Nhắc lại giải phẫu – chức năng
Ngoài chức năng phân bố cảm giác cho 1/3 sau lưỡi của dây IX thì 2 dây này có nhiều nhiệm vụ giống nhau nên khi khám lâm sàng ta thường khám cả 2 dây này đồng thời.
- Chức năng vận động: cơ khít hầu, cơ trâm hầu, nâng phần trên hầu, rất quan trọng trong động tác nuốt.
- Chức năng cảm giác: 1/3 sau lưỡi, amidan, màn hầu, hầu, vòi Eustache, hòm nhĩ.
- Chức năng thực vật: tuyến nước bọt mang tai (mượn đường đi của nhánh v3).
Chức năng phản xạ: phản xạ nâng màn hầu.
Khám dây IX và dây X
– Dụng cụ khám: dụng cụ đè lưỡi, tăm bông, đèn soi.
– Thao tác khám:
+ Khám vận động: yêu cầu bệnh nhân phát âm, thầy thuốc nhận xét tiếng nói của bệnh nhân có bình thường không, hay bệnh nhân nói giọng mũi, cho bệnh nhân nuốt xem có bị nghẹn đặc sặc lỏng khi ăn uống không. Yêu cầu bệnh nhân há miệng, và phát âm a…a thầy thuốc dùng đèn soi quan sát xem màn hầu hai bên của bệnh nhân nâng có đều không.
+ Khám phản xạ nâng màn hầu: bệnh nhân ở tư thế ngồi hoặc nằm, miệng há rộng, thầy thuốc dùng đèn soi họng bệnh nhân cho dễ quan sát và dùng tăm bông kích thích nhẹ thành sau màn hầu, đáp ứng là động tác nâng màn hầu.
– Triệu chứng tổn thương dây IX và X:
+ Đau dây IX: thường thành cơn, đau chói, đau giật bùng nổ đột ngột, cơn đau dễ được gợi lên do các kích thích khác nhau (ví dụ chạm vào amidan)
- Vị trí đau: vùng amidan, gốc lưỡi, đau lan tới góc hàm – sau tai và thường khu trú một bên.
- Triệu chứng kèm theo: dị cảm ở lưỡi, miệng khô nước bọt quánh
- Nguyên nhân: chưa rõ có thể ở giai đoạn tắt dục, rối loạn thần kinh, người mệt.
+ Các hội chứng đặc biệt (khi có tổn thương hành não):
Hội chứng Avellis:
Liệt dây X (liệt màn hầu và thanh âm).
Liệt nửa người bên đối diện.
Hội chứng Schmidt:
Liệt dây IX, dây X, dây XI (thanh âm, cơ thang và cơ ức đòn chũm).
Liệt nửa người bên đối diện.
Hội chứng Jackson:
Liệt dây IX, dây X, dây XII.
Liệt nửa người bên đối diện.
Hội chứng lỗ rách sau (hội chứng Vernet): liệt dây X, dây XI dây XII cùng bên.
Dây gai (DXI)
Nhắc lại giải phẫu
Dây XI có 2 ngành: ngành ngoài (còn gọi là ngành tuỷ sống) và ngành trong (là ngành não).
- Ngành ngoài của dây XI là ngành vận động. Thân tế bào nằm ở phần sau của sừng trước và sừng bên tuỷ sống cổ C1 đến C6. Các sợi trục tạo thành dây XI đi trong ống sống ngược lên trên qua lỗ chẩm vào trong sọ rồi nối với ngành trong, sau đó 2 ngành cùng qua lỗ rách sau và chia thành 2 nhánh tận. Dây XI ngoài phân bố vận động cho cơ ức đòn chũm và cơ thang.
- Ngành trong (ngành hành não) thực tế chỉ là một nhánh vận động của dây X, chúng cùng bắt nguồn từ nhân hoài nghi, gồm những sợi vận động và cảm giác của thanh quản.
Khám dây XI
– Thao tác khám dây XI: bệnh nhân ở tư thế ngồi.
+ Khám sức cơ ức – đòn – chũm: thầy thuốc yêu cầu bệnh nhân quay mặt về một bên và giữ nguyên tư thế, thầy thuốc kéo cằm bệnh nhân theo hướng ngược lại, kiểm tra lần lượt hai bên, đánh giá sức cơ từng bên và so sánh sức cơ hai bên với nhau (hình 2.17a).
+ Khám sức cơ thang: bệnh nhân so vai và giữ nguyên tư thế, thầy thuốc đặt hai bàn tay lên vai bệnh nhân và ấn xuống kiểm tra sức cơ thang hai bên của bệnh nhân có cân đối không (hình 2.17b).
– Triệu chứng học: dây XI ít khi bị tổn thương đơn độc và một bên mà thường kết hợp tổn thương cùng dây IX, X và XII. Trên lâm sàng ta thường gặp những biểu hiện tổn thương dây XI sau:
+ Co cứng cơ ức – đòn – chũm: gây quay đầu sang bên đối diện. Trên lâm sàng bệnh cảnh điển hình của cơ cứng cơ ức – đòn – chum là chứng vẹo cổ (torticolis spasmodic).
+ Co giật cơ ức – đòn – chũm sẽ gây động tác lắc đầu về bên đối diện.
+ Liệt cơ ức – đòn – chũm: bệnh nhân không quay đầu về bên đối diện được, khi khám sức cơ ức – đòn – chũm chống lại sức cản không thấy khối cơ ức – đòn – chũm nổi lên.
+ Teo cơ ức – đòn – chũm do tổn thương của bản thân cơ hoặc tổn thương dây thần kinh XI.
+ Tổn thương dây XI thường do các nguyên nhân sau:
- Hạch cổ, u vùng cổ.
- Chấn thương hoặc vết thương hoả khí vùng cổ.
- Tai biến trong khi sinh thiết hạch cổ (chạm vào dây XI và gây tổn thương dây thần kinh).
- u nền sọ hoăc vỡ nền sọ.
- Viêm màng não nền sọ.