Một bà mẹ tâm sự :
“Trong một vài giây, tôi bỗng nhớ lại những cảm nghĩ đã qua của mình : mong ước từ bao năm, làm sao có được một đứa con; rồi hơn 9 tháng mang thai, những lúc tôi khẽ nói, khẽ hát để ru nó tuy nó còn trong bụng, nhẹ nhàng xoa bụng mình khi nó đạp… Thế rồi bây giờ, có một đứa trẻ nằm trong nôi, tách rời hẳn với mình như xa lạ với mình. Tôi nhìn nó, một phần của cơ thể tôi mới đây thôi – mà tự hỏi : không biết cái phần của mình kia đang cảm thấy gì, có nhận được mình không ?”.
Có đấy. Từ khi nằm trong bụng mẹ cho tới khi ra đời, các giác quan của Bé không ngừng phát triển. Vì Bé đã nghe thấy, cảm thấy, nên từ phút đầu tiên lúc mới lọt lòng, Bé đã cất tiếng khóc vì bị thay đổi môi trường sống. Nhận xét qua 556 trẻ sơ sinh, một nhà tâm lý học Trung Hoa cho biết, tới ngày thứ 10, Bé đã biết thể hiện được tình cảm vui hay buồn bằng các cử động tay, chân, chớp mắt, kêu khóc, ho, thay đổi nét mặt v.v… Tuy vậy, những tình cảm đó chỉ mới nói lên 2 việc : sợ bị đói hoặc hài lòng vì đã được no nê. Tình cảm của
Bé đối với mẹ cũng qua bầu sữa, như sự mô tả của nhà văn Balzac, cách đây đã 160 năm về cảm tưởng của một bà mẹ :
“Hãy nhìn ánh mắt của đứa trẻ khi nó chuyển hướng nhìn từ bầu vú sang mắt mẹ. Đôi môi nó gắn chặt vào nguồn sữa bằng tất cả tinh thần và sức lực để tự thỏa mãn. ôi sung sướng làm sao khi tôi nghe thấy tiếng khóc đầu tiên của con tôi. Tôi có cảm tưởng như được đón tia sáng đầu tiên của mặt trời rọi xuống trái đất này vậy. Rồi lại cảm thấy như mình vừa tìm lại được một phần của chính mình, khi dòng sữa của mình tuôn đầy vào miệng đứa con. Nó cười, bạn ạ. Ôi, nụ cười ấy, cái nhìn ấy, cảm giác bị cắn nhẹ nơi đầu vú, tiếng khóc nũng nịu, tất cả những thứ đó góp lại thành một niềm vui vô tận đi thẳng vào trái tim, làm rung động từng sợi thần kinh của tâm hồn tôi”.
Sự phát triển của giác quan
KHẢ NĂNG NHÌN
Khi một người mẹ thắc mắc trước đứa con mới sinh rằng : “Nó có nhìn thấy gì không nhỉ ?”, cũng là có ý muốn biết : “Nó có nhận được mẹ hay không ?”.
Có, Bé có nhận được mẹ, và nhìn thấy mẹ. Nếu bạn là người mẹ có nỗi thắc mắc ấy, hãy cúi xuống gần đứa con của mình và khẽ gọi nó mà coi. Bé sẽ quay đầu về phía có tiếng nói và khẽ mở mắt. Bé nhìn mẹ trong mấy giây rồi lại ngủ. Thế đấy, lúc ban đầu khả năng nhìn của Bé có liên quan tới tiếng động : đó là sự liên quan của NHÌN và NGHE.
Khi bạn bế Bé trong vòng tay, hãy cúi mặt xuống gần Bé khoảng 20 cm để Bé nhận được nét mặt mẹ, vì ngoài độ xa này, Bé chỉ thấy mờ mờ. Từ 3 tháng trở đi. Bé mới nhìn xa được. Trong những ngày, tháng đầu, muốn nhìn thấy, Bé còn phải được ngửi thấy và sờ thấy. Bởi vậy, khi một bà mẹ áp má Bé vào bầu vú, Bé sẽ quay đầu ngay lại, chúm chím môi tìm núm vú, vì không phải Bé đã nhìn thấy bầu vú mà đã NGỬI và ĐỤNG thấy dòng sữa mẹ. Từ ngày thứ 3 trở đi, Bé nhận ra mẹ chính vì mùi sữa mẹ.
Bé dễ bị chói mắt nên ở ngoài trời hoặc ở’ nơi đèn sáng Bé thường nhắm mắt lại. Muốn thấy Bé mở mắt, phải bế Bé lúc Bé thức ở nơi hơi tối.
Khả năng NHÌN của Bé phát triển rất nhanh : ở tuần thứ 6, Bé phân biệt được vật bẹt và vật phồng; tuần thứ 10 phân biệt được lồi và lõm.
KHẢ NĂNG NGHE
Từ khi còn ở trong bụng mẹ, Bé đã biết nghe mẹ hát hoặc cùng nghe với mẹ những bản nhạc khi Bé chưa ra đời. Bởi vậy, sau này khi mới được 1, 2 ngày, Bé dễ bị giật mình khi có tiếng động mạnh, hoặc quay mặt lại phía mẹ, khi mẹ gọi.
KHẢ NĂNG NẾM
Giáo sư Steiner tại trường đại học Jerusalem đã chụp được những bộ ảnh để chứng minh vị giác của trẻ sơ sinh rất nhạy : Bé vui khi được uống nước ngọt, nhăn mặt khi uống nước mặn và có vẻ ghê sợ khi nếm nước hành. Khi Bé đã uống quen nước đường có độ đậm 10%, Bé sẽ không thích uống nước đường 5% nữa.
KHẢ NĂNG NGỬI
Người ta cho rằng Bé nhận được mùi sữa ngay từ ngày đầu. Tới ngày thứ 3, Bé đã nhận ra mẹ chỉ bằng mùi sữa mẹ hay mùi mẹ. Các nhà nghiên cứu cho rằng mùi sữa mẹ hay mùi mẹ còn có tác dụng làm dịu thần kinh của Bé. Một nhà nghiên cứu về trẻ sơ sinh cho biết, khi ông để trên gối một đứa trẻ hay bị giật mình khi ngủ và không ngủ yên, một cái khăn tay của bố mẹ thì đứa Bé ngủ rất ngon lành, không cần dùng tới thuốc.
KHẢ NÃNG VỀ XÚC GIÁC
Trong bụng mẹ, Bé đã cảm thấy được nằm trong một chất lỏng. Mình Bé luôn va chạm và tiếp xúc với dạ con như một tổ ấm. Sau khi được sinh ra, xúc giác Bé tiếp tục phát triển. Được vuốt ve vỗ về Bé tỏ vẻ yên tâm. Khi bị động mạnh, Bé tỏ vẻ sợ hãi.
Nói chung, tất cả các trẻ em sơ sinh đều có đủ các khả năng cảm giác. Các nhà chuyên môn nghiên cứu về trẻ sơ sinh cho biết, ngay trong ngày đầu, có Bé đã đưa mắt theo một quả bóng màu đỏ; có phản ứng khi nghe thấy tiếng chuông hay khi bị gái khẽ vào nách hoặc gan bàn chân; mở miệng khi bị gãi nhẹ vào môi v.v… Tuy vậy, mỗi trẻ có khả năng phản ứng khác nhau : có Bé này nhạy cảm hơn Bé kia. Có trẻ sinh ra mắt nhắm nghiền và hơi sưng như mọng nước, có trẻ lại mở mắt to nhìn cuộc sống mới, ngay từ khi cất tiếng khóc đầu tiên. Người ta có thể phân biệt có trẻ phản ứng nhanh, có trẻ phản ứng chậm hoặc trung bình. Về sau này lớn lên, các cháu cũng có. những biểu hiện mạnh, vừa hay nhẹ như vậy mỗi khi thấy đói, khát, buồn ngủ, tiêu hóa kém v.v… Bởi vậy, cuộc trao đổi tình cảm giữa bố, mẹ, và những người thân với mỗi Bé tuy có những đặc điểm khác nhau nhưng đều được Bé đáp ứng lại. Hãy nói chuyện nhiều với Bé, luôn vuốt ve và hôn vào má Bé, bạn sẽ thấy Bé chớp mắt tỏ vẻ thích thú, mãn nguyện hoặc cười nhếch một bên mép thật là ngộ nghĩnh. Đó là những phút giây tuyệt vời đối với ai được làm bố mẹ.
Cảm xúc của Bé trong gia đình
Khi thức và đang bú là lúc Bé tỉnh táo nhất để nghe bố, mẹ nói chuyện và nựng nịu. Còn lúc ngủ, Bé như thế nào ?
Nhiều Bé ngủ say sưa, nằm im như bất động khiến bố mẹ không yên tâm, phải cúi mặt xuống sát mặt Bé để kiểm tra xem Bé có thở hay không.
Đang ngủ yên như vậy, bỗng Bé giật mình, cựa quậy, nhăn mặt, thở dài hay cười mỉm như đang ở trong một giấc mơ đầy xáo động. Có khi Bé cau mày, nhăn trán, khóc nức nở, miệng tóp tép như đang bú, mút ngón tay… làm người lớn tưởng Bé đã thức dậy, định bế Bé lên.
Đừng vội làm như vậy, vì Bé đang ở trạng thái mơ màng nửa thức, nửa ngủ. Bé sẽ lại chìm trở lại vào trong giấc ngủ sâu và ngủ tiếp tục với đủ các giai đoạn lặp đi lặp lại của một giấc ngủ gồm : mơ màng – ngủ nông – ngủ sâu – mơ màng… Khi nào thấy đói, Bé sẽ thức dậy, cất tiếng khóc to và lâu, chừng nào chưa được bú thì chưa thôi khóc.
Khi được mẹ đưa bầu vú hoặc bình sữa tới gần môi, Bé cựa quậy tay chân như tỏ vẻ sốt ruột, nôn nóng rồi bú say sưa với hết cả sức lực của mình, chỉ ngưng lại ít giây để thở rồi lại bú tiếp. Tới khi no, Bé nhả vú ra, nhắm mắt lại, mặt mũi nở nang, miệng nở nụ cười mãn nguyện làm mẹ cũng vui lây.
Có Bé lại ngủ tiếp sau khi bú, có Bé thức thêm một thời gian trước khi ngủ, cựa quậy chân tay, mỗi khi mẹ cất tiếng nói với Bé, Bé chớp mắt nhìn mẹ để thuộc nét mặt và tiếng nói tình cảm của me.
Tới một lúc nào đó, Bé quay mặt đi như muốn nói với mẹ : “Con đã mệt rồi, mẹ ạ”. Lúc đó, nên để Bé nghỉ, không nên cố làm gì để bắt buộc Bé phải chú ý thêm nữa. Nếu Bé cảm thấy khỏe, hết mệt, Bé lại nhìn mẹ chăm chú, lại chúm chím môi, lại cười.
Trong mấy ngày đầu, trạng thái tỉnh táo, hoạt động của Bé như trên chỉ lâu chừng vài phút. Dần dần, mỗi ngày thời gian hoạt động của Bé càng lâu hơn. Đó cũng là thời gian hạnh phúc dành cho việc trao đổi tình cảm của Bé với bố mẹ và những người thân. Bố mẹ chờ các cử chỉ và hoạt động của Bé để cười và Bé cũng chờ đợi những “trò” của bố, mẹ để cười. Nụ cười của Bé làm nở những nụ cười của người lớn. Mỗi nét mặt, mỗi cử động của Bé đều được toàn gia đình bình luận sôi nổi như: “Bé đang nhìn theo bố đây – mẹ đấy”, “Bé biết tìm, biết nhận ra người quen rồi”, “Kìa Bé cười” hoặc “Bé không thích thế đâu…”.
Đôi khi các trò chơi của người lớn lại làm Bé sợ hoặc Bé khóc. Nhưng rồi hai bên sẽ chóng hiểu tâm lý của nhau để tạo ra nhiều tiếng cười hơn .
Bé thích gì ?
Điều Bé thích đầu tiên là được gần mẹ, nằm trong vòng tay của mẹ. Bé thích bú, được ru, được thay tã lót, được tắm. Sau khi tắm xong, Bé thích khua tay, chân trước khi mặc quần áo và thấy người lớn cùng vui với Bé. Bé thích nghe tiếng nói của mẹ, được mẹ xoa nắn.
Bé thích sự yên tĩnh và ánh sáng vừa phải, không làm chói mắt.
Nếu bạn thấy Bé có vẻ sợ hãi hoặc bị kích động như nắm chặt bàn tay, co người lại, hãy làm cho thần kinh Bé dịu đi bằng cách xoa nhẹ, gãi hay vỗ nhẹ vào người Bé. Bạn sẽ thấy ngay phản ứng thích thú của Bé làm chính bạn cũng hài lòng. Đứa trẻ bị kích động, hay quấy cũng làm cho người lớn bị ảnh hưởng vì thần kinh căng thẳng. Gần một đứa Bé đang cười vui hoặc ngủ ngon lành trong nôi, người lớn cũng thấy vui lây và tinh thần thư giãn.
Bé không thích gì ?
Bé không thích bị đói và khát. Không thích bị quấn chăn nhiều quá cũng như bị mặc quần áo phong phanh, không đủ ấm. Bé thấy khó chịu khi tã lót bị ẩm, bẩn mà không được thay, thấy chóng mặt và sợ khi bị người lớn chơi trò tung Bé lên cao. Bé thích yên tĩnh nên nằm không yên khi có nhiều người đi qua đi lại hoặc nói chuyện trong phòng. Tiếng ra-đi-ô, ti-vi, cửa sập mạnh, khói thuốc lá đều làm Bé không ngủ được yên giấc. Nếu Bé khóc vào ban đêm, đừng vội cho là Bé quấy mà nên nghĩ rằng Bé chưa quen với cuộc sống mới đây mà thôi vì ở trong bụng mẹ, Bé không có ngày và đêm, và cũng không cảm thấy đói. Bây giờ, khi thấy đói Bé phải khóc để báo cho mẹ biết.