Trang chủChứng trạng Đông yNửa người tê dại (bán thân ma mộc)

Nửa người tê dại (bán thân ma mộc)

Khái niệm

Ma mộc chỉ xuất hiện ở nửa cơ thể gọi là bán thân ma mộc.

Trong các y thư cổ đại, các chứng bán thân ma mộc với Tứ chi ma mộc đều xếp vào phạm vi các chứng “Tý”, “Trúng phong”, từ đời Kim về sau mới bắt đầu mang tên chứng Ma mộc.

Mục này chuyên giới thiệu nửa người ma mộc, còn Tứ chi ma mộc tham khảo ở chuyên mục riêng.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Bán thân ma mộc do trung khí hư nhược: chứng nửa người tê dại kiêm chứng chân tay mềm yếu vô lực, đồng thời có các chứng Tâm hoang, đoản hơi, sợ gió, tự ra mồ hôi, mạch Nhược, lưỡi nhợt rêu lưỡi trắng mỏng…
  • Bán thân ma mộc do doanh huyết suy tổn: chứng nửa người tê dại kiêm chứng đầu choáng, mắt hoa, hồi hộp mất ngủ, mạch Tế Nhược, lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi mỏng hơi khô.
  • Bấn thân ma mộc do phong hàn ở ngoài xâm phạm: Có chứng nửa người tê dại kiêm chứng đau mình, đau đầu, sợ phong hàn không mồ hôi, mạch Phù Khẩn, rêu lưỡi mỏng trắng nhuận.
  • Bán thân ma mộc do Can phong nội động: chứng nửa người tê dại kiêm chứng run rẩy ở mức độ khác nhau, lại thêm các chứng choáng váng, đau đầu phiền táo hay giận, mất ngủ hay mê, mạch Huyền có lực, chất lưỡi đỏ tối, ít rêu lưỡi hoặc vàng mỏng mà khô.
  • Bán thân ma mộc do thấp đờm ngăn trở đường lạc:Có chứng nửa người tê dại kiêm các chứng thân thể nặng nề, đầu choáng và nặng, buồn nôn, Tâm phiền khó chịu, mạch Huyền Hoạt, lưỡi nhợt tối, r.êu lưỡi trơn nhuận hoặc trắng nhợt.

Phân tích

  • Chứng Bán thân ma mộc do trung khí hư yếu với chứng Bán thân ma mộc do doanh huyết hư tổn: Cả hai đều thuộc hư chứng khởi bệnh từ từ, nhưng nguyên nhân và cơ chế bệnh khác nhau. Bán thân ma mộc do khí hư phần nhiều do lao lực quá độ, ăn uống không đúng mức hoặc dùng thuốc công phạt thái quá đến nỗi trung khí bị tổn hại, nguyên khí không đầy đủ, phát sinh tê dại. Bán thân ma mộc do huyết suy phần nhiều do mất huyết quá nhiều hoặc phòng lao, đẻ dầy, hao tổn âm huyết âm tinh. Hoặc thời kỳ cuối của nhiệt bệnh âm dịch bị hun đốt hoặc uống quá nhiều, thuốc cay ấm trợ nhiệt khiến cho âm huyết suy tổn, gân mạch không tươi tốt phát sinh tê dại.
  • Chứng bán thân ma mộc do khí hư: Trách cứ ở Tỳ khí hư yếu như Tiết Lập Trai từng nói: “Cánh tay tế dại và mềm yếu là do Tỳ vô dụng”. Bán thân ma mộc do huyết suy thì lỗi ở Can Thận bất túc, căn cứ vào kinh nghiệm và quan sát lâm sàng của cổ nhân thì Bán thân ma mộc do khí hư phần nhiều phát sinh ở chân tay bên phải kiêm các chứng hơi sợ gió, có lúc ra mồ hôi, Tâm hoang, đoản hơi…
  • Chứng Bán thân ma mộc do huyết suy: Phần nhiều phát sinh ở tay chân bên trái kiêm các chứng đầu choáng mắt hoa, mất ngủ, hồi hộp… Mạch tượng của hai chứng đều xuất hiện là Nhược, nhưng mạch thuộc khí hư thì từ từ, mạch thuộc huyết hư thì hơi nhanh. Phương pháp điều trị Bán thân ma mộc thuộc khí hư nên bổ khí nhu cân, chọn dùng phương Thần hiệu hoàng kỳ thang. Bán thân ma mộc thuộc huyết hư điều trị nên dưỡng huyết nhu cân, chọn dùng phương Hoạt thị bổ Can tán.
  • Chứng Bán thân ma mộc do phong hàn từ ngoài xâm phạm với chứng Bán thân ma mộc do Can phong nội động: Cả hai đều thuộc Thực chứng phát bệnh khá nhanh nhưng Bán thân ma mộc do phong hàn từ ngoài xâm phạm là do phong hàn xâm phạm bì mao, từ bì mao lấn vào lạc mạch, lạc mạch bị vít nghẽn gây nên. Bán thân ma mộc do Can phong nội động là do Can dương muốn vượng, dương cang sinh phong, phong tà len lỏi vào kinh lạc, kinh lạc không được thấm nhuần mà phát bệnh. Từ nguyên nhân bệnh, Bán thân ma mộc do phong hàn từ ngoài xâm phạm, tất phải có bệnh sử về cảm nhiễm phong hàn, còn Bán thân ma mộc do Can phong nội động phần nhiều có liên quan đến biến động về tình chí. Yếu điểm phân biệt của hai chứng là: Bán thân ma mộc do phong hàn ở ngoài xâm phạm thường kiêm có biểu chứng như đau thân thể và sợ gió mạch Phù. Bán thân ma mộc do Can phong nội động thường kiêm cả chứng Can vượng như có chứng run rẩy ở mức độ khác nhau và đau đầu choáng váng mạch Huyền. Loại trên điều trị nên tân ôn giải biểu, thư cân hoạt lạc chọn dùng phương Hoàng kỳ Quế chi ngũ vật thang gia Ngô công, Cương trùng. Loại sau điều trị nên bình Can dẹp phong nhu cân hoạt lạc, chọn dùng phương Thiên ma câu đằng ẩm.
  • Chứng Bán thân ma mộc do thấp đàm ngăn trở đường lạc: Nguyên nhân do Tỳ không hóa tân, tân ứ đọng thành thấp, thấp tụ lại thành đờm, đờm ẩn náu ở kinh lạc, xuất hiện triệu chứng bán thân tê dại. Yếu điểm biện chứng là: 1. Thể trạng khá mập; 2. Tê dại kèm theo tay chân nặng nề; 3. Mạch Huyền Hoạt, rêu lưỡi trắng nhuận hoặc nhơn nhớt. Phụ nữ thì ra nhiều bạch đới. Chứng này lấy thấp đàm làm tiêu, Tỳ hư làm bản cho nên điều trị phải kiện Tỳ ích khí kèm theo thuốc hóa đàm thông lạc chọn dùng phương Bán hạ Bạch truật thiên ma thang gia vị.

Chứng Bán thân ma mộc nặng hơn so với chứng Tứ chi ma mộc, đã có tư liệu báo cáo: “Một bên chân tay tê dại yếu sức là dấu hiệu báo trước của Trúng phong (Thượng Hải Trung y tạp chí – số tháng 8/1981). Tựu tung Can phong nội động rất dễ phát sinh nhưng chúng ta cũng không nên xem nhẹ loại Bán thân ma mộc do khí huyết hư tổn vì khí hư rất dễ vẫy gọi phong, huyết hư thì rất dễ sinh phong, chỉ khi nào khí huyết đầy đủ “Cái chân quý của năm tạng lưu thông” mới có thể “Không làm cho tà phong xâm lấn vào kinh lạc”. Vì thế cố gắng luện tập, điều tiết ăn uống, dưỡng tính nuôi thần, giữ gìn cho khí huyết lưu thông mới là biện pháp tốt để dự phòng Trúng phong.

Trích dẫn y văn

– Ma mộc sinh phong xẩy ra ở trẻ em đều là việc tất nhiên nhưng xét cho tỷ mỉ lại có chỗ khác nhau. Ngồi lâu mà đứng lên cũng có thể tê dại như người bị buộc dây chặt, sờ vào thấy tê dại không động cựa được phút chốc lại bình thường. Do kinh nghiệm đó không phải là phong tà, đó chỉ là khí không lưu thông, về điều trị nên bổ khí ở trong Phế thì tê dại sẽ rút. Như âm hỏa ở trong kinh mạch lân vào dương phận hỏa động ở trong mà tê dại, nên chữa cả âm hỏa thì khỏi bệnh. Lại có khi đờm thâu, mùa Thu hóng mát ở ngoài mà phía trên gây bệnh nên dùng thuốc ấm làm bền chắc bì mao. Chứng mình nặng mạch Hoãn thấp khí ẩn náu phát sinh thường xẩy ra gấp gáp nên thăng dương trợ khí ích huyết, nhẹ nhàng tả bớt âm hỏa và thấp làm lưu thông kinh mạch điều hòa âm dương thì bệnh khỏi (Lan thất bí tàng – Phụ nhân môn).

– cảm thấy vùng đầu tê dại lan tỏa tới giữa ức thì chết hoặc cảm thấy lòng bàn chân tê dại lan tỏa tới đầu gối cũng chết (Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc – Ma mộc nguyên lưu).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây