Thực hành lâm sàng mật độ khoáng xương có giá trị trong việc dự báo nguy cơ gãy xương cũng tương đương với nguy cơ người bị tăng huyết áp và đột quỵ.
Nghiên cứu cho thấy ở phụ nữ sau mãn kinh thì cứ giảm 1 SD mật độ xương sẽ tăng 2-3 lần nguy cơ gãy xương.
Đo mật độ xương có độ đặc hiệu cao, nhưng độ nhạy thấp trong việc tiên lượng nguy cơ gãy xương. Những nghiên cứu gần đây cho thấy gãy xương chủ yếu xảy ra ở những người có giảm mật độ xương và loãng xương. Đó là sự phối hợp giữa các yếu tố nguy cơ lâm sàng và yếu tố nguy cơ độc lập là mật độ khoáng của xương. Đây là những yếu tố cần được lưu ý để có các biện pháp điều trị dự phòng, giảm nguy cơ gãy xương. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến gãy xương do loãng xương bao gồm:
- Tuổi.
- Chỉ số khối cơ thể: (người gầy BMI < 18).
- Điều trị đang dùng corticoid.
- Có tiền sử từng bị gãy xương.
- Yếu tố tiền sử gia đình có người gãy cổ xương đùi.
- Nghiện thuốc lá.
- Nghiện rượu, uống > 3 đơn vị/ngày.
- Viêm khớp dạng thấp.
Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận sơ đồ kết hợp các yếu tố nguy cơ này với việc có đo, hoặc không đo mật độ xương để ước đoán khả năng gãy xương hiện tại hoặc tương lai dựa trên các yếu tố nguy cơ và qua trang Web: www.shef.ac.uk/FRAX.
Đây là công cụ tương đối đơn giản, dễ sử dụng để dự báo nguy cơ gãy xương trong vòng 10 năm tới tại một số vị trí dễ gãy xương do loãng xương (cổ xương đùi, cột sống thắt lưng, xương cánh tay, xương quay) và gãy cổ xương đùi đơn thuần.
Sơ đồ này có thể dùng làm căn cứ đưa ra chỉ định điều trị, tính toán giá thành và hiệu quả điều trị trên lâm sàng.
Dùng sơ đồ dự báo nguy cơ gãy xương được sử dụng rộng rãi ở châu Âu và Mỹ.
Sơ đồ FRAX dự báo nguy cơ gãy xương trong 10 năm tới không tính đến các biện pháp điều trị dự phòng trước đó hoặc khả năng thích nghi với một số yếu tố nguy cơ khác (Ví dụ bệnh nhân gãy xương ở nhiều vị trí thì nguy cơ cao hơn nhiều so với gãy xương ở 1 vị trí. Gãy xương do loãng xương do điều trị bằng Glucocorticoid phụ thuộc không những vào liều dùng mà còn phụ thuộc vào thời gian dùng thuốc. Những hạn chế của mô hình dự báo nguy cơ gãy xương này cho thấy sự cần thiết phải kết hợp với các bằng chứng lâm sàng khi sử dụng sơ đồ FRAX như là một căn cứ để quyết định các biện pháp điều trị.
Sơ đồ mô hình FRAX đánh giá dự báo nguy cơ gãy xương trong 10 năm (dựa vào 12 yếu tố nguy cơ) gồm:
- Tuổi từ 40-90
- Giới tính (nam, nữ)
- Cân nặng (kg)
- Chiều cao (cm)
- Tiền sử gãy xương (có, không)
- Cha mẹ có gãy cổ xương đùi? (có, không)
- Nghiện thuốc lá (có, không)
- Sử dụng Glucocorticoid (có, không)
- Viêm khớp dạng thấp (có, không)
- Loãng xương thứ phát (có, không)
- Uống >3 đơn vị rượu mỗi ngày
- Mật độ xương tại cổ xương đùi (g/cm2)
Các yếu tố nguy cơ điền vào các câu hỏi và máy tính sẽ trả lời tỷ lệ % có nguy cơ gãy xương trong 10 năm tới.
Ngoài những yếu tố trên thì những yếu tố sau cũng gây giảm mật độ xương và loãng xương:
- Mãn kinh sớm không được điều trị.
- Suy sinh dục.
- Bệnh nội tiết.
- Bệnh dạ dầy – ruột.
- Sau ghép tạng.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Bất động lâu ngày.
- Rối loạn dinh dưỡng (cung cấp không đủ canxi, uống nhiều café).
- Thiếu Vitamin
Xác định các yếu tố nguy cơ này dựa vào lâm sàng có ý nghĩa quan trọng vì nhiều yếu tố có thể thay đổi.
Ngã là yếu tố nguy cơ chủ yếu gây gãy xương do loãng xương đặc biệt gãy cổ xương đùi ở người già. Các yếu tố làm tăng khả năng dễ bị ngã gồm: Môi trường xung quanh bất lợi, sử dụng các thuốc, tình trạng sức khỏe, đặc biệt là các rối loạn về thần kinh – cơ. Một số các yếu tố nguy cơ gây ngã có thể thay đổi được.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị ngã
Yếu tố môi trường
- Mặt sàn không đều, đường gập ghềnh.
- Các bậc cầu thang không thích hợp.
- Sàn trơn, thảm trải không chắc, dễ trượt.
Yếu tố sức khỏe
- Sa sút trí tuệ, rối loạn nhận tìiức.
- Giảm thị lực, mù lòa.
- Khuyết tật.
- Rối loạn thần kinh cơ.
Thuốc
- Thuốc an thần (Benzodiazepam).
- Thuốc chống co giật.
- Uống nhiều rượu.
Cho đến hiện nay chưa có sự thống nhất để có thể tầm soát trong cộng đồng nhằm xác định nguy cơ gãy xương.
Trong thực tế lâm sàng thường dùng chiến lược cá thể hóa từng trường hợp cụ thể để tiến hành đánh giá các yếu tố nguy cơ. Điều này cần phải phối hợp các sơ đồ đánh giá nguy cơ gãy xương trong vòng 10 năm tới (FRAX) và các nguy cơ khác có thể dẫn đến làm giảm mật độ khoáng của xương.
Vì yếu tố tuổi là nguy cơ gãy xương chủ yếu đã được khẳng định từng trường hợp cụ thể được đối chiếu cho những phụ nữ đã mãn kinh và nam giới > 50 tuổi.
Yếu tố nguy cơ tuyệt đối gãy xương rất thấp ở người trẻ thậm trí ngay cả khi có mật độ khoáng của xương thấp. Do đó việc điều trị dự phòng ít khi được chỉ định cho những trường hợp người trẻ. Điều đó cho thấy số đo dự báo gãy xương trong 10 năm tới (FRAX) chỉ thích hợp đánh giá nguy cơ ở phụ nữ sau mãn kinh và nam giới cao tuổi.
Ở người trẻ và phụ nữ chưa mãn kinh có rất ít bằng chứng để đánh giá nguy cơ gãy xương cả về lâm sàng cũng như mật độ xương.
Một số trường hợp chỉ có các yếu tố nguy cơ dựa trên lâm sàng đã đủ để quyết định điều trị và đo mật độ xương tỏ ra không cần thiết, ví dụ: Một phụ nữ 80 tuổi, đã có gãy xương nhiều lần cần được điều trị ngay mà không nhất thiết phải làm các xét nghiệm khác, khi đã loại trừ các nguyên nhân khác gây gãy xương.
Một số điểm cần chú ý:
-Mật độ khoáng xương (BMD) liên quan đến nguy cơ gãy xương và có thể là một yếu tố tiên lượng gãy xương.
-Yếu tố nguy cơ lâm sàng là yếu tố độc lập với mật độ xương có thể làm thay đổi tiên lượng và nguy cơ gãy xương.
-Sơ đồ FRAX là công cụ đơn giản để đánh giá nguy cơ gãy xương dự kiến trong 10 năm tới giúp Tổ chức Y tế Thế giới có thể dễ dàng và nhanh chóng ước lượng nguy cơ gãy xương, để xác định cơ sở để tiến hành can thiệp điều trị.
-Hiện tại chiến lược xử trí cho từng ca bệnh cần xác định các yếu tố nguy cơ gãy xương cao, dựa vào các yếu tố nguy cơ lâm sàng là chủ yếu.