Trang chủChứng trạng Đông yĐau bàn chân - Chẩn đoán bệnh Đông y

Đau bàn chân – Chẩn đoán bệnh Đông y

Khái niệm

Khớp cổ chân trở xuống bị đau, bao gồm đau cả lòng bàn chân và gót chân .v.v… đều thuộc phạm vi chứng Đau bàn chân.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Đau bàn chân do Can Thận khuy tổn: Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là một hoặc hai bên gót chân đau, hoặc lòng bàn chân đau, cục bộ không đỏ không sưng, không chịu nổi đứng lâu, đi hoặc chạy, đầu choáng tai ù, lưng gối yếu mỏi, hoa mắt, lưỡi nhạt hoặc đỏ, mạch Trầm Tế vô lực hoặc Huyền Tế Sác.

Đau bàn chân do khí hư huyết suy: Có chứng đau gót chân sắc da không sưng đỏ, ban ngày hoạt động đỡ đau, ban đêm đau nhức tăng, tinh thần mệt mỏi chân tay rã rời, sắc mặt trắng nhợt, sợ gió tự ra mồ hôi, chất lưỡi nhợt bệu, ven lưỡi có vết răng, mạch Tế Nhược hoặc Tế Sác.

Đau bàn chân do hàn thấp ngưng trệ: Phần nhiều phát sinh ở ngón chân, khi đi lại thì chi dưới nặng nề vô lực, đau quá thì đi lết, bắp chân trướng mỏi nặng nề, da dẻ lạnh và trắng xanh, dần dà biến thành tía tối, bên chân bị bệnh sợ lạnh, tê dại đau nhói, ban đêm bệnh tăng, lưỡi nhợt rêu lưỡi trắng, lâu ngày không khỏi có thể thành Thoát thư.

Đau bàn chân do phong thấp tê nghẽn: Có chứng đau nhức vùng chân, thời tiết âm u giá lạnh thì bệnh tăng, thường kiêm chứng các khớp tay chân đau nhức sưng trướng, co duỗi khó khăn, chi dưới nặng nề, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù Hoãn hoặc Nhu Hoãn

Phân tích

– Chứng Đau chần do Can Thận khuy tổn với chứng Đau bàn chân do khí hư huyết khuy: cả hai đều thuộc Hư chứng, bộ vị đau nhức phần nhiều ở gót chân. Loại trên phần nhiều do tiên thiên phú bẩm bất túc hoặc gắng sức lao động tổn hại gân xương, hoặc buông thả vô độ, Can Thận bất túc. Can chứa huyết, chủ về gần. Thận chứa tinh, chủ về xương. Can Thận suy hư, xương tủy không được nuôi dưỡng cho nên đau nhức. Loại sau nguyên nhân phần nhiều ốm lâu hoặc sau khi ốm nặng, hoặc bị mất huyết quá nhiều khí hư huyết khuy, huyết hư không tư dưỡng gây nên. Cước khí thiên sách cổ kim ỵ giám viết: “Đối với chứng đau bàn chân da không sưng đỏ, gân không co quắp, ban đêm đau tăng, như vậy là khí hư mà huyết không dồi dào”. Loại trên phần nhiều kiêm các chứng trạng Can Thận suy hư như đầu váng tai ù, lưng gối mỏi yếu vô lực, hoa mắt, thị lực giảm .v.v… Loại sau trên lâm sàng phần nhiều kiêm các chứng trạng khí huyết suy hư như hồi hộp đoản hơi, tinh thần mệt mỏi rã rời, mặt nhợt không tươi. Đau bàn chân do Can Thận khuy tổn, điều trị nên tư bổ Can Thận. Nếu thiên về dương hư như không chịu nổi đứng lâu, chân lạnh, có thể uống Hữu qui hoàn gia vị. Nếu thiên về âm hư như bắp chân có lúc nóng, cho uống Tả quy hoàn. Đau bàn chân do khí hư huyết khuy có thể dùng phép ích khí dưỡng huyết, dùng phương Thập toàn đại bổ thang gia giảm.

– Chứng Đau bàn chân do hàn thấp ngưng trệ với chứng Đau bàn chân do phong thấp tý: Loại trên phần nhiều do đương ra mồ hôi lại rửa chân bằng nước lạnh hoặc đứng lâu nơi ẩm ướt, hàn thấp xâm phạm gây nên. Tố vấn – Thái âm Dương minh luận viết “Bị thương do thấp, bộ phận dưới bị bệnh trước” Tố vấn – Cử thống luận viết: “Hàn khí xâm phạm vào Lạc dùng dằng, nấn ná không lưu thông, ẩn náu ở ngoài mạch thì huyết thiếu, ẩn náu ở trong mạch thì khí không lưu thông cho nên đau đột ngột”. Thấp cấu kết với hàn, khí huyết bị ngưng trệ, mạch lạc nghẽn trở không thông, không thông thì đau, chứng trạng thường nặng về ban đêm, bên chân lạnh đau nặng thì đi chệnh choạng. Loại sau là phong kết hợp với Thấp, thấm dần vào da thịt, lưu trệ ở kinh mạch mà thành Tý chứng, cho nên thường kiêm chứng các khớp toàn thân đau nhức hoặc sưng trướng biến dạng. Nếu do hàn thấp ngưng trệ, điều trị chủ yếu nên ôn kinh tán hàn, khư thấp, kèm theo thuốc hoạt huyết thông mạch, uống Đương qui tứ nghịch thang hợp với Phụ tử thang. Nếu do phong thấp tý nghẽn trở, điều trị nên khư phong hóa thấp, trừ Tý thông lạc, uống Ma hạch dĩ cam thang hoặc Quyên tý thang gia giảm.

Hàn thấp ngưng trệ và phong thấp tý nghẽn lâu ngay đều có thể do khí huyết nghẽn trệ dẫn đến huyết ứ hoặc bị uất lâu ngày hóa nhiệt. Nếu kiêm ứ có thể cục bộ xuất hiện tím tái, điều trị nên thêm vào những loại thuốc hoạt huyết hóa ứ như dùng bài Đào hồng Tứ vật. Bị uất lâu ngày hóa nhiệt thì có triệu chứng cục bộ đỏ bừng nóng rát sưng đau, miệng khô miệng đắng, điều trị nên thanh nhiệt lợi thấp tuyên thông kinh lạc uống Tứ diệu tán gia vị.

Chứng Đau bàn chân, loại Can Thận khuy tổn và khí hư huyết khuy, phần nhiều do nội thương gây nên. Loại trên là do Can Thận bị hư tổn, loại sau là do khí huyết bất túc, điều trị nên tu dưỡng bổ ích. Loại hàn thấp ngưng trệ và phong thấp tý nghẽn là lục dâm gây bệnh.Loại trên là hàn kết hợp với thấp, điều trị cần phải ôn thông. Loại sau là phong kết hợp với thấp, điều trị phải khư phong lợi thấp.

Trích dẫn y văn

Kinh nói: Các loại thấp sưng đầy đều thuộc Tỳ thổ. Lại nói : Bị thương do thấp, phía dưới mắc bệnh trước. Vì chân ở dưới nên bị thấp nhiều. Thấp uất thành nhiệt, thấp nhiệt cấu kết nên phát sinh đau (La thi hội ước y kính – Luận thấp chứng).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây