Bệnh viêm phổi do Pneumocystis Carinii

Bệnh hô hấp

Tên khác: bệnh phổi nhiễm pneumocystis

Định nghĩa

Viêm phổi nặng xẩy ra khi khả năng phòng vệ của cơ thể bị suy giảm (nhiễm khuẩn cơ hội), đặc biệt là trong quá trình bệnh AIDS.

Căn nguyên

Tác nhân gây bệnh là một sinh vật đơn bào có thể thành kén, tên khoa học là Pneumocystis carinii. Tác nhân này gây bệnh ở nhiều động vật nuôi trong nhà và hoang dã và trở thành gây bệnh cho người trong trường hợp đối tượng bị suy giảm miễn dịch, bị bệnh AIDS (viêm phổi xẩy ra khi số lượng tế bào lympho CD4 giảm xuống dưới 200/pl máu), trong trường hợp bị các bệnh máu ác tính, được điều trị bằng những thuốc ức chế miễn dịch, bằng liệu pháp corticoid dài hạn, hoặc bằng liệu pháp hoá chất chống ung thư. Bệnh cũng xuất hiện ở những trường hợp suy dinh dưỡng hoặc ở trẻ sinh thiếu tháng (đẻ non), ở người lớn, hơn 80% dân số có kháng thể đặc hiệu kháng Pneumocystis carinii chứng tỏ họ đã từng bị nhiễm mầm bệnh nhưng không có biểu hiện lâm sàng.

Triệu chứng

Sau một thời kỳ ủ bệnh dài (1 đến 2 tháng), nhiễm khuẩn biểu hiện bởi viêm phổi nặng, với khó thở, ho khan, và tím tái (nghẹt hoặc chẹn phế nang-mao mạch: trao đổi khí qua màng phế nang-mao mạch hoặc màng hô hấp bị cản trở). Sốt thường không cao và có thể không sốt, và nếu không được điều trị, thì bệnh tiến triển tới suy hô hấp cấp tính có thể nguy kịch. Người ta cũng đã thấy nhiễm khuẩn khu trú ở những vị trí ngoài phổi (như hạch bạch huyết, gan, lách, tuỷ xương).

Xét nghiệm cận lâm sàng

Tìm tác nhân gây bệnh bằng xét nghiệm hiển vi đờm và các bệnh phẩm khác lấy được nhờ soi phế quản (như dịch rửa phế quản-phế nang, chọc hút qua thành khí quản và/hoặc sinh thiết phổi). Có thể sử dụng nhiều phương pháp nhuộm khác nhau hoặc kỹ thuật miễn dịch-huỳnh quang với kháng thể đơn clôn (đơn dòng) để phát hiện các kén. Kén của Pneumocystis carinii có đường kính 5-8 p, và thường tụ thành đám như “tổ ong”. Tác nhân thường hay cư trú trong đường hô hấp của những bệnh nhân AIDS, nhưng không nhất thiết phải là nguyên nhân của bệnh viêm phổi ở những đối tượng này, viêm phổi của họ còn có thể do những vi khuẩn thông thường gây ra. Việc tìm nguyên nhân gây viêm phổi có thể khó khăn ở những đối tượng bị bệnh AIDS đang điều trị bằng liệu pháp hoá chất.

X quang: có hình ảnh của viêm phổi mô kẽ lan toả (phổi bị thâm nhiễm kiểu lưới-nốt: vết mờ đục trông giống một lưới và có xen kẽ cả nốt mờ), đôi khi có hình ảnh như kính mờ.

Điều trị

Bằng một trong các công thức sau đây:

Cotrimoxazol: uống Sulfamethoxazol 100 mg /kg/ ngày + trimethoprim 20 mg /kg/ ngày chia làm 4 lần mỗi ngày, liên tục trong 3 tuần. Những hiệu quả không mong muốn, nhất là phát ban ở da, buồn nôn và sốt hay xẩy ra ở những bệnh nhân nhiễm HIV, hoặc

Pentamidin isethionat: 3-4mg/kg/ ngày truyền tĩnh mạch trong 3 tuần, hoặc

Dapson: 100 mg/ ngày phối hợp với Sulfamethoxazol + trimethoprim trong 3 tuần, hoặc

Atovaquon: được để nghị sử dụng trong giai đoạn cấp tính của những thể nặng vừa và không dung nạp

Phối hợp clindamycin và primaquin đã được đề nghị cho những thể nặng trung bình.

Liệu pháp oxy trong trường hợp nghẹt phế nang-mao mạch (trao đổi khí qua màng phế nang mao mạch hoặc màng hô hấp bị cản trở).

Dự phòng

Tất cả bệnh nhân có phản ứng huyết thanh dương tính với HIV, dù ở giai đoạn lâm sàng nào mà số lượng tế bào lympho CD4 thấp hơn 200/pl máu, đều phải được điều trị dự phòng theo một trong những cách sau:

Sulfamethoxazol + trimethoprim (thuốc dạng viên nén có sulfamethoxazol 800 mg + trimethoprim 160 mg): uống mỗi ngày 1 viên, hoặc 3 viên mỗi tuần, hoặc

Pentamidin khí dung 300 mg, một tháng một lần. Nói chung, biện pháp này bệnh nhân dễ dung nạp nhưng kém hiệu quả hơn so với sulfamethoazol + trimethoprim, hoặc

Dapson (100 mg, 2 lần mỗi tuần) dùng riêng hoặc phối hợp với pyrimethamin (50 mg, hai lần mỗi tuần).

Bệnh hô hấp
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận