Nôn trớ ở trẻ nhỏ là một phản ứng bình thường khi gặp các vấn đề hoặc kích thích khác nhau như bị ốm, ăn phải chất có độc hoặc trẻ bị áp lực tâm lý do những căng thẳng ở trường hoặc trong gia đình. Bạn không cần phải lo lắng nếu những lần bị nôn của trẻ chỉ là đơn thuần và không kèm dấu hiệu khác. Tuy nhiên, nếu trẻ bị nôn nhiều lần, đặc biệt có kèm theo đau bụng, sốt hoặc đau đầu thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ cần được khám và điều trị.
Ở trẻ sơ sinh, những trận nôn dữ dội khác với những cơn trớ thông thường thuộc giai đoạn phát triển của trẻ. Còn đối với trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, những trận nôn có thể do những vấn đề đặc biệt gây ra.
Gọi cho bác sĩ nhi ngay khi con bạn:
- Bụng bị chướng nhiều và thấy đau nhiều
- Nôn ra máu hoặc mật (chất màu xanh)
- Cáu kỉnh, khó chịu hoặc ngủ gà, lơ mơ (lethargy)
- Bị tiêu chảy trong hơn 12 tiếng
- Có các dấu hiệu bị mất nước như môi khô và tiểu tiện ra rất ít nước.
CẢNH BÁO!
Bạn không cần phải lo lắng khi bé chỉ bị nôn trớ thông thường, song nếu con bạn liên tục nôn sau khi ăn trong vòng 12 tiếng thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần gọi cho bác sĩ nhi.
Cách cho trẻ ăn khi bị nôn
Nôn trớ là một hiện tượng thường gặp song không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, nôn trớ không phải là một vấn đề nghiêm trọng và sẽ qua đi nhanh chóng. Khi trẻ bị nôn trớ, bạn cần chú ý để tránh cho trẻ bị mất nước, đặc biệt khi trẻ bị sốt hoặc tiêu chảy. Tuy trẻ có thể không chịu ăn do cảm giác khó chịu, song trẻ có thể vẫn uống được, các loại đồ uống, và bạn cần động viên trẻ uống thường xuyên, cho dù trẻ chỉ có thể uống được từng hớp nhỏ mỗi lần. Khi đó, hãy để trẻ chọn loại đồ uống mà trẻ thích. Loại đồ uống bù nước bán sẵn có thể thích hợp cho trẻ từ 1-6 tuổi, trong khi các trẻ lớn hơn có thể chọn các loại kem que có chất điện giải. Hãy động viên trẻ cố gắng uống dần dần, từ một vài hớp nhỏ cho đến lượng nhiều dần lên và để trẻ được nghỉ khoảng 20 phút giữa các lần uống. Bạn cần chú ý tránh các loại đồ uống có lượng đường hoặc caffeine cao vì chúng có thể làm cho tình trạng mất nước trở nên tồi tệ hơn.
Nếu trẻ bị nôn sau khi uống, bạn nên để trẻ nghỉ trong vòng 1-2 tiếng mà không phải ăn hoặc uống gì, thậm chí cả nước đun sôi để nguội. Hãy chấp nhận nếu trẻ chỉ có thể uống một vài thìa nước hoặc chỉ thích ăn các loại kem. Trường hợp trẻ vẫn tiếp tục nôn trong hơn 6 tiếng hoặc trẻ bị đau bụng hay bị sốt, bạn cần gọi cho bác sĩ nhi và không nên cho trẻ uống bất kì loại thuốc gì để dừng nôn, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Khi trẻ đã dừng nôn trong nhiều giờ và có thể uống được nhiều hơn, hãy cho trẻ ăn một lượng nhỏ loại thức ăn mà trẻ thích. Bánh mì nướng, cháo yến mạch hay một quả trứng luộc mềm hoặc chuối, sốt táo hay các loại thức ăn nấu từ hoa quả khác là những lựa chọn tốt cho bạn. Tuy nhiên, bạn không được cho trẻ dùng sữa hoặc các thức ăn như hàng ngày và các thức ăn chứa một lượng lớn chất xơ không hòa tan (như hoa quả tươi, rau chưa nấu hay ngũ cốc dạng bột) cho đến khi bụng của trẻ đã hoàn toàn ổn định. Khi đó, hãy cố gắng giúp trẻ quay trở lại với khẩu phần ăn bình thường càng sớm càng tốt.
MỐI BẬN TÂM CỦA BẠN | NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ CÓ | HÀNH ĐỘNG CẦN THỰC HIỆN |
Con bạn khoảng 1-6 tuổi hoặc lớn hơn, bé bị nôn kèm theo tiêu chảy và sốt nhẹ | Viêm dạ dày-ruột (viêm dạ dày và đường tiêu hóa).
Ngộ độc thức ăn. |
Dừng cho bé ăn thức ăn đặc, thay vào đó cho bé uống các loại đồ uống có chất điện giải ngay khi bé có thể uống được. Bạn nhớ cho bé uống từ từ, từng lượng nhỏ một, không nhiều hơn 30ml trong khoảng 15 phút hoặc lâu hơn. Nếu các triệu chứng hết đi, hãy cho bé ăn trở lại như bình thường. Trường hợp các triệu chứng trở nên nặng hơn, hãy gọi cho bác sĩ nhi để được tư vấn. |
Con bạn có các dấu hiệu bị viêm nhiễm như đau họng, đau tai, hoặc đi tiểu buốt. | Một loại viêm nhiễm nào đó. | Đưa bé đến bác sĩ nhi để được khám và điều trị viêm nhiễm. Bé sẽ hết nôn khi các triệu chứng viêm giảm dần. |
Con bạn có vẻ căng thẳng hoặc buồn rầu, ngoài ra không có triệu chứng bệnh nào khác. | Căng thẳng, lo lắng. | Nói chuyện với bé để tìm hiểu xem vấn đề gì đang làm bé lo lắng. Nếu không có nguyên nhân rõ ràng hoặc bé vẫn tiếp tục nôn và số lần nôn tăng lên, hãy xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ nhi. |
Con bạn thấy buồn nôn và bị nôn khi ngồi trong xe ô tô, thuyền hoặc đi cầu thang máy. | Say do chuyển động. | Xin tư vấn từ bác sĩ nhi để biết được những biện pháp ngăn chặn cơn say |
Con bạn dưới 2 tháng tuổi, bé nôn dữ dội sau mỗi lần ăn. | Hẹp môn vị (hẹp đường dẫn từ dạ dày đến ruột non) hoặc một loại bệnh khác cần được điều trị. | Gọi cho bác sĩ nhi, họ sẽ khám và tư vấn cho bạn về cách điều trị cho bé. |
Con bạn nôn ra máu hoặc mật xanh, bé quấy khóc, co chân, mệt lử và thấy đau. | Một dạng bệnh tắc đường tiêu hóa, cần được chẩn đoán và điều trị (như bệnh lồng ruột). | Đây là trường hợp khẩn cấp, bạn cần gọi cho bác sĩ nhi ngay lập tức. |
Con bạn bị nôn sau khi bị ngã hoặc bị thương ở đâu, bé câm thấy buồn ngủ càng lúc càng kém linh hoạt. | Tổn thương ở đầu. | Hãy gọi cho bác sĩ nhi ngay lập tức. |
Con bạn khó chịu và quấy khóc, kêu đau đầu và bị sốt. | Viêm màng não hoặc một loại bệnh nguy hiểm khác ở hệ thần kinh. | Gọi cho bác sĩ nhi ngay lập tức. |