Trang chủChứng trạng Đông yTứ chi teo gầy (chân tay teo gầy) - Triệu chứng bệnh...

Tứ chi teo gầy (chân tay teo gầy) – Triệu chứng bệnh Đông y

Khái niệm

Tứ chi teo gầy là chỉ chứng trạng do nguyên nhân bệnh lý nào đó dẫn đến chi trên và chi dưới teo cơ.

Sách “Nội kinh” có ghi các chứng “Thoát nhục”, “Cơ nhục tước”, “Cơ nhục nuy”, “Phá khổn thoát nhục”, “Đại nhục hãm hạ” tức là chỉ chứng bệnh các bắp thịt nổi lên ở khuỷu tay, đầu gối và hông bị teo đi nghiêm trọng và các bắp thịt ở đùi, cánh tay và thăn lưng bị teo gầy rõ rệt.

Tố vấn – Âm dương biệt luận còn ghi chứng “Phong tiêu” tức là chỉ chứng trạng do nhiệt thịnh làm hao thương tân dịch dẫn đến teo quắt cơ bắp, nhiệt cực sinh phong, âm tinh suy tổn làm cho tứ chi teo gầy.

Trong sách Kim quỹ yếu lược còn ghi chứng “Tiêu tước cơ nhục” là chỉ do nhiệt thịnh làm hao thương tân dịch dẫn đến teo quắt cơ bắp, tựu trung có chứng “Toan tước” là chỉ cơ bắp teo quắt, đồng thời ê mỏi, mềm yếu.

Teo quắt khác với chứng “Nhục nuy” vì teo quắt là chuyên chỉ về cơ bắp teo quắt, còn Nhục nuy thì có biểu hiện chủ yếu là mềm yếu vô lực hoặc bại liệt. Các tài liệu đời sau thường bàn đến các chứng “Nuy xấu”, “Khổn nuy” tức là chỉ chứng trạng toàn thân gầy mòn, tinh thần và thể trạng đều bị suy sụp chứ không chỉ riêng về tứ chi.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Tứ chi teo gầy do Tỳ Vị hư yếu: Phần nhiều gặp ở tuổi thanh thiếu niên tứ chi teo gầy nhất là vùng vai và cánh tay teo gầy rõ rệt, chi trên vô lực, chi dưới đi lại lạch bạch như vịt, gót chân hướng vào phía trong hoặc phía ngoài, mu chân gồ lên hình cung, sắc mặt trắng bệch, tinh thần mệt mỏi khốn đôn, kém ăn, ăn không thấy ngon, đoản hơi biếng nói, tiếng nói thấp khẽ, lưỡi nhợt, rêu trắng, ven lưỡi có vết răng, mạch Tế Nhuyễn.

Tứ chi teo gầy do Thận tinh bất túc: Phần nhiều gặp ở trẻ em cơ bắp teo gầy đến nỗi tay không nắm được, chân đi không vững, phát dục chậm chạp, trí lực giảm sút thường kèm theo các chứng “Ngũ trì”: Đứng chậm, đi chậm, răng mọc chậm, tóc mọc chậm, chậm biết nói và chứng “Ngũ nhuyễn” như: đầu gáy mềm, miệng méo mó, tay oải, chân mềm, cơ bắp nhẽo… rêu lưỡi nhợt, mạch Trầm Tế.

Tứ chi teo gầy do Can Thận âm hư: Có chứng cơ bắp teo gầy, tứ chi vô lực và run rẩy, đi lại cầm nắm khó khăn, gân máy động, thậm chí nói năng nhịu và rít. Khi nuốt thường ho khan, lưng đùi mềm yếu, đầu choáng mắt mờ, ngũ tâm phiền nhiệt, đêm ngủ không yên, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác hoặc Huyền Tế.

Tứ chi teo gầy do Tỳ Thận dương hư: Có chứng tứ chi teo gầy và vô lực, da lạnh, cơ thể ớn lạnh, các bắp thịt teo hết, tai ù tai điếc, lưng đùi yếu mỏi, di tinh dương nuy, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trầm Trì.

Tứ chi teo gầy do khí huyết đều hư: Có chứng cơ bắp teo gầy, sắc mặt xanh nhợt, tinh thần mệt mỏi khốn đốn, đầu choáng mắt hoa, hồi hộp đoản hơi, tự ra mồ hôi hoặc mồ hôi trộm, kém ăn, lưỡi nhợt ít rêu, mạch Vi Tế.

Phân tích

  • Chứng Tứ chi teo gầy do Tỳ Vị hư yếu: Phần nhiều do ăn uống không điều độ, hậu thiên điều dưỡng kém, Tỳ Vị hư yếu, nguồn sinh hóa khí huyết thiếu thôn dẫn đến tinh vi của thủy cốc không nuôi dưỡng đầy đủ cho cơ bắp tứ chi mà thành bệnh. Tố vấn – Thái âm Dương minh luận viết: “Tứ chi không bẩm thụ khí của thủy cốc, khí ngày càng suy, đường mạch không lợi, gân xương cơ bắp không được sinh khí sinh ra cho nên không vận động được”. Chứng này thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên chán ăn. Ty chủ tứ chi, Tỳ vận hóa không mạnh, không vận chuyển được tân dịch của Vị cho nên ăn không thấy ngon tứ chi vô lực, trung khí bất túc dẫn đến các chứng: tinh thần mỏi mệt, yếu sức đoản hơi biếng nói, tiếng nói thấp khẽ lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng, rìa lưỡi có vết răng, mạch Tế Nhuyễn. Điều trị nên bổ ích trung khí, cho uống Bổ trung ích khí thang gia giảm.
  • Chứng Tứ chi teo gầy do Thận tinh bất túc: Phần nhiều gặp ở người phú bẩm tiên thiên bất túc, hậu thiên bú mớm nuôi dưỡng sai quy cách dẫn đến Thận tinh bất túc, tủy hải rỗng không, chính khí suy tổn ảnh hưởng đến sinh trưởng phát dục của trẻ em, dẫn đến tứ chi teo gầy, ngũ trì, ngũ nhuyễn, trí lực giảm sút… Điều trị nên bổ Thận điền tinh, cho uống Lục vị địa hoàng hoàn gia giảm.
  • Chứng Tứ chi teo gầy do Tỳ Vị hư yếu với chứng Tứ chi teo gầy do Thận tinh bất túc: Chẩn đoán phân biệt hai chứng này không khó khăn. Loại trên chủ yếu do hậu thiên điều dưỡng kém, phần nhiều phát sinh ở tuổi thanh thiếu niên, biện chứng điều trị tập trung vào Tỳ Vị. Loại sau chủ yếu là tiên thiên bất túc, phần nhiều phát sinh ở trẻ em, biện chứng điều trị tập trung vào Thận. Nhưng cũng cần chỉ rõ tứ chí teo gầy do Thận tinh bất túc nếu như hậu thiên chăm sóc thỏa đáng, chú ý nuôi dưỡng tích cực điều trị có thể thu được hiệu quả tốt.
  • Chứng Tứ chi teo gầy do Can Thận âm hư: Phần nhiều do thể trạng vốn âm hư hoặc là sau khi ốm tật bệnh khác, âm huyết bị tổn thương thêm, dẫn đến Can Thận bất túc. Can chứa huyết mà chủ về gân, Thận chứa tinh mà chủ về xương, Can Thận âm hư thì gân xương mềm yếu, cơ bắp tứ chi teo gầy vô lực. Can âm bất túc, Can dương quá găng hóa phong quấy động cho nên gân thịt máy động, tứ chi run rẩy. Mạch của Túc Thiếu âm Thận kinh qua cuống họng kèm vào gốc lưỡi cho nên Thận âm suy tổn tạo nên nói nhịu và nuốt khó khăn. Thận khuy thì phủ của Thận ở lưng rỗng không, âm hư thì sinh nội nhiệt cho nên lưng mỏi, ngũ tâm phiền nhiệt, đêm ngủ không yên, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế sác. Điều trị nên tư bổ Can Thận, dục âm tiềm dương dùng phương Tri bá địa hoàng hoàn hoặc Đại bổ âm hoàn gia giảm. Nếu âm hư liên luỵ đến dương thì dùng phương Hổ tiềm hoàn gia giảm.
  • Chứng Tứ chi teo gầy do Tỳ Thận dương hư: Phần nhiều do thể trạng vốn hư yếu hoặc là sau khi bị các tật bệnh khác, dương khí bị hao tổn thêm dẫn đến Tỳ Thận dương hư, Tỳ chủ vận hóa, Thận chủ ấm áp, Tỳ mất chức năng vận hóa thì không phân bố được tân dịch, Thận dương bất túc thì không phát huy được sự ấm áp tân dịch do đó không tư dưỡng được cơ bắp gân xương tứ chi, tạo nên cơ bắp teo gầy hoặc các bắp thịt lớn teo hết, tứ chi vô lực, tai ù, tai điếc, dương nuy di tinh, lưng đùi yếu mỏi. Dương hư thì ngoại hàn cho nên cơ thể lạnh, chân tay lạnh, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, chất lưỡi nhợt, mạch Trầm Trì, điều trị nên ôn bổ Tỳ Thận dùng phương Kim quỹ Thận khí hoàn gia Nhân sâm, Bạch truật, Hoài sơn…

Hai chứng Tứ chi teo gầy do Can Thận âm hư và Tỳ Thận dương hư có điểm chung là Thận khuy nhưng một loại chủ yếu là âm hư tập trung vào Can Thận, một loại chủ yếu là dương hư tập trung và Tỳ Thận, vả lại phần nhiều gặp ở tuổi thanh niên khỏe mạnh, như vậy Tứ chi teo gầy do Thận tinh bất túc mà phú bẩm bất túc phát sinh ở trẻ em có chỗ khác nhau rõ rệt mà biện chứng Tỳ Thận dương hư với Tỳ VỊ hư yếu thì loại trên có thể thấy cơ thể lạnh chân tay lạnh, tiểu tiện trong dài, dương nuy di tinh là những biểu hiện về dương hư. Loại sau thì thấy biếng ăn, tinh thần mệt mỏi, tiếng nói thấp khẽ là biểu hiện về khí hư.

  • Chứng Tứ chi teo gầy do khí huyết đều hư: Phần nhiều do những chứng bệnh nói trên phát triển thêm một bước, tức là khí hư liên luỵ đến huyết. Dương hư liên luỵ đến âm bởi vì âm dương hỗ căn, khí huyết tương quan, ở giai đoạn cuối thường dẫn đến khí huyết đều hư nên xuất hiện các chứng cơ bắp teo gầy, tứ chi vô lực, đầu choáng mắt hoa, tinh thần mệt mỏi khôn đốn, hồi hộp đoản hơi, tự ra mồ hôi và mồ hôi trộm, lưỡi nhợt ít rêu, mạch Vi Tế… Điều trị nên đại bổ nguyên khí, tu dưỡng âm huyết cho uống Nhân sâm dưỡng doanh thang.

Tứ chi teo gầy chủ yếu là hư chứng, thể trạng yếu thì ngoại tà dễ xâm phạm thường hình thành những chứng hậu trong hư kiêm thực. Nếu không thanh trừ ngoại tà kịp thời cũng có thể phát triển làm cho chứng này nặng thêm.

Ngoài ra Tố vấn – Nuy luận còn nêu ra nguyên tắc điều trị là “Chữa nuy chỉ cần chữa Dương minh” không những dùng châm cứu thích hợp mà đối với lâm sàng về nội khoa cũng có ý nghĩa chỉ đạo. Bởi vì Tỳ VỊ mạnh thì nguồn sinh hóa tự đầy đủ, khí huyết vượng thì chứng Nuy và chứng cơ bắp teo gầy cũng khỏi.

Trích dẫn y văn

  • Cơ bắp cục bộ tứ chi teo gầy thường gặp ở “Nuy chứng” và chứng “Hạc tất phong”… Những trường hợp bệnh nặng hoặc ốm lâu ngày mà phát hiện các cơ bắp ở vùng mông và bắp chân teo quắt người xưa gọi là “Khổn nhục thoát“ là một chứng hậu bất trị (Trung y lâm chứng bị yếu – Tứ chi tiêu xấu)
  • Thể trạng ngày càng teo gầy thường gặp trong bệnh chứng hư tổn, bởi vì Tỳ chủ cơ bắp nên phối hợp với chủ chứng mà bồi dưỡng khí huyết ở Trung tiêu.

Cơ bắp teo gầy nghiêm trọng nhất là trường hợp các bắp thịt lớn ở tứ chi teo hết, phụ nữ không có bệnh gì mà thể trạng gầy mòn trơ xương, sách Đông y bảo giám từng đặc biệt nêu ra cho là cũng do khí huyết không đầy đủ, cho uống Nhân sâm tiễn thang uống với Cốc linh hoàn (Trung y lâm chứng bị yếu – Tiêu xấu).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây