Trang chủChứng trạng Đông yMôi xanh tía (tím tái) - Triệu chứng bệnh Đông y

Môi xanh tía (tím tái) – Triệu chứng bệnh Đông y

Khái niệm

Môi tím tái là chỉ môi và miệng xuất hiện mầu sắc xanh đậm và tía hoặc xanh nhạt mà tía. Sách Kim quỹ yếu lược có ghi chứng “Thần khẩu thanh” coi là chứng hậu nguy hiểm. Các y thư đời sau rất ít ghi chép chứng này.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Môi tím tái do Tỳ dương hư yếu: Có chứng môi miệng tím tái, kém ăn, đại tiện nhão, sau khi ăn thì bị trướng bụng, chân tay không ấm, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Nhược.
  • Môi tím tái do hàn phạm Thiếu âm: Có chứng môi xanh hơi tía, sắc mặt đen sạm, chân tay lạnh, đầu choáng, hoặc động làm thì thở suyễn hoặc lưng gối mỏi, mạch Trầm Khẩn, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trơn ánh nước.
  • Môi tím tái do đờm trọc ngăn trở Phế: Có chứng môi tím tái kiêm khái suyễn đờm khò khè, thậm chí phải há miệng so vai không nằm được, đờm trọc đặc và dính hoặc đờm trắng loãng và trong, mạch Hoạt và Sác, rêu lưỡi dầy nhớt hoặc trắng trơn dầy nhớt.
  • Môi tím tái do khí trệ huyết ứ: Có chứng môi miệng tím tái, sắc mặt đỏ tôi hoặc xanh nhợt, vùng ngực khó chịu hoặc có lúc đau nhói hoặc ngực sườn đầy tức, đoản hơi, Tâm hoang, mạch Trầm sắc mà Hoãn, lưới tía có nốt ứ huyết, rêu lưỡi mỏng.

Phân tích

  • Chứng Môi tím tái do Tỳ dương hư yếu với chứng Môi tím tái do hàn phạm Thiếu âm: Loại trên vị trí bệnh ở Tỳ, Tỳ vẻ tươi đẹp hiện ở môi, Tỳ dương không mạnh thanh dương không đưa lên môi được lâu ngày có thể làm cho môi tím tái. Nếu hàn phạm Thiếu âm là do âm hàn thịnh ở trong, Mệnh môn hỏa suy dương khí không vận chuyển, môi miệng xuất hiện mầu tím tái. Phân biệt hai chứng này: Môi tím tái do Tỳ dương hư yếu so với chứng Môi tím tái do hàn phạm Thiếu âm nhẹ hơn và có những hiện tượng Tỳ dương không mạnh như: bụng trướng kém ăn, đại tiện nhão, chân tay không ấm. Hàn phạm Thiếu âm thì có những triệu chứng âm hàn thịnh ở trong dáng vẻ Thận dương suy sụp như các chứng chân tay nghịch lạnh, sắc mặt đen sạm, hễ động làm thì thở suyễn, rêu lưỡi trơn ánh nước. Chứng Tỳ dương hư yếu điều trị nên ôn vận Tỳ dương chọn dùng phương Phụ tử Lý trung thang. Chứng hàn phạm Thiếu âm điều trị nên ôn Thận tán hàn chọn dùng phương Tứ nghịch thang.
  • Chứng Môi tím tái do đờm trọc ngăn trở Phế với chứng Môi tím tái do khí trệ huyết ứ: cả hai đều là Thực chứng. Môi tím tái do đờm trọc ngăn trở Phế là do vốn có bệnh về đờm, về khái suyễn, Phế khí không túc giáng, tân dịch tụ lại sinh đờm. Tỳ hư không vận hóa được thấp cũng ứ đọng mà sinh đờm. “Phế là cái dụng cụ để chứa đờm”. Đờm trọc tích đọng ở Phế, Phế khí bị nghẽn tặc, trăm mạch không phân giải được cho nên thấy môi tím tái. Có đặc điểm là thường kèm theo chứng khái suyễn đờm khò khè, rêu lưỡi đầy nhớt. Còn chứng Môi tím tái do khí trệ huyết ứ phần nhiều do tổn thương về tính chí, khí cơ không lưu thông, bệnh lâu do khí vào huyết, ứ huyết ngăn trở đường lạc, khí huyết không dâng lên trên cho nên thấy môi tím tái. Đặc điểm của chứng này là ngực khó chịu và đau hoặc ngực sườn đầy tức, môi xanh từ tía nhạt chuyển đến tía đậm, mạch Sắc, lưỡi tôi có nốt ứ huyết. Chứng đờm trọc ngăn trở Phế có các chứng đờm nhiệt và đờm thấp khác nhau. Loại trên thì rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác “điều trị nên thanh hóa đàm nhiệt túc Phế giáng khí, chọn dùng phương Ma hạnh thạch cam thang gia Tế trà hợp với Bối mẫu qua lâu tán. Loại sau thì rêu lưỡi trắng nhớt mạch Hoạt không Sáp. Điều trị nên ôn hóa đờm thấp, kiện Tỳ túc Phế, chọn dùng phương Linh cam gia khương tân bán hạ hạnh nhân thang. Chứng khí trệ huyết ứ cũng có chia ra nặng về khí trệ và nặng về huyết ứ khác nhau. Loại trên thì môi tía nhợt kiêm chứng ngực khó chịu, điều trị theo phép hành khí hoạt huyết chọn dùng phương Qua lâu giới bạch bán hạ thang. Loại sau thì môi tía sẫm phải kiêm các chứng ngực đau buốt, mạch sắc lưỡi tôi, điều trị nên hoạt huyết hóa ứ dùng phương Đào hồng Tứ vật thang hợp với Thất tiếu tán.

Chứng Môi tím tái phần nhiều thuộc chứng hâu nghiêm trọng, nó là biểu hiện ở bên ngoài do âm dương khí huyết của nội tạng bị suy nhược, vì thế phần nhiều có các chứng trạng cơ năng của tạng phủ bị suy thoái. Hư thì ngưng trệ có thể hình thành chứng trong hư lẫn thực. Thực có thể gây thành tổn có thể biến thành chứng trong thực có hư. Vì thế đơn thuần là thực thì ít mà chứng hậu kiêm cả hư thực thì khá nhiều. Lâm sàng nên cân nhắc nặng nhẹ của hư thực mà xử lý.

Trích dẫn y văn

  • Phụ nữ sắp đến lúc sinh, hoặc là ở ngưỡng cửa đẻ khó muốn biết sống chết lành dữ thế nào chỉ cần xem sắc mặt sản phụ xanh, môi xanh, lưỡi xanh, miệng chầy dãi nhiều không dứt là dấu hiệu cả mẹ lẫn con đều chết (Hình sắc ngoại chẩn giản ma).
  • Trong môi có sắc xanh là cảm nhiễm phong hàn phát thành bệnh kinh tổn thương đến Tỳ (Tứ. chẩn quyết vi – Nhi khoa vọng chẩn).
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây