Trang chủĐông y chữa bệnhY học cổ truyền điều trị bệnh Đái tháo đường

Y học cổ truyền điều trị bệnh Đái tháo đường

BỆNH NGUYÊN, BỆNH CƠ

Đái tháo đường thuộc phạm vi chứng “tiêu khát” của y học cổ truyền

  • Bệnh được phát hiện và mô tả sớm từ thế kỷ thứ IV—V trước Công nguyên. Trong “Hoàng đế Nội kinh tố vấn” gọi là chứng “tiêu” hay “tiêu khát”.
  • Sách “Linh khu, Ngũ biến thiên” viết: “Ngũ tạng giai nhu nhược giả, thiên bệnh liêu đan”. Nghĩa là: “Ngũ tạng nhu nhược dễ bị bệnh tiêu”.
  • Trong “Ngoại trị bị yếu, Tiêu khát môn” viết: “Tiêu khát giả, nguyên kỳ phát động, thử tắc thận suy sở trí, mỗi phát tức tiêu tiện chí điềm”. Dịch nghĩa: “Bệnh tiêu khát ban đầu do thận suy nên mỗi khi tiểu tiện nước tiểu có vị ngọt”.
  • Theo Tuệ Tĩnh (Tuệ Tĩnh toàn tập): tiêu khát là chứng trên thì muốn uống nước, dưới thì ngày đêm đi đái rất nhiều. Nguyên nhân do dâm dục quá độ, trà rượu không chừng, hoặc ăn nhiều đồ xào nướng, hoặc thường uống thuốc bằng kim thạch làm cho khô kiệt chất nước trong thận, khí nóng trong tâm cháy rực, tam tiêu nung nấu, ngũ tạng khô ráo, từ đó sinh ra chứng tiêu khát.
  • Theo “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Y trung quan kiện”: bệnh tiêu khát phần nhiều do hỏa làm tiêu hao chân âm, năm chất dịch bị khô kiệt mà sinh ra.

Theo sự ghi chép qua các thời đại, thấy có nhiều yếu tố liên quan. Yếu tố thứ nhất là tiên thiên bất túc, chỉ nguyên khí bị hư. Yếu tố thứ hai là hậu thiên: do điều kiện ăn uống thất thường, quá no hay quá đói, ăn quá nhiều chất béo ngọt. Yếu tố hậu thiên cũng cần kể tới là quá trình sống, trạng thái tinh thẩn không ổn định, căng thẳng quá mức kéo dài (lo lắng, bực tức, buồn phiền, kinh sợ). Các nguyên nhân này hay gặp ở người cao tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh có khi có một nhưng đa số là nhiều nhân tố phối hợp:

  • Tiên thiên bất túc: do bẩm tố tiên thiên bất túc, ngũ tạng hư yếu, tinh khí của ngũ tạng đưa đến tàng chứa ở thận giảm sút, dẫn tới tinh khuy dịch kiệt mà gây chứng tiêu khát.
  • Ăn uống không điều độ: ăn quá nhiều thứ béo ngọt hoặc uống quá nhiều rượu, ăn nhiều đồ xào nướng lâu ngày làm nung nấu, tích nhiệt ở tỳ vị, nhiệt tích lâu ngày thiêu đốt tân dịch mà gây chứng tiêu khát.
  • Tình chí thất điều: do suy nghĩ căng thẳng thái quá, hoặc do uất ức lâu ngày, lao tâm lao lực quá độ làm cho ngũ chí cực uất mà hoá hỏa. Hỏa thiêu đốt phế. vị, thận, làm cho phế táo, vị nhiệt, thận âm hư. Thận âm hư làm tân dịch giảm, phế táo làm mất chức năng tuyên phát, không đưa tinh hoa của thủy cốc đi nuôi cơ thể được mà dồn xuống bàng quang nên người bệnh khát nước, tiếu nhiều, nước tiểu có vị ngọt.
  • Phòng lao quá độ: do đam mê tửu sắc, sinh hoạt bừa bãi làm cho thận tinh khuy tổn, hư hoả nội sinh lại làm thuỷ kiệt thêm. Cuối cùng thận hư, phê táo, vị nhiệt, do đó xuất hiện tiêu khát.
  • Dùng thuốc ôn táo kéo dài làm hao tổn âm dịch: ngày xưa có người thích dùng phương thuốc “Tráng dương chí thạch” là loại thuốc rất táo nhiệt, làm hại chân âm và sinh tiêu khát. Ngày nay không dùng thạch dược để uống, muốn tăng hoạt động tình dục thì dùng thuốc tráng dương có tính ôn táo, lại uống kéo dài sẽ sinh táo nhiệt ở trong, âm dịch hao tổn nên sinh tiêu khát.

PHÂN THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Theo “Hoàng đế Nội kinh tố vấn” và “Kim quỹ yếu lược”, người xưa quan niệm chứng tiêu khát có ba thể: thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu, cả ba thể này đều có các triệu chứng chủ yếu (hay còn gọi là các triệu chứng cổ điển) là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều.

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về lịch sử, kinh tế, xã hội, mô hình bệnh tật hiện nay có sự thay đổi khá nhiều so với trước đây. Trong quá trình nghiên cứu và điều trị, các nhà lâm sàng học y học cổ truyền nhận thấy: cách phân chia thể bệnh như trước đây không còn phù hợp. với người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường hiện nay, biểu hiện của các triệu chứng cổ điển rất mờ nhạt, thay vào đó là các biểu hiện khác như: mụn nhọt, giảm thị lực, các bệnh hệ tim mạch (tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành…), rối loạn lipid máu… Vì vậy, các nhà khoa học và lâm sàng học y học cổ truyền đã đề ra cách chia thể bệnh mới, giúp công tác điều trị bệnh có hiệu quả hơn. Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng lâm sàng mà tiến hành phân chia các thể lâm sàng của bệnh đái tháo đường theo y học cổ truyền như sau:

  • Thể vị âm hư, tân dịch khuy tổn.
  • Thể vị âm hư, vị hỏa vượng.
  • Thể khí âm lưỡng hư.
  • Thể thận âm hư.
  • Thể thận dương hư.

Việc điều trị chủ yếu là điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt như đã nói ở phần điều trị của y học hiện đại. Ngoài ra, còn sử dụng các bài thuốc và vị thuốc theo lý luận của y học cổ truyền, hạn chế tối đa tốc độ phát triển của bệnh và phòng ngừa biến chứng.

Bệnh này khi gặp ở người cao tuổi chủ yếu là do âm hư, lâu ngày làm hư hỏa vượng lên mà gây chứng táo nhiệt. Vì vậy, pháp điều trị trước tiên phải dưỡng âm, sau tùy thuộc vào tình trạng táo nhiệt ở vị trí nào của cơ thể mà gia giảm các vị thuốc cho phù hợp.

Trong quá trình điều trị, cần chú ý các triệu chứng chủ yếu (chủ chứng) của tiêu khát, đó là: đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều. Ngoài ra, cũng cần điều trị một số các triệu chứng kèm theo (khách chứng) như: tê bì, ngứa, mụn nhọt… Các vị thuốc điều trị khách chứng thường thuộc các nhóm thuốc khu phong, thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt táo thấp, thanh nhiệt lương huyết,

Thể vị âm hư, tân dịch khuy tổn

Chứng hậu

  • Miệng khô, họng táo
  • Ăn nhiều, mau đói
  • Đại tiện bí kết
  • Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, hoặc rêu lưỡi trắng khô
  • Mạch trầm huyền.

Pháp điều trị: dưỡng âm sinh tân

Phương dược

  • Cổ phương: Tăng dịch thang gia giảm.

Sinh địa                 15g                   Huyền sâm                  15g

Mạch môn            15g                  Thiên hoa phấn          15g

Cát căn                 10g                   Thạch hộc                    10g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Ăn nhiều gia ngọc trúc 12g.

+ Đại tiện bí kết nhiều gia: đại hoàng 06g, chỉ thực 08g.

+ Thấp nhiệt trở trệ: cảm giác buồn bực, người nặng nề, chân tay tê mỏi gia: nhân trần 10g, trạch tả 10g.

Vị thuốc Thiên hoa phấn trong điều trị đái tháo đường
Vị thuốc Thiên hoa phấn trong điều trị đái tháo đường

Thuốc nam:

Củ sắn dây                     12g                 Mướp đắng                     10g

Củ đậu                          12g                 Đỗ đen                         10g

Kê huyết đằng              12g                 Củ tóc tiên                    12g

Sắc uống ngày 1 thang. Cách sắc: cho một lượng nước vừa ngập mặt thuốc, đun sôi 15 – 20 phút, uống trong ngày.

Châm cứu; ít dùng vì có thể gây nhiễm trùng thứ phát.

  • Châm bổ: thận du, cách du, thái khê, phục lưu, thủy tuyên, tam âm giao. Thời gian: 15 phút/lần X 1 lần/ngày.
  • Nhĩ châm: nội tiết, phế, vị, thận, bàng quang. Thời gian: 15 phút/lần X 1 lần/ngày.
  • Mai hoa châm: gõ dọc kinh bàng quang hai bên cột sống từ phê du đến bàng quang du, kích thích vừa, mỗi lần 5—10 phút. Gõ cách nhật hoặc hằng ngày.

Khí công – dưỡng sinh: sử dụng phương pháp luyện ý, luyện thở, luyện hình thể. Thời gian: tối đa 30 phút/lần X 1 – 2 lần/ngày.

Xoa bóp bấm huyệt vùng lưng, tứ chi: giúp tăng cường lưu thông khí huyết, giúp nâng cao thể trạng, hạn chế tiến triển của bệnh. Thời gian thực hiện: 20 – 30phút/lần X 1 – 2 lần/ngày.

Thể vị âm hư, vị hỏa vượng

Chứng hậu

  • Khát nước, uống nhiều
  • Ăn nhiều, mau đói
  • Cảm giác mệt mỏi, nóng trong
  • Tiểu tiện nhiều lần, lượng nhiều, nước tiểu vàng đục
  • Đại tiện bí kết
  • Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô
  • Mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: tư âm thanh nhiệt.

Phương dược

  • Cổ phương: Tăng dịch thang hợp Bạch hổ thang gia giảm.

Thạch cao                      15g               Tri mẫu                        15g

Huyền sâm                     15g               Sinh địa                       15g

Mạch môn                      10g               Thiên hoa phấn       15g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Vị nhiệt nhiều: cảm giác nóng vùng thượng vị, môi khô nẻ, gia: hoàng liên 12g, chi tử 08g.

+ Đại tiện bí kết gia: đại hoàng 06g, mang tiêu 06g.

+ Âm hư, tân dịch giảm: miệng khô, khát nước, cảm giác nóng trong, bốc hỏa: bội liều sinh địa, mạch môn,

Thuốc nam:

Quả dâu chín 12g Kê huyết đằng 12g
Hà thủ ô 12g Sinh địa 12g
Rau má 12g Đỗ đen 10g
Thạch hộc 12g Ngọc trúc 12g
Bạch biển đậu 08g

Sắc uống ngày 1 thang. Cách sắc: cho một lượng nước vừa ngập mặt thuốc, đun sôi 15 – 20 phút, uống trong ngày.

Châm cứu:

  • thái xung, túc tam lý, phong long. Thời gian: 15 phút/lần X 1 lần/ngày.Châm cứu: ít dùng vì có thể gây nhiễm trùng thứ phát.
  • Châm bổ: thận du, tỳ du, vị du, thái khê, phục lưu, tam âm giao; châm  tả:
  • Nhĩ châm: nội tiết, vị, thận, bàng quang. Thời gian: 15 phút/lần    X  1 lần/ngày.
  • Mai hoa châm: gõ dọc kinh bàng quang hai bên cột sống từ tỳ du đến bàng quang du, kích thích vừa, mỗi lần 5-10 phút. Gõ cách nhật hoặc hằng ngày.

Khí công – dưỡng sinh: sử dụng phương pháp luyện ý, luyện thở, luyện hình thể. Thời gian: tối đa 30 phút/lần X 1 — 2 lần/ngày.

Xoa bóp bấm huyệt vùng lưng, tứ chi: 20 — 30phút/lần X 1 – 2 lần/ngày.

Thể khí âm lưỡng hư

Chứng hậu

  • Miệng khô, họng táo
  • Mệt mỏi, đoản khí
  • Lưng gối mỏi yếu
  • Hồi hộp, trống ngực, có thể kèm theo tức ngực hoặc đau thắt ngực
  • Tự hãn, đạo hãn
  • Hoa mắt, chóng mặt, ù tai
  • Chân tay tê bì, cảm giác vô lực
  • Thị lực giảm
  • Chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng
  • Mạch trầm vi.

Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm

Phương dược

  • Cổ phương: Sinh mạch tán hợp Tăng dịch thang gia vị.
Nhân sâm 15g Mạch môn 10g
Ngũ vị tử 10g Sinh địa 15g
Huyền sâm 15g Hoàng kỳ 10g
Cát căn 10g Hoài sơn 08g
Sơn thù 08g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Gia giảm:

+ Nếu âm hư là chính: miệng khô, họng táo, lưng gối mỏi yếu, tự hãn, hoa mắt, chóng mặt, ù tai: giảm sinh địa, huyền sâm, gia thạch hộc 12g, ngọc trúc 12g.

Vị thuốc Hoài sơn điều trị đái tháo đường
Vị thuốc Hoài sơn điều trị đái tháo đường

+ Nếu khí âm lưỡng hư kèm theo huyết ứ: dùng bài Sinh mạch tán hợp Tứ vật đào hồng gia giảm.

Nhân sâm                     15g                Mạch môn           10g

Ngũ vị tử                      10g                Sinh địa               15g

Xuyên khung               10g                Đương quy          15g

Bạch thược                   15g                Đào nhân            08g

Hổng hoa                     08g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Gia giảm:

. Nếu chân tay tê bì gia: ngưu tất 12g, mộc qua 10g.

. Nếu thị lực giảm nhiều gia: cốc tinh thảo 08g, thanh tương tử 08g.

. Nếu tức ngực, gia: toàn qua lâu 08g.

. Nếu phù nhẹ chi dưới gia: trạch tả 12g, xa tiền tử 12g.

. Nếu tiêu khát có liệt do trúng phong, thiên về đàm nhiệt phủ thực, gia: toàn qua lâu 08g, chỉ xác 10g.

Thuốc nam:

Hoài sơn                       12g                Sâm nam                         12g

Rau má                         10g                Thiên hoa phấn               12g

Sa sâm                          12g                Rễ vú bò                         12g

Củ tóc tiên                    10g

Sắc uống ngày 1 thang. Cách sắc: cho một lượng nước vừa ngập mặt thuốc, đun sôi 15 — 20 phút, uống trong ngày.

Châm cứu: ít dùng vì có thể gây nhiễm trùng thứ phát.

  • Châm bổ: thận du, tỳ du, vị du, túc tam lý, tam âm giao. Thời gian: 15 phút/lần X 1 lần/ngày.
  • Nhĩ châm: nội tiết, vị, thận, bàng quang. Thời gian: 15 phút/lần X 1 lần/ngày.
  • Mai hoa châm: gõ dọc kinh bàng quang hai bên cột sống từ tỳ du đến bàng quang du, kích thích vừa, mỗi lần 5-10 phút. Gõ cách nhật hoặc hằng ngày.

Khí công – dưỡng sinh: sử dụng phương pháp luyện ý, tập thở, luyện hình thể. Thời gian: tối đa 30 phút/lần X 1 — 2 lần/ngày.

Xoa bóp bấm huyệt vùng lưng, tứ chi: 20 – 30phút/lần X 1 – 2 lần/ngày.

Thể thận âm hư

Chứng hậu

  • Miệng khát
  • Mệt mỏi, lưng gối mỏi yếu
  • Cảm giác nóng trong, có lúc bốc hỏa
  • Ngủ ít, hay mê
  • Đại tiện táo, tiểu tiện vàng sẫm
  • Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày, khô
  • Mạch trầm tế sác.

Pháp điều trị; tư bổ thận âm.

Phương dược

  • Cổ phương: Lục vị địa hoàng hoàn gia giảm.
Sinh địa 320g Hoài sơn 120g
Sơn thù 160g Trạch tà 120g
Bạch linh 120g Đan bì 120g
Thiên hoa phấn 120g Kỷ tử 120g
Thạch hộc 120g

Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, uống 8 – 12g/lần X 2 – 3 lần/ngày với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt. Ngoài ra có thể làm thang với liều lượng thích hợp, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

+ Âm hư hỏa vượng nhiều: miệng khô, khát, người nóng, lưng gối mỏi yếu, tiểu tiện đục, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, gia: tri mẫu 12g, hoàng bá 08g.

+ Nếu can thận âm hư, cân mạch thất dưỡng: chân tay mỏi yếu, vận động khó khăn, gia: cẩu tích 12g, ngưu tất 12g.

+ Nếu can thận âm hư, kèm theo giảm thị lực, gia: cúc hoa 12g.

+ Nếu kèm theo có biểu hiện của can dương vượng: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tinh thần bực bội, dễ cáu gắt, cảm giác bốc hỏa, ngực sườn đầy tức, gia: thiên ma 12g, câu đằng 12g.

Thuốc nam:

Thạch hộc                        10g              Thiên hoa phấn             10g

Huyền sâm                       12g              Kê huyết đằng              12g

Rau má                            12g              Đỗ đen                         12g

Sắc uống ngày 1 thang. Cách sắc: cho một lượng nước vừa ngập mặt thuốc, đun sôi 15 — 20 phút, uống trong ngày.

Châm cứu: ít dùng vì có thể gây nhiễm trùng thứ phát.

  • Châm bổ: thận du, thái khê, tam âm giao. Thời gian: 15 phút/lần X 1 lần/ngày.
  • Nhĩ châm: nội tiết, thận, bàng quang. Thời gian: 15 phút/lần X 1 lần/ngày.
  • Mai hoa châm: gõ dọc kinh bàng quang 2 bên cột sống từ tỳ du đến bàng quang du, kích thích vừa, mỗi lần 5—10 phút. Gõ cách nhật hoặc hàng ngày.

Khí công – dưỡng sinh: sử dụng phương pháp luyện ý, tập thở, luyện hình thể. Thời gian: tối đa 30 phút/lần X 1 – 2 lần/ngày.

Xoa bóp bấm huyệt vùng lưng, tứ chi: 20 – 30phút/lần X 1 – 2 lần/ngày.

Thể thận dương hư

Chứng hậu

  • Miệng khát, không muốn uống nước
  • Mệt mỏi, đoản khí
  • Sợ lạnh, chân tay lạnh
  • Phù mặt hoặc chân, sắc mặt u ám
  • Tai khô, răng lung lay muốn rụng
  • Không muốn ăn
  • Liệt dương
  • Đại tiện lỏng hoặc lúc lỏng lúc táo
  • Tiểu tiện đục, lượng nhiều
  • Chất lưỡi đạm tía, rêu lưỡi trắng khô
  • Mạch trầm vi vô lực.

Pháp điều trị: bổ dương, ích khí, dưỡng thận.

Phương dược

  • Cổ phương: Thận khí hoàn gia giảm.
Sinh địa 320g Hoài sơn 160g
Sơn thù 160g Trạch tả 120g
Bạch linh 120g Đan bì 120g
Phụ tử chế 40g Quế chi 40g
Kim anh tử 40g Hoàng kỳ 120g
Khiếm thực 40g Thiên hoa phấn 120g

Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, uống 8 – 12g/lần X 2 — 3 lần/ngày với nước ấm hoặc nước muối nhạt. Ngoài ra có thể làm thang với liều lượng thích hợp, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Vị thuốc Hoàng kỳ trong điều trị đái tháo đường
Vị thuốc Hoàng kỳ trong điều trị đái tháo đường

+ Thận dương hư nhiều: đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều lần, lượng nước tiểu nhiều, di tinh, gia: ích trí nhân 10g, phúc bồn tử 10g.

+ Nếu kiêm tỳ dương hư: người mệt mỏi, đầy bụng, đại tiện phân nát, gia: đảng sâm 12g, bạch truật 12g.

+ Khí uất, thấp trở: ngực sườn đầy tức, bụng trướng, chất lưỡi đạm nhạt, có điểm ứ huyết, rêu lưỡi nhớt, gia: sài hồ 12g, thạch vĩ 12g.

+ Âm dương, khí huyết đều hư: người mệt mỏi, đoản khí, đoản hơi, ăn kém, đầy bụng, chậm tiêu, sắc mặt nhợt, tiểu tiện nhiều lần, nước tiểu đục, gia: đương quy 12g, kỷ tử 12g.

Thuốc nam:

Ba kích 12g Thỏ ty tử I2g
Phá cố chỉ 10g Hoài sơn I2g
Thiên hoa phấn 10g Thạch hộc I2g
Kỷ lử 12g Trâu cổ 08g
Kim anh tử 08g

Sắc uống ngày 1 thang. Cách sắc: cho một lượng nước vừa ngập mặt thuốc, đun sôi 15 — 20 phút, uống trong ngày.

Châm cứu: ít dùng vì có thể gây nhiễm trùng thứ phát.

  • Châm bổ: thận du, thái khê, túc tam lý, tam âm giao. Thời gian: 15 phút/lần X 1 lần/ngày,
  • Nhĩ châm: nội tiết, thận, bàng quang. Thời gian: 15 phút/lần X 1 lần/ngày.
  • Mai hoa châm: gõ dọc kinh bàng quang 2 bên cột sống vùng thắt lưng, kích thích vừa, mỗi lần 5-10 phút. Gõ cách nhật hoặc hằng ngày.

Khí công – dưỡng sinh: sử dụng phương pháp luyện ý, luyện thở, luyện hình thể. Thời gian: tối đa 30 phút/lần X 1 – 2 lần/ngày.

Xoa bóp bấm huyệt vùng lưng, tứ chi: 20 – 30phút/lần X 1 — 2 lần/ngày.

PHÒNG BỆNH

Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh của y học cổ truyền có thể để ra phương pháp phòng bệnh đái tháo đường như sau:

  • Thầy thuốc cần hướng dẫn người cao tuổi có nguy cơ đái tháo đường thực hiện chế độ ăn uống điều độ:

+ Hạn chế ăn các thức ăn béo ngọt, các đồ xào nướng.

+ Không uống quá nhiều rượu.

Thực hiện công tác tư vấn đề người cao tuổi có nguy cơ đái tháo đường có thái độ tâm thần đúng đắn, giữ cho tinh thần được thư thái, cơ thể khoẻ mạnh; thực hiện chế độ làm việc và nghi ngơi hợp lý.

  • Khi điều trị bệnh đái tháo đường, thầy thuốc cần dùng thuốc một cách hợp lý, không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt là không nên sử dụng các loại thuốc ôn táo kéo dài, tránh làm hại chân âm.
  • Hướng dẫn người cao tuổi có nguy cơ đái tháo đường tập khí công — dưỡng sinh hằng ngày với các bài tập luyện ý, luyện thở, luyện hình thể. Thời gian tập: 20 – 30 phút/ngày. Tác dụng: giúp cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần thư thái. Đây là phương pháp phòng bệnh có hiệu quả của y học cổ truyền.
  • Xoa bóp bấm huyệt hàng ngày để tăng cường lưu thông khí huyết, giảm căng thẳng tinh thần, giúp nâng cao thể trạng cho người bệnh, từ đó hạn chế tiến triển của bệnh.
  • Tóm lại: đái tháo đường (hay còn gọi là hội chứng tăng glucose huyết) là một bệnh rối loạn chuyển hóa Đây là một trong những bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi gây tốn kém về kinh tế và ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Việc điều trị đái tháo đường ở người cao tuổi chủ yếu là điều chỉnh lối sống; thực hiện chế độ ăn cân đối, hợp lý; tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với tình trạng sức khoẻ; có thể kết hợp sử dụng thuốc khi cần thiết. Nên thực hiện phòng bệnh sớm đối với những người có nguy cơ cao.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây