có hiệu quả tốt, có tác dụng là hạ huyết áp một cách căn bản. Nhưng nên phối hợp với các phương pháp điều trị khác để nâng cao hiệu quả điều trị.

Để kết thúc bài viết này, xin lưu ý với các bạn, phương pháp này là một trong những phương pháp đơn giản, bạn có thể áp dụng dễ dàng. Tuy nhiên, cần chú ý, việc theo dõi huyết áp trong quá trình trị liệu luôn là điều cần thiết. Nếu sau khi dán cao vài ngày, chưa hạ được huyết áp đến mức an toàn thì nên phố! hợp các phương pháp khác như dùng thuốc Đông y dưới dạng thuốc sắc, châm cứu, bấm huyệt thêm, cần thiết thì vẫn dùng các thuốc Tây y để đạt được mục đích trước mắt.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây