Tác dụng chữa bệnh tuyệt diệu của Quả Gấc và hạt gấc

Hoa quả chữa bệnh

Cây gấc mọc leo, gốc sống nhiều năm, được trồng ở nhiều vùng của nước ta. Hoa đực hoa cái mọc riêng biệt, cánh hoa màu vàng nhạt. Quả gấc hình bầu dục, to, vỏ có nhiều gai nhọn, ruột màu đỏ, trong quả có nhiều hạt cứng. Quả gấc dùng để ăn và làm thuốc chữa bệnh.

Cơm gấc chứa chất dàu màu đỏ của lycopene, với thành phần chủ yếu là beta-carotene hay còn gọi là tiền sinh tố A (khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A).

Cây gấc mọc leo, gốc sống nhiều năm
Cây gấc mọc leo, gốc sống nhiều năm

Tên khác:             Mộc miết, mác khẩu (Tày), má khẩu

(Thái), đìa tả piếu (Dao)

Tên khoa học: Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng.

Họ Bí                   (Cucurbitaceae)

MÔ TẢ

Dây leo có thân cứng, có cạnh khía. Lá mọc so le, chia 3 – 5 thùy sâu, mép nguyên hoặc khía răng thưa, mặt trên lúc đầu có lông sau nhẵn, màu lục sẫm, mặt dưới nhạt, gốc lá có 2 tuyến nhỏ, tua cuốn đơn.

Hoa đơn tính cùng gốc, màu trắng hoặc ngà vàng, hoa đực có lá bắc to bắc nhỏ, bầu xù xì.

Quả hình trứng hoặc bầu dục, có cuống to, mặt ngoài có gai nhọn, màu đỏ khi chín, hạt dẹt có vỏ cứng, mép có răng thưa tù, màu đen bóng.

Mùa hoa quả: tháng 7 – 12.

Có gấc tẻ gọi là gấc giun và gấc nếp là gấc gạch.

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, gấc phân bố ở vùng nhiệt đói châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Ở Việt Nam, cây được trồng từ lâu đời ở đồng bằng, trung du và miền núi. Đó là loại cây ưa sáng và ưa ẩm, sinh trưởng và phát triển nhanh trong điều kiện được chăm sóc tốt và có đủ giá thể leo.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Rễ gấc, thu hái vào mùa đông, phơi hoặc sấy khô.

Lá gấc, thu hái quanh năm, thường dùng lá non và lá bánh tẻ, dùng tươi hay phơi khô.

Quả gấc, thu hái khi chín, bổ đôi, lấy hạt còn nguyên màng nhầy màu đỏ bọc xung quanh, phơi hoặc sấy nhẹ cho se mặt. Dùng dao sắc tách màng lấy hạt. Tiếp tục phơi hoặc sấy cho màng khô kiệt rồi xay hoặc cắt nhỏ. Đem màng chế biến thành dầu gấc mà dùng theo 2 cách sau:

  1. Màng hạt gấc đã xay nhỏ đem đồ chín rồi cho vào bàn ép lấy dầu. Dầu này phải đun cách thủy cho bay hết hơi nước để tránh dầu biến màu và kém phẩm chất sau 1- 2 tháng. Muốn lấy kiệt dầu, thêm dầu lạc vào bã rồi ép tiếp.
  2. Màng gấc đã xay hoặc cắt nhỏ cho vào dầu lạc hay mỡ lợn (tỷ lệ một phần màng với hai phần dầu). Đun nóng 60 – 70° trong nửa giờ, luôn đảo đều. Sau đó tắt lửa, đảo thêm 30 phút nữa. Để nguội, gạn lấy dầu bỏ bã.

Bảo quản dầu gấc trong điều kiện khô, mát. Nên đóng dầu vào từng lọ nhỏ để tiện dùng, vì để lâu, dầu dễ bị khét, mất màu, kém tác dụng.

Hạt gấc đem phơi khô. Khi dùng mới đập vỡ hạt, lấy nhân, dùng sống hoặc đồ chín.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Rễ gấc chứa saponin triterpenoid: momordin; hợp chất diterpen: columbin.

Màng gấc chứa nhiều P-caroten (tiền vitamin A), vitamin E, lycopen, các acid oleic, palmitic, linoleic, stearic.

Nhân hạt chứa protein, lipid, tanin, đường, một số enzym. Dầu hạt có nhiều acid béo như trong màng đỏ, momordic saponin, acid momordic.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Beta-caroten dưới tác dụng của men có trong gan và ruột, được chuyển thành vitamin A giúp duy trì sự hoàn chỉnh của tổ chức biểu mô như da và nhất là niêm mạc ở mắt. Vitamin A kích thích sản sinh ra chất nhầy làm cho tế bào giác mạc không bị sừng hóa làm mất độ trong suốt của giác mạc dẫn tới mù lòa. Vitamin A còn là một yếu tố cần cho sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể.

Dầu gấc có tác dụng làm lành các vết thương, vết bỏng và các ổ loét. Các chế phẩm dầu gấc đã được thực nghiệm thấy rất có ích cho những người tiếp xúc với tia xạ, hóa chất độc hại.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

  • Rễ gấc, tên thuốc trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian là nam phòng kỷ, có vị hơi đắng, mùi hôi, tính lạnh chữa tê thấp, đau nhức gân xương.

Liều dùng hàng ngày: 6 -12g rễ khô, sao vàng, tán nhỏ, sắc hoặc ngâm rượu uống.

Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

  • Lá gấc (100g) rửa sạch, giã nát với muối (2g), rồi trộn với nước vo gạo (5ml), nướng, đắp, chữa tràng nhạc.
  • Màng hạt gấc được dùng trong dân gian để thổi xôi, một món ăn cổ truyền và đặc biệt ngon và bổ.
  • Dầu gấc có cả hai tác dụng phòng và chữa bệnh. Thuốc được dùng trong trường hợp cần vitamin A hay caroten như người mới ốm khỏi, thiếu máu, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, bệnh chậm lớn của trẻ em, các biến chứng về mắt như thị lực kém, khô mắt, quáng gà. Liều dùng cho người lốn: 1 – 2ml, trẻ em và đàn bà có thai hoặc đang nuôi con: 0,5 – lml, chia làm hai lần, uổng trước mỗi bữa ăn hoặc trộn với cơm nóng mà ăn. Có thể chế dạng thuốc dầu gấc – kẹo mạ bằng cách trộn 50% dầu gấc với 50% kẹo mạ đun chảy, dùng rất thuận tiện. Những người hay bị táo bón, dùng dầu gấc rất tốt.

Dùng ngoài, dầu gấc được bào chế thành dạng thuốc mỡ 5 – 10% bồi chữa vết thương, vết bỏng, lở loét, nứt núm vú. Có thể dùng thẳng dầu gấc nguyên chất hoặc phối hợp dầu gấc với bột hạt dành dành rang cháy.

  • Hạt gấc, tên thuốc là mộc miết tử, cho nhân màu trắng, vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, có tác dụng tiêu viêm, sinh cơ chữa sưng vú, quai bị, mụn nhọt, ứ huyết, lòi dom. Lấy nhân hạt mài với rượu 30 – 40° hoặc giấm thanh đến khi dung dịch có màu trắng như sữa. Có thể thái mỏng nhân hạt, phơi hoặc sấy khô, tán bột mịn, rồi mới hòa vào rượu hoặc giấm. Ngày bôi nhiều lần cho đến khi khỏi.

Đặc biệt, nhân dân có cách chữa hiện tượng chai chân với kết quả tốt như sau: Nhân hạt gấc còn cả màng giã nát, thêm ít rượu trắng, gói trong túi ni lông, buộc chặt miệng túi, đục một số lỗ nhỏ ở đáy túi rồi áp và buộc vào chỗ tổn thương. Cứ hai ngày thay thuốc một lần. Nếu thuốc khô, thêm rượu cho luôn ẩm. Thường chỉ vài lần là khỏi.

BÀI THUỐC

  • Chữa gãy xương: Lá gấc (50g), tầm gửi cây gioi hoặc cây sung (50g), củ nâu (80g), gạch non (1 dúm). Các dược liệu thái nhỏ, gạch đập vụn, rây mịn. Trộn đều, đắp băng. Mỗi miếng đắp 3 ngày, liên tục đến khi khỏi.
  • Chữa sốt rét có háng: Nhân hạt gấc sấy khô ép bỏ dầu (30g), vảy tê tê rang phồng (30g). Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 6 – 12g, chia làm 2 lần, với ít rượu hâm nóng.
  • Chữa phong thấp, sưng chân: Dây gấc (phần gần gốc), mộc thông, tỳ giải, đơn gối hạc (mỗi thứ 15g), thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Kết hợp dùng ngoài, lấy dược liệu ngâm rượu rồi xoa bóp.

Thuốc ứng dụng từ quả gấc và hạt gấc

Bài 1. Thuốc chữa bệnh sưng vú

+ Hạt gấc                             15g

+ Rượu trắng                       15ml

Hạt gấc bỏ vỏ cứng giã nhỏ, cho vào rượu trộn đều, đắp vào chỗ đau. Ngày thay thuốc một lần. cần dùng liền từ 3-5 ngày.

Bài 2. Thuốc chữa bệnh quai bị

+ Hạt gấc                             2 hạt

+ Nhựa cây đại                     20g

Hạt gấc bỏ vỏ cứng, giã nhỏ cho vào nhựa cây hoa đại trộn đều, đắp lên chỗ đau. cần đắp liền 3-5 ngày.

Bài 3: Thuốc chữa bệnh sốt rét

+ Nhân hạt gấc 100g

+ Vẩy tê tê 100g

Vẩy tê tê nướng phồng cùng hạt gấc tán bột mịn. Người bệnh ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g trước bữa ăn với nước có pha 20% rượu trắng.

Bài 4. Thuốc giúp sáng mắt

+ Quả gấc 1.000g

+ Gạo nếp 500g

+ Đường cát vàng 300g

Quả gấc rửa sạch, đem đồ chín, bỏ vỏ, bỏ hạt, phần còn lại xay nhỏ; cho đường cát vàng vào quấy đều, đun nhỏ lửa, đảo đều tay để chất lỏng của gấc chuyển dần đến cao đặc. Gạo nếp rang vàng tán nhỏ mịn, khi cao gấc đã đặc, cho bột gạo nếp vào luyện viên bằng đầu ngón tay cái, phơi khô đem dùng. Người bệnh ngày uống 3 lần, mỗi lần 6 viên thuốc với nước sôi để nguội, sau khi ăn. Trẻ dưới 1 tuổi uống bằng 1/3 người lớn.

Dầu gấc làm thuốc giúp sáng mắt
Dầu gấc làm thuốc giúp sáng mắt

Bài 5. Thuốc chữa mụn nhọt

+ Hạt gấc                              30g

+ Vỏ cây đại tươi                  30g

Hạt gấc bỏ vỏ đen, cùng vỏ đại giã nhỏ trải vải mỏng buộc vào chỗ đau, ngày thay thuốc một lần. cần làm liền 5 ngày.

Bài 6. Thuốc chữa bệnh trĩ ngoại

+ Hạt gấc                              50g

+ Lá vông nem                      50g

Hạt gấc bỏ vỏ đen, lá vông nem rửa sạch thái nhỏ. Cả hai thứ giã nhỏ, cho vào vải mỏng gói lại đặt vào hậu môn, ngày thay thuốc một lần. cần làm liền 9 ngày.

Hoa quả chữa bệnh
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận