Trong miệng phá lở (mọc mụn) – Triệu chứng bệnh Đông y

Chứng trạng Đông y

Khái niệm

Trong miệng phá lở gọi là “Khẩu sương”. Chứng này trong sách Nội kinh gọi là “Khẩu my”, “Khẩu sương” hoặc “Khẩu dương”, về sau, căn cứ vào biểu hiện lâm sàng và cơ chế bệnh khác nhau còn gọi là “Khẩu cam”, “Khẩu thiệt sinh sương”, “Khẩu trung cam sương”, “Khẩu phá”, “Khẩu nội my hủ”. Nhưng nói chung tập quán cho chứng trạng trong miệng phá lở phạm vi cục bộ bệnh tình khá nhẹ gọi là “Khẩu sương”. Nếu trong miệng loét nát trên diện tích rộng, bệnh tình khá nặng gọi là “Khẩu my”. Trẻ em phát sinh mụn ở trong miệng nếu có liên quan đến cam tích thì gọi là “Khẩu cam”. Còn chứng “Nga khẩu sương” ở trẻ em thì có chuyên luận về nhi khoa.

Ngoài ra, ở mép mọc mụn thì gọi là “Khẩu vẫn sương”, tục gọi là “Yến khẩu”, còn gọi là “Khẩu phì sương” (chốc mép), tuy không thuộc phạm vi chứng này nhưng có liên quan đến cơ chế bệnh, người xưa đều xếp vào một loại có thể tham khảo biện luận chứng trị ở mục này.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Trong miệng phá lở do Tỳ Vị tích nhiệt: Nhiều chỗ ở trong miệng môi lưỡi và lợi răng phá lở, chu vi sưng đỏ, thậm chí cạnh lưỡi cũng sưng đau, ảnh hưởng đến ăn uống, khát nước uống lạnh, đại tiện bí kết, tiểu tiện vàng hoặc kiêm các chứng mình nóng, chất lưỡi đỏ hoặc có vết nứt, rêu lưỡi vàng, mạch Sác có lực.
  • Trong miệng phá lở do âm hư hỏa vượng: Có chứng miệng phá lở tái phát nhiều lần, thường do mệt nhọc hoặc đêm ngủ không yên mà dụ phát, bề mặt của mụn sắc trắng, chu vi đỏ nhạt đau sáng nhẹ tối nặng, miệng khô, Tâm phiền mất ngủ lòng bàn chân tay nóng, lưỡi đỏ ít rêu, hoặc có vết nứt đỏ, mạch Trầm Tế Sác.
  • Trong miệng phá lở do trung khí bất túc: Có chứng miệng phá lở tái phát nhiều lần lúc nhẹ lúc nặng, bề mặt mụn sắc nhợt, đau nhẹ kém ăn bụng trướng, đại tiện không thành khuôn, chân tay yếu mềm, tinh thần mệt mỏi đoản hơi biếng nói, chất lưỡi nhợt, ven lưỡi có vết răng, rêu lưỡi trắng, mạch Tế Nhược.

Phân tích

  • Chứng Miệng phá lở do Tỳ Vị tích nhiệt với chứng Miệng phá lở do âm hư hỏa vượng: cả hai đều thuộc nhiệt chứng, loại trên là Thực nhiệt, loại sau là Hư nhiệt. Biểu hiện lâm sàng khác nhau rõ rệt. Miệng phá lở do Tỳ Vị tích nhiệt phần nhiều do ăn uống không điều độ, ham rượu chè, đồ cay nóng, đồ nướng rán nồng hậu. Tỳ Vị tích nhiệt. Tỳ khai khiếu lên miệng, nhiệt ở Tỳ Vị xông lên miệng phát sinh mụn lở. Đặc điểm là miệng lở nghiêm trọng phát sinh nhiều chỗ, bề mặt của mụn sắc đỏ mà sưng đau kiêm chứng khát nước uống lạnh, táo bón, tiểu tiện vàng, lưỡi đỏ rêu vàng thuộc chứng hậu Tỳ Vị thực nhiệt. Chứng

Miệng phá lở do âm hư hỏa vượng phần nhiều do tư lự mệt nhọc, Tâm âm suy hao ngấm ngầm hoặc thời kỳ cuối của Nhiệt bệnh, âm phần tổn thưởng, âm hư thì hỏa vượng bốc lên miệng, phát sinh lở miệng. Đặc điểm là miệng phá lở dằng dai không khỏi, tái phát nhiều lần, lặn chỗ này lại nổi chỗ kia, bề mặt mụn đỏ nhợt, không sưng nóng, ban ngày nhẹ ban đêm nặng, kiêm các chứng hậu âm hư như Tâm phiền mất ngủ, lòng bàn chân tay nóng, lưỡi đỏ ít rêu. Nguyên tắc điều trị hai chứng này cũng khác nhau: Chứng Miệng phá lở do Tỳ Vị tích nhiệt nên thanh nhiệt tả hỏa, dùng các phương Lương cách tán, Tả hoàng tán. Chứng Miệng phá lở do âm hư hỏa vượng điều trị nên tư âm thanh hỏa tránh dùng thuốc đắng lạnh thương âm. Nêu bệnh nghiêng về Tâm âm hư chọn dùng phương Hoàng liên a giao kê tử hoàng thang. Nếu nghiêng về Thận âm hư chọn dùng phương Tri bá địa hoàng thang.

  • Chứng Miệng phá lở do trung khí bất túc với chứng Miệng phá lở do âm hư hỏa vượng: cả hai đều là Hư chứng, có đặc điểm lâm sàng như: lở miệng tái phát nhiều lần, gặp mệt nhọc thì phát bệnh. Nhưng chứng Miệng phá lở do trung khí bất túc thì yếu điểm cơ chế bệnh là khí hư phát bệnh do mệt nhọc và bị ốm kéo dài thuộc loại trung khí của Tỳ Vị bị hư tổn hoặc là miệng phá lở lâu ngày đốt âm hao khí, Tỳ Vị khí hư âm hỏa từ trong sinh ra phát sinh lở miệng. Bề mặt lở miệng sắc nhợt không sưng đỏ, đau nhẹ tuy mụn phát sinh chỉ có một cái hoặc vài cái nhưng dằng dai không khỏi lại kiêm chứng kém ăn, đại tiện nhão, tinh thần mỏi mệt, đoản hơi, lưỡi nhợt là những chứng hậu Tỳ Vị khí hư. Còn chứng Miệng phá lở do âm hư hỏa vượng thì bề mặt của mụn đỏ nhạt, lại còn kiêm chứng hư hỏa bôc lên như: phiền nhiệt, lưỡi đỏ, ít rêu có thể là chỗ dựa để chẩn đoán phân biệt. Miệng phá lở do trung khí bất túc. Điều trị bằng Bổ trung ích khí thang hoặc Kiến trung thang. Nếu khí âm đều hư có thể chọn dùng Sinh mạch tán gia vị.

Chứng Miệng phá lở có hư thực khác nhau, bệnh phát đột ngột phần nhiều là thực hỏa, bệnh mắc lâu ngày phần nhiều là hư hỏa. Trong hư hỏa lại có hai loại khí hư và âm hư, ba loại trên có quan hệ rất chặt chẽ. Thực hỏa dằng dai không trừ được sẽ hun đốt phần âm và hao khí. Âm hư lâu ngày sẽ tổn thương tới khí mà khí hư thường kèm theo chứng hậu âm hư. Khi điều trị đối với thực hỏa có thể dùng thuốc đắng lạnh để bẻ gẫy xu thế của hỏa. Còn đối với hư hỏa thì hết sức hạn chế dùng thuốc đắng lạnh mà phải căn cứ vào đặc điểm chứng hậu để hoặc là dưỡng âm, hoặc là bổ khí, kiên nhẫn điều trị. Ngoài ra vô luận là hư hay thực, trong khi sử dụng dạng thuốc uống trong, cục bộ có thể linh hoạt dùng thuốc bên ngoài như Châu hoàng tán, Tích loại tán hiệu quả cũng nhanh.

Trích dẫn y văn

  • Chứng lở miệng chủ yếu là do nhiệt. Kinh nói: “Thiếu dương tư thiên hỏa khí hạ lâm, Phế khí theo phía trên miệng phá lở là như thế. Hai là do hàn, sách kinh điển nói: “Tuế kim bất cập, viêm hỏa lưu hành lại bị mưa lạnh đến đột ngột, âm quyết ngăn cách dương lại ngược lên trên gây nên miệng phá lở là do đó (Chứng trị chuẩn thằng – Khẩu sương).
  • Tạng phủ tích nhiệt thì miệng lở nát, miệng lở nát có nghĩa là mụn ở trong miệng bị loét nát. Chứng Tâm nhiệt cũng gây nên miệng loét nát nhưng lở miệng phần nhiều sắc đỏ. Chứng Phế nhiệt cũng gây nên miệng loét nát nhưng lở miệng phần nhiều sắc trắng. Bàng quang di nhiệt xuống Tiểu trường miệng cũng loét nát. Tam tiêu hỏa thịnh miệng cũng loét nát. Trung tiêu khí bất túc hư hỏa đưa lên miệng cũng loét nát. uống thuốc mát không hiệu quả, âm khuy hỏa bốc lên miệng cũng loét nát. Nội nhiệt miệng cũng loét nát (Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc – Khẩu xỉ thần thiệt bệnh nguyên lưu).

Chứng trạng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận