Sắc mặt trắng, nhợt – Phân biệt triệu chứng bệnh Đông y

Chứng trạng Đông y

Khái niệm

Người bệnh vùng mặt không có huyết sắc biến thành màu trắng nhợt gọi là chứng sắc mặt trắng. Đây là do doanh huyết không làm tươi tốt vùng mặt gây nên chủ yếu gặp ở các chứng hư hàn và chứng huyết hư. Tố vấn – Ngũ tạng sinh thành thiên viết: “Màu sắc tương ứng với ngũ tạng, sắc trắng thuộc Phế vị cay”, Linh khu – Ngũ sắc thiên thì viết: “Sắc trắng là hàn”, “Lấy ngũ sắc để liên hệ với tạng thì sắc trắng là Phế”. Linh khu – Quyết khí thiên thì viết: “Huyết thoát thì sắc trắng, bợt bạt không tươi”. Chứng trị chuẩn thằng – Sát sắc yếu lược viết: “Sắc trắng thuộc Phế kim chủ về khí huyết bất túc, đó là sắc của Thủ Thái âm Phế kinh”. Những lý luận trên về cơ bản là khái quát ý nghĩa lâm sàng của chứng sắc mặt trắng. Vì nguyên nhân tạo nên doanh huyết không làm tươi tốt vùng mặt khác nhau, cho nên sắc mặt trắng còn có sự phân biệt là sắc mặt trắng nhợt, sắc mặt trắng không tươi và sắc mặt trắng xanh.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Sắc mặt trắng do huyết hư: Có chứng sắc mặt trắng nhợt, thể trạng gầy còm, đầu choáng mắt hoa, hồi hộp mất ngủ, chân tay tê dại, phụ nữ thì hành kinh lượng ít, môi lưỡi sắc nhợt, mạch Nhược.
  • Sắc mặt trắng do dương hư: Có chứng sắc mặt trắng không tươi mỏi mệt yếu sức, đoản hơi biếng nói, cơ thể lạnh, chân tay lạnh tự ra mồ hôi nhạt miệng không khát, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, môi lưỡi sắc nhạt, mạch Hư Nhược. Nếu kiêm chứng tiểu tiện ít, phù thũng thì sắc mặt trắng mà phù nhẹ.
  • Sắc mặt trắng do âm hàn nội thịnh ở trong: Có chứng sắc mặt trắng xanh, đau bụng dữ dội, sợ lạnh ưa ấm, miệng nhạt không khát, chân tay lạnh nằm co, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mà trơn nhuận, mạch Trầm Trì.
  • Sắc mặt trắng do ngoại cảm phong hàn : Có chứng sắc mặt trắng, ố hàn nặng phát nhiệt nhẹ, không mồ hôi, đau đầu mình, miệng lưỡi rêu trắng, mạch Phù Khẩn.
  • Sắc mặt trắng do dương hư thoát đột ngột: Có chứng sắc mặt trắng xanh, mồ hôi ra đầm đìa, mồ hôi trong loãng mà lạnh, chân tay quyết lạnh, không khát hoặc ưa uống ấm, nằm co, tinh thần mỏi mệt, mạch Vi muốn tuyệt.
  • Sắc mặt trắng do chân nhiệt giả hàn: Có chứng sắc mặt trắng xanh, chân tay quyết lạnh, ố nhiệt phiền khát muốn uống nước lạnh, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ tía, rêu lưỡi vàng khô, mạch Trầm Sác có lực.

Phân tích

  • Chứng Sắc mặt trắng do huyết hư: Phần nhiều do Tỳ Vị hư yếu, nguồn sinh hóa bất túc hoặc mất huyết quá nhiều tạo nên huyết hư không được nuôi dưỡng gây nên. Kim quỹ yếu lược – Tạng phủ kinh lạc tiên hậu mạch chứng viết: “Sắc trắng là vong huyết”. Chứng này sắc mặt trắng nhợt không tươi kiêm các biểu hiện gầy còm choáng váng hồi hộp mất ngủ, tê chân tay, môi lưỡi sắc nhợt, mạch Nhược… Điều trị nên bổ huyết, chọn dùng phương Tứ vật thang gia vị.
  • Chứng Sắc mặt trắng do dương hư. Vì dương khí bất túc không thúc đẩy được huyết vận hành gây nên. Điểm chẩn đoán phân biệt là sắc mặt không tươi sáng kiêm chứng mỏi mệt yếu sức, thân thể lạnh, chân tay lạnh, tiểu tiện trong, đại tiện nhão là biểu hiện do dương hư nội hàn. Nếu dương hư không hóa được thủy thấp thì kiêm chứng phù nhẹ, nặng hơn thì có chứng tiểu tiện ít mà phù thũng, điều trị nên ôn bổ dương khí, dùng phương Hữu quy ẩm gia giảm. Nếu thủy thấp không hóa được điều trị nên ôn dương lợi thâp dùng phương Tế sinh Thận khí hoàn gia giảm.
  • Chứng Sắc mặt trắng do âm hàn nội thịnh với chứng Sắc mặt trắng do ngoại cảm phong hàn và chứng Sắc mặt trắng do dương khí thoát đột ngột: sắc mặt của ba chứng này đều là từ trắng mà chuyển xanh, mặt khác lại có các hàn tượng như thân thể lạnh, chân tay lạnh và miệng nhạt không khát nhưng về cơ chế bệnh của ba chứng này khác nhau.

Âm hàn nội thịnh là chứng lý hàn; hàn chủ về co rút kinh mạch ngưng trệ cho nên có kiêm các chứng đau bụng kịch liệt, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, mạch Trầm Trì, V.V.. Chứng ngoại cảm phong hàn là do ngoại hàn xâm phạm dương khí bị uất gây nôn cho nên có kiêm các chứng ố hàn phát nhiệt, đầu và mình đau nhức, mạch Phù Khẩn. Chứng dương khí thoát đột ngột là do dương khí quá hư dẫn đến thoát đột ngột cho nên có kiêm các chứng vã mồ hôi đầm đìa, mồ hôi trong, loãng mà lạnh, tinh thần mệt mỏi nằm co, mạch Vi muốn tuyệt.

Chứng Sắc mặt trắng do âm hàn nội thịnh điều trị nên ôn trung tán hàn, chọn dùng phương Phụ tử lý trung thang. Chứng sắc mặt trắng do ngoại cảm phong hàn điều trị nên tân ôn giải biểu chọn dùng phương Ma hoàng thang. Chứng sắc mặt trắng do dương khí thoát đột ngột điều trị nên hồi dương cứu nghịch chọn dùng phương Tứ nghịch thang hoặc Sâm phụ thang.

  • Chứng Sắc mặt trắng do chân nhiệt giả hàn với chứng Sắc mặt trắng do âm hàn nội thịnh: Cả hai chứng đều có hàn tượng là sắc mặt đều trắng xanh, chân tay lạnh. Nhưng Sắc mặt trắng của chứng chân nhiệt giả hàn là do nội nhiệt quá thịnh dương khí bị uất bế ở trong không phân bố đều khắp ở thể biểu gây nên, đó tức là chứng “Dương thịnh cách âm”. Cho nên ngoài những giả tượng như sắc mặt trắng xanh, chân tay quyết lạnh còn có những biểu hiện Lý chân nhiệt như không ố hàn lại ố nhiệt, phiền khát thích uống lạnh, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ tía, rêu lưỡi vàng khô, mạch Trầm Sác có lực… Còn chứng Sắc mặt trắng do âm hàn nội thịnh thì không có biểu hiện của chứng Lý nhiệt. Chứng sắc mặt trắng do chân nhiệt giả hàn điều trị theo phép thanh nhiệt sinh tân, chọn dùng phương Bạch hổ thang.

Chẩn đoán chứng sắc mặt trắng ngoài những chi tiết chẩn đoán phân biệt nói trên còn phải chú ý đến màu sắc tươi nhuận, màu trắng mà hàm xúc tươi nhuận là tốt, màu trắng mà bộc lộ khô khan là không có Vị khí như Tố vấn – Ngũ tạng sinh thành thiên có viết: “Trắng như xương khô thì chết… trắng như mỡ gáy lợn thì sống”. Lại như Tố vấn – Mạch yếu tinh vi luận có viết: “Trắng phải như lông ngỗng chứ không được như muồi”. Như vậy biện chứng sắc mặt trắng trên lâm sàng cần phải kết hợp cả màu sắc với sự tươi nhuận mà cân nhắc.

Trích dẫn y văn

  • Người bệnh mặt không có sắc huyết, không có hàn nhiệt, mạch Trầm Huyền thì sẽ nục huyết. Nếu án mạch ở tay thấy yếu ớt như tuyệt sẽ đại tiện ra huyết, nếu vừa ho vừa phiền sẽ phát sinh thổ huyết (Kim quỹ yếu lược – Kinh quý thổ nục hạ huyết hung mãn ứ huyết bệnh mạch chứng tính trị).
  • Sắc trắng… nếu gặp ở Can bệnh thì khó chữa… nếu trắng mà đen, trắng mà vàng là quan hệ tương sinh rất tốt; Nếu trắng mà đỏ là tương khắc rất xâu, chứng Thương hàn sắc mặt trắng không có thần là do phát hãn khá nhiều hoặc do thoát huyết gây nên (Chứng trị quyết vi – vọng chẩn).
  • Mặt trắng như tờ giấy đó là Tâm khí sắp nguy (Trung y lâm chứng bị yếu).

Chứng trạng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận