Biến chứng Hạ đường huyết – Nguyên nhân, triệu chứng, xử trí

Bệnh tiểu đường

ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ BỆNH

Đặc điểm sinh lý

Triệu chứng hạ đường huyết thường xảy ra khi lượng glucose huyết tương còn khoảng 2,7-3,3 mmol/l, tuỳ theo mức glucose trong huyết tương sẽ có những biểu hiện lâm sàng tương ứng. cần lưu ý là các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của hạ đường huyết ở người đái tháo đường sẽ luôn không đầy đủ như ở người bình thường.

Hạ đường huyết là hậu quả của tình trạng mất cân bằng giữa 2 quá trình cung cấp (ví dụ từ gan và dinh dưỡng hấp thu qua đường tiêu hoá) và tiêu thụ glucose (chủ yếu bởi cơ vân) trong tuần hoàn. Các nguyên nhân thường gặp là:

  • Tăng bài tiết insulin (chất có tác dụng ức chế sản xuất glucose tại gan, kích thích tiêu thụ glucose ở cơ vân và mô mỡ).
  • Giảm tiếp nhận thức ăn (do chế độ ăn uống khắt khe hoặc có vấn đề về rối loạn hấp thu).
  • Tăng mức độ luyện tập (làm tăng sử dụng glucose ở cơ vân).

Các nội tiết tố khác như glucagon, adrenaline có vai trò quan trọng; chúng là những chất kích thích bài tiết glucose tại gan; ngoài ra adrenalin còn làm tăng đường huyết bằng cách giảm tiếp nhận glucose tại mô.

Nhiều nghiên cứu cho thấy khi có triệu chứng hạ đường huyết, các hormon đối kháng đã lần lượt can thiệp.

Phản ứng của cơ thể khi có hạ đường huyết

Các phản ứng sinh lý có tính cơ bản như giảm bài tiết insulin (phản ứng cơ bản thứ nhất), tăng tiết glucagon (phản ứng cơ bản thứ hai), thường xảy ra có tính tức thời và nhiều khi không có triệu chứng lâm sàng. Từ phản ứng tăng tiết adrenalin (được xem như phản ứng cơ bản thứ ba) đã bắt đầu có biểu hiện rõ về lâm sàng, đồng thời đã gây ra những rối loạn khác ngoài hạ đường huyết. Phản ứng này cũng chỉ xuất hiện khi glucagon không đủ khả năng điều hoà lại đường huyết một cách sinh lý (bảng 12.3),

Người ta cũng thấy có sự khác nhau về hạ đường huyết giữa người mắc bệnh đái tháo đường typ 1 và typ 2.

Tuy nhiên ở các người bệnh đái tháo đường typ 1, phản ứng feedback sẽ bất thường, do:

  • Glucagon bài tiết sẽ bất thường theo xu hướng là suy giảm bài tiết. Hiện tượng này thường thấy rõ ở những người bệnh sau 2 – 5 năm mắc bệnh.
  • Cùng với thời gian mắc bệnh, sự bài tiết của adrenalin cũng suy giảm. Người ta cho rằng đây là hậu quả của sự suy giảm của hệ thống thần kinh tự động tiền lâm sàng, do nhiều nguyên nhân khác nhau.Bảng 12.3. Tóm tắt các phản ứng của cơ thể với hạ glucose huyết.
    Đáp ứng của hormon đường huyết mmol/l (mg/dl) Phản ứng của cơ thể
    Giảm insulin 4,4 – 4,7 (80 – 85) Tăng Ra; Giảm Rd
    Tăng glucagon 3,6 – 3,9 (65 – 70) Tăng Ra
    Tăng adrenalin 3,6-3,9 (65-70) Tăng Ra; Giảm Rd
    Tăng cortisol, GH 3,6 – 3,9 (65 – 70) Tăng Ra; Giảm Rd
    Biểu hiện lâm sàng 2,8-3,1 (50-55) Tăng Glucose tân tạo
    Rối loạn ý thức < 2,8 (50) Tăng Glucose tân tạo

    * Ra: Tỷ lệ glucose, được sản xuất bởi gan, thận và thức ăn được hấp thu vào máu.

    * Rd: Tỷ lệ giáng hóa của glucose, lượng glucose tiêu thụ bởi các mô nhạy cảm với glucose (như cơ xương, Rd không tính đến sự tiêu thu của glucose của hệ thống than kinh trung ương).

  • Do lượng insulin hấp thu qua đường dưới da bị thay đổi sẽ phá vỡ thế cân bằng vốn đã mỏng manh giữa hai hệ thống hormon điều hoà đường huyết. Kết hợp với các yếu tố thuận lợi khác, đều là nguyên nhân làm tăng nguy cơ hạ đường huyết ở người đái tháo đường typ 1, nhất là với những người mắc bệnh lâu ngày.

Tỷ lệ hạ đường huyết

Ở người đái tháo đường typ 1

    • Hạ đường huyết mức nhẹ thường xảy ra với người thực hiện tiêm 2 mũi/ ngày, trung bình 2 lần/ tuần và thường vào ngày làm việc hơn là ngày nghỉ.
    • Hạ đường huyết mức độ nặng thường xảy ra theo qui luật “1/3” như sau:

+ Một phần ba số người mắc đái tháo đường typ 1 (khoảng 30%) sẽ phải trải qua hôn mê nặng.

+ Một phần ba trong số này (khoảng 10%) xảy ra trong những năm cuối.

+ Một phần ba trong số họ (khoảng 2 – 3%) xảy ra với mức độ trầm trọng, có khả năng gây ra tử vong.

Ở người đái tháo đường typ 2

Nghiên cứu UKPDS thấy hạ đường huyết mức độ nhẹ có ở 37% người bệnh dùng insulin sau 3 năm. Hạ đường huyết cũng có thể xảy ra với người sử dụng sulphonylurea, có khoảng 20% có triệu chứng hạ đường huyết nhẹ trong 6 tháng điều trị.

Những đặc điểm cần lưu ý khác

Ngoài thực tế hạ đường huyết trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh đái tháo đường có hạ đường huyết còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác.

  • Hệ thống hormon điều hoà đường huyết và các triệu chứng báo động của hệ thống thần kinh tự động giảm đi sau nhiều năm bị đái tháo đường. Đây là nguyên nhân để các triệu chứng thần kinh do thiếu glucose ở mô trở thành triệu chứng biểu hiện lâm sàng đầu tiên.
  • Một vài loại thuốc được sử dụng điều trị đái tháo đường và biến chứng cũng có khả năng gây hạ đường huyết hoặc làm mờ đi các dấu hiệu sớm của hạ glucose; ví dụ như khi người bệnh dùng thuốc chẹn thụ thể Beta giao cảm chẳng hạn.
  • Liệu pháp điều trị tích cực bằng insulin làm tăng nguy cơ hạ đường huyết không triệu chứng. Để hạn chế tác hại này, phải kết hợp thật khéo giữa nghệ thuật sử dụng thuốc với điều trị bằng chế độ ăn, chế độ luyện tập, chế độ làm việc. Kinh nghiệm cho thấy rằng yếu tố có tính quyết định để hạn chế tác hại này của hạ đường huyết là cần phải giáo dục cho người bệnh những kiến thức cần thiết để tự theo dõi, tự xử lý khi có hạ đường huyết xẩy ra.
  • Có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng insulin người cũng làm tăng tỷ lệ hạ đường huyết không triệu chứng. Người ta hạn chế được yếu điểm này bằng một chế độ ăn và thời gian ăn và/hoặc tiêm insulin phù hợp.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Hạ đường huyết lâm sàng thường xảy ra khi xét nghiệm sinh hoá cho thấy, thường nồng độ đường huyết < 2,8 mmol/l là hạ đường huyết nặng, còn khi lượng đường huyết <3,1mmol/l (< 55mg/dl) đã bắt đầu được xem là có hạ đường huyết

Lâm sàng hạ đường huyết:

Có nhiều mức độ

  • Mức độ nhẹ: Thường là các triệu chứng vã mồ hôi, run chân tay và đói. Đây là triệu chứng của hệ thần kinh tự động.

Các triệu chứng này sẽ mất đi sau khi uống 10 – 15 gram carbohydrate, từ 10 – 15 phút. Mức độ này người bệnh có khả năng tự điều trị được.

  • Mức độ trung bình: ở mức độ này các phản ứng biểu hiện lâm sàng ở cả 2 mức của hệ thống thần kinh tự động và dấu hiệu thần kinh của giảm lượng glucose ở mô như: đau đầu, thay đổi hành vi, dễ bị kích thích, giảm khả năng chú ý, ngủ gà.

Thông thường người bệnh không đủ tỉnh táo để kết hợp điều trị với thầy thuốc. Thời gian phục hồi sẽ lâu hơn. Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh cũng mau chóng chuyển sang mức nặng.

  • Mức độ nặng: Lúc này lượng đường huyết hạ rất thấp. Biểu hiện lâm sàng bằng hôn mê, mất cảm giác hoặc những cơn co giật. Cấp cứu lúc này cần truyền glucose tĩnh mạch và/hoặc glucagon
  • Hạ đường huyết tiềm tàng hay hạ đường huyết không triệu chứng:

Trước đây người ta cho rằng hạ đường huyết không có triệu chứng cảnh báo – hay hạ đường huyết tiềm tàng – là rất hiếm. Thật ra đây là một đánh giá sai lầm. Tai biến này rất hay gặp, nhất là ở những người bệnh được áp dụng phương pháp trị liệu tích cực. Những người có cơn hạ đường huyết không triệu chứng được nhắc đi nhắc lại sẽ gây ra những tai hại:

  1. Làm “cùn” đi cơ chế hoạt động của hệ thống hormon ngăn chặn hạ đường huyết.
  2. Hạ thấp ngưỡng “báo động” về nguy cơ hạ đường huyết của cơ thể.

Để chẩn đoán xác định người bệnh cần định lượng đường huyết, khi lượng đường < 3,1mmol/l (< 55mg/dl) đã bắt đầu được xem là có hạ đường huyết tiềm tàng trên lâm sàng, lúc này đã cần đến sự can thiệp của các nhà chuyên môn có kinh nghiệm.

Khi đã có hạ đường huyết không triệu chứng, không nên điều khiển phương tiện giao thông, không nên tiếp tục luyện tập v.v.

ĐIỀU TRỊ CƠN HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Với thể nhẹ

Chỉ cần 10-15g carbohydrat uống là đường huyết nhanh chóng trở lại bình thường.

Cần nhớ, không dùng sô cô la và kem điều trị hạ đường huyết cấp, vì lượng mỡ có trong thức ăn này sẽ hạn chế hấp thu đường, đồng thời sẽ là yếu tố làm tăng cân là điều cần tránh trong điều trị bệnh đái tháo đường typ 2, nhất là những trường hợp thừa cân, béo phì.

Trường hợp người bệnh đang đi trên đường, hoặc người bệnh đang điều khiển phương tiện giao thông, có dấu hiệu hạ đường huyết, tốt nhất là nên dừng lại 10 – 15 phút đợi khi đường huyết trở lại bình thường hãy tiếp tục công việc.

Với thể trung bình

Có thể dùng đường uống để can thiệp, nhưng cần thời gian dài hơn và liều dùng lớn hơn để đường huyết trở lại bình thường. Nhiều người khuyên dùng glucagon tiêm bắp hoặc dưới da kết hợp với đường uông.

Hạ đường huyết nặng

Do người bệnh mất ý thức nên không có khả năng nuốt, vì thế cho uống có thể sẽ bị sặc vào đường thở. Những người bệnh này buộc phải dùng glucagon tĩnh mạch và truyền glucose ưu trương.

Thông thường tình trạng lâm sàng sẽ khá lên sau 10 – 15 phút tiêm glucagon và 1 – 5 phút sau truyền glucose. Nếu hạ đường huyết đã lâu và mức đường trong máu quá thấp, việc phục hồi tâm thần có thể lâu hơn (trong nhiều giò). Trong trường hợp này có truyền đường nữa hay không là tuỳ thuộc vào hàm lượng glucose trong máu.

Nếu hạ đường huyết có triệu chứng thần kinh, giai đoạn sau có thể có đau đầu, trạng thái u mê, mất trí nhớ và nôn mửa. Trường hợp này có thể dùng thuốc an thần để điều trị triệu chứng.

Sau khi qua giai đoạn câp cứu, người bệnh nên đề phòng bằng cách hoặc là tăng chế độ ăn hoặc ăn bữa ăn phụ (tỷ lệ -10% tổng số calo trong ngày).

  • Glucagon:

Liều glucagon cần cho điều trị hạ đường huyết thể trung bình hoặc nặng:

Với trẻ <5 tuổi liều dùng 0,25 – 0,4mg.

Tuổi từ 5 – 10 tuổi liều dùng 0,5 – l,0mg.

Trên 10 tuổi liều dùng là l,0mg.

Đường dùng: Có thể tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.

Cách sử dụng glucagon phải được hướng dẫn cho người thân của người bệnh, thậm chí cho cả những chủ nhà trọ hoặc nhân viên khách sạn để họ có thể sử dụng được trong những trường hợp cần thiết phải cấp cứu.

  • Glucose tĩnh mạch:

Là phương pháp điều trị cơ bản nhất nếu có sẵn nhân viên y tế phục vụ. Trong trường hợp hạ đường huyết nặng, glucose tĩnh mạch phối hợp với glucagon được xem là phương pháp cấp cứu hoàn hảo nhất. Hạn chế của phương pháp này là phải có nhân viên y tế. Thường khi bắt đầu cấp cứu người ta thường dùng:

  1. 10 – 25g (trong dung dịch Dextrose).
  2. 50- 100ml dung dịch glucose 30%.

Thời gian để tiến hành cấp cứu ban đầu từ 1 – 3 phút.

Liều cấp cứu tiếp theo phụ thuộc vào tình trạng đáp ứng của người bệnh. Thông thường người ta cho glucose đường tĩnh mạch với liều 5-10 g/h. Glucose sẽ được tiếp tục truyền cho đến khi người bệnh hồi phục hoàn toàn và có khả năng tự ăn, uống được.

Hạ đường huyết không được cảnh báo hay hạ đường huyết không triệu chứng

Theo nghiên cứu DCCT (Diabetes Control and Complication Trial) thì 1/3 các trường hợp hạ đường huyết nặng xảy ra khi người bệnh thức. Đặc biệt hạ đường huyết thể này thường xảy ra ở những người bệnh được điều trị tích cực, nhưng không kèm theo các dấu hiệu hoặc triệu chứng để người bệnh có thể nhận biết ngăn ngừa các triệu chứng về thần kinh của thiếu đường huyết mô.

Để phòng chống, điều trị loại bệnh này, cách tốt nhất là giáo dục cho người bệnh cách tự theo dõi đường huyết, tự điều chính lại chế độ luyện tập, chế độ ăn uống.

Ngược lại với hạ đường huyết trung bình và nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trong hạ đường huyết không triệu chứng lượng đường huyết tưởng như được duy trì ở mức an toàn. Những cơn hạ đường huyết kiểu này xảy ra với thời gian dài hoặc ngắn nhưng liên tục sẽ rất nguy hiểm vì nó có khả năng gây huỷ hoại hệ thống thần kinh trung ương. Đặc biệt nguy hiểm nếu những cơn này xảy ra ở người trẻ. Một số người bệnh phát triển đến cảm giác sỢ hãi do hạ đường huyết hoặc những nhận thức sai lệch khác. Cảm giác sợ hãi do hạ đường huyết dẫn đến ăn quá nhiều, làm cho mất tác dụng điều trị của insulin. Nếu hiện tượng đó xảy ra cần phối hợp liệu pháp điều trị làm ổn định tinh thần cho người bệnh. Trong thời gian này cần duy trì lượng đường huyết ở giới hạn từ 11,1 mmol/l đến 16,7 mmol/l.

Hạ đường huyết tiếp theo tăng đường huyết – Hiệu ứng Somogyi

Nguyên lý của hiệu ứng này là khi lượng đường huyết hạ thấp sẽ kích thích hệ thống hormon điều hoà đường huyết bài tiết (glucagon, adrenalin, GH, cortisol). Quá trình tạo glucagon ở gan được kích thích, do vậy làm tăng lượng đường trong máu. Điều đáng lưu ý là chính các hormon này có thể là nguyên nhân kháng insulin từ 12 đến 48 giờ. Cũng còn một nguyên nhân nữa làm tăng đường huyết là do lượng đường đưa vào cấp cứu quá nhiều so với yêu cầu của cơ thể.

Hiệu ứng Somogyi có thể xảy ra sau hạ đường huyết ban đầu, nhưng cũng có khi xảy ra bất cứ lúc nào sau khi có cơn hạ đường huyết xuất hiện. Như vậy một vòng xoắn bệnh lý đã xuất hiện:

Hiệu ứng Somogyị rất hay gặp trong quá trình điều trị, nhất là khi người bệnh sử dụng thuốc hạ đường huyết không hợp lý. Trong trường hợp này, thái độ tốt nhất là nên cho kiểm tra sự thay đổi của đường huyết hơn là tăng liều insulin.

Để chứng minh có tăng đường huyết thứ phát, vào ban đêm phải đo lượng đường huyết ở 3 thời điểm: 02 giờ, 04 giờ và 07 giờ. Nếu lượng đường giữa 02 giờ và 04 giờ sáng từ dưới 2,8mmol/l đến 3,3 mmol/l (<50 – 60mg/dl) và ở thời điểm 7 giờ từ trên 10 mmol/l đến 11mmol/l (>180 – 200mg/dl) thì rất có thể hiệu ứng Somogyi đã xảy ra.

Để phòng tránh hiệu ứng Somogyi về đêm có thể giảm liều insulin buổi tối hoặc ăn bữa phụ trước khi đi ngủ.

“Hiện tượng bình minh” và “trước bình minh”

Là hiện tượng đường huyết tăng thứ phát sau khi hạ đường huyết ban đêm.

Lượng insulin cần để ổn định đường huyết từ 01 giờ đến 03 giờ ít hơn từ 05 giờ đến 08 giò. Để tránh hiện tượng này người ta cần tăng lượng đường huyết thêm từ l,lmmol/l đến 2,2mmol/l (20 – 40mmg/dl). Gợi ý lâm sàng quan trọng nhất là nồng độ đường huyết trước bữa sáng ở mức bình thường từ 3,9 mmol/l đến 6,4 mmol/l (70,2 – 115 mg/dl). Thông thường chính nó lại là hậu quả của hạ đường huyết giai đoạn trước bình minh. Để có chẩn đoán chắc chắn phải làm đường huyết khi đi ngủ và thời điểm từ 02 giờ đến 03 giờ sáng.

Theo nghiên cứu DCCT, >50% cơn hạ đường huyết nặng xảy ra trong đêm và khi người bệnh còn thức. Hạ đường huyết xảy ra ngay cả khi dùng insulin có tác dụng chậm và/hoặc ta đã dùng bơm insulin. Tất cả những trường hợp này đều có đường huyết trước ăn sáng trung bình là 7,8mmol/l (140mg/dl) và 75% có đường huyết lúc đói trước ăn sáng ở giới hạn trên của bình thường, vào khoảng 6,7mmol/l (120mg/dl).

Để tránh hiện tượng này, tốt nhất nên có bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ, bữa ăn này có thể dùng protein vì nó kích thích bài tiết glucagon.

Ngoài ra nên điều chỉnh cách dùng insulin sao cho đỉnh tác dụng của thuốc không ở vào khoảng từ 01 đến 03 giờ sáng.

PHÒNG VÀ CHỐNG HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Để phòng chống cơn hạ đường huyết có hiệu quả, việc cần làm là tìm hiểu những nguyên nhân có thể gây ra hạ đường huyết.

Các nguyên nhân hay gặp của hạ đường huyết

Những nguyên nhân có liên quan đến sử dụng insulin

  • Do quá liều.
  • Thời gian sử dụng không phù hợp với bữa ăn hoặc the loại dùng không thích hợp.
  • Liệu pháp điều trị tăng cường bằng insulin.
  • Thất thường hấp thu của insulin tại nơi tiêm.

+ Hấp thu nhanh hơn nếu tiêm ở vùng hay vận động.

+ Vị trí tiêm có vấn đề như: Teo lớp mỡ dưới da hoặc loạn dưỡng vùng tiêm v.v.

  • Sử dụng nhiều insulin tinh khiết hoặc đổi từ dạng tổng hợp sang các dạng insulin trộn hoặc insulin người làm thay đổi tốc độ hấp thu.

Chế độ dinh dưỡng

  • Ăn ít.
  • Thời gian giữa các bữa ăn chưa phù hợp.

Luyện tập

Không có kế hoạch, hoặc mức độ và thời gian luyện tập không phù hợp.

Uống rượu và sử dụng phối hợp với một số thuốc

  • Khả năng tạo đường tại gan bị suy giảm khi uống rượu.
  • Các thuốc về tâm thần.

Các nguyên nhân gây hạ đường huyết hay gặp nhất là những sai sót trong chỉ định liều lượng insulin, lịch trình các mũi tiêm, sự phân bố các bữa ăn không phù hợp là những nguyên nhân chính gây ra hạ đường huyết.

Các nguyên nhân khác

Người ta cũng đã ghi nhận những lý do tưởng như hiếm gặp khác. Ví dụ:

  • Ngủ muộn hơn lệ thường cũng là mối nguy hiểm tiềm tàng cho người bệnh, bởi vì nó làm vỡ thế cân bằng giữa thời gian tiêm insulin và việc thu nhận thức ăn của cơ thế.
  • Nhiều trường hợp hạ đường huyết nặng, thậm chí tử vong, xảy ra sau các bữa tiệc do người bệnh uống nhiều rượu, hoặc sau khi có tăng hoạt động đột ngột mà không giảm liều thuốc hoặc không có chế độ bù đắp cho đủ số năng lượng bị tiêu hao.

Các yếu tố liên quan đến phòng cơn hạ đường huyết

Một chế độ điều trị phù hợp bao gồm chế độ ăn, chế độ nghỉ ngơi, chế độ tiêm thuốc, chế độ luyện tập phù hợp, là biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất. Đổ đảm bảo duy trì lượng đường phù hợp cần tính đến một số yếu tố liên quan.

  • Giấc ngủ

Để đảm bảo an toàn, người ta thường tiêm insulin bán chậm vào buổi tối. Lượng insulin này đảm bảo duy trì lượng đường hợp lý trong đêm, với một thời gian nhất định, vì vậy khi chỉ định liều, người thày thuốc phải tính đến yếu tố này. Với liều dự tính thông thường người bệnh có thể ngủ thêm 30-60 phút. Nhưng nếu người bệnh ngủ thêm trên 1 giờ phải bổ sung năng lượng hoặc đổi liều insulin. Ví dụ nếu người bệnh định ngủ thêm trên 60 phút, có thể giảm 10-15% liều insulin bán chậm hoặc chậm của mũi tiêm tối hôm trước. Cũng có thể người bệnh vẫn sử dụng thuốc đúng liều lượng, nhưng được đánh thức dậy đúng giờ, làm test kiểm tra đường huyết, ăn sáng, tiêm mũi insulin buổi sáng rồi lại ngủ tiếp. Đây là cách an toàn nhất.

  • Chế độ luyện tập

Luyện tập là cần thiết và bắt buộc, vì luyện tập làm tăng sự hấp thu, tăng nhạy cảm của insulin ở mô đích. Điều quan trọng để tránh hạ đường huyết khi luyện tập là người bệnh phải có nguồn carbohydrat bổ sung kịp thời, nhanh chóng. Trường hợp đang luyện tập mà có dấu hiệu hạ đường huyết phải ngừng tập ngay. Nếu hạ đường huyết xảy ra sau khi tập, phải có bữa ăn phụ trước khi tập.

Để tránh hạ đường huyết khi luyện tập người ta còn khuyên nên giảm liều insulin. Ví dụ: Nếu sau khi ăn sáng rồi luyện tập, thì liều insulin của mũi tiêm buổi sáng có thể giảm 10 – 20%. Đây là biện pháp dự phòng không tăng năng lượng, thường áp dụng cho những đối tượng không muốn tăng cân.

Vai trò của người bệnh là tự theo dõi và điều chỉnh chế độ điều trị

Đế người bệnh hiểu và tự theo dõi bệnh luôn là mục đích quan trọng nhất của công tác giáo dục sức khoẻ cộng đồng. Việc tự theo dõi đường huyết phải được giắo dục cho tất cả người bệnh đái tháo đường, kể cả người chưa có điều kiện sử dụng máy theo dõi đường huyết.

Người bệnh có thể tự điều chỉnh lượng đường huyết của mình bằng chế độ ăn, chế độ luyện tập hoặc bằng thuốc trong mọi trường hợp. Đặc biệt ở những trường hợp như luyện tập, du lịch hoặc bị mắc một bệnh khác. Giáo dục người bệnh tự theo dõi bệnh cho họ là biện pháp đặc biệt hữu ích, nhất là trường hợp hạ đường huyết không triệu chứng. Hình thái bệnh lý này chỉ phát hiện được khi người bệnh cảm nhận thấy có sự thay đổi trong cơ thể và ngay lập tức làm test đường huyết kiểm tra.

Bệnh tiểu đường
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận