Biểu Hiện Da Niêm Mạc Ở Bệnh Nhân Nhiễm Hiv/Aids
( Acquired immunodeficiency syndrome ),
TS Nguyễn Khắc Viện
1. Đại cương:
+ Nhiễm HIV/AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch do virus chậm gây nên ( HIV – Human immunodeficiency virus ), lây truyền qua đường máu, đường sinh hoạt tình dục, đường từ mẹ sang con , lâm sàng rất đa dạng với nhiều tổn thương ở các cơ quan phủ tạng ,da… Hội chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, ảnh hưởng tới nòi giống và sự phát triển kinh tế an toàn xã hội của toàn cầu.
+ Phân loại nhiễm HIV/AIDS theo CDC được OMS áp dụng gồm các giai đoạn sau:
- Giai đoạn nhiễm trùng cấp ( sơ nhiễm ).
- Giai đoạn nhiễm trùng không có triệu chứng ( giai đoạn cửa sổ)..
- Giai đoạn hạch toàn thân.
- Giai đoạn
Giai đoạn AIDS có các biểu hiện: bệnh lý toàn thân ( sốt kéo dài trên 1 tháng sụt cân trên 10% thân trọng, ỉa chảy kéo dài trên 1 tháng); bệnh lý thần kinh phối hợp ( rối loạn trí nhớ , bệnh lý tuỷ, bệnh thần kinh ngoài biên); và các nhiễm trùng da cơ hội.
2. Các biểu hiện ở da và niêm mạc khi nhiễm HIV/AIDS.
- Ngoại ban dát đỏ.
Ngoại ban xuất hiện 50% trường hợp ở giai đoạn nhiễm HIV cấp, tổn thương khu trú ở phần trên cơ thể và tự mất đi sau vài ngày. Toàn thân có thể có các triệu chứng kèm theo như cúm: sốt, nhức đầu.
- Viêm da da dầu lan toả.
Đây là triệu chứng ngoài da hay gặp nhất ( chiếm 25,6%) số bệnh nhân AIDS .Tổn thương xuất hiện ở vùng da dầu, mặt, ngực, có tính chất rầm rộ, và viêm tấy nhiều hơn so với viêm da da dầu bình thường, bệnh nhân cảm giác ngứa nhiều, gãi có khi gây chảy máu, chảy dịch tạo các vảy da, vảy tiết trên bề mặt tổn thương.
Về căn nguyên của viêm da da dầu này có thể có nấm men Pitysporum orvale tham gia , vì khi mắc bệnh AIDS có thể giảm sức đề kháng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển.
- Nhiễm nấm Candida albicans ở miệng, họng, thực quản, âm đạo.
Đây cũng là bệnh ngoài da hay gặp đứng hàng thứ 2 khi bị AIDS (chiếm tỷ lệ ở miệng – 14,1%, ở họng – 9,0 %, ở thực quản – 7,1%) do giảm tế bào lympho T hỗ trợ tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Tổn thương điển hình gặp ở niêm mạc miệng, họng, niêm mạc má với triệu chứng điển hình, có các mảng bự trắng dính vào niêm mạc, niêm mạc viêm đỏ chảy dịch, bệnh nhân khó nuốt, nôn, bệnh kéo dài thành từng đợt hàng tháng, hàng năm. Từ tổn thương tại miệng, họng dẫn tới tổn thương nhiễm nấm candida ở thực quản, đường tiêu hoá, hậu môn,âm đạo và tổn thương candida ở các nếp gấp da bẹn, nách… cần chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm soi tươi và cấy nấm.
- Các nhiễm nấm lan toả khác. Thường ít gặp hơn như :
+ Nhiễm nấm Penicillium Macneivey gây tổn thương ở da: là các sẩn vẩy ở mặt và cổ.
+ Nhiễm nấm Cryptococcus neoformans gây tổn thương viêm phổi, viêm màng não rất giống lao, đây là một triệu chứng chỉ điểm có giá trị. Chẩn đoán được nhờ : soi tươi, cấy bệnh phẩm, phát hiện kháng nguyên, mô bệnh học .
+ Nhiễm nấm Histoplasmosis (Histoplasmosis capsulatum).
- Các nhiễm trùng da kéo dài lan toả ( tổn thương này gặp 6,4% trong số bệnh nhân AIDS ).
Thường do các chủng liên cầu gây nên, trên lâm sàng tạo các chốc loét, bọng nước to, loét sâu, lan toả kéo dài trên bệnh nhân suy kiệt.
- Các nhiễm virus phối hợp.
+ Hepes zoster ( gặp 2,6% số bệnh nhân AIDS ). Tổn thương giống như tổn thương của bệnh zona thông thường nhưng có các đặc điểm :
- Tổn thương phỏng nước lan toả (zona lạc vị trí) ngoài vị trí tạo thành giải tổn thương, còn có các tổn thương khác rải rác ở mặt, tay, chân và cả hai bên của cơ thể.
- Tổn thương là phỏng to nhỏ, nhiều , thậm chí có khi có phỏng máu (bình thường chỉ là phỏng nước trong ).
- Tổn thương kéo dài vài ba tháng không khỏi, hết đợt này đến đợt khác ( bình thườngg zona khoảng 15-20 ngày sẽ khỏi để lại sẹo nhỏ trắng tại vùng tổn thương.
+ Herpet lan toả, hoại tử : tổn thương gặp ở môi, miệng, hậu môn, chiếm tỷ lệ 1,3% bệnh nhân AIDS.
Tổn thương thường lan toả, kéo dài, thậm chí hoại tử gây đau đớn nhiều.
+ U mềm lây (Molluscum contagiosum) do một loại virus ADN gây nên. Tổn thương là những sẩn hình bán cầu, kích thước từ 1-2-5 mm đường kính, có lõm ở chính giữa, gặp rải rác ở lưng, ngực, tay, màu sắc như da bình thường.
+ Sùi mào gà ( condylomata acuminata).
Do một loại virus thuộc nhóm Papovavirus gây nên. Tổn thương gặp ở vùng bán niêm mạc sinh dục, là sẩn tăng gai bề mặt, thường có cuống, nền da không bị thâm nhiễm, ít chảy máu.
- Bạch sản ở miệng.
Tổn thương xuất hiện ở hai bờ của lưỡi, là các đám bạch sản hơi gồ cao, nổi rõ, trên bề mặt nhăn nhúm và có lông nhỏ. Tổn thương dễ nhầm với nhiễm nấm Candida albicans.
- Sarcoma Kaposi da :
Đây là một bệnh ung thư thành mạch, với sự tăng sinh của cách mạch máu, các tế bào nội mạc kích thước lớn, ác tính, có thể thấy tế bào hình thoi và các hồng cầu bị xuất quản. Thông thường Sarcome Kaposi cổ điển gặp ở Trung Phi và Đông Âu, trên người cao tuổi.
Tổn thương là các u đường kính 0,5 – 2 cm, không đau, không ngứa, màu đỏ hồng, đỏ tía nổi thành cục ở trên da , thân, đầu, cổ , tứ chi nhưng không có ở lòng bàn tay chân hoặc vòm họng.
Các u này tiến triển nhanh chóng, lan toả thành đám thâm nhiễm và vỡ ra gây nhiễm khuẩn thứ phát, các hạch lân cận bị viêm lan toả.
Tổn thương Sarcoma Kaposi còn thấy ở cả nội tạng: đường tiêu hoá hoặc phổi.
- Hội chứng vàng móng
Gặp ở giai đoạn cuối của bệnh nhân AIDS với các tổn thương móng tay chuyển màu vàng kèm theo các gợn sóng dọc hoặc ngang ở thân móng, đôi khi có hiện tượng tiêu móng.
- Hội chứng giả viêm tắc tĩnh mạch đau buốt.
Tổn thương bắp chân sưng đau, tấy đỏ dễ nhầm với viêm tắc tĩnh mạch sâu nhưng chụp tĩnh mạch thì không thấy viêm tắc.
3. Kết luận.
Nhiễm HIV/AIDS là một hội chứng với nhiều bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, phức tạp đòi hỏi người thầy thuốc phải lưu ý:
+ Nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như nhiễm HIV/AIDS .
+ Chú ý các biểu hiện ngoài da và niêm mạc, những dấu hiệu chỉ điểm để tiếp tục phát hiện các tổn thương về thần kinh, nội tạng, toàn trạng của bệnh nhân, củng cố thêm và phân giai đoạn của nhiễm HIV/ AIDS.
+ Cho làm các xét nghiệm cần thiết :
- Không đặc hiệu ( test sàng lọc) :
- Đặc hiệu ( test xác chẩn) : Western Blot, xét nghiệm miễn dịch học.
+ Tư vấn cho bệnh nhân : để bản thân bệnh nhân biết cách tự giữ gìn sức khoẻ, có trách nhiệm bảo vệ tránh lây nhiễm trong cộng đồng , đồng thời tránh lây nhiễm cho thầy thuốc và các bệnh nhân xung quanh.