Trang chủChứng trạng Đông yRun tay - Chẩn đoán bệnh Đông y

Run tay – Chẩn đoán bệnh Đông y

Khái niệm

Tay lẩy bẩy lay động, có khi một tay, có khi phát bệnh cả hai tay, gọi là chứng Run tay.

Chí chân yếu đại luận sách Tố vấn viết: Các loại phong quay quắt đều thuộc Can” Quay quắt ở đây có ý là lẩy bẩy lay động. Trong môn bàn về các bệnh Phong, sách Chứng trị chuẩn thằng có chuyên mục chứng run rẩy lay động. Nhưng run rẩy lay động trở thành một môn bệnh bắt đầu thấy từ sách Trương thị y thông. Run rẩy lay động bao gồm cả chứng đầu lắc lư, tay run rẩy, mình chuyển động, ở mục này chỉ giới thiệu chứng Run tay còn các bộ vị khác lay động không đề cập ở đây.

Chứng này với chứng Khiết túng cũng có hiện tượng run rẩy lay động, nhưng Khiết túng là chỉ tay chân co duỗi luân phiên liên tục không ngừng, còn chứng Run tay thì chỉ run rẩy lay động chứ không co giật. Ngoài ra, chứng này với chứng các tay co quắp cũng khác nhau, vì chứng kia ngón tay co quắp gấp khúc khó duỗi thẳng, hoạt động hạn chế, còn chứng này thì run rẩy không ngớt khó kiềm chế ngừng lại, hai loại tuy đều là bệnh ở vùng tay, nhưng chứng trạng có động tĩnh khác nhau rất xa…

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Run tay do Can phong: Có chứng tay run không ngớt kiêm chứng đầu choáng và đau, phiền táo mất ngủ, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Huyền Sác có lực hoặc Trầm Tế Sác.

Run tay do phong đàm: Có chứng tay run kiêm tê dại, ngực sườn bĩ đầy, nôn khan, buồn nôn, miệng dính có lúc phiền muộn cáu giận, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Huyền Hoạt.

Run tay do phong hàn: Có chứng vừa run vừa đau, sợ phong hàn, cổ gáy khó chịu, có mồ hôi hoặc không có mồ hồi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù hoặc Huyền Khẩn.

Run tay do Tỳ hư phong động: Có chứng run tay chậm chạp, sức nắm yếu, chân tay bứt dứt, hoặc kiêm chứng trướng bụng ỉa chầy, thể lưỡi to mập, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch Trầm Hoãn vô lực hoặc Huyền Hoãn.

Run tay do huyết hư phong động: Có chứng tay run và tê, sắc mặt không tươi, đầu choáng, hồi hộp mất ngủ, môi lưỡi trắng nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng , mạch Tế vô lực.

Run tay do âm hư phong động: Có chứng ngón tay rung động, tinh thần mệt mỏi hồi hộp, bụng và miệng khô, thể trạng gầy còm, lưỡi đỏ tía ít rêu hoặc không có rêu, mạch Tế Sác

Phân tích

  • Chứng Run tay do Can phong với chứng Rung tay do âm hư phong động: Loại trên trách cứ vào Can, loại sau trách cứ vào Can Thận, Can Thận cùng một nguồn, đều ở Hạ tiêu, Nhưng loại trên là Thực chứng, loại sau là Hư chứng. Run tay do Can phong phần nhiều gặp ở thể trạng Can dương vốn vượng, bởi vì Can chủ về gân, Can dương quá thịnh, dương động sinh phong, theo phong mà động cho nên run tay, Run tay do âm hư phong động phần nhiều gặp ở thể trạng âm hư nội động hoặc nhiệt tà phá phách kéo dài ở Hạ tiêu, phần âm của Can Thận bị hun đốt, âm hư không thể tiềm duơng, dương động sinh phong cũng có thể xuất hiện run tay, Điểm phân biệt khác nhau của hai chứng này là: run tay thực chứng phần nhiều phát bệnh đột ngột và lại run rẩy, khá kịch liệt, kiêm chứng đầu choáng và đau mạch hữu lực, thể lưỡi hơi cứng, chất lưỡi đỏ tối, Run tay hư chứng phần nhiều phát sinh ở thời kỳ cuối nhiệt bệnh, run rẩy từ từ, Ngô Cúc Thông hình dung là “ngón tay chỉ cảm thấy máy động” (Ôn bệnh điều biên) kiêm chứng trạng tinh thần không mạnh, hồi hộp, miệng khô họng ráo, mạch Tế Sác, lưỡi khô tía ít rêu. Run tay thực chứng điều trị nên bình Can dẹp phong chống run, dùng phương Linh giác câu đằng thang hoặc Thiên ma câu đằng thang, Run tay hư chứng điều trị nên tư âm dẹp phong chống run, cho uống Nhị giáp phục mạch thang.Chứng Run tay do phong đàm với chứng Run tay do phong hàn: Đều do phong từ ngoài xâm phạm gây nên. Điểm khác nhau là run tay do phong đàm là trong kinh lạc có đàm ẩm ẩn náu rất sâu, dấu hiệu chì rõ như: vùng mặt phù nhẹ có lúc tê, các đầu ngón tay hoặc tay chân uất trướng, duỗi ra khó khăn hoặc yết hầu khó chịu như bị vướng mắc rách nát, thể lưỡi to mập, rêu lưỡi trắng nhớt. Sau khi phát bệnh, tay run phần nhiều kiêm cả tê dại, chứng này phần nhiều gặp ở người cao tuổi. Chứng Run tay do phong hàn thường do doanh vệ không hoà, phong hàn trực tiếp ẩn náu ở vùng tay gây nên. Nói chung có nhân tố khí hậu ở bên ngoài rất rõ, sau khi phát bệnh có kiêm cả chứng trạng ngoại cảm phong hàn, tay run và đau,chứng này phần nhiều gặp ở tuổi thanh niên. Run tay do phong đàm điều trị nên trừ phong hóa đàm, cho uống Đạo đàm thang gia Trúc lịch. Run tay do phong hàn điều trị nên khư phong tán hàn cho uống Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang.
  • Chứng run tay do Tỳ hư phong động với chứng Run tay do phong đờm: “Tỳ là nguồn sinh ra đờm” Tỳ hư thấp tụ thì dễ sinh đờm, đờm ẩm ẩn náu ở trong, đàm động phong sinh thì run tay, Vì thế có thể nói cơ chế bệnh của hai loại này là nhất trí, tức là Tỳ khí hư kém. Nhưng Run tay do Tỳ hư phong động là thuộc thể hư phong mộc động ỏ trong mà sinh run tay. Còn Run tay do phong đàm là do phong với đàm cấu kết tranh giành ở kinh lạc, kinh mạch mất sự co thắt gây nên. Chứng trạng hai loại này phân biệt ở chỗ: Run tay do Tỳ hư phong động thì lúc run lúc ngưng, tay không cầm nắm được đồ vật, sức tay cầm nắm yếu và có cảm giác mỏi mệt rã rời, đồng thời có chứng kém ăn nhạt miệng, Run tay do phong đàm thì kiêm chứng tê dại như kiến bò, ngón tay có cảm giác căng trướng và kiếm các chứng nôn mửa, buồn nôn, ngực đầy, miệng dính, rêu lưỡi nhớt. Điều trị Run tay do Tỳ hư phong động nên dùng phép bồi thổ dẹp phong có thể dùng Lục quân tử thang gia Câu đằng, Đương qui, Bạch thược, Phòng phong…
  • Chứng Run tay do huyết hư phong động với chứng Run tay do âm hư phong động: cả hai đều trên cơ sở âm huyết bất túc mà phát bệnh, nhưng đem so sánh thì run tay loại trên chứng nhẹ, run tay loại sau chứng nặng. Loại trên phần nhiều phát sinh ở tật bệnh mạn tính hư tổn. Loại sau phần nhiều phát sinh ở nhiệt bệnh thời kỳ cuối. Loại trên nghiêng về Tâm Can huyết hư có đặc điểm của chứng Huyết hư như: run và tê tay, da dẻ ngứa kiêm chứng đầu choáng mắt hoa, hồi hộp mất ngủ… loại này phần nhiều là Can Thận âm hư đặc biệt là: run tay kiêm các chứng nội nhiệt rất rõ như: miệng và họng khô, da dẻ khô ráo, mạch Tế Sác, lưỡi đỏ tía thậm chí cuốn lưỡi. Run tay do huyết hư phong động điều trị theo phép dưỡng huyết dẹp phong chống run, cho uống Định trấn hoàn.

Chứng Run tay phần nhiều phát sinh ở người lớn tuổi nhưng trẻ em cũng đôi khi gặp, nguyên nhân là do kinh sợ hại thận, Thận mắc bệnh liên lụy đến Can, gân mạch mất đi sự cầm nắm cho nên run tay. Lâm sàng có thể thấy tay run không ngớt, cất nhắc bình thường, càng run tay n hất là gặp sự sợ hãi, Xích mạch Hư lưỡi đỏ không có rêu. Điều trị theo phép bổ Thận, dưỡng Can, cho uống Lục vị địa hoàng hoàn hợp với Thanh nga hoàn gia Câu kỷ tử, Cúc hoa, Mạch đông, Ngũ vị tư .v.v… Bệnh này ở người nghiện rượu rất dễ bị chứng run tay và rất khó chữa.

Chứng Run tay tuy giới hạn ở bàn tay nhưng thường là dấu hiệu bệnh biến của nội tạng, đặc biệt là chứng run tay do Can phong nội động với Run tay do phong với đàm tranh giành nhau phần nhiều là tiên triệu của bệnh Trung phong, Trong sách Y lâm cải thác có nêu mười điều những hình trạng trước khi phát bệnh Trúng phong trong đó có Chứng Run tay, sách đó nói: “Có trường hợp một tay bị run, có trường hợp hai tay bị run, có trường hợp chỉ ngón tay vô danh, hàng ngày có lúc chỉ co lại mà không duỗi ra được, có trường hợp ngón tay cái vô cớ không vận động được” Vì thế đối với chứng Run tay cần phải tích cực điều trị đề phòng tiến triển của bệnh và đề phòng phát sinh Trúng phong.

Trích dẫn y văn

Chứng Run tay là do sự co thắt của gân mạch kém không nắm được đồ vật. Đó là hiện tượng của phong. Sách Nội kinh hói: “Các loại phong quay quắt đều thuộc Can mộc, Can chủ phong, phong là dương khí. Dương chủ động, đây là mộc khí thái quá mà khắc Tỳ thổ? Tỳ chủ về tứ chi, tứ chi là nơi cuối cùng của các kinh dương, mộc khí tác động đến cho nên bị động. Kinh nói: “Phong tà lâu đến cuối cùng gây bệnh là như thế” Cũng có trường hợp đầu lay động mà tay chân không lay động bởi vì đầu là vị trí cao nhất của các kinh dương, mộc khí xông lên cho nên chỉ riêng đầu lay động còn tay chân không động. Tản ra ở phần cuối tay chân cho nên tay chân động mà đầu không động, đều là do mộc khí thái quá kiêm cả sự biến hóa của hỏa vậy (Chứng trị chuẩn thằng – Chiên trấn).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây