Trang chủBệnh Nội tiếtChế độ ăn và luyện tập cho người bệnh đái tháo đường...

Chế độ ăn và luyện tập cho người bệnh đái tháo đường týp 2

Chế độ ăn của người đái tháo đường typ 2

a/ Tầm quan trọng:

Chế độ ăn uống thích hợp sẽ không tạo ra sự dư thừa năng lượng, ngăn ngừa gây bệnh béo phì và các bệnh khác như rối loạn chuyển hóa lipid… làm bệnh Đái tháo đường nặng thêm lên nhiều lần.

Chế độ ăn uống đúng cách góp phần duy trì được lượng đường máu phù hợp, không gây thừa đường, gây nhiễm độc đường hoặc không gây ra hạ đường máu do thực hiện chế độ ăn kiêng quá mức, thiếu năng lượng.

Như vậy, không thể có một chế độ ăn chung cho tất cả mọi người mắc bệnh Đái tháo đường. Một chế độ ăn phù hợp riêng cho mỗi người phải dựa vào sở thích cá nhân, đặc điểm hấp thu, dựa trên cơ sở phong tục, tập quán của mỗi địa phương và đặc biệt là dựa vào mức độ hoạt động thể lực của cá nhân đó.

b/ Nguyên tắc:

Đảm bảo chế độ ăn đủ chất, cung cấp đủ năng lượng:

Theo nhiều nghiên cứu, nhu cầu năng lượng cho hoạt động bình thường ở nữ là từ 30-35 kcalo/kg/24h, ở nam là từ 35-40 kcalo/kg/24h. Điều này có nghĩa là một bệnh nhân nữ nặng 50kg cần khoảng 1500-1750 kcalo/24 giờ. Tổng lượng calo này lại được chia ra với các tỷ lệ khác nhau về đường, mỡ, đạm cho phù hợp.

Yêu cầu chung về tỷ lệ các thành phần thức ăn:

  • Lượng carbonhydrat (đường) chiếm 60%-65% tổng số năng lượng.
  • Mỡ chiếm 20% tổng số calo, mỡ bão hòa < 10% tổng số năng lượng.
  • Protein 10% (≈0,8g/kg/ngày).

Nếu có béo phì buộc phải giảm năng lượng chung từ 10-20%.

c/ Một số thức ăn nên dùng và nên tránh:

  • Thức ăn có sợi (cần khoảng 25 gam/1000 kcal) có thể làm chậm hấp thu đường, mỡ và giảm tình trạng tăng đường sau khi ăn. Thức ăn có sợi gồm: đậu, rau, thức ăn có chất keo, cám có thể làm giảm đường, đồng thời hạ cholesterol toàn phần (TC) và lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL).
  • Các chất đường nhân tạo, có thể thay đường trong nước uống và một số thức ăn. Aspartam và Saccharin giúp làm giảm lượng đường ăn vào mà vẫn giữ được ngon miệng.
  • Bệnh nhân bị bệnh Đái tháo đường cần hạn chế bia, rượu. Rượu ức chế hình thành glycogen ở gan và có thể làm hạ đường huyết ở bệnh nhân đang dùng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết. Loại rượu có đường có thể làm tăng đường huyết. Rượu cũng làm tăng triglycerid cấp và mạn tính. Những bệnh nhân có biến chứng thần kinh càng phải hạn chế uống rượu để tránh biến chứng này nặng hơn.

d/ Một số lưu ý khi điều trị bằng chế độ ăn:

  • Chỉ điều trị cho những thể Đái tháo đường chưa có triệu chứng lâm sàng (thể tiềm tàng) hay Đái tháo đường thể nhẹ trong điều kiện bình thường không cần phải chỉ định điều trị bằng insulin hay các thuốc viên hạ glucose huyết khác.
  • Đối với những bệnh nhân Đái tháo đường mức độ trung bình hoặc nặng, vẫn phải điều trị bằng chế độ ăn đồng thời kết hợp với chế độ sinh hoạt hợp lý và thuốc hạ glucose huyết.
  • Những bệnh nhân có cân nặng bình thường, điều trị chỉ bằng chế độ ăn trong thời gian dài không được có những biểu hiện sau đây: sút cân, glucose trong máu phải luôn ở mức “bình thường”. Nếu như sau 10 ngày điều trị glucose máu vẫn cao thì phải chuyển sang điều trị kết hợp.
  • Số lượng bữa ăn trong ngày: nên chia đều 4-5 lần.

Chế độ luyện tập của người đái tháo đường typ 2

a/ Ích lợi:

  • Hoạt động thể lực, tập thể dục đều đặn là một việc cần và tốt cho mọi người, đặc biệt cần thiết cho người mắc bệnh Đái tháo đường.
  • Hoạt động thể lực làm cơ thể tiêu thụ glucose dễ dàng, do đó làm giảm lượng glucose máu và vì vậy có thể làm giảm liều thuốc hạ đường máu.
  • Cải thiện tình trạng hoạt động của các cơ quan, nâng cao tình trạng sức khỏe của toàn cơ thể. Luyện tập đúng và khoa học làm cho tinh thần hoạt bát, nhanh nhẹn, sảng khoái, làm tăng sức đề kháng với các stress.
  • Tăng tiêu thụ năng lượng, làm giảm nguy cơ béo phì.
  • Có lao động thì người bệnh Đái tháo đường không bị mặc cảm là người không có ích cho xã hội. Lao động còn là nguồn cung cấp tài chính phục vụ cho công tác điều trị, cải thiện đời sống cho bản thân, tích lũy cần thiết cho tương lai.

b/ Nguyên tắc:

  • Luyện tập từ từ và thích hợp.
  • Nên xin ý kiến của thầy thuốc về mức độ và thời gian luyện tập.
  • Phải đề phòng hạ đường máu khi tập.
  • Không tham gia luyện tập khi đang mắc những bệnh cấp tính, lượng glucose máu quá cao, ceton máu tăng cao nhiều lần, ceton niệu dương tính nặng.

c/ Một ví dụ về mô hình luyện tập (từ thấp đến cao):

  • Giảm xem tivi, giảm chơi trên máy vi tính, nghỉ trưa < 30 phút/ ngày.
  • Hàng ngày: đi bộ với khoảng cách tăng dần, lên xuống cầu thang nhiều lần trong ngày, làm việc nhiều ở ngoài vườn.
  • Từ 3 – 5 lần trong 1 tuần: tập luyện trong 20 phút mỗi lần: đi bộ nhanh, chạy chậm, đi xe đạp. Chơi các trò chơi vận động 30phút/lần: bóng bàn, bóng rổ, tennis, nhảy múa.
  • Từ 2 – 3 lần trong tuần: luyện tập thư giãn: tập thể dục nhẹ, chơi thể thao. Luyện tập cơ thể mềm dẻo: tập các động tác có cúi đầu, uốn mình, nâng tạ nhẹ.

Dựa trên mô hình luyện tập này, tùy hoàn cảnh mỗi người bệnh mà áp dụng cho phù hợp, trong đó đi bộ là hình thức tập luyện đơn giản, dễ thực hiện mà hiệu quả đối với tất cả mọi người. Các luyện tập khác nên xin ý kiến của thầy thuốc.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây