Trang chủChăm sóc bệnh nhânChăm sóc người bệnh Basedow - Cường năng tuyến giáp

Chăm sóc người bệnh Basedow – Cường năng tuyến giáp

NGUYÊN NHÂN

Cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng.

Những yếu tố nguy cơ gây bệnh là:

  • Yếu tố thần kinh và tinh thần: những xúc cảm mạnh, đột ngột như tang tóc, bất hoà… dễ phát sinh bệnh.
  • Giai đoạn biến đổi sinh dục nữ: dậy thì, mang thai, mãn kinh.
  • Nhiễm trùng, nhiễm độc nặng: nhiễm trùng máu, viêm phổi.
  • Dùng iốt liều nhỏ kéo dài để chữa bướu cổ đơn thuần mà không có sự kiểm tra của bác sỹ chuyên khoa.
  • Bướu cổ đơn thuần Basedow hoá.

TRIỆU CHỨNG

Lâm sàng

  • Năm triệu chứng chính
  • Bướu cổ:

+ Thường bướu độ II, to đều cả hai bên.

+ Sờ vào chắc, sờ có rung mưu.

+ Phần lớn bướu mạch, có khi bướu nhân, hoặc bướu giáp ngầm.

+ Nghe có tiếng thổi tâm thu hoặc tiếng thổi liên tục.

  • Tim mạch:

+ Nhịp tim nhanh thường xuyên.

+ T mạnh, nghe có tiếng thổi tâm thu cơ năng.

+ Huyết áp tối đa tăng.

  • Mắt lồi :

+ Có khi mắt lồi quá không nhắm kín được, mi mắt phù nề.

+ Có khi mắt sáng long lanh.

  • Run tay: run tay không theo ý muốn, run khi xúc động.
  • Gầy sút cân: người bệnh ăn nhiều nhưng vẫn sút cân.
  • Năm triệu chứng phụ: (Hay gặp)
  • Rối loạn tinh thần và thần kinh thực vật.

+ Hồi hộp đánh trống ngực, dễ xúc cảm, khó tính, hay cáu gắt.

+ Mất ngủ hoặc ngủ không yên giấc, hay mơ mộng.

+ Sợ nóng, sợ lạnh.

+ Hay bốc hoả từ chân lên đến mặt.

+ Ra mồ hôi nhiều nhất là lòng bàn tay, da nóng và ẩm.

  • Rối loạn về cơ: đi bộ hoặc làm việc bằng cơ bắp hay chóng mặt.
  • Rối loạn tiêu hoá: đi ngoài phân lỏng, sống phân.
  • Rối loạn nội tiết: phụ nữ kinh nguyệt ít hoặc mất kinh.
  • Có hội chứng uống nhiều, tiểu nhiều.

Cận lâm sàng

  • Đo chuyển hoá cơ bản tăng > +30% .
  • Đo độ tập trung iốt phóng xạ (I131) tăng cao ở giờ thứ 6.
  • Định lượng T3 tăng (bình thường: 1-3 micoromol/lít).
  • Cholesterol máu giảm.
  • Đường máu tăng.

BIẾN CHỨNG

Có bốn nhóm biến chứng:

  • Biến chứng về tim mạch:

+ Loạn nhịp tim.

+ Suy tim.

  • Nhiễm khuẩn: lao phổi, áp xe phổi…
  • Suy mòn cơ thể.
  • Cơn cường giáp trạng cấp là biến chứng nguy kịch nhất.

ĐIỀU TRỊ

  • Dùng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp: PTU (Propylthiouracil), MTU (Metylthiouracil)
  • Thuốc điều trị biến chứng:

+ Nhịp tim nhanh cho propranolon.

+ Nhiễm khuẩn cho kháng sinh.

+ Suy mòn: truyền đạm.

+ Cơn cường giáp: điều trị cơn cường giáp.

  • Iốt phóng xạ hoặc mổ cắt bán phần tuyến giáp.

CHĂM SÓC

Nhận định chăm sóc

  • Hỏi bệnh nhân:

+ Mắc bệnh từ bao giờ ? Có hồi hộp đánh trống ngực không?

+ Có khó thở không? Có hay cáu gắt không?

+ Có mất ngủ không ?

+ Có cảm giác bốc nóng, có ra mồ hôi ở tay, ở người không?

+ Có mệt khi đi lại nhiều không ? Có gầy sút không?

+ Kinh nguyệt có rối loạn không?

+ Ăn có khoẻ, uống có nhiều không? Nuốt có vướng không?

  • Quan sát và khám:

+ Cơ thể gầy, cân nặng bao nhiêu?

+ Da có ẩm và nóng không?

+ Bướu cổ to độ mấy?

+ Nhịp tim, mạch nhanh bao nhiêu? Huyết áp tâm thu có cao không?

+ Mắt có lồi, có sáng long lanh không?

+ Tay có run không ?

Lập kế hoạch chăm sóc

  • Người bệnh sẽ đạt được trạng thái bình giáp và không bị các biến chứng.
  • Giúp bệnh nhân ổn định về tinh thần.
  • Tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân.
  • Tăng cường hiểu biết cho bệnh nhân về bệnh tật.

Thực hiện chăm sóc

Giúp bệnh nhân đạt được trạng thái bình giáp và không bị các biến chứng

    • Hằng ngày điều dưỡng phải theo dõi sát các dấu hiệu lâm sàng, đặc biệt là mạch, huyết áp, thân nhiệt, trạng thái tinh thần.
    • Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm theo y lệnh: định lượng T3 – T4 – TSH, Ghi điện tâm đồ, đo chuyển hoá cơ bản.
    • Thực hiện nghiêm túc các mệnh lệnh điều trị để đạt bình giáp cho bệnh nhân:

+ Cho bệnh nhân uống thuốc kháng giáp trạng tổng hợp.

+ Thuốc chẹn bêta giao cảm.

  • Theo dõi chặt chẽ:

+ Tình trạng người bệnh trước, trong và sau khi dùng thuốc.

+ Tác dụng không mong muốn của thuốc kháng giáp dựa vào công thức máu, hiện tượng chán ăn, vàng da, vì thuốc ảnh hưởng đến sinh sản của tủy gây giảm bạch cầu và ảnh hưởng đến chức năng gan.

Giúp bệnh nhân ổn định về tinh thần

  • Để bệnh nhân ở phòng thoáng mát, yên tĩnh, tốt nhất là buồng riêng.
  • Giao tiếp với bệnh nhân nhẹ nhàng, ân cần để bệnh nhân yên tâm điều trị.
  • Nếu bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật phải giải thích nhiều lần cho bệnh nhân yên tâm, tin tưởng vào cuộc mổ.
  • Nếu ra nhiều mồ hôi thì phải hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh thân thể: tắm, gội, thay quần áo bằng nước sạch, thay ga trải giường.
  • Thực hiện y lệnh thuốc an thần.

Tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân

  • Hướng dẫn bệnh nhân nghỉ ngơi, tránh đi lại nhiều, nếu điều trị ngoại trú không được lao động nặng.
  • Chế độ ăn, uống:

+ Chọn thức ăn giàu calo: thịt, trứng, sữa…

+ Ăn lạnh, uống nước lạnh.

+ Không ăn uống các chất kích thích.

  • Thực hiện y lệnh:

+ Cho bệnh nhân uống hoặc tiêm liều cao vitamin nhóm B.

+ Bệnh nhân suy kiệt quá cho truyền đạm.

  • Sau một tuần theo dõi cân nặng để biết kết quả điều trị.

Tăng cường hiểu biết cho bệnh nhân về bệnh

  • Giải thích cho bệnh nhân Basedow hiểu biết về bệnh của mình, nếu điều trị tích cực, bệnh sẽ ổn định và tránh được các biến chứng, làm cho bệnh nhân bớt lo lăng và yên tâm điều trị.
  • Hướng dẫn người bệnh biết cách dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa khi về điều trị ngoại trú.
  • Hướng dẫn bệnh nhân chọn thức ăn phù hợp với bệnh tật, lao động nhẹ nhàng khi điều trị ngoại trú tại nhà.
  • Hướng dẫn cho bệnh nhân các biến chứng của bệnh để đến khám bác sỹ và được điều trị kịp thời.

Đánh giá chăm sóc

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi:

  • Tinh thần bệnh nhân thoải mái ổn định.
  • Mạch của bệnh nhân trong giới hạn bình thường.
  • Bệnh nhân hết lo lăng, yên tâm điều trị.
  • Bệnh nhân đỡ mệt, lên cân.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây