Trong những bữa cơm đoàn viên ngày tết, những bữa tiệc, liên hoan và sau những bữa ăn thường ngày, nhiều gia đình vẫn thường bày thêm đĩa trái cây để ăn “tráng miệng”. Thói quen đó vẫn có từ xa xưa cho đến nay, với ý nghĩ để làm tăng thêm sự thịnh soạn, sang trọng của bữa ăn, vừa để tỏ lòng quý khách của chủ nhân; ngoài ra ăn thêm ngay hoa quả như vậy là để cho bớt ngấy, giúp tiêu hóa tốt thức ăn, tăng thêm chất bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Thực ra, ăn như vậy, đứng về mặt bảo vệ sức khỏe mà xét thì rất không có lợi cho sức khỏe.
Trong các loại rau mà chúng ta thường ăn, phần lớn đều có chất rhodanate, nhất là trong củ cải, cải bắp, súp lơ v.v…, hàm lượng chất này lại càng cao hơn. Chất rhodanate ở trong cơ thể sau khi đã thay thế chuyển hóa sẽ hình thành thiocyanic acid. Trong các quả tươi mới như táo, lê, nho v.v… thì có một hợp chất hóa hợp flavone. Chất này ở trong đường ruột sau khi đã bị các vi khuẩn phân giải biến hóa, sẽ hình thành chất dihydroxybenzoic acid. Chất thiocyanic acid với chất dihydroxybenzoic acid tác dụng với nhau sẽ làm rối loạn công năng bình thường của tuyến giáp trạng, khi nghiêm trọng sẽ dẫn đến tình trạng làm sưng tuyến giáp trạng không phải là do thiếu iốt.
Nhà dinh dưỡng học của Đài Loan là Âu Dương Tinh đã chỉ ra: Sau khi thức ăn vào dạ dày, dạ dày phải co bóp, tiết ra dịch vị để phân giải tiêu hóa thức ăn, sau đó sẽ dần từng bước thải thức ăn đưa vào hành tá tràng để tiêu hóa thêm, quá trình này phải mất từ 1 đến 2 giờ. Nếu sau bữa ăn mà ăn ngay các loại trái cây thì trái cây sẽ cùng với thức ăn ứ tích trong dạ dày, như vậy không những tăng thêm gánh nặng cho dạ dày mà còn do thời gian thức ăn đọng lại trong dạ dày quá dài, cộng thêm với tác dụng phức tạp của các loại acid hữu cơ có trong các trái cây như malic acid, citric acid, tartaric acid v.v… thức ăn rất dễ sinh lên men hư hỏng, hình thành trướng khí, làm cho khoang dạ dày trướng đầy, khó tiêu hóa. Có một số người khi tiêu hóa không tốt, thường hay nấc, ợ, từ dạ dày bốc ra hơi hôi chua y như vật thể bị thối rữa, đó chính là do thức ăn trong dạ dày đã bị lên men. Có một số người ăn quá no, thậm chí đến mức đứng lên cũng phải người chống đỡ, muốn dùng trái cây để trợ giúp tiêu hóa, tiêu trừ nhanh ngay thực phẩm tích đọng, họ có biết đâu đó lại càng làm nặng thêm lên hiện tượng tích đọng thức ăn, càng khó tiêu hóa hơn. Ngoài ra, sau bữa ăn, ăn một số loại trái cây nào đó còn có thể dễ sinh bí đại tiện nữa.
Khi người ta ăn, dạ dày bị thức ăn kích thích sẽ tiết ra lượng lớn dịch vị có tác dụng tiêu hóa. Khi thức ăn ở trong dạ dày, chỉ mới là bắt đầu của quá trình tiêu hóa, chưa được tiêu hóa hoàn toàn. Lúc bấy giờ nếu lại ăn các loại quả có hàm lượng cao các chất tannin, pectin như quả hồng chẳng hạn, thì các chất đó sẽ hỗn hợp với dịch vị, với chất xơ sợi (fibre) và chất protein trong thức ăn chưa bị tiêu hóa, dễ vón kết thành những hạt tròn rất khó tiêu hóa. Những hạt tròn này nếu lưu trệ lâu trong dạ dày còn có thể hình thành sỏi dạ dày, do đó hồng không nên ăn ngay trước và sau bữa ăn, đặc biệt là sau khi ăn các thức ăn giàu chất protein như tôm, cua (hải sản) và các thức ăn cao lương mỹ vị trong ngày tết cũng như trong các bữa tiệc.
Từ những phân tích trên, chúng ta đừng bao giờ tưởng lầm rằng ăn tráng miệng các trái cây sẽ “càng tăng thêm dinh dưỡng và có ích cho bồi bổ sức khỏe”. Trên quan điểm bảo vệ sức khỏe, các nhà dinh dưỡng học và y học đề nghị chỉ nên ăn các trái cây trước bữa ăn 1 giờ và sau bữa ăn khoảng 2 đến 3 giờ. Đặc biệt đối với các loại quả có nhiều chất tannate và pectin như quả hồng thì tuyệt đối không nên ăn khi vừa ăn cơm xong cũng như khi bụng đang đói.