Trang chủChứng trạng Đông yThổ huyết (nôn máu) - Chẩn đoán bệnh Đông y

Thổ huyết (nôn máu) – Chẩn đoán bệnh Đông y

Khái niệm

Thổ huyết là chỉ chứng trạng huyết từ Vị, từ thực đạo qua miệng mửa ra phần nhiều có lẫn cả cặn bã đồ ăn.

Trong Tố Vấn và Linh khu gọi là Ẩu huyết. Trong Kim quỹ gọi là Thổ huyết. Y học nhập môn đời Minh lại chia ra “Huyết ra từng chậu mà không phát ra tiếng là Thổ; huyết ra từng chén mà có tiếng là Ẩu” loại phân biệt này, không có ý nghĩa thực tế. Đời sau lại có thầy thuốc đem Khái huyết gọi lẫn lộn là Thổ huyết lại càng không thoả đáng. Bởi vì, thổ huyết ẩu huyết ấy tràn ra từ Vị hoặc thực đạo; còn khái huyết thì huyết ấy tràn ra từ Phế hoặc Khí quản. Thổ huyết là huyết theo vật mà nôn mửa ra. lượng huyết rá thuờng nhiều, nên mới nói là “thành chậu”, “thành chén” hơn nữa còn có biểu hiện ẩu nghịch từ Vị khí nghịch lên, còn khái huyết thì huyết thường ra theo đàm, đàm lẫn lộn với huyết, lại có biểu hiện khái thấu do Phế khí nghịch lên. Khái niệm Khái với Thổ khác nhau, có thể phân biệt được, không thể coi là huyết đều từ miệng trào ra mà xếp lẫn lộn.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Thổ huyết do Vị nhiệt quá thịnh: Có chứng thổ huyết đột ngột, lượng nhiều sắc đỏ tươi hoặc đỏ tía kèm theo cả cặn bã đồ ăn; trước khi thổ phần nhiều có hiện tượng phiền nhiệt miệng khát, tự cảm thấy Vị quản có nhiệt xông lên hoặc đau VỊ quản, hoặc ngực bụng bĩ đây, trong Vị cồn cào nuốt nước chua, hoặc là dụ phát sau khi ăn uống rượu chè, đại tiện bế kết hoặc đại tiện mà thấy khó khăn phân đen như hắc ín, tiểu tiện sắc đỏ, môi đỏ hôi miệng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng dầy, mạch Hoạt Sác.

Thổ huyết do Can hoả phạm Vị: Có chứng thổ huyết kiêm Tâm phiền ngực khó chịu, hay giận sườn đau, miệng đắng hoặc chua, hay có ác mộng, hoặc thấy môi tái xanh hoặc luôn luôn nấc, chất lưỡi hồng rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Sác.

Thổ huyết do huyết ứ ở Vị quản: Có chứng thổ huyết sắc đen tía có hòn cục, kiêm chứng Vị quản đau nhói, nơi đau cố định, cự án, sắc mặt đen sạm, khát nước nhưng chỉ ngậm chứ không muốn nuốt, lưỡi có nốt ứ huyết, mạch Huyền sắc.

Thổ huyết do âm hư hoả vượng: Có chứng thổ huyết tái phát nhiều lần, sắc đỏ lượng nhiều, phần nhiều kiêm chứng ngũ Tâm phiền nhiệt, miệng khô muốn uống, mỏi mệt gầy còm, mặt đỏ Tâm phiền, mất ngủ hay mê, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác.

Thổ huyết do Tâm Tỳ bất túc: Có chứng thổ huyết dằng dai không dứt, sắc huyết nhợt không tươi, Vị quản đau âm ỉ ưa xoa bóp, sắc mặt trắng nhợt, đoản hơi tinh thần bạc nhược, tứ chi vô lực, hồi hộp kém ngủ, ăn uống vô vị, có lúc đại tiện ra phân đen hoặc trướng bụng, đại tiện lỏng, môi nhợt chất lưỡi nhợt, ít rêu, mạch Trầm Tế hoặc Tế Sắc.

Thổ huyết do Tỳ Thận dương hư: Có chứng thổ huyết tái phát nhiều lần, bệnh trình dằng dai, sắc huyết tôi nhạt, kiêm chứng mặt nhợt thở khẽ, tứ chi quyết lạnh, Sợ lạnh muốn ngủ, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng mà trơn, mạch Trầm Vi mà Trì hoặc hoãn: thậm chí mặt đỏ như thoa son, suyễn gấp phiền táo nhưng sáu bộ mạch Tế Vi, chân tay quyết nghịch.

Phân tích

– Chứng Thổ huyết do Vị nhiệt quá thịnh với chứng Thổ huyết do Can hoả phạm Vị: cả hai đều thuộc chứng Thực nhiệt, cơ chế bệnh là “Nhiệt bức huyết trôi”. Chính như sách Tế sinh phương viết” Huyết đi bừa chưa bao giờ không do nhiệt phát sinh. Bởi vì huyết gặp nhiệt thì nở nang, khí huyết đều nhiệt thì huyết theo khí đi ngược lên, thành chứng Thổ, Nục” Nhưng nguyên nhân bệnh thì khác nhau, loại trên phần nhiều vốn nghiện rượu hoặc ăn bừa bãi thức cay nóng xào rán nồng hậu, nhiệt tích lại ở Vị, cái nóng của rượu tàn phá Vị, trợ hoả động huyết, hoặc ngoại thương thử nhiệt quấy rối doanh huyết, đều có thể dẫn đến tích nhiệt thành hoả mà bức huyết đi bừa. Loại sau phần nhiều do uất giận hại Can, Can khí hoành nghịch, uất lại hóa hoả, hun đốt làm hại đường Lạc của Vị, hoặc người vốn Vị nhiệt lại thêm Can uất, Can kinh uất hoả hỗ trợ xu thế của Vị nhiệt, bức huyết đi bừa, đều có thể dẫn đến thể huyết. Tố vấn – Cử thống luận nói:“Giận thì khí nghịch, thậm chí ẩu huyết” tức là chỉ chứng này. Điều phán đoán phân biệt chủ yếu của hai chứng là: Loại trên có chứng trạng đột xuất của Dương minh thực hoả như khát nước, hôi miệng, táo bón, mạch Hoạt Sác v.v… Loại sau có những đặc trưng Can Đởm thực hoả như: miệng đắng, miệng chua, mạch Huyền sắc và Can khí hoành nghịch như: ngực khó chịu, đau sườn, môi tái, nấc thành tiếng. Nguyên tắc điều trị, loại trên cần thanh tiết Vị nhiệt, lương huyết chỉ huyết, phương thuốc chủ yếu là Tam hoàng Tử Tâm thang hợp với Tứ sinh hoàn, Loại sau lấy thanh Can lương huyết, trấn Can giáng nghịch làm chủ yếu, dùng phương Tả Can giáng Vị thang của Trương Tích Thuần.

– Chứng Thổ huyết do âm hư hoả vượng với chứng Thổ huyết do Vị hoả, Can hoả: Cơ chế bệnh của ba loại thổ huyết này đều là nhiệt bức huyết đi càn, nhưng một chứng là Hư hoả, một chứng là Thực hoả, chứng hậu hư thực khác nhau; đặc điểm hư chứng phần nhiều là bệnh trình kéo dài và luôn luôn tái phát. Còn thực chứng phần nhiều xu thế cấp bách đột ngột, bệnh trình ngắn.

Hư chứng phần nhiều cũng do thổ huyết từ thực chứng tái phát nhiều lần tạo nên, hoặc do mệt nhọc hại Thận, tửu sắc quá độ, tổn thương tinh huyết đến nỗi âm hư hoả động, hư hoả nổi lên, xung khí nghịch lên, huyết theo hư hoả và xung khí đi bừa phát sinh thổ huyết, đúng như sách Minh y tạp trứ nói: “Con người ta, âm thường bất túc dương thường hữu dư, huống chi điều độ thì ít, buông thả lại nhiều tinh huyết suy hao, tướng hoả tất vượng, hoả vượng thì âm càng tiêu… phát sinh các chứng thổ huyết”.

Thổ huyết do âm hư hoả vượng, đặc trưng lâm sàng phần nhiều là Thận âm bất túc như các chứng triều nhiệt, mồ hôi trộm, mỏi lưng, tai ù. Xích mạch bất túc, mộng di, chất lưỡi đỏ không có rêu lưỡi, mạch tượng và bệnh trình. Khi điều trị, Vị hoả, Can hoả là thực hoả, có thể đánh thẳng bằng thuốc hàn lương, còn thổ huyết do âm hư hoả vượng nó là cái hoả vô căn, không được đánh thẳng mà phải áp dụng phép tư thủy, giáng hoả, dùng phương Lục vị địa hoàng thang gia A giao, Đồng thiện,Thanh giáng không được dùng quá tay thuôc hàn lương mà nên chiếu cố âm phần, thường dùng các vị thuốc như Huyền sâm. Mạch đông, Ngẫu chấp, Bạch mao căn, Sinh Trắc diệp, Linh dương giác, tuy thanh giáng mà không tổn thương âm,hơn nữa khi điều trị chứng này nên chú ý đến sự biến hóa của thời tiết có ảnh hưởng tới sự thăng phát sôi động của dương khí. Vương Húc Cao y án – Thổ huyết án có viêt: “Thời tiết Xuân phân, dương khí bồng bột phát tiết sôi động, huyết chứng ở thời điểm này thịnh lên chút ít, làm tốt cho Can dương trong thân thế, phù hợp với dương khí thăng lên của khí trời không bị hạn chế. Vì thế bị đột ngột thổ dữ dội, cần phải nghỉ ngơi phần âm, kiêm cả thanh giáng, còn sợ hoả càng giáng thì âm càng tổn thương”.

– Thổ huyết do Tâm Tỳ bất túc với thổ huyết do Tỳ Thận dương hư; Loại trên, phần nhiều do tư lự quá độ hại Tỳ, hoặc mệt nhọc mất ngủ tổn hại đến Tâm Tỳ; hoặc do ẩu thổ không dứt, Vị khí tổn thương lớn, Tỳ chủ về thống huyết, Tỳ khí hư thì không thống nhiếp được huyết dịch; Tâm chủ huyết mạch, Tâm khí hư thì mất chức năng chủ huyết, do đó mà phát sinh thổ huyết.

Loại sau, phần nhiều do bệnh tình loại trên dằng dai không khỏi tích dần tạo thành, hoặc do thể chất vốn dương hư, hoặc do sắc dục quá độ, tổn hại phần dương của Tỳ Thận; dương hư thì không nhiếp được huyết cho nên có thể phát sinh thổ huyết.

Chứng Thổ huyết do Tỳ khí hư không thống nhiếp với chứng thổ huyết do Tỳ Thận dương hư, biểu hiện lâm sàng rât giống nhau. Điểm chẩn đoán phân biệt là:loại trên chủ yếu là có chứng trạng khí hư như: đoản hơi, tinh thần khiếp nhược, chân tay mỏi, đại tiện lỏng, còn loại sau ngoài những chứng trạng đầy đủ như loại trên, lại còn kiêm cả hiện tượng dương hư, như sợ lạnh, tay chân quyết lạnh, tiểu tiện trong dài, mạch Trì .v.v… Nếu dương suy cực độ, âm hàn thịnh ở trong, cách dương lên trên, còn có thể xuất hiện các chứng cách dương hư hoả như đầu mặt đỏ, suyễn gấp phiền táo, sáu bộ mạch đều Tế Vi. Loại trên cần phải điều trị trở về thông huyết ở Tỳ, chủ yếu phải ích Tỳ khí, có thể dùng Quy Tỳ thang, Loại sau điều trị nên ôn bổ Tỳ thận, bền dương nhiếp huyết, uống Hoàng thể thang gia giảm.

– Chứng Thổ huyết do Vị quản huyết ứ: Cũng như loại Thổ huyết do Vị nhiệt quá thịnh, Can hoả phạm Vị đều là thổ huyết thuộc thực chứng nhưng Thổ huyết do huyết ứ không có hiện tượng nhiệt; Thổ huyết do huyết ứ có thể thấy chứng miệng khát, chính như thiên ứ huyết sách Huyết chứng luận có nói “ú huyết ở lý thì miệng khát, sở dĩ như vậy, vì huyết với khí vốn không tách rời, bên trong có ứ huyết cho nên không được lưu thông, không chuyển tải thủy tân lên trên cho nên phát sinh khát, gọi là “Huyết khát”, ứ huyết rút đi thì hết khát. Cái khát của loại ứ huyết này, không phải là vì nhiệt tân tổn thương, mà do ứ huyết nghẽn trở đường lạc mà tân không dâng lên được, cũng không được so sánh với loại Vị nhiệt quá thịnh dẫn đến khát muốn uống nước, mà là “Chỉ muốn ngậm nước chứ không muốn nuốt”.

Nguyên nhân phát sinh Thổ huyết do huyết ứ, phần nhiều do vấp ngã, xuất huyết nội tạng, huyết không vận hành theo đường kinh, nghẽn trệ ở kinh mạch nơi bị tổn thương, thường làm cho thổ huyết. Thiên Thổ huyết sách Huyết chứng luận còn nói: “Khi có chỗ bị ứ, không gì bằng úng tắc khí đạo, nghẽn trệ khí cơ”. Khí cơ úng tắc liền sinh ra khí nghịch cho nên ứ huyết theo khí nghịch lên vượt bừa ra ngoài mà phát sinh thổ huyết. Hoặc là chứng thực nhiệt như VỊ nhiệt, Can hoả .v.v… dùng thuốc hàn lượng quá tay tạo nên huyết ngưng đọng, ứ nghẽn đường lạc, Hoặc khí hư huyết ứ, dương hư nội hàn đều có thể hình thành huyết ứ. Thổ huyết do huyết ứ có đặc điểm lâm sàng là: sắc huyết tía có kèm theo cục ứ, phần nhiều Vị quản đau nhói, nơi đau cố định, cự án, sắc mặt tối sạm, lưỡi phần nhiều có nốt ứ huyết, mạch sắc. Điều trị theo phép hoạt huyết hóa ứ, chỉ huyết giáng nghịch làm chủ yếu, cho uống Hóa ứ chỉ huyết thang.

Chứng Thổ huyết do Vị nhiệt quá thịnh với thổ huyết do Can hoả phạm Vị, sắc huyết đỏ tươi hoặc đỏ tía, với sắc huyết của loại Thổ huyết do âm hư hoả vượng không khác nhau mấy, chỗ khác nhau chỉ là bệnh trình loại trên khá ngắn, phần nhiều phát sinh đột ngột, còn loại sau khi bệnh trình dài, lại tái phát luôn luôn, kết hợp với các kiêm chứng khác biểu hiện trên lâm sàng đủ để phân biệt rõ ràng.

Thổ huyết do Tỳ hư với Thổ huyết do dương hư, sắc huyết nhợt không tươi, biểu hiện lâm sàng so với chứng thực nhiệt khác nhau rất xa, phân biệt không khó. Thổ huyết do Tỳ hư sắc huyết nhạt. Thổ huyết do dương hư, sắc huyết tối nhạt, cũng có thể phân biệt đưỢc,Thổ huyết do ứ huyết, sắc huyết tía đen có cục huyết ứ, khác hẳn các loại xuất huyết khác.

Trích dẫn y văn

  • Thái dương tư thiên, hàn dâm nó thắng… huyết biến hóa ở trong, dân bị bệnh Quyết, Tâm thông, ẩu huyết, huyết tiết và Cầu nục (Tố vấn – Chí chân yếu đại luận).
  • Ẩu huyết thì ngực đây lan toa sang lưng, mạch Tiêu mà Tật là nghịch (Linh khu – Ngọc bản).
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây