Phân biệt các loại bệnh sởi

Sức khỏe gia đình

Trong thời gian vừa qua bệnh rubella (bệnh sởi Đức) có dấu hiệu bùng phát tại một số tỉnh phía Nam, đồng thời ở một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng xuất hiện một dịch sốt phát ban nghi sởi mà các nhà chuyên môn chưa loại trừ là bệnh rubella. Bệnh rubella cũng là một dạng sởi, vì vậy chúng tôi giới thiệu dưới đây những đặc điểm giống và khác bệnh sởi thông thường, tác hại và nguyên tắc dự phòng bệnh rubella để bạn đọc tham khảo.

Những đặc điểm giống với bệnh sởi thường gặp

Là bệnh nhiễm virus cấp tính chỉ xảy ra ở người có tính lây truyền cao và có tính miễn dịch quần thể. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp qua những hạt dịch tiết của hầu họng. Phải đặt vấn đề nghi ngờ khi người bệnh có tiếp xúc với người mắc bệnh sởi hoặc trong vùng có nhiều người mắc bệnh.

Phân loại các loại bệnh sởi
Phân loại các loại bệnh sởi

Người bệnh thường bắt đầu bằng sốt nhẹ hoặc có khi sốt cao 41° – 42°c. Viêm long đường hô hấp là triệu chứng hầu như không bao giờ thiếu với các biểu hiện: hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, viêm kết mạc mắt, dử mắt, phù mi nhẹ. Đôi khi có thể thấy viêm long đường ruột gây tiêu chảy. Dấu hiệu dễ nhận thấy là xuất hiện ban toàn thân.

Những đặc điểm riêng biệt của bệnh rubella:

Một số đặc điểm lâm sàng của bệnh: Trước khi có vaccin, bệnh rubella thường xuất hiện thành dịch theo chu kỳ từ 6 – 9 năm. Bệnh diễn biến trong một thời gian ngắn hơn so với bệnh sởi thông thường. Mặc dù bệnh cũng khởi đầu bằng triệu chứng viêm long đường hô hấp nhưng các biểu hiện thường nhẹ và không rõ dấu hiệu nhiễm độc. Nếu như dấu Koplik (những chấm nhỏ, kích thước khoảng 1mm, màu đỏ, sung huyết nổi lên trên niêm mạc má ở những vị trí ngang với răng hàm thứ nhất) là dấu hiệu đặc hiệu có tính chất chỉ điểm cho bệnh sởi thông thường, thì không thấy trong bệnh rubella.

Ban trong bệnh rubella thường mọc ngay từ ngày thứ 1 – 2, ban mọc ngay toàn thân, có kích thước nhỏ và mọc thưa (ban sởi thông thường bắt đầu mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cô ngực, tay, sau lưng, chân và toàn thân. Ban dày có xu hướng kết lại thành từng đám xen giữa những khoảng da lành). Một điều khác biệt trong bệnh rubella thường xuất hiện hạch: Hạch mọc ở vùng tai, chẩm và sưng đau. Đau khớp thường xuất hiện ở phụ nữ trưởng thành với các mức độ khác nhau, thường là ở các khớp gối, mắt cá, cổ tay, ngón tay, kéo dài vài ba ngày đến 1 tháng nhưng không để lại di chứng.

Biến chứng và tác hại của bệnh

Ở bệnh sởi thông thường các biến chứng thường gặp hàng đầu là viêm phổi, tiếp đến có thể gặp viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não (hiếm gặp) và một số biến chứng khác như nhiễm trùng hoại tử răng miệng, niêm mạc môi, má (thường gọi là “cam tẩu mã”), loét giác mạc, viêm ruột kéo dài, suy dinh dưỡng. Đối với bệnh rubella, tác hại được nói đến nhiều nhất là các tổn thương bẩm sinh do thai nhi bị nhiễm rubella từ mẹ qua đường rau thai. Khi bị nhiễm bệnh thường dẫn đến sảy thai, đẻ non và các dị tật bẩm sinh. Các biểu hiện của rubella ngay sau sinh thường là nhẹ cân, ban xuất huyết, gan to, lách to, thiếu máu. Các tổn thương bẩm sinh được đề cập là tổn thương mắt, điếc, tổn thương thần kinh trung ương, tiểu đường (thường xuất hiện muộn). Không phải rubella bẩm sinh nào cũng xuất hiện ngay sau sinh mà có thể xuất hiện sau nhiều năm, do đó phải theo dõi bệnh nhân trong một thời gian dài để đánh giá tình hình diễn biến của bệnh.

Điều trị

Rubella cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị triệu chứng chủ yếu là hạ sốt, vệ sinh toàn thân, răng, miệng, mắt, da, tăng cường dinh dưỡng: Ăn thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng. Điều trị các biến chứng nếu có.

Phòng bệnh

Hiện nay ở nước ta đã có vaccin phòng bệnh rubella nhưng chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Để người dân được tiếp cận tích cực với vaccin là một cách phòng bệnh có hiệu quả. Khi có bệnh nhân mới (nhất là giai đoạn viêm long đường hô hấp) cần có các biện pháp cách ly để ngăn chặn sự lây truyền và làm bệnh bùng phát (khoảng 7 ngày kể từ thời điểm xuất hiện ban). Hiện tại không có chỉ định sử dụng vaccin rubella cho phụ nữ có thai. Trong điều kiện hiện tại, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần thiết phải nắm được biểu hiện, đường lây truyền và tác hại của bệnh để có được biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Sức khỏe gia đình
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận