Gãy xương là tổn thương đến sự toàn vẹn của xương, thường gặp do chấn thương hoặc do bệnh lý (u xương, viêm xương…).
NGUYÊN NHÂN
- Trực tiếp: do các chấn thương trực tiếp gây gãy xương
Tai nạn giao thông: bánh xe ô tô, xe máy… va đè trực tiếp lên chi, gây gãy xương.
Mảnh bom, mìn.
Do tường đổ, sập hầm …
- Gián tiếp: nơi gãy xương xa nơi chấn thương
Ngã cao, gót chân tiếp đất trước gây gãy, lún xương cột sống, gãy cổ xương đùi…
Ngã chống tay gây gãy trên lồi cầu cánh tay.
PHÂN LOẠI GÃY XƯƠNG
- Gãy kín: là ổ gãy không thông với bên ngoài.
- Gãy xương hở: là loại gãy mà ổ gãy thông với bên ngoài. Nghĩa là da xung quanh nơi gãy xương bị tổn thương, có thể thấy đầu xương gãy chọc ra ngoài. Có thể do vật sắc nhọn từ ngoài chọc vào như lưỡi lê, mảnh đạn.
TRIỆU CHỨNG
Triệu chứng không chắc chắn
Đau: xảy ra ngay sau khi bị chấn thương.
Sưng nề, bầm tím vùng gãy xương.
Giảm hoặc mất cơ năng chi gãy.
Triệu chứng chắc chắn gãy xương
Biến dạng trục chi: có thể gập góc, xoay, ngắn chi.
Tiếng lạo xạo xương gãy: do hai đầu xương cọ sát vào nhau.
Chi gãy có cử động bất thường khi người bệnh cố gắng cử động.
Điểm đau chói tại nơi gãy xương.
Các triệu chứng khác
Tại chỗ
- Da bị tổn thương làm ổ gãy thông với bên ngoài gọi là gãy hở.
Biểu hiện: máu chảy ra từ ổ gãy có màu đen, không đông hoặc có váng mỡ, hoặc thấy đầu xương gãy chọc ra ngoài.
- Mạch máu và thần kinh có thể bị dập nát, đứt hay bị chèn ép.
+ Nếu tổn thương mạch biểu hiện: đầu chi tím lạnh, mất mạch hoặc mạch yếu.
+ Nếu tổn thương thần kinh biểu hiện, mất cảm giác vận động vùng thần kinh chi phối.
Toàn thân
- Có thể có hội chứng sốc, biểu hiện: mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, da xanh nhợt, chân tay lạnh, hốt hoảng, lo sợ, vã mồ hôi.
- Có thể xuất hiện hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc: sốt cao, mạch nhanh, vẻ mặt hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn hơi thở hôi, đau đau…
X quang
Chụp phim ở 2 tư thế thẳng và nghiêng, trên một khớp, dưới một khớp để xác định vị trí gãy, đường gãy, hướng di lệch.
TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
Tiến triển: liền xương tiến triển qua 4 giai đoạn:
-
Giai đoạn tụ máu tại ổ gãy.
- Giai đoạn can xương liên kết.
- Giai đoạn can xương nguyên phát.
- Giai đoạn can xương vĩnh viễn.
Biến chứng
- Biến chứng sớm
Gãy xương mất nhiều máu, đau có thể dẫn đến sốc.
Từ gãy xương kín dẫn đến gãy xương hở do cố định không tốt, thăm khám thô bạo.
Tổn thương mạch máu thần kinh do đầu xương gãy chọc vào.
- Biến chứng muộn
Cứng khớp và teo cơ: do bất động kéo dài, không tập vận động phục hồi chức năng.
Khớp giả: nơi gãy xương không có can xương dẫn đến xương không liền, tạo ra cử động bất thường gọi là khớp giả.
HƯỚNG ĐIỀU TRỊ
Sơ cứu
- Phòng chống sốc: cần chú ý tới toàn trạng của người bệnh, loại trừ tổn thương nội tạng, có thể tiêm thuốc giảm đau toàn thân bằng morphin hay phóng bế novocain xung quanh thân xương.
- Bất động chi gãy bằng nẹp tương ứng theo đúng nguyên tắc.
+ Bất động trên một khớp và dưới một khớp nơi xương gãy.
+ Độn bông mỡ vào nơi đầu xương nhô ra.
+ Bất động xương , gãy ở tư thế cơ năng: cụ thể khuỷu gấp 900, dùng nẹp tuỳ ứng, chi dưới khớp hông và khớp gối duỗi thăng. Đối vơi gãy hở và gãy sát khớp, bất động theo tư thế gãy, trước khi bất động phải băng vết thương nếu có.
+ Trong khi bất động phải nhẹ nhàng, tránh gây đau đớn và tổn thương thêm. Bất động phải đủ chặt.
- Vận chuyển nhẹ nhàng: sau khi bất động xong, phải vận chuyển người bệnh về nơi điều trị thực thụ.
Điều trị
Phương pháp chỉnh hình bằng bảo tồn
- Phương pháp kéo nắn bó bột áp dụng cho các trường hợp gãy kín đến sớm, gãy ít di lệch. Kéo nắn bó bột chỉnh hình ở tư thế cơ năng.
Thời gian giữ bột tuỳ thuộc loại xương gãy, lứa tuổi.
- Phương pháp kéo liên tục: dùng kim Kirschner xuyên qua đầu xương, dùng tạ kéo.
+ Đối với chi trên, trọng lượng tạ = 1/14 – 1/10 trọng lượng cơ thể.
+ Đối với chi dưới, trọng lượng tạ = 1/8 – 1/6 trọng lượng cơ thể.
+ Đối với cột sống cổ, trọng lượng tạ từ 2 – 2,5 kg.
Phương pháp kết hợp xương
Đóng đinh nội tuỷ, nẹp vis, cố định ngoại vi, buộc vòng chỉ thép, tuỳ theo từng chỉ định khác nhau.
KẾ HOẠCH CHĂM SÓC
Nhận định tình trạng người bệnh
Tình trạng chung
- Nhận định xem người bệnh có hội chứng sốc hay không? (dựa vào tinh thần, da, niêm mạc, dấu hiệu sinh tồn).
- Có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc, thiếu máu hay không?
- Có tổn thương phối hợp ở nơi khác hay không?
Ví dụ: chấn thương bụng, ngực, sọ não.
Tình trạng tại chỗ
- Trước khi bó bột hoặc mổ:
+ Gãy xương kín hay gãy xương hở?
+ Chi gãy được bất động chưa? Mức độ đau, sưng nề, bầm tím?
+ Vết thương rộng hay nhỏ, sạch hay bẩn? có dịch có mủ hay không?
+ Có tổn thương mạch máu thần kinh hay không? (Dựa vào dấu hiệu đau, màu sắc, vận động, cảm giác, nhiệt độ của đầu ngón chi).
- Sau bó bột:
+ Bột có rạch dọc hay bột vòng tròn kín? Bột có cửa sổ không? (để chăm sóc vết thương hoặc vết mổ)
+ Bột chặt hay lỏng? khô hay ẩm? sạch hay bẩn? đúng nguyên tắc hay không?
+ Có dấu hiệu chèn ép mạch máu, thần kinh hay không?
+ Nếu có vết thương, dịch thấm vào bột nhiều hay ít? mùi hôi hay không?
+ Mức độ đau sưng của chi bó bột? có dấu hiệu chèn ép bột không?
- Sau mổ:
+ Vết mổ chảy máu hay không? có dịch, có mủ hay không? cắt chỉ chưa?
+ Có dấu hiệu tổn thương mạch máu thần kinh sau mổ hay không?
+ Tính chất của dịch dẫn lưu?
+ Mức độ đau sưng nề chi tổn thương như thế nào?
Những vấn đề cần chăm sóc
- Người bệnh có nguy cơ sốc.
- Người bệnh đau, sưng nề nơi tổn thương.
- Người bệnh có nguy cơ viêm xương.
- Người bệnh có nguy cơ rối loạn tuần hoàn nuôi dưỡng chi sau bó bột.
- Người bệnh mất ngủ.
Lập và thực hiện kế hoạch chăm sóc
Trước khi bó bột hoặc mổ
- Theo dõi dấu hiệu sinh tồn tuỳ theo tình trạng của người bệnh.
- Phòng chống sốc.
+ Thực hiện y lệnh thuốc giảm đau cho bệnh nhân, sau 30 phút dùng nẹp bất động tạm thời. + Bất động chi gãy theo đúng nguyên tắc.
o Nẹp phải đủ dài trên một khớp và dưới một khớp, đủ chắc, phải được bọc độn trước khi bất động.
o Độn bông mỡ vào đầu xương nhô ra, không được bỏ quần áo nơi gãy xương lúc đặt nẹp.
o Người phụ nâng đỡ nhẹ nhàng nơi gãy xương và từ từ kéo nhẹ cho đến khi nào bất động xong mới được bỏ ra.
o Buộc dây phải đủ chặt, không được buộc trực tiếp lên ổ gãy xương, bản dây phải đủ rộng.
o Nâng cao chi bị tổn thương để giảm sưng nề. o Bất động chi gãy theo tư thế cơ năng.
o Nếu gãy hở hay có vết thương kèm theo phải được thay băng vô khuẩn tránh đưa phần nhiễm bẩn vào trong ổ gãy. Sau đó bất động theo tư thế gãy.
o Theo dõi màu sắc đầu ngón chi, phát hiện sự bế tắc tuần hoàn sau khi buộc dây bất động nẹp.
+ Cho người bệnh uống nước chè đường ấm, sưởi ấm, cho thở oxy.
- Nếu có dấu hiệu sốc, tổn thương mạch máu, thần kinh, tổn thương phối hợp, điều dưỡng phải báo cho thầy thuốc.
- Làm xét nghiệm công thức máu, máu đông, máu chảy, chụp X quang…
Sau bó bột
- Theo dõi dấu hiệu sinh tồn.
- Nếu bột chặt gây chèn ép mạch máu, thần kinh, người điều dưỡng cần nới bột và báo cáo cho thầy thuốc biết tình trạng trên.
- Kiểm tra, chăm sóc bột theo nguyên tắc.
- Nếu bột vỡ, gãy phải thay bột.
- Không được dùng que chọc vào trong bột gây xước da nhiễm trùng. Tránh làm ướt bột.
- Sau 7- 10 ngày khi chi hết sưng nề, quấn tròn bột nếu như bột không quá lỏng. Nếu bột quá lỏng phải bó bột mới và hẹn đến khám lại tuỳ theo từng loại gãy xương.
- Khi bột khô, cố định tốt, hướng dẫn người bệnh vận động co cơ trong bột, vận động các cơ, chi không bó bột để tránh teo cơ, đồng thời phải hướng dẫn người bệnh uống nhiều nước, vỗ rung lồng ngực, vệ sinh thân thể, để giảm nguy cơ viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu.
- Thường xuyên quan sát da vùng tỳ đè, dễ loét như vùng gáy, khuỷu, gai chậu trước trên, gót chân để phát hiện sự cọ sát phù nề đổi màu, loét.
- Hướng dẫn người bệnh ăn chế độ ăn bồi dưỡng nâng cao thể trạng, chú ý ăn thức ăn tránh táo bón, sỏi tiết niệu.
- Nếu có vết thương thấm dịch mùi hôi phải báo bác sỹ, thay băng vết thương.
- Dặn người bệnh không được tự ý tháo bột, phải giữ bột đủ thời gian theo quy định.
- Nếu đủ thời gian bất động cho người bệnh chụp X quang kiểm tra xem xương liền tốt chưa. Nếu xương chưa liền tốt cần bất động thêm.
- Chăm sóc vết thương, vết loét nếu có. Hướng dẫn người bệnh ngâm chân vào nước muối ấm, vừa ngâm vừa tập vận động chủ động 3 lần/ngày, mỗi lần từ 10 – 15 phút trong 5 – 7 ngày. Hướng dẫn tập phục hồi chức năng từ từ tránh quá sức, quá đau, tránh ngã.
Sau mổ
- Theo dõi dấu hiệu sinh tồn.
+ Trong vòng 24 h đầu sau mổ: để phát hiện tình trạng tai biến của gây mê, phẫu thuật: Ví dụ: mất máu, đau kéo dài, rối loạn nhịp tim, nhịp thở. Nếu có tai biến của gây mê, phẫu thuật phải xử trí kịp thời và báo ngay cho thầy thuốc.
+ Những ngày sau : để phát hiện tình trạng nhiễm trùng, tình trạng thiếu máu.
- Chăm sóc thay băng vết mổ tuỳ từng trường hợp. Nếu chảy máu vết mổ cần thực hiện băng ép cầm máu ngay, sau băng ép vẫn chảy máu, phải báo thầy thuốc để xử lý kịp thời.
+ Vết mổ tiến triển tốt, cắt chỉ sau 7 ngày.
+ Vết mổ có biểu hiện sưng nề, có dịch mủ cần cắt chỉ sớm giải phóng mủ, dịch.
- Giảm đau, sưng nề chi tổn thương bằng cách gác chi cao trên dụng cụ thích hợp.
- Theo dõi tuần hoàn của chi, vận động cảm giác của chi tổn thương.
- Hướng dẫn người bệnh ăn chế độ ăn bồi dưỡng nâng cao thể trạng.
- Hướng dẫn người bệnh tập vận động, vệ sinh thân thể tuỳ từng trường hợp.
- Thực hiện thuốc theo y lệnh, theo dõi tác dụng phụ, tai biến của thuốc.
- Rút dẫn lưu sau 24 – 48 h.
Giáo dục sức khoẻ
- Cần dặn dò người bệnh thực hiện tốt khi mang bột:
+ Không để bột gãy.
+ Không làm ướt bột.
+ Không làm bẩn bột.
+ Không tự ý cắt bột.
+ Không dùng que chọc vào trong bột.
+ Đến khám lại theo đúng lịch hẹn.
- Tuyên truyền trong cộng đồng cần thận trọng trong khi tham gia giao thông, trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt để làm giảm tỷ lệ gãy xương.
Đánh giá
Người bệnh gãy xương được đánh giá là chăm sóc tốt khi:
- Được sơ cứu tốt, tránh từ gãy kín thành gãy hở, hạn chế được nguy cơ sốc.
- Được theo dõi chăm sóc tốt, tránh được các tai biến do mổ xương, bó bột.
- Được hướng dẫn tập phục hồi chức năng tốt.
KẾT LUẬN
Gãy xương, đặc biệt là gãy xương hở có nhiều nguy cơ viêm xương, đây là một biến chứng còn gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Việc chăm sóc phòng nguy cơ này là một việc làm rất cần thiết, đòi hỏi người điều dưỡng luôn luôn chú ý khi chăm sóc vết thương cho người bệnh.
Em trai em bị gãy ở vai. Vừa mỗ xong ra. Nhưng em của em đã thấy rất đau đớn. Mẹ e có hỏi bác sĩ phòng trực nhưng chỉ nói là để như vậy từ từ bớt. Cho em hỏi làm thế nào để bệnh nhân bớt đau sau mỗ k ạ?