Rêu lưỡi vàng (thiệt thai hoàng) – Phân biệt triệu chứng Đông y

Chứng trạng Đông y

Khái niệm

Bề mặt lưỡi hiện sắc vàng gọi là chứng “Rêu lưỡi vàng”, cũng gọi là “Thiệt thai hoàng”. “Hoàng thai”.

Trong sách Nội kinh đã ghi chứng “Thiệt thượng hoàng” rất sớm. Người xưa trong thiệt chẩn thường gọi lẫn lộn giữa lưỡi và rêu lưỡi: nói “bề mặt lưỡi vàng”, lưỡi “xuất hiện sắc vàng” thực ra là chỉ rêu lưỡi sắc vàng chứ không phải là chỉ sắc của lưỡi.

Rêu lưỡi vàng thăm khám trên lâm sàng cần phân biệt tình huống, tính chất của rêu lưỡi như dầy, mỏng, nhuận, táo, nát và nhớt. Cũng cần phải phân biệt chất nhuộm vào rêu và giả tướng của nó. Ví dụ như ăn lòng đỏ trứng, ăn quả thị, quả quất thời có nhuộm cả thực vật, đường và quả, lại như uống bột Hoàng liên, nước sắc đông dược cũng thường làm cho rêu lưỡi xuất hiện sắc vàng. Ảnh hưởng của khí hậu thời tiết như mùa Hạ rêu lưỡi có thể thấy mỏng và vàng nhạt. Người hay nghiện rượu thường hay có rêu lưỡi vàng đục. Người nghiện thuốc lá thường thấy rêu lưỡi vàng cáu và ở giữa hơi có quầng đen… những điều đó khác với rêu lưỡi vàng thuộc bệnh lý. Khám lưỡi dưới ánh đèn ban đêm cũng dễ chuyển mầu vàng thành mầu trắng.

Rêu lưỡi vàng kết hợp với sự biến hóa của chất lưỡi không thuộc phạm vi giới thiệu ở mục này.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Rêu lưỡi vàng do Vị nhiệt quá thịnh: Có chứng rêu lưỡi vàng, mình nóng dữ, chỉ Ô nhiệt không ố hàn, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ tâm phiền, khát nước liên tục, mạch Hồng Đại.
  • Rêu lưỡi vàng do Vị Trường thực nhiệt: Có chứng rêu lưỡi vàng sẫm dầy mà khô ráo. Nặng hơn thì vàng già khô nứt và nổi gai, mặt đỏ mình nóng, triều nhiệt về buổi chiều khát nước vã mồ hôi liên miên hoặc ỉa chầy ra toàn nước trong, bụng đầy đau cự án, phiền táo nói sảng, nặng hơn thì thần trí không tỉnh táo hoặc lần áo sờ giường, mạch Trầm có lực hoặc Hoạt Thực.
  • Rêu lưỡi vàng do Tỳ Vị thấp nhiệt uất trệ: Có chứng rêu lưỡi vàng mà có cáu bẩn, chất lưỡi đỏ mình nóng bứt dứt, tâm phiền miệng khát nhưng không muốn uống, vùng bụng trướng đầy không thiết ăn uống, nôn mửa, buồn nôn, đại tiện bẩn nhớt rất hôi, mạch Hoạt Sác.

Phân tích

  • Chứng Rêu lưỡi vàng do Vị nhiệt quá thịnh với chứng Rêu lưỡi vàng do Vị trường thực nhiệt: Rêu lưỡi vàng do Vị nhiệt quá thịnh là do tổn thương hàn tà hóa nhiệt vào lý hoặc là ôn bệnh tà nhiệt phạm vào khí phận đến nỗi Dương minh Vị nhiệt quá thịnh cho nên rêu lưỡi vàng. Chứng Rêu lưỡi vàng do Vị Trường thực nhiệt là do nhiệt tà ở Dương minh chưa giải được truyền vào Vị phủ cùng trọi nhau với phân táo ở trong ruột kết lại ở Vị Trường cho nên thấy rêu lưỡi vàng sẫm dầy mà khô ráo, thậm chí vàng dầy khô nứt và nổi gai, sách Trung y thiệt chẩn viết: “Đến như rêu lưỡi khô sắc vàng tích dầy đầy lưỡi đó là lý chứng thực nhiệt không ngờ gì nữa”, cả hai chứng đều là tà nhiệt phạm vào Dương Minh Vị Trường.

Loại trên là thuộc Dương minh kinh chứng, yếu điểm biện chứng là mình nóng dữ, ra nhiều mồ hôi rất khát nước mạch Hồng Đại. Loại sau thuộc Dương minh phủ chứng có đặc điểm là đại tiện bí kết hoặc nhiệt kết bàng lưu bài tiết ra hoàn toàn nước trong nhưng nước bài tiết rất hôi, giang môn cảm thấy nóng rát, triều nhiệt vào buổi chiều, vùng bụng trướng đầy, đau và cự án, ra mồ hôi nhiều có lúc nói sảng, mạch Trầm Thực, đó là mấu chốt để chẩn đoán. Chứng Rêu lưỡi vàng do Vị nhiệt quá thịnh điều trị nên thanh nhiệt sinh tân, dùng phương Bạch hổ thang. Chứng Rêu lưỡi vàng do Vị Trường thực nhiệt điều trị nên quét bỏ táo kết cho uống Thừa khí thang.

  • Chứng Rêu lưỡi vàng do Tỳ Vị thấp nhiệt úng trệ: Do cảm nhiễm thấp tà lâu ngày tà khí uất ở lý hóa nhiệt hoặc là người vốn ăn nhiều thức cay nóng nồng hậu tăng thâp tích nhiệt hoặc là người trong Vị có túc thực tích trệ, những tà khí uế trọc do thấp nhiệt câu kết với những cặn bã tích chứa ở trong Vị, hơi độc trào lên lưỡi nên thấy rêu lưỡi vàng mà cáu bẩn lại kiêm các chứng do Tỳ Vị mất sự thăng giáng như ngực đầy bụng đau, nôn mửa, buồn nôn, mình nóng bứt dứt, đại tiện cáu nhớt do thấp nhiệt úng ở trong, điều trị nên thanh nhiệt hóa thấp tiêu tích quét bỏ vẩn đục dùng các phương Chỉ thực đạo trệ hoàn với Tả Tâm thang.

Cũng cần biết Rêu lưỡi vàng là những biểu hiện của lý thực nhiệt chứng như sách Thương hàn thiệt giám nói: “Rêu lưỡi vàng là lý chứng… Dương minh phủ thực trong Vị hỏa thực, hỏa lấn lên vị trí của thổ cho nên có rêu lưỡi như thế”. Ba chứng giới thiệu ở trên, một chứng là nhiệt chứng ở Dương minh khí phận là tà nhiệt vô hình tác hại có đặc điểm là rêu lưỡi vàng mà hơi khô. Một chứng là nhiệt tà truyền kinh câu kết với thực là hữu hình ở Vị Trường biến thành Dương minh phủ thực chứng đặc điểm là rêu lưỡi vàng ráo mà khô hoặc vàng sẫm nổi gai. Một chứng là nhiệt độc và thấp trọc úng trệ ở Tỳ Vị đặc điểm là rêu lưỡi vàng mà cáu bẩn như nói: “Thổ trát bột ở trên lưỡi sắc vàng tối mà dầy” (Trung y thiệt chẩn). Ba chứng nói trên sự biến hóa của rêu lưỡi và đặc điểm chứng hậu không được xem xét lẫn lộn.

Ngoài ra sách Thiệt giám biện chứng nói: “Rêu lưỡi vàng thấy ở khắp lưỡi là tạng phủ đều nhiệt gặp ở kinh nào tức là nhiệt ở kinh ấy, chứng biểu lý nên phân biệt như thế mới là hợp lý”. Nói lên thấy rêu lưỡi vàng không thể cứ đổ do Dương minh nhiệt chứng, đối với các tạng phủ khác có nhiệt cũng có thể xuất hiện rêu lưỡi vàng như sách Thương hàn bản chỉ viết: “Những chứng rêu lưỡi vàng nổi lên mỏng và nhạt đó là nhiệt ở Phế chứ chưa vào Vị. Lâm sàng có thể căn cứ vào sắc trạch của rêu lưỡi vàng, bộ vị xuất hiện của nó để mà chẩn đoán phân biệt. Nếu lại giới hạn ở ven lưỡi vàng thì là Can kinh nhiệt thịnh; gốc lưỡi vàng là Hạ tiêu có nhiệt, đầu lưỡi vàng là Thượng tiêu có nhiệt.

Trích dẫn y văn

  • Thận Yêm nói: “Tôi từng thấy rêu lưỡi có mầu sắc như Khương Hoàng và rêu lưỡi kết màng như hoa thông nhạt đều là ướt nhuận mà lạnh đó đều là chứng dương suy thổ bại không chữa được, đó là điều mà cổ nhân chưa nói đến cho nên bổ sung ở đây (Tứ chẩn quyết vi – Vọng chẩn).
  • Nếu như thấy giữa rêu lưỡi có mầu trắng xen vàng hoặc là hơi vàng mỏng là tà khí mới xâm phạm Dương minh còn có chút biểu chứng, hơi hàn hoặc ố hàn thời nêndùng thuốc lương tán. Nếu rêu lưỡi vàng mà ráo, ngoại chứng không ố hàn mà ố nhiệt đó là Thương hàn ngoại tà mới phạm vào phần lý của Dương minh hoặc tà khí thấp nhiệt ở bên trong muốn đi ra phần biểu của Dương minh, lúc này Vị gia nhiệt chưa thực nên dùng phương như Chi sị bạch hổ thang theo phép thanh cũng được (Biện thiệt chỉ nam).

Chứng trạng Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận