Trang chủBệnh truyền nhiễmChăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhiễm HIV

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhiễm HIV

Tư vấn về nuôi dưỡng trẻ

Cần tư vấn các bước sau:

Tư vấn để nguời mẹ chọn cách nuôi dưỡng phù hợp;

Tư vấn về lợi ích của sữa mẹ và nguy cơ lây truyền HIV sang con;

Tư vấn về dùng sữa thay thế và các nguy cơ mắc bệnh nếu dùng sữa thay thế không đúng cách Tư vấn khuyến cáo chung về nuôi dưỡng trẻ theo tuổi.

Tư vấn để nguời mẹ chọn cách nuôi dưỡng phù hợp

  • Nguyên tắc chung:
    • Cung cấp đầy đủ thông tin cho người mẹ hiểu biết và tự quyết định cách nuôi dưỡng phù hợp với hoàn cảnh bản thân.
    • Nên ủng hộ quyết định cách nuôi dưỡng trẻ của người mẹ.
    • Tư vấn nuôi dưỡng cần dựa vào khuyến cáo chung nuôi dưỡng theo tuổi của Bộ Y tế và Chương trình Dinh dưỡng quốc
    • Người mẹ dùng ARV, vẫn khuyến cáo thực hiện nuôi dưỡng trẻ. Nếu trẻ có vú nuôi vẫn cần sự chăm sóc của người mẹ.

*  Tư vấn về các điều kiện cần có để nuôi con bằng thức ăn thay thế:

Nuôi trẻ bằng thức ăn thay thế là quá trình nuôi dưỡng trẻ không được bú sữa mẹ bằng chế độ ăn cung cấp đầy đủ năng lượng, đáp ứng nhu cầu của trẻ cho đến khi trẻ có thể ăn được các thức ăn cùng với gia đình.

Năm điều kiện để nuôi con bằng thức ăn thay thế (bao gồm sữa thay thế) ở bà mẹ nhiễm HIV:

  • Được chấp nhận: bà mẹ không gặp cản trở khi nuôi trẻ bằng thức ăn thay thế. Các cản trở có thể là do tập quán, do vấn đề xã hội, do lo sợ hoặc sự kỳ thị, phân biệt đối xử.
  • Có khả năng: Bà mẹ (hoặc gia đình) có đủ thời gian, kiến thức, kỹ năng và các nguồn lực khác để chuẩn bị thức ăn thay thế khi nuôi dưỡng trẻ; đồng thời có sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn gặp phải từ phía gia đình, cộng đồng và áp lực xã hội.
  • Đáp ứng được: bà mẹ, gia đình được cộng đồng và hệ thống y tế hỗ trợ khi cần, có thể chi trả cho việc mua thức ăn thay thế, chuẩn bị và sử dụng thức ăn thay thế bao gồm tất cả nguyên liệu, nhiên liệu, nước sạch, xà phòng và dụng cụ mà không ảnh hưởng đến sức khỏe và dinh dưỡng của các thành viên khác trong gia đình.
  • Lâu dài: Tất cả nguyên liệu và sản phẩm cần thiết để chuẩn bị thức ăn thay thế an toàn phải được tiếp tục cung cấp liên tục theo nhu cầu của trẻ cho đến khi trẻ được 1 tuổi hoặc lâu hơn.
  • An toàn: Thức ăn thay thế phải được chế biến và bảo quản đúng cách và hợp vệ sinh, đảm bảo cho trẻ ăn đầy đủ chất lượng; bàn tay người chăm sóc trẻ và dụng cụ phải đảm bảo sạch sẽ; và tốt nhất là cho trẻ ăn bằng ly (cốc) và muỗng (thìa).

* Nếu đảm bảo được 5 điều kiện trên và người mẹ chọn cách không cho bú mẹ:

– Trong vòng 6 tháng đầu : Dùng các loại sữa thay thế. Cần tư vấn các loại sữa thay thế gồm:

+ Sữa công thức: Là sữa thương mại được chế biến gần giống sữa mẹ, nhưng thiếu các thành phần miễn dịch và một số loại vitamin. Cần sử dụng sữa thích hợp theo từng lứa tuổi của trẻ và pha đủ lượng nước khi sử dụng. Trong 6 tháng đầu đời trẻ cần khoảng 20kg sữa để nuôi thay thế và 6 tháng tiếp theo cần 16kg kết hợp với ăn bổ sung;

+ Sữa tươi (sữa bò, sữa dê, sữa cừu,…): Không khuyến khích dùng loại sữa này vì giá trị dinh dưỡng không đủ. Nếu sử dụng, đối với trẻ dưới 6 tháng cần chế biến bằng cách cho thêm nước và đun sôi để dễ hấp thu và đảm bảo vệ sinh, thêm đường để cung cấp thêm năng lượng, bổ sung thêm vi chất. Lượng sữa tươi đủ cho trẻ trong mỗi 6 tháng vào khoảng 90 lít; sữa tươi chưa chế biến, sữa đặc có đường.

  • Cách nuôi thay thế: dựa vào khuyến cáo chung nuôi dưỡng theo tuổi (xem phần dưới đây), bao gồm các loại thực phẩm thích hợp theo tuổi của trẻ, số bữa, lượng thức ăn, cung cấp bổ sung các loại vitamin và các vi chất, cách vệ sinh ăn uống.
  • Cách tránh áp lực khi nuôi thay thế như cần được tư vấn thêm về tâm lý, hỗ trợ của các tổ chức xã hội (hội phụ nữ, nhóm đồng đẳng, tình nguyện viên….).
  • Nếu trẻ có tiêu chảy hoặc các bệnh ảnh hưởng tới nuôi dưỡng cần tư vấn thêm từ bác sỹ chuyên khoa

*  Nếu người mẹ chọn cách nuôi con bằng sữa mẹ:

  • Nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn, tuyệt đối không nuôi hỗn hợp.
  • Tư vấn: tư thế bú, cách ngậm bắt vú đúng, xử trí nứt núm vú, viêm vú.
  • Hướng dẫn theo Khuyến cáo chung nuôi dưỡng theo tuổi.
  • Nên ngừng bú sớm (6 tháng) để hạn chế nguy cơ truyền HIV.
  • Tư vấn khi chuẩn bị nuôi thay thế:

+ Các điều kiện cần có để nuôi bằng thức ăn thay thế (xem phần trên);

+ Cần có các biện pháp tránh thai ngoài ý muốn;

+ Kế hoạch và cách chuyển tiếp sang nuôi thay thế, cách nuôi thay thế tùy thuộc hoàn cảnh người mẹ và sự hỗ trợ của cộng đồng.

  • Khi ngừng nuôi con bằng sữa mẹ cần chuyển ngay sang sử dụng thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ:

Ngưng bú mẹ nghĩa là chuyển từ nuôi bằng sữa mẹ sang không cho bú mẹ trong thời gian từ 2-3 ngày đến 2-3 tuần tùy theo. Ngưng bú mẹ thực hiện càng sớm càng tốt khi bà mẹ có đủ 5 điều kiện nói trên hoặc khi trẻ đã đủ 1 tuổi và phải có kế hoạch trước để đảm bảo an toàn trong nuôi dưỡng trẻ.

  • Tư vấn cho bà mẹ cách cho trẻ ngưng bú:

+ Trong lúc còn bú mẹ, dạy cho trẻ cách uống sữa bằng ly và muỗng.

+ Sữa sử dụng có thể là sữa công thức hoặc sữa mẹ đã xử lý nhiệt.

+ Khi trẻ uống được sữa thuận lợi, thay 01 lần bú mẹ bằng một lần uống sữa thay thế hoàn toàn.

+ Tăng dần số lần uống sữa thay thế hoàn toàn thay cho bú mẹ.

+ Ngừng bú mẹ ngay khi trẻ đã thích nghi.

+ Nếu trẻ vẫn có nhu cầu nút thì dùng ngón tay đã rữa sạch của mẹ cho con nút.

+ Để tránh cương tụ vú, đè cho ra ít sữa khi vừa cảm thấy vú căng sữa. Dùng khăn lạnh đặt lên để tránh viêm đau vú.

Không bao giờ cho bú lại khi đã ngưng bú vì sẽ làm tăng cao khả năng lây truyền HIV cho con. Nếu vú cương sữa, hảy dùng tay nặn sữa ra.

Bắt đầu áp dụng biện pháp tránh thai khi bắt đầu cho trẻ ngưng bú.

*  Ăn sam (ăn dặm): áp dụng theo Khuyến cáo chung nuôi dưỡng trẻ theo tuổi.

  • Tư vấn về lợi ích của sữa mẹ và nguy cơ lây truyền HIV sang con
  • Tư vấn về lợi ích của sữa mẹ: Có giá trị dinh dưỡng tốt cho trẻ dưới 6 tháng tuổi như đầy đủ chất, tỷ lệ các chất cân đối, dễ hấp thu; cung cấp các chất miễn dịch góp phần giảm bệnh tật tử vong cho trẻ nhỏ do tiêu chảy và suy dinh dưỡng; giãn khoảng cách sinh; kinh tế; tăng tình cảm mẹ
  • Tư vấn về việc cho trẻ bú mẹ và nguy cơ lây truyền HIV:

+ Nếu bú mẹ sẽ có nguy cơ tăng lây truyền HIV từ mẹ sang con so với nuôi thay thế từ 5-20%;

+ Nếu trẻ không bú mẹ sẽ giảm được nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng không tận dụng được các lợi ích của sữa mẹ, ngoài ra có thể bị gia đình/cộng đồng kỳ thị, nguy cơ bị cô lập về mặt xã hội và kinh tế. Khi nuôi trẻ bằng sữa thay thế cần có nguồn sữa, có nước sạch, đảm bảo vệ sinh ăn uống.

  • Không cho trẻ bú mẹ kết hợp với sữa thay thế (nuôi hỗn hợp) vì sẽ tăng nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang

Khuyến cáo chung nuôi dưỡng trẻ theo tuổi

  • Trẻ dưới 6 tháng:
    • Nếu bú mẹ hoàn toàn:

+ Bú mẹ hoàn toàn, bất cứ lúc nào trẻ muốn, cả ngày lẫn đêm, ít nhất là 8 lần một ngày.

  • Nếu nuôi thay thế hoàn toàn:

+ Chỉ dùng sữa thay thế. Các loại thức ăn/uống khác là không cần thiết;

+ Chuẩn bị đủ và đúng lượng sữa cần. Sữa đã pha chỉ dùng trong 1 giờ (tủ lạnh có thể bảo quản được trong 24 giờ). Nếu không phải bỏ, không nên dùng lại sữa còn thừa.

+ Cho trẻ dùng bằng muỗng (thìa) và ly (cốc) an toàn hơn bú bình. Rửa sạch các dụng cụ sau khi cho trẻ ăn bằng nước và xà phòng. Tráng nước sôi dụng cụ trước khi pha sữa.

+ Lượng sữa nuôi thay thế như sau:

Tháng tuổi Lượng sữa/ngày
0-1 tháng 60 ml x 8 lần
1-2 tháng 90 ml x 7 lần
2-3 tháng 120 ml x 6 lần
3-4 tháng 120 ml x 6 lần
4-5 tháng 150 ml x 6 lần
5-6 tháng 150 ml x 6 lần

*  Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi:

Ăn bất cứ khi nào trẻ muốn, thức ăn đủ 4 nhóm.

Cách chế biến bột cho trẻ trên 6 tháng: Bột (gạo), nấu với thịt (thịt nạc, tôm, trứng, cá), một thìa mỡ hoặc dầu (chất béo) và rau Cần làm bột đặc cho trẻ ăn để đảm bảo đủ năng lượng cần thiết cho trẻ.

Số bữa/ngày: 03 bữa chính, 01 bữa phụ và thêm 1-2 ly sữa (tổng cộng 500ml/ ngày). Nếu không có sữa, cho trẻ ăn 4-5 bữa/ngày.

Lương thức ăn mỗi bữa: ¾ bát (không quá 250ml)

Ăn thêm trái cây (nếu có điều kiện).

*  Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 2 tuổi:

  • Cho ăn bất cứ khi nào trẻ muốn, thức ăn đủ 4 nhóm.
  • Nấu cháo đặc hoặc cơm nát, nấu với thịt nạc/tôm/trứng/cá), một thìa mỡ hoặc dầu (chất béo) và rau
  • Số bữa ăn mỗi ngày: 3 bữa (mỗi bữa 01 bát), 2 bữa phụ và thêm 2 ly sữa (khoảng 250ml/ly). Nếu không có sữa, cho trẻ ăn 4-5 bữa/ngày.
  • Ăn thêm trái cây 2 lần/ngày.

*  Trẻ trên 2 tuổi:

  • Một ngày ăn 3 bữa cùng gia đình, ưu tiên thức ăn giàu dinh dưỡng cho trẻ.
  • Lương thức ăn mỗi bữa: 1 bát đến 2 bát
  • Ăn xen kẽ 2 bữa phụ bằng bánh, sữa.
  • Ăn thêm trái cây.

Các lưu ý trong nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV/AIDS

Trẻ thường chậm phát triển do ăn kém, tiêu chảy, bệnh nhiễm trùng và do nhu cầu dinh dưỡng cao vì vậy cần chú ý:

  • Tránh sử dụng thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp như nước ngọt, nước trà và không nên ăn hoa quả cùng bữa ăn sẽ chiếm chỗ đồ ăn giầu dinh dưỡng khi ăn.
  • Tăng tối đa lượng thực phẩm ăn hằng ngày.
  • Dùng thực phẩm có nhiều chất sắt và chất kẽm như trái cây và rau củ có màu xanh (rau ngót, rau cải, rau muống,…), thịt có nguồn gốc từ động vật. Đặc biệt trẻ có tiêu chảy cần cung cấp thêm kẽm.
  • Cung cấp thêm can xi bằng cách cho ăn cá tươi ninh nhừ cả xương, các loại rau, hoa quả có nhiều can xi như đu đủ, ổi, đậu tương, bắp cải, bí ngô, rau
  • Cung cấp thêm các loại vitamin:

+ Cho ăn tăng Vitamin A: bằng rau củ, trái cây có màu đỏ như cà rốt, bí đỏ, đu đủ…;

+ Vitamin C: các loại hoa quả nói chung;

+ Vitamin B: như gan, trứng, thịt nạc, sản phẩm từ sữa, rau có màu xanh lục, đậu đỗ…;

+ Vitamin B6: như thịt, cá, chuối, rau có màu xanh lục, các loại củ,…

Tư vấn vệ sinh ăn uống

  • Dùng nguồn nước sạch như nước máy hoặc nước giếng được bảo quản tốt. Đun nước sôi để chế biến thức ăn của trẻ. Uống nước đun sôi để nguội.
  • Chuẩn bị các loại thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và bảo quản tốt, không để chuột, côn trùng, ruồi gây nhiễm khuẩn. Tránh các loại thức ăn dễ gây nôn và khó tiêu cho trẻ.
  • Chế biến: Thức ăn của trẻ cần đun sôi sau khi chế biến. Dùng đồ chứa sạch để chuẩn bị thức ăn và đựng đồ ăn; ăn ngay sau khi chế biến. Cất giữ đồ ăn an toàn, tốt nhất là ăn hết mỗi bữa.
  • Dùng chén, bát sạch khi cho trẻ ăn, tránh ăn bằng bình vì khó làm sạch.
  • Rửa tay người chăm sóc và trẻ cũng như dụng cụ bằng xà phòng và nước sạch, khi chuẩn bị đồ ăn và khi cho trẻ ăn. Thường xuyên luộc các dụng cụ để đảm bảo vệ sinh.

Thảo luận về các thực phẩm có sẵn và cách nuôi dưỡng tại địa phương

Các thực phẩm có sẵn tại địa phương

  • Các nguồn sữa.
  • Các loại tinh bột: gạo, ngô, khoai, sắn.
  • Các sản phẩm thịt: gà, thịt bò, thịt lợn, tôm, cá, gan,…
  • Các sản phẩm có chất béo: các loại dầu ăn, lạc, vừng.
  • Các loại rau, trái cây có sẵn.

Tập quán nuôi dưỡng của địa phương

  • Ăn kiêng.
  • Tập quán bú mẹ.
  • Thời gian cho trẻ bú.
  • Cách cung cấp thêm thức ăn bổ xung
  • Cách chế biến thức ăn cho trẻ tại địa phương hiện nay.
  • Cách thay đổi các tập quán trên.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây