Cho trẻ đi du lịch cần phải nghĩ tới các vấn đề sau :
Ăn, uống
Nếu cháu còn bú sữa, và lại bú sữa mẹ thì không phải lo nhiều về lương thực. Về mùa hè, bạn chỉ cần mang thêm một bình nước đường hơi ngọt. Nhớ, phải mang theo cả nước cho mẹ nữa.
Nếu Bé bú sữa hộp hay sữa bột, mang theo một bình sữa đã pha rồi và để trong bình thermos.
Trên đường đi, nên dùng các bình bằng chất dẻo cho tiện. Cần mang thêm 1, 2 núm vú giả để thay đổi. Đi xe hơi hoặc xe lửa, bạn rất dễ đánh rơi núm vú khi xe, tàu sóc, lắc lư. Nên mang theo dự trữ 1 bình nước khoáng. Đi xe, nhất là vào mùa hè, các cháu nhỏ hay khát nước.
Nếu Bé đã tới tuổi ăn bột rồi, bạn có thể mang một bình bột đã pha hoặc nấu chín, cùng 1 bình yaourt, 1 chai nước khoáng, 1 cái thìa.
Trong thời gian đi du lịch, các cháu đã lớn rất hay ăn vặt, ăn vào bất cứ lúc nào. Trước khi đi, vì hồi hộp chờ đợi, các cháu thường không ăn được. Nhưng chỉ sau khi đi được chừng 10 km, là chúng đã kêu đói. Bởi vậy nên chuẩn bị từ ở nhà : bánh, thịt muối, trái cây tươi và trái cây khô, nước ngọt, ống hút và cả giây lau tay và miệng nữa.
Giải trí
Thời gian đi trên xe, tàu thường dài, cần phải có thứ giải trí. Nếu bạn đi ôtô, không nên cho các cháu đọc truyện, vì các chữ nhảy lên nhảy xuống theo những cú sóc xe sẽ làm mệt mỏi mắt.
Nếu bạn đi tàu hỏa thì đọc được, kể cả việc mang theo các bút màu để vẽ nữa. Nếu có điều kiện, nên mang cả con gấu, con chó bông của các cháu đi. Chúng sẽ làm bạn với các cháu trong suốt thời gian đi nghỉ.
Trong thời gian đi đường, nếu đi tàu hỏa, thỉnh thoảng nên dắt các cháu đi lại ở hành lang. Nếu đi xe hơi, nên ngưng xe sau 2 giờ chạy ở những nơi thoáng đãng, giữa đồng, cảnh đẹp để các cháu xuống chạy, nhảy. Không nên quá sốt ruột muốn đi tới nơi nghỉ cho nhanh. Đôi khi những cuộc ngưng xe giữa đường cũng là những thời gian bổ ích cho tinh thần và sức khỏe không kém thời gian ở nơi nghỉ chính.
Những điều nói trên đều dành cho các cháu đã biết đi. Các cháu nhỏ hơn, thường ngủ gần hết thời gian đi đường.
Thay quần áo
Trong khi đi đường, không cần thiết thay cả bộ quần áo cho các cháu. Nếu đường đi dài chỉ cần thỉnh thoảng rửa mặt, rửa tay cho các cháu tỉnh táo. Những khăn nhỏ hoặc giấy có tẩm nước sẵn, rất tiện dụng.
Cơn mệt đi đường
Nhiều trẻ em thấy mệt vì “say” tầu, xe. Nếu biết trẻ thường bị như vậy, không nên nhắc tới việc này và càng không nên mắng, trách móc các cháu làm cho tinh thần các cháu thêm căng thẳng. Cần làm sao cho trẻ vui, bình tĩnh để quên cảm giác khó chịu của mình đi.
Trước khi lên đường, chỉ nên cho các cháu ăn nhẹ. Đối với các cháu hay say tàu xe, ăn no làm cho các cháu dễ nôn ói. Bữa ăn trước khi lên đường chỉ cần ít, nhưng bổ như trà loãng, ít mật, trái cây. Trên đường đi, có thể ăn thêm bánh bích quy, miếng táo và đồ ngọt.
– Trên tàu, xe người Iớn không nên hút thuốc. Khói thuốc làm cho mọi người dễ bị nôn nao. Khoảng một giờ hay nửa giờ trước khi đi, có thể cho các cháu uống thuốc chống nôn theo liều lượng được chỉ định phù hợp với lứa tuổi. Với các cháu không chịu uống thuốc, có thể trộn thuốc lẫn với mật hoặc thức ăn. Hoặc dùng loại thuốc cho vào hậu môn, hoặc thuốc ngấm qua da.
Dù vậy, cũng vẫn nên mang theo các túi nilông không thấm đề phòng các cháu bị nôn ói, khỏi làm bẩn xe, tàu.
Những điều kỷ luật cần tuân theo khi đi xe hơi để bảo vệ an toàn
– Không được cho trẻ em dưới 10 tuổi ngồi ở ghế bên cạnh người cầm lái, trừ trường hợp cháu được ngồi quay mặt lại phía sau, trên chiếc ghế chế tạo đặc biệt dành riêng cho trẻ em.
Còn ở ghế sau, nên như thế nào ?
- Các cháu nhỏ cần được nằm trong những cái giường đặc biệt trên oto
- Các cháu lớn hơn, cân nặng từ 9 tới 18 kg, được ngồi trên những ghế đặc biệt (có dây buộc vào người).
– Các cháu lớn, nặng hơn 18 kg, được ngồi nệm kê cao lên để có thể sử dụng các dây lưng an toàn như người lớn.
Trong khi đi đường, chú ý không để các cháu cho tay ra ngoài hoặc vịn tay vào cửa xe. Nhiều trẻ em bị tàn tật suốt đời vì bị kẹp tay vào cửa xe khi người lớn mở ra đóng lại mà không quan sát.
Trước khi xe chạy, nên kiểm soát các cửa xe đã được đóng kỹ chưa và trẻ em có thể mở được không.
Khi ngưng xe giữa đường, không được để trẻ ở lại một mình trong xe, mặc dù lúc đó cháu đang ngủ. Khi chợt thức dậy, Bé có thể tự mở cửa ra ngoài và bị một xe khác đi trên đường va chạm. Sự việc chỉ xảy ra trong tích tắc, người lớn không thể nào ngờ được.
Nên nhớ rằng, vào mùa hè ánh nắng mặt trời nung nóng mui xe làm toàn bộ bên trong xe bị hầm tới độ trẻ em có thể bị chết vì nóng và mất nước. Xe đậu trong bóng râm, một lúc sau vẫn có thể bị phơi ra ánh nắng vì mặt trời di chuyển.
Trên đường dài vào mùa hè, nên che một chiếc khăn ẩm ở bên kính cửa bị chiếu nắng.
Mùa đông, trên tàu hoặc xe, nên mang theo cái mền hoặc khăn choàng để đắp cho các cháu. Khi ngủ, các cháu thường thấy lạnh.
Trẻ sơ sinh có thể đi máy bay không ?
Sau tuần thứ 3, có thể cho các cháu đi máy bay được. Trong cuộc hành trình, nên chú ý xem cháu có bị nóng không, và cho cháu uống nước nhiều hơn lúc bình thường.
Khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh, nên cho các cháu uống vài ngụm nước hoặc sữa. Việc nuốt nước, sữa ảnh hưởng tới lượng không khí ra, vào ở lỗ tai làm cho tai khỏi bị đau do sự thay đổi áp suất của không khí.
Nếu bạn có điều kiện, trước khi đi du lịch hãy cho các cháu 1 vali nhỏ để cháu xếp quần áo và đồ dùng riêng. Việc này, nhất định làm cho các cháu rất thích thú.