Trang chủChứng trạng Đông yNgón tay co cứng - Chẩn đoán bệnh Đông y

Ngón tay co cứng – Chẩn đoán bệnh Đông y

Khái niệm

Ngón tay co cứng tục gọi là Kê trảo phong chỉ chứng ngón tay co cứng cong queo khó duỗi thẳng mà hoạt động của cổ tay vẫn như thường.

Xét trong sách Nội kinh không nói tới ngón tay co cứng, nhưng những miêu tả giống như chứng này có khá nhiều, như chứng “Khiêt” (Tố vấn – Ngọc cơ chân tàng luận) “Loan cấp” “Câu cấp” (Linh khu – Kinh mạch thiên) “Câu câp” “Câu cường” (Tố vấn – Lục nguyên chính kỷ đại luận) “Câu loan” {Linh khu – Thích tiết chân tà thiên)… Sách Chư bênh nguyên hậu luận có ghi chuyên mục “Ngũ chỉ câu loan bất đắc khuất thân hậu”, sách Chứng trị chuẩn thằng có chuyên mục trị chứng “Loan”. Qua những ghi chép ở các y thư nhiều đời, tên gọi chứng này thường không thống nhất.

Ngón tay co cứng là chỉ gân mạch ở ngón tay co quắp. Nếu gân mạch ở ngón chân cơ quắp, không thể co duỗi được thì gọi là Chuyển cân (chuột rút). Điếu cước cân, nếu gân mạch cả tứ chi đều co cứng không co duỗi được thì gọi la Trừu cân, Tứ chi câu loan… tham khảo chuyên luận ở sách này.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Ngón tay co cứng do huyết không nuôi gân: Có chứng ngón tay co cứng kiêm cảm giác tê dại, sắc mặt không tươi, choáng váng, da dẻ không nhuận, mệt mỏi yếu sức, môi lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng , mạch Huyền Tế vô lực.
  • Ngón tay co cứng do huyết ráo gân tổn thương: Có chứng ngón tay co cứng kiêm cảm giác nóng rát, da dẻ khô ráo, môi miệng nứt nẻ, khát nước muốn uống, Tam phiền táo bón, lưỡi đỏ ít tân dịch, không có rêu hoặc ít rêu, mạch Huyền Tế Sác.
  • Ngón tay co cứng do hàn thấp hại gân: Có chứng ngón tay co cứng kiêm đau mỏi khổ sở, sợ lạnh tay chân lạnh, thời tiết âm u mưa gió thì bệnh tăng lưỡi đỏ tối, rêu lưỡi mỏng trắng nhuận, mạch Huyền Khẩn hoặc Huyền Hoạt.

Phân tích

– Chứng Ngón tay co cứng do huyết không nuôi gân với chứng Ngón tay co cứng do huyết ráo gân tổn thương:

Cả hai đều do âm huyết bất túc gây nên, nhưng nguyên nhân cơ chế bệnh khác nhau, chứng trạng và điều trị cũng có đặc điểm riêng, Chứng do huyết không nuôi gân xuất hiện sau khi mất huyết hoặc thể trạng vốn suy yếu như các tình huống thể huyết, đại tiện ra huyết, sau khi ốm bị mất huyết quá nhiều, sinh đẻ dày, doanh dưỡng không tốt V.V.. Vì doanh huyết suy hư không nuôi dưỡng được gân mạch nên gân căng mà co cứng. Chứng huyết ráo gân bị tổn thương phần nhiều xẩy ra ở thời kỳ cuối của nhiệt bệnh hoặc xuất hiện khi khí uất hóa táo, vì âm huyết suy hao, cân mạc không tươi nhuận, mà khí uất hóa táo dễ hao âm hại gân. Hai chứng này đều có thể làm khô cân mạc, cân mạc khô thì gân căng mà co quắp. Loại trên là do huyết hư dẫn đến co cứng. Loại sau là do huyết táo dẫn đến co cứng, cơ chế bệnh hai loại có chỗ khác nhau. Chứng do huyết không nuôi gân tiến triển theo quá trình từ tờ, phần nhiều trước tê dại rồi sau mới co cứng kiêm các chứng đầu choáng mắt hoa, hồi hộp sợ sệt, sắc mặt úa vàng.v.v… Chứng do huyết táo gân tổn thương thì trước có cảm giác nóng rát sau mới xuất hiện co cứng, kiêm các chứng lông tóc khô khan, da dẻ ngứa ngáy, khát nước, Tâm phiền, táo bón… Chứng huyết không nuôi gân điều trị nên dưỡng huyết thư cân, có thể áp dụng phép chữa co cứng của Chu Đan Khê, chọn dùng phương Tứ vật thang. Chứng huyết táo gân tổn thương điều trị nên nhuận táo dưỡng huyết nhu cân, cho uống Dưỡng huyết địa hoàng hoàn, hoặc Tư táo dưỡng vinh thang.

– Chứng Ngón tay co cứng do hàn thấp làm hại gân:

Hàn là âm tà, tính của nó co rút và ngưng trệ, hàn xâm phạm gân mạch, sẽ dẫn đến hình thể bị co cứng, các khớp cơ quắp, co duỗi khó khăn, nhưng hàn có nội hàn, ngoại hàn khác nhau. Ngoại hàn kiêm thấp lại chia ra hàn nặng và thấp nặng.

Ngoại hàn mà dẫn đến các ngón tay co cứng tất phải có nguyên nhân bên ngoài rõ rệt, như ngón tay bị ảnh hưởng nhiễm khí hậu giá lạnh kéo dài hoặc trường kỳ làm công tác sống nước, có đặc điểm là: ngón tay co cứng kiêm sưng đau. Hàn thịnh lấy chứng đau là chủ yếu. Thấp thịnh lấy chứng sưng làm chủ yếu, bì phu hiện sắc trắng xanh hoặc xanh đen, gặp khí hậu lạnh thì bệnh tăng, Nội hàn thường do tạng khí hư yếu dần tổn thương đến Thận duơng, Thận dương mất sự ôn thông kinh mạch khiến cho các khớp ngón tay co cứng và đau, có đặc điểm là; phần nhiều xuất hiện trong quá trình tật bệnh mạn tính có các chứng ngón tay co cứng và đau, về đêm bệnh tăng, thân thể lạnh tay chân lạnh, gặp âm thì giảm đau v.v… Điều trị ngoại hàn chủ yếu dùng phép tán, tức là tán hàn thấp, thư gân mạch, Hàn thịnh đau nặng thì chọn dùng Ý dĩ nhân thang. Thấp thịnh sưng nặng thì chọn dùng Quyên tý thang gia Bạch giới tử, Tỳ giải.

Điều trị nội hàn chủ yếu dùng phép ôn, tức là ôn Thận dương, thư gân mạch, chọn dùng phương Quế chi phụ tử thang hợp với Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang.

* Chứng Ngón tay co cứng còn có thể gây nên do gặp lạnh đột ngột hoặc biến đổi tình chí khác thường. Loại trên có kiêm chứng ngón tay đau kịch liệt, Loại sau thì xuất hiện từng đợt ngắt quãng, thường tuỳ theo động thái tinh thần được cải thiện mà dịu đi. Bị lạnh đột ngột mà bị bệnh, điều trị nên ôn kinh tán hàn, dưỡng huyết trừ phong, cho uống Ô đầu thang gia giảm. Do tình khí khác thường mà bị bệnh, điều trị nên thông đạt khí cơ, dưỡng huyết nhu cân, cho uống ức Can tán.

Chứng này tuy xuất hiện ở các ngón tay nhưng phần nhiều liên quan đến nội tạng, có khi còn là ngoại hậu của tật bệnh nội tạng, Trường hợp hàn thấp làm tổn thương đến gân mạch cơ thể xâm phạm vào Tỳ Thận, Tâm, khiến cho dương khí ngày càng suy, Còn doanh huyết bất túc hoặc táo làm thương gân mạch, phần nhiều có quan hệ chặt chẽ đến Tâm Can, Thận, Phế âm hư. Vì vậy, ngón tay co cứng lâu ngày không khỏi, nói lên âm huyết hao thương, dương khí hao hụt, tạng phủ hư tổn, phần nhiều tiên lượng không tốt, trong khi điều trị bằng Đông y, nên phối hợp điều trị châm cứu để thúc đẩy hiệu quả.

Trích dẫn y văn

Co cứng không duỗi ra được, đó là gân co teo lại không duỗi ra được. Gân gặp phong nhiệt thì lỏng lẻo, gặp phong lạnh thì co cứng (Chư bệnh nguyên hậu luận – Ngủ chỉ cân loan bất đắc khuất thân hậu).

Các chứng Phi phong, Khiết túng cũng phân biệt hàn, nhiệt. Xem lời kinh nói: hàn thời gập lại co cứng, nhiệt thì lỏng lẻo không co được, đó là lý do bình thường, Nhưng hàn và nhiệt đều có thể co cứng, cũng có thể lỏng lẻo, là những điều cần phải biết như hàn mà co cứng, vì hàn thịnh thì huyết ngưng, huyết ngưng thì rít trệ, rít trệ thì co cứng, đó là hàn làm thương Doanh, Nhiệt là co cứng vì hoả thịnh thì huyết ráo, huyết ráo thì gân khô, gân khô thì co cứng, đó là nhiệt làm thương Doanh (Cảnh Nhạc toàn thư – Phi phong).

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây