Giáng sinh là dịp lễ lớn của những người theo đạo Thiên chúa. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Noel đã trở thành ngày lễ của cả những người không theo đạo. Năm nào cũng vậy, cứ đến đêm 24/12 dương lịch mọi người lại rủ nhau đến nhà thờ, rồi dạo chơi trên đường phố cho tới sáng. Nhưng sau đêm Noel và những ngày tiếp theo của mùa Giáng sinh, các bệnh viện cũng bận rộn hơn vì số lượng bệnh nhân tăng gấp bội.
Để cho niềm vui của những ngày Noel được trọn vẹn, chúng ta cần chú ý tới việc phòng ngừa các bệnh thường gặp sau:
- Bệnh tai mũi họng
Đêm Noel, trước khi ra phố, bạn nên quấn một chiếc khăn mỏng ở cổ, xoa một ít dầu lên mũi, cổ, thái dương và góc hàm. Nên mang theo một ít kẹo bạc hà để ngậm khi dạo phố để giữ ấm mũi họng. Đặc biệt, các em nhỏ phải quàng khăn hoặc đội mũ để không bị nhiễm lạnh.
- Bệnh phổi
Tỷ lệ người mắc bệnh phổi trong mùa Giáng sinh rất cao. Do vậy, việc giữ ấm cổ và ngực rất quan trọng. Trong ngày lễ này, người ta không thể mặc những áo bông to sụ, vì thế, để giữ ấm, bạn nên chọn những loại áo ấm, nhưng vẫn đảm bảo lịch sự như áo da, áo choàng dài, bên trong mặc áo len hoặc áo sợi ôm sát người. Nếu bạn muốn mặc áo vest, nên đặt một tờ báo vào trong áo gilê để che gió cho vùng ngực. Khi có ý định ra khỏi nhà, bạn nên mở cửa trước đó ít phút để điều tiết không khí trong và ngoài nhà, cơ thể quen dần với cái lạnh, bạn sẽ không bị cảm lạnh. Đối với người bị bệnh hen phế quản và các bệnh về phổi đang ở giai đoạn tiến triển, không nên đi chơi đêm hoặc lúc thời tiết thay đổi.
- Bệnh cảm cúm
Trong mùa lạnh, bệnh cảm cúm hay xảy ra và dễ lây lan trên diện rộng. Để phòng tránh căn bệnh này, ngoài việc giữ ấm cổ và ngực, tránh cảm lạnh… thì việc cách ly với những người bệnh là rất cần thiết. Tốt nhất là không nói chuyện trực tiếp, không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh. Để phòng bệnh, hàng ngày bạn nên nhỏ mũi với nước muối sinh lý hoặc nước tỏi tươi, nếu ăn được tỏi tươi thì càng tốt.
- Bệnh dị ứng thời tiết
Mùa Giáng sinh ở các tỉnh phía Bắc thường lạnh, còn ở phía Nam ban ngày thì nóng, nhưng ban đêm lại lạnh. Thời tiết thay đổi liên tục như vậy, nên các bệnh dị ứng do thời tiết như ngứa, mẩn, mụn, cước, viêm mũi dị ứng… rất khó tránh. Để phòng bệnh, bạn nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ ấm cho những vùng da hở như chân tay, dùng kem thuốc chống cước, nẻ, giữ ấm vùng ngực và đầu mặt…
- Bệnh tim mạch và huyết áp cao
Vào mùa Giáng sinh, ta thường thấy có nhiều người già đột ngột qua đời, hoặc bị tai biến mạch máu não, gây bại liệt một nửa hoặc toàn thân… Khí hậu lạnh, cộng với gió rét là thủ phạm chính dẫn tới những tai biến kể trên. Do vậy, người già, người có bệnh về tim mạch và huyết áp cao càng phải giữ gìn sức khoẻ, theo dõi tim mạch và huyết áp chu đáo hơn các mùa khác.
- Không để các bệnh mạn tính nặng thêm
Do khí hậu lạnh giá, nên vào mùa đông các bệnh khớp thường nặng hơn. Do vậy, những người bị bệnh khớp mạn tính không nên rửa chân tay hoặc tắm bằng nước lạnh, mà phải dùng nước nóng, nếu có thêm lá sả, lá chanh thì càng tốt; mỗi khi ra ngoài phải mặc ấm, đặc biệt phải giữ ấm cho đôi chân. Những người bị bệnh viêm loét dạ dày cần chú ý tới hai vấn đề: Một là cần kiêng những thức ăn ảnh hưởng đến bệnh dạ dày, đặc biệt phải kiêng rượu bia. Hai là những đợt thay đổi khí hậu bất thường, cũng dễ làm cho bệnh dạ dày nặng thêm, do đó phải chú ý giữ ấm cho cơ thể. Những người bị bệnh thận lại càng phải chú ý đến việc giữ ấm cho cơ thể, vì thời tiết sẽ làm cho bệnh thận phát triển. Đã có trường hợp viêm thận mạn tính sau khi bị cảm lạnh mà dẫn đến suy thận.