Chú ý khi chọn những đồ dùng cho Trẻ nhỏ

Chăm sóc bé

Cái xe đẩy

Nhiều đôi vợ chồng, trước khi có con đã mơ thấy những buổi chiều cùng nhau đẩy con đi dạo trên một chiếc xe. Vậy, có nên mua một cái xe đẩy hay không ? Nên mua xe loại nào ? Loại lăngđô (landau) như một cái giường thu nhỏ để Bé nằm thoải mái hay loại xe đẩy nhỏ như cái ghế tựa có tay cầm để đẩy ?

Chiếc lăngđô có nhiều điểm tiện lợi. Bạn có thể dùng cho Bé cả mùa hè lẫn mùa đông. Những ngày đẹp trời, bạn có thể để Bé ngủ trong xe, ở ngoài vườn, nếu nhà bạn có vườn.

Nhưng xe lăngđô cũng có nhiều điều bất tiện. Trước tiên là nó đắt tiền và cồng kềnh. Nếu bạn chỉ có vài phòng ở nhỏ, chỗ ở trên lầu cao, đường phố nơi bạn ở không có vỉa hè hoặc vỉa hè hẹp, gập ghềnh nên mỗi lần đẩy xe cho Bé phải đi xuống dưới đường cùng xe cộ thì chiếc lăngđô cồng kềnh sẽ không tiện dụng bằng chiếc xe đẩy có chiếc ghế đơn giản và nhẹ nhàng.

Tuy vậy, cũng nên chú ý rằng chiếc xe đẩy không thích hợp với trẻ em còn nhỏ quá, cổ chưa đủ cứng.

Nếu bạn có điều kiện mua xe lăngđô nên chọn chiếc có mui mầu thâm để Bé không bị chói mắt khi trời nắng. Các thứ trang bị trong chiếc lăngđô giống như những thứ trang bị cho một cái giường gồm : nệm, vải trùm nệm, chăn, gối và mùa hè cần có cả cái màn nữa.

Chọn xe đẩy cho trẻ
Chọn xe đẩy cho trẻ

Túi đeo con

Có nhiều bố mẹ thích đeo con sau lưng để cảm thấy hơi ấm của con và cũng truyền cho con hơi ấm của mình. Phương cách mang con sau lưng cũng gọn trong trường hợp cần đưa con tới gửi ở nhà trẻ, bố mẹ chỉ phải đi một quãng đường không xa. Tuy vậy, nếu Bé còn quá nhỏ, cổ yếu, thì ở tư thế được cõng sau lưng, cổ Bé dễ bị ngoẹo hoặc lắc lư theo nhịp chân đi của người cõng, do đó không nên dùng cách này.

Khi đeo con sau lưng, không nên buộc Bé thấp quá. Nên buộc hơi chặt, áp Bé vào phía lưng trên sát vào người cõng để Bé không bị lắc lư hoặc rơi ra.

Về những đồ cần dùng

Ngày nay, công nghệ sản xuất các đồ dùng cho trẻ em rất phát triển và đa dạng. Bạn có thể mua những bộ đồ thay cho trẻ em mỗi ngày, dùng xong rồi vứt luôn. Lẽ dĩ nhiên như vậy sẽ tốn kém hơn là những đồ may mặc. Cần phải nhắc lại rằng da một số trẻ em không thích hợp với các loại vải hóa học dệt bằng sợi acrylice, tecgon, pôlyeste vv… Mặc hoặc đắp chăn, mền bằng các loại vải ấy có thể làm da Bé bị mẩn đỏ, ngứa, dị ứng. Đặc biệt là các trẻ trong vòng 4 tháng trở lại rất dễ dị ứng da. Những Bé tới 6 tháng mà vẫn bị dị ứng với những loại vải này thì khi lớn hơn, các cháu vẫn như thế. Bởi vậy nên dùng đồ bằng vải bông và len tự nhiên cho các cháu. Những loại vải và len nhân tạo có thể dùng cho các cháu sau này, nhưng không phải là những đồ mặc sát vào người.

Giặt quần áo

Giặt tay hay giặt máy đều phải vò thật kỹ. Giặt xà phòng càng phải vò thật kỹ. Giặt thêm với thuốc tẩy : lại càng phải kỹ hơn. Sau đó, nên phơi nắng. Các hóa chất như xà phòng, thuốc tẩy rửa đều có thể tác dụng tới da Bé và ánh nắng mặt trời làm giảm tác dụng hóa học của các chất này.

Giặt đồ len

Nhiều bà nội trợ không giặt đồ len bằng máy mà giặt bằng tay. Như vậy mới giữ được những sợi lông khỏi bị đứt. Khi giặt, nên dùng nước ấm và rũ 2, 3 lần cũng bằng nước ấm. Không vò, chải, vắt đồ len mà chỉ dùng tay bóp. Có thể vắt len bằng máy giặt hoặc quấn đồ len cùng với một khăn bông khô rồi bóp cho nước của len thấm sang khăn. Nếu cần ủi (là), nên ủi khi len còn ẩm.

Những đồ bằng chất dẻo (nylon…)

Nên giặt luôn và phơi khô. Nếu những đồ này bị dây phân của trẻ sẽ khó tẩy hết mùi và nên loại bỏ.

Sợi dây lưng

Cần lưu ý để những chỗ có nịt không thắt quá chặt vào người Bé. Sợi dây lưng cần ở đúng chỗ, khoảng dưới xương sườn và trên háng. Nếu nó ở cao quá về phía ngực sẽ làm trẻ khó thở. Tốt nhất là dùng quần có dây đeo (không cần dây lưng) cho cả Bé gái và Bé trai.

Không nên mặc nhiều hoặc đắp nhiều quá cho Bé

Lạnh quá hay nóng quá đều có hại cho trẻ em. Đối với người lớn, khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp hay lên cao hơn nhiệt độ của cơ thể thì thân nhiệt vẫn có thể duy trì 37°c như bình thường, vì ngoài khả năng điều hòa nhiệt, cơ thể người lớn còn có một lớp cách nhiệt rất tốt : đó là lớp mỡ ở dưới da. Các trẻ em không có lớp mđ đó, trọng lượng người lại nhỏ nên bộ da của các trẻ phải chống đỡ nhiều hơn gấp 3 lần so với người lớn, đối với cái nóng hoặc cái lạnh của thời tiết và môi trường bên ngoài.

Đối với cái NÓNG, cơ thể trẻ em có khả năng chống đỡ tốt hơn là đối với cái LẠNH. Khi thời tiết nóng hoặc được đặt trong một căn phòng nóng, da của trẻ em cũng toát mồ hôi để làm hạ nhiệt độ cơ thể. Nhịp độ hô hấp của hai lá phổi tăng lên, hơi thở gấp để nhận không khí mát vào và thở khí thải nóng hơn ra. Mùa hè, loài chó hay thè lưỡi nằm thở cũng có tác dụng giống như vậy.

Tuy vậy, sự toát mồ hôi và thở gấp cũng dẫn tới một hiện tượng phải hết sức chú ý : sự mất nước của cơ thể. Lượng nước dự trữ trong cơ thể trẻ em tối thiểu phải có tỷ lệ từ 10 -15% nước so với trọng lượng cơ thể. Tỷ lệ này trong người lớn chỉ từ 2 – 4%. Do đó, trẻ em dễ bị “choáng vì nóng”. Khi cơ thể thiếu nước, trẻ có những biểu hiện bị nôn ói, ỉa chảy, người mẩn đỏ v.v…

Các bà mẹ cần chú ý rằng bàn tay của trẻ em thường lạnh hơn thân người. Bởi vậy, nắm bàn tay không dự đoán được thân nhiệt của các cháu.

Nếu thời tiết nóng, chỉ nên mặc cho Bé một cái áo lót là đủ, và cũng đừng ngần ngại để cho Bé ở truồng. Cần cho Bé uống nước luôn và có thể đắp lên trán Bé một khăn tẩm nước mát.

Đối với trẻ lớn hơn, cũng không nên mặc nhiều áo quá. Khi các cháu chơi đùa chạy nhảy, bị nóng, các cháu sẽ cởi áo ra và sẽ dễ bị lạnh. Bình thường, các cháu cũng cảm thấy người nóng hơn người lớn.

Chọn giày cho Bé

Khi Bé chưa biết đi, các bà mẹ vẫn đi giày cho Bé. Giày có thể bằng vải, len, da, để chân Bé được ấm, còn giày vừa hay hơi rộng, không đáng chú ý lắm. Nhưng khi Bé biết đi rồi, cần phải chọn giày cho Bé, sao cho :

  • Vừa, bám được vào chân ở phần gót và phần ngón chân mà không bị bó sát làm đau chân.
  • Vừa vào chân, nhưng vẫn còn ít khoảng trống bên trong giày.

Không nên mua cho Bé đôi giày rộng quá (để phòng lớn). Đi giày quá lớn, Bé dễ bị ngã, đi không vững. Không cần mua loại đắt tiền. Giày nên dài hơn chân 1 cm – đo từ gót tới đầu ngón chân cái khi Bé đứng, rồi so với chiều dài bên trong giày. Nên chọn kiểu giày phần gót tròn và phần mũi cũng tròn để Bé có thể ngọ nguậy các ngón chân ở bên trong. Không nên để Bé đi đôi giày cũ của anh hay chị Bé, vì đôi giầy đã bị méo mó theo khuôn chân của người đi trước chứ không phải là khuôn chân của Bé. Bàn chân Bé phát triển nhanh, nên cần chú ý khi nào ngón chân cái của Bé sát vào mũi giày lúc Bé đứng, thì đành chịu tốn kém mua cho Bé đôi giày khác.

Ở nhà, nếu trời không lạnh và sàn nhà không có những vật có thể làm đau chân Bé, nên cho Bé đi chân không hay đi tất (vớ). Đi chân không, Bé dễ tập giữ thăng bằng thân thể hơn. Người lớn, đôi khi cũng thích đi chân không để cảm nhận được đất, sàn nhà qua bàn chân của mình.

Một điều đáng lưu ý nữa là không nên cho Bé dùng luôn hoặc dùng lâu các đôi giày, bốt bằng cao su vì chúng dễ hấp hơi, làm bàn chân và các kẽ ngón chân bị ẩm ướt mồ hôi.

Chăm sóc bé
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận