Địa liền – Tác dụng chữa bệnh và cách dùng

Vị thuốc Đông y

ĐỊA LIỀN

Tên khác:

Sơn nại, tam nại, sa khương, củ thiền liền, co xá choóng (Thái). Tên khoa học: Kaempferia galanga L.

Họ Gừng (Zingiberaceae)

MÔ TẢ

Cây thảo, không có thân hoặc thân rất ngắn, có thân rễ mang nhiều củ nhỏ mọc thành chuỗi. Lá mọc sát mặt đất, 2 – 3 cái có phiến rộng uốh lượn, mặt trên nhẵn màu sẫm bóng, mặt dưới có ít lông mịn, mép mỏng viền đỏ.

Cụm hoa mọc ở giữa túm lá gồm 6 – 12 cái, màu trắng có đốm tím ở giữa; đài và tràng có 3 thùy, có ống tràng dài, nhị không có chỉ nhị, có nhị lép, cánh môi chẻ 2 thùy.

Cả cây nhất là thân rễ rất thơm.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Địa liền
Địa liền

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, địa liền phân bố ở châu Á, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Nam A.

ở Việt Nam, cây mọc hoang ở Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu), Yên Bái, Hà Giang và Tây Nguyên (Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum). Thường gặp ở sườn núi và thung lũng ẩm.

Cây đã được trồng ở nhiều nơi, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Thân rễ, thu hoạch vào mùa đông xuân, lúc thân lá bắt đầu tàn lụi. Chỉ lấy những nhánh củ to, còn những nhánh nhỏ đem vùi lại để bảo đảm cây tái sinh tự nhiên. Đem về, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, thái từng phiến, phơi khô hoặc xông diêm sinh một ngày rồi phơi khô. Không sấy than, vì địa liền sẽ đen, mất mùi thơm, kém phẩm chất.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Thân rễ địa liền chứa tinh dầu, trong đó có hợp chất p-methoxy ethyl cinamat chiếm phần lớn, acid p-methoxycinamic, ethyl cinamat, camphen, borneol, aldehyd cinamic, cineol, kaempferol.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Qua nghiên cứu, thân rễ địa liền thể hiện có tác dụng chống viêm rõ rệt, dưới dạng cao cồn, cao nước và tinh dầu, tác dụng hạ sốt và tác dụng ức chế sự phát triển của một số nấm thường gây bệnh ngoài da. Borneol có tác dụng làm toát mồ hôi, gây hưng phấn.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Theo kinh nghiệm dân gian, địa liền được dùng chữa ngực bụng lạnh đau, cảm, ho, tiêu chảy, nôn mửa, khó tiêu, đau dạ dày.

Liều dùng hàng ngày: 4 – 8g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc thuốc viên.

Dùng ngoài, địa liền thái nhỏ, ngâm vổi rượu, dùng xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp hoặc ngậm chữa đau nhức răng (không được uống).

Tinh dầu địa liền dùng để chế nước hoa. Bột thân rễ địa liền có tác dụng bảo quản quần áo chống nhậy.

BÀI THUỐC

  • Chữa cảm, sốt, nhức đầu: Địa liền (5g), bạch chỉ (5g), cát căn (10g). Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn hoặc làm viên uống mỗi ngày 10g chia làm hai lần.

Thuốc hạ sốt, giảm đau nhanh, kháng khuẩn tốt, không có tác dụng phụ, có thể dùng cho cả người lớn lẫn trẻ em.

  • Chữa cảm nhức, ngộ độc, táo bón, ăn kém tiêu: Địa liền (100g), rau má (100g), thổ phục linh (100g), cam thảo (50g). Tất cả phơi khô, tán bột mịn. Ngày uống 2 – 4g (Kinh nghiệm của Hợp tác xã thuốc dân tộc Hợp Châu).
  • Thuốc cai sữa cho trẻ: Địa liền (10g), viễn chí (10g), tế tân (10g). Tán bột, hòa với sữa mẹ hoặc dầu lạc, bôi lên lông mày của trẻ nhỏ vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận