Khái niệm
Chứng Môi nứt nẻ sách Y học chuẩn thằng gọi là “thần thũng liệt”, sách Trương Thị y thông mục “Thần” có các tên là “Thần liệt”, “Thần táo liệt”. Ngoài ra còn có chứng “Thần tiêu”, về nguyên nhân và cơ chế bệnh cũng giống với chứng này cho nên thảo luận chung ở mục này.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Môi nứt nẻ do Tỳ Vị nhiệt thịnh: Biểu hiện lâm sàng là môi miệng sưng đỏ, có nhiều vết nứt và rất khát. Phần nhiều có chứng mau đói hoặc hôi miệng, đại tiện bí kết, mạch Hồng Đại hoặc Hoạt Sác, Trầm Thực, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng đầy.
- Môi nứt nẻ do âm hư hỏa vượng: Có chứng môi đỏ khô nẻ, gò má đỏ, triều nhiệt, mồ hôi trộm, hư phiền mất ngủ, tiểu tiện vàng, đại tiện bí kết, chất lưỡi đỏ ít rêu, mạch tượng Tế Sác.
Phân tích
- Chứng Môi nứt nẻ do Tỳ Vị nhiệt thịnh: Phần nhiều do nhiệt tà vào lý hoặc ăn nhiều thức cay nóng nồng hậu là những nguyên nhân gây bệnh. Môi là ngoại hậu của Tỳ, Túc Dương minh Vị kinh đi vòng quanh miệng môi, Tỳ Vị nhiệt thịnh thì môi không được tu dưỡng cho nên phát sinh môi nứt nẻ. Trên lâm sàng phần nhiều còn biểu hiện các chứng trạng thực nhiệt ở Dương minh như phiền khát, mau đói và hôi miệng. Điều trị theo phép thanh tiết thực nhiệt ở Tỳ Vị, cho uống Thanh lương ẩm hoặc Tư thần ẩm khiến cho trên và dưới mát mẻ thì hỏa nhiệt sẽ tự tiêu. Mục Thần liệt sách Thạch thất bí lục khi bàn về phép chữa môi nứt nẻ có viết: “Hỏa thịnh cực điểm… rất khát tuy không phải là chứng do Thương hàn phát sinh… dùng Bạch hổ thang cũng cứu được, nhưng nếu dùng quá thuốc lạnh sợ làm thương Vị khí nên thường là sau khi nhiệt lui là phát sinh tai biến, cuối cùng vẫn không cứu được, cho nên dùng Bạch hổ thang không được xem nhẹ. Tôi có chế ra một phương gọi là Thanh lương tán”.
- Chứng Môi nứt nẻ do âm hư hỏa vượng: Phần nhiều do nhiệt bệnh cấp tính làm hao thương âm dịch hoặc là ngũ chí quá cực hóa hỏa thương âm, hoặc là uống quá nhiều các loại thuốc ôn táo làm hại âm dẫn đến âm hư hỏa vượng, hỏa bốc lên miệng xuất hiện chứng môi nứt nẻ và còn kiêm cả hiện tượng âm hư nội nhiệt như các chứng gò má hồng môi đỏ, triều nhiệt, mồ hôi trộm, hư phiền không ngủ, chất lưỡi đỏ, mạch Tế Sác. Chứng này với chứng Môi nứt nẻ do Tỳ Vị nhiệt thịnh tuy đều có hiện tượng nhiệt nhưng chứng này là hư nhiệt, chứng kia là thực nhiệt. Thực nhiệt điều trị theo phép tắc vừa thanh vừa tiết bỏ hư hỏa, nên theo phương châm “Tráng thủy chi chủ dĩ chế dương quang” dùng phương Tư âm địa hoàng hoàn.
Trích dẫn y văn
- Phong tà ẩn náu ở Tỳ kinh, môi khô nẻ nhưng không biến mầu, cho uống Tê giác thăng ma thang bỏ Bạch Phụ tử gia Chỉ xác, Thạch hộc, Phụ nữ uất giận Can Tỳ tổn thương thường hay bị chứng này nên cho uống các phương Tiêu dao, Quy Tỳ hoặc Tiểu Sài hồ (Trương thị y thông – Thần – quyển 8).
- Chứng môi khô, Tỳ quản lý môi nếu môi dưới bị khô là Tiểu trường bị hun đốt, bị nhiệt bệnh mà miệng ráo môi khô là bệnh ở Tỳ. Môi khô nẻ không tươi nhuận là Tỳ nhiệt (Vọng chẩn tuân kinh – Chẩn thần hình dung điều mục).